Làm sao để giao tiếp tốt và cách cải thiện kỹ năng giao tiếp hiệu quả
Một trong những bí quyết để trở thành một người giao tiếp tốt là “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Hãy luôn dừng một chút trứơc khi đưa ra câu trả lời.
Nghệ thuật giao tiếp giúp bạn thành công
Khi nói đến thành công, chắc hẳn đa số các bạn đều nghĩ đến công việc, sự nghiệp của một người. Một cuộc khảo sát chỉ ra rằng, những người “thành công”, nghĩa là thành đạt, thì 85% là nhờ giao tiếp giỏi, và còn lại chỉ là 15% năng lực bản thân mà thôi.
Nhưng có khi nào chúng ta suy ngẫm rằng, “thành công” còn được tính trên nhiều phương diện khác, không chỉ là công việc? Phân tích dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nghệ thuật giao tiếp và mối liên hệ với thành công của mỗi người:
Giao tiếp tốt sẽ có cơ hội nghề nghiệp tốt
Chúng ta đều biết rằng, người giao tiếp tốt luôn có ưu thế hơn người có khả năng giao tiếp kém trong mọi mặt, đặc biệt là cơ hội nghề nghiệp. Nhưng cụ thể, vì sao người giao tiếp tốt lại được đề bạt và có khả năng thăng tiến cao hơn nhỉ?
Hãy nghĩ về tình huống giao tiếp hai người cũng làm chung trong một công ty. Một người luôn thân thiện, vui vẻ với người khác. Người kia lại sống khéo kín hơn, ít chia sẻ cùng ai. Bạn sẽ thấy cảm mến ai hơn? Một người giao tiếp tốt sẽ được đánh giá là “có tài ngoại giao”, họ sẽ tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp với người khác. Một mối quan hệ tốt đẹp sẽ giúp bạn dễ dàng thuyết phục người khác hơn, dễ được bỏ qua lỗi lầm hơn, nếu bạn mắc lỗi. Vì người Việt Nam có lối sống cộng đồng, hướng về tập thể nên trong cái lý bao giờ cũng có cái tình do mối quan hệ tốt đem lại. Như vậy, rõ ràng, việc giao tiếp tốt đã mang một lợi thế rất lớn.
Khi bạn giao tiếp tốt, bạn tạo dựng cho mình một mạng lưới quan hệ, rộng hẹp tùy vào thế mạnh của bạn. Hãy thử nghĩ nếu bạn thất nghiệp, thì việc có mối quan hệ rộng sẽ đem lại cho bạn những cơ hội nghề nghiệp mà người bình thường không có được. Có thể mối quan hệ không làm cho bạn xin được vào chỗ làm nào đó, nhưng nếu bạn biết được chỗ đó đang tuyển dụng (không công khai), thì bạn đã có cơ hội hơn rất nhiều người.
Nghệ thuật giao tiếp ở đây, cần nói rằng, không phải chỉ là nói chuyện cho hay, cho khéo, cho vừa lòng người khác, mà nó còn thể hiện nghệ thuật đắc nhân tâm, sự chân thành và ứng xử phù hợp trong các tình huống. Nếu một lời khen đặt không đúng chỗ gọi là nịnh bợ, thì một lời khen ngợi chân thành, đúng đắn chính là nghệ thuật giao tiếp ít người có được.
Giao tiếp tốt sẽ có những mối quan hệ tốt
Ít nhất, trong cuộc sống, giao tiếp tốt sẽ khiến bạn được nhiều người yêu