Cách quản lý tài chính gia đình hiệu quả

Đây là 1 bài viết đáng để suy ngẫm về cách quản lý tiền bạc trong gia đình. Dù ngắn gọn nhưng ẩn chứa sự tinh tế, có thể sẽ giúp bạn chi tiêu hợp lý và tiết kiệm hơn trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn.





Cách quản lý tiền hiệu quả trong gia đình

 

Khi bạn kết hôn, việc xây dựng một cuộc hôn nhân hoàn hảo không thể thiếu yếu tố tài chính. Dù bạn kiếm được nhiều hay ít tiền thì việc lên kế hoạch chi tiêu cụ thể và tính toán linh hoạt vẫn giúp gia đình bạn an toàn "thoát hiểm" qua những cơn bão giá và có một tương lai ổn định hơn.

1. Cởi mở về vấn đề tài chính

Đối với một số cặp vợ chồng, việc thảo luận công khai và cởi mở về chuyện tiền bạc dường như rất khó khăn. Với các cặp đôi mới bắt đầu bước vào đời sống hôn nhân, cần thống nhất các quy tắc như ai sẽ là người giữ tiền, công khai các khoản chi tiêu bằng cách ghi lại và báo lại còn số dư, hoặc thiếu với người còn lại. Càng cởi mở và rõ ràng bao nhiêu, bạn càng đỡ mệt đầu và tránh những xung đột không đáng có giữa hai vợ chồng.

2. Để riêng một khoản dùng khi cần thiết

Dù tình hình tài chính của vợ chồng bạn có tốt đến đâu thì vẫn cần phải để ra một khoản tiết kiệm nhất định vào mỗi tháng và để riêng, phòng trường hợp cần thiết. Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và chưa có dấu hiệu chấm dứt, điều bạn cần làm là chuẩn bị sẵn một lượng tiền mặt nhất định để chi trả khi xảy ra biến cố.
 

  Ảnh minh họa: Inmagine.

3. Theo dõi ngân sách

Việc theo dõi số tiền tiêu hàng ngày cũng quan trọng không kém việc thiết lập ngân sách. Nếu bạn không biết chính xác tiền tiêu mỗi ngày vào những khoản gì, cuối cùng bạn sẽ không kiểm soát được mức chi tiêu và phải "rút lõi" từ các khoản tiết kiệm cố định. Theo dõi được các khoản chi tiêu cũng giúp bạn nắm được tình hình tài chính hiện tại của gia đình và có những điều chỉnh cho hợp lý.

4. Kiểm soát tiền linh hoạt

Khi đặt ra những mức chi tiêu cho hàng tháng, bạn cũng nên thay đổi dựa trên tình hình hiện tại. Giá cả các mặt hàng có tăng hay không, nhu cầu cá nhân tốn kém như thế nào, việc bạn sinh con, những phát sinh... Không nên cố định mãi khoản tiền định mức chi tiêu, bạn cần thay đổi để phù hợp hoàn cảnh nhưng vẫn bảo đảm có một khoản nhỏ để tiết kiệm.

5. Tiết kiệm để nghỉ hưu

Tận hưởng hiện tại với những người thân yêu là việc bạn nên làm nhưng cũng cần đề ra một kế hoạch tài chính dài hơi sau khi bạn về hưu. Có một khoản tiết kiệm để sử dụng lúc nghỉ hưu sẽ giúp cuộc sống về già của bạn đỡ vất vả hơn.

6. Sẵn sàng cho các bất đồng

Chuyện tiền nong giữa vợ chồng nhiều khi làm nảy sinh bất đồng. Khi chồng dùng tiền mua những món đồ đắt tiền mà không hỏi ý kiến vợ, hoặc vợ mua sắm quá đà, không kiểm soát được cũng khiến đối phương khó chịu. Nên đặt ra các quy định từ đầu, các khoản chi tiêu quá lớn cần phải có sự thống nhất giữa cả hai người. Ngoài ra, các khoản chi tiêu cho thời trang, làm đẹp của vợ nên có một mức cố định.

7. Trả các khoản nợ sớm

Nếu bạn phải nợ tiền, hãy ưu tiên trả nợ trước khi thực hiện các việc khác. Càng trả sớm nợ càng tốt. Nó không chỉ giúp tinh thần bạn cảm thấy dễ chịu hơn mà việc trả lãi cũng đỡ nặng nề theo mỗi tháng.

8. Đầu tư vào bảo hiểm

Việc mua bảo hiểm giúp bạn tránh được những khó khăn về sau. Thực tế, vợ chồng bạn cần tạo sự ổn định tài chính cho cuộc sống sau này. Mua bảo hiểm không chỉ là về tiền bạc mà còn bảo đảm tương lai bền vững cho vợ chồng bạn.

9. Mở một tài khoản riêng hoặc chung

Nếu bạn giỏi quản lý tài chính cá nhân, nên mở các tài khoản tiết kiệm riêng biệt. Việc mở chung một tài khoản tiết kiệm với số tiền lớn bạn sẽ kiểm soát đơn giản hơn nhưng cũng sẽ có ít tiền lãi hơn.
 

Quản lý tài chính của phụ nữ hiện đại

Tài chính là một vấn đề nan giãn của rất nhiều người. Để có thể chi tiêu một cách hợp lý và thiết thực, chúng ta cần tính toán một cách chi ly để có thể chan trải cho cuộc sống. Bây giờ vật giá đã lên cao. Nếu không biết cách quản lý tài chính sẽ khiếng cho cuộc sống vất vả thêm.

Phụ nữ ngày nay đã biết phát huy vai trò nắm giữ “tay hòm chìa khóa” trong gia đình một cách thông minh. Trên các diễn đàn, các chị em đã chia sẻ với nhau thật nhiều bí quyết để quản lý tài chính gia đình.
 

Tài chính là một vấn đề nan giãn của rất nhiều người. Ảnh: internet


Lập bảng theo dõi thu chi hằng tháng

Đây được coi như một công cụ hữu ích để các chị em quản lý được tài chính gia đình. Mọi phần thu - chi khi được liệt kê chi tiết hằng ngày như sổ kế toán của một công ty sẽ được đong - đếm kỹ càng hơn.

Chị Linh Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Mình và ông xã thu nhập không ổn định, tháng nào có nhiều tiền thì tiêu nhiều, tháng nào kiếm ít lại không biết cân đối. Giờ dùng bảng theo dõi thu chi, mình đã giảm thiểu được những lãng phí và dành ra những khoản tiết kiệm thường xuyên”.

Tạo thói quen tiết kiệm đều đặn có kỷ luật

Ai cũng biết “sức mạnh” của các khoản tiết kiệm, nhưng không phải gia đình nào cũng giữ được thói quen này thường xuyên. Thu nhập không ổn định hoặc những khoản “cơi nới” bất chợt nho nhỏ đôi lúc làm mọi người ngại phải đi gửi vào ngân hàng. Các chị em đã chia sẻ với nhau cách tiết kiệm tiền hiệu quả với công thức: Tiết kiệm = thu nhập - chi tiêu.
 


Các chị em chỉ cần tiết kiệm một khoản nhỏ mỗi năm. Ảnh: internet

Chị Quỳnh Vân (Đà Nẵng) viết: “Mình và ông xã xác định mỗi tháng nhất định phải để dành được một khoản cố định là 10 triệu đồng, sau mỗi năm lại tăng thêm 10%, cho dù tình huống nào cũng không đụng tới. Có tháng hết tiền tiêu, mình phải vay mẹ tiêu tạm nhưng vẫn đóng đủ tiền tiết kiệm.  Nhờ “kỷ luật thép” như vậy nên giờ hai vợ chồng cũng có số vốn kha khá…”.

Bảo đảm cho kế hoạch tài chính của bạn

Các chị em khi đã tiết kiệm cho những dự định lớn, lại lo lắng lỡ có rủi ro xảy ra thì chỉ nhận được số tiền đã tiết kiệm, nhưng lại không thể bảo đảm thực hiện mong muốn. Hiện nay, mọi người đang chia sẻ với nhau về việc sử dụng các sản phẩm bảo hiểm, là cách quản lý tài chính 2 trong 1: vừa tiết kiệm lại vừa bảo vệ kế hoạch tài chính lâu dài. Nếu có rủi ro xảy ra, toàn bộ số tiền bảo hiểm dự định tiết kiệm sẽ được trang trải. Như vậy, các chị em chỉ cần tiết kiệm một khoản nhỏ mỗi năm để có một số tiền lớn khi mình cần.

Như vậy, cùng với sự năng động và hiểu biết về tài chính, sự vun vén “năng nhặt chặt bị”, các chị em đã lựa chọn được cho mình những trợ thủ đắc lực để quản lý tài chính gia đình. Cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy và an tâm là điều hoàn toàn có thể chủ động - đó là phương châm của phụ nữ hiện đại và thông minh.

MỜI BẠN THAM KHẢO THÊM:

Kinh Nghiệm Nhỏ Quản Lý Chi Tiêu Gia Đình Hiệu Quả


Chúng tôi mới kết hôn được hơn một năm, khi đó tôi chưa có việc làm còn anh ấy thì làm việc ở một công ty nhà nước, lương tháng đủ để chúng tôi chi tiêu hàng ngày và để ra được chút tiền, nói chung chúng tôi có một cuộc sống khá thoải mái.

Ngay từ đầu tôi đã biết anh hay có tính chi ly, tiết kiệm (nhưng không đến mức ky bo) nên tôi đã ý thức được việc mình phải chi tiêu thật đúng mực, lương tháng anh chỉ đưa cho tôi khoảng 70%, còn lại anh để ở tài khoản dành cho việc ăn trưa và chi tiêu cá nhân.

Tuy nhiên anh vẫn kiểm soát số tiền mà tôi giữ còn bao nhiêu, thậm chí có lúc anh còn hỏi tôi những câu đại loại như “tiêu gì mà còn có thế này”, “mỗi chợ búa, rau dưa thì làm gì mà hết ngần ấy”. Tôi hết sức bất ngờ và chẳng biết nói thế nào vì làm sao có thể nhớ cân, lạng và giá tiền của biết bao cái lặt vặt hàng ngày như vậy, cũng xin nói thêm là tôi cũng không phải người hoang phí, không biết cách chi tiêu.

Về sau tôi nghĩ ra một cách đó là ghi lại tất cả khoản chi tiêu hàng ngày vào một cuốn sổ nhỏ nhưng cũng không đến mức quá chi tiết, ví dụ: tiền nước, điện, đi chợ, mua quần áo, mỹ phẩm…(các lần đi chợ chênh lệch chẳng đáng kể nên hơn kém một chút cũng chẳng ai hơi đâu mà để ý nên mình không cần ghi là rau bao nhiêu, thịt cá bao nhiêu).

Thế là mỗi khi anh hỏi đến là tôi lại đưa cuốn sổ đó cho anh đọc, chẳng có gì phải bàn. Vài tháng sau, anh bảo tôi không cần phải ghi chép như vậy nữa, vừa mất thời gian mà anh lại mang tiếng quản lý vợ.

Nhưng tôi vẫn giữ thói quen đó tới tận bây giờ vì tôi nghĩ sẽ có những to tiếng về vấn đề tiền bạc anh lại lôi ra, và một điều quan trọng hơn là tôi đã tập luyện cho mình thói quen quản lý chi tiêu hiệu quả.

Tháng nào tôi cũng cộng lại tất cả các khoản và so sánh với các tháng trước xem mức độ thế nào để điều chỉnh phù hợp hơn. Nhờ vậy mà sau một năm chúng tôi cũng có một khoản tiền nhất định, tôi cũng mới đi làm được 2 tháng và tiết kiệm thêm nữa trước khi quyết định sinh con.

Gia đình tôi hiện tại hạnh phúc, tôi không biết sau khi sinh con rồi, bận rộn nhiều thứ thì có còn thời gian ghi chép, tính toán vậy không nhưng hiện tại tôi thấy việc làm này hiệu quả, các bạn gặp phải trường hợp như tôi hãy thử cách này xem.

Một số cách sau đây sẽ giúp bạn kiểm soát chi tiêu một cách hiệu quả:
Dành hẳn một khoản thu nhập vào quỹ tiết kiệm cá nhân: Mỗi tháng bạn nên dành hẳn một phần thu nhập chưa tính thuế để vào tài khoản tiết kiệm. Bất cứ khi nào "vay nóng" từ tài khoản này, bạn phải có trách nhiệm trả lại. Khoản tiền tiết kiệm dành riêng này sẽ phụ thuộc vào tổng thu nhập và kế hoạch chi tiêu hàng tháng của bạn.
Không "đếm cua" trong lỗ: Bạn không tính những khoản thu nhập chưa chắc chắn có, nghe "phong thanh" sẽ có để đưa vào kế hoạch chi tiêu của mình.
Sử dụng thẻ thanh toán một cách có trách nhiệm: Bạn sử dụng thẻ khi biết chắc bạn có khả năng tài chính để thanh toán sau những gì đã chi tiêu. Tất cả các khoản chi bằng thẻ thanh toán cũng cần phải được ghi vào bảng cân đối ngân sách và coi như một khoản chi bằng tiền mặt, vì bạn thường không kiểm tra tài khoản thẻ thường xuyên.
Lên kế hoạch thanh toán các hoá đơn tự động qua ngân hàng trực tuyến: Phương tiện thanh toán này sẽ giúp bạn giảm thiểu việc di chuyển khi thanh toán các hoá đơn tiền điện, nước, vay mua nhà, vay tiêu dùng… Đây cũng là cách tạo ra danh sách các khoản cần thanh toán hàng tháng đơn giản nhất và dễ dàng kiểm soát nhất.
Những chiếc phong bì "thần kỳ": Nếu như bạn không quen với việc giao dịch ngân hàng, sử dụng thẻ thanh toán, bạn chỉ đơn giản phân chia các khoản cần phải thanh toán của cá nhân và gia đình ngay khi nhận được lương vào những chiếc phong bì và ghi rõ: tiền học cho con; tiền chợ hàng tháng; chi phí hoá đơn (điện, nước, điện thoại…); tiền trả nợ; chi phí phát sinh (sinh nhật, dự đám cưới…)… Những chiếc phong bì nào còn dư tiền vào cuối tháng sẽ được dồn vào phong bì tiết kiệm.
Lên danh sách các khoản thu nhập và chi phí hàng tháng: Đây là bước đầu tiên và quan trọng để áp dụng những kinh nghiệm đã nêu ở trên. Bạn cần thường xuyên xem lại danh sách này và làm những phép tính cơ bản để kiểm soát những khoản tiền của mình đã được tiêu vào đâu.
Quay lại sử dụng tiền mặt đối với các khoản mua sắm nhỏ (tiền chợ, tiền ăn trưa, tiền cà phê với đồng nghiệp…), nếu như bạn không thể tự chủ trong việc dùng thẻ thanh toán. Thực tế, khi dùng thẻ bạn không nhận thấy số tiền thay đổi trước mắt như thế nào. Với số tiền dành riêng cho các khoản mục trên, bạn sẽ nhận thức được mình xài bao nhiêu, còn bao nhiêu và suy nghĩ kỹ mỗi khi rút ví.

Những Cách Cắt Giảm Chi Tiêu

Việc tiết kiệm được tiền bạc phụ thuộc lớn vào thái độ chi tiêu hàng ngày của bạn. Làm thế nào để cắt giảm được những khoản chi không hợp lý? Dưới đây là 1 số gợi ý giúp bạn.

1.Thông minh khi mua sắm ở siêu thị - Một số điểm bạn cần lưu ý trước khi đi siêu thị như liệt kê danh sách hàng hoá cần mua, không mua sắm trong tình trạng bụng đói,...

2.Đừng mang thẻ tín dụng của bạn bên mình trong một tháng - Những lần đầu, bạn có thể sẽ cảm thấy rất khó chịu, bị giới hạn nhưng từ từ bạn sẽ quen dần và không “vung tay quá trán” khi mua sắm. Ngoài ra, khi thực hiện mua bằng tiền mặt bạn cũng nhớ về những lần mua sắm của mình nhiều hơn.

3.Giả vờ như bạn sẽ không có thu nhập trong 2 tháng và định ra số tiền cụ thể để chi tiêu trong 2 tháng đó. Hãy thử cách này, khá thú vị đấy! Hoặc bạn có thể đưa hạn mức tiêu dùng hàng tuần, hàng tháng. Các chính sách chi tiêu này sẽ thử thách khả năng “kiềm chế” trong việc chi tiêu của bạn.

4.Kiểm tra định kỳ tình trạng các thẻ thanh toán – Nhờ thói quen này, bạn có thể không phải “khó chịu” khi phải trả cho ngân hàng các loại phí mà trước đó bạn không hề biết.

5.Lập file theo dõi các khoản chi hàng tháng của bạn trong một năm – Việc làm này giúp bạn theo dõi được cách chi tiêu của mình và sự tăng giảm của giá cả. Sau một năm, bạn có thể vừa tổng kết chi tiêu vừa đánh giá hiệu quả của các chính sách kinh tế của chính phủ.


Cách tiết kiệm chi tiêu cá nhân để ổn định tài chính
Cách lập kế hoạch chi tiêu cá nhân khôn ngoan nhất
Cách tiết kiệm tiền trong chi tiêu hiệu quả
Làm gì khi chồng không đưa tiền cho vợ
Cách tiết kiệm tiền cho vợ chồng trẻ
Có nên cho trẻ tiền tiêu vặt


(ST)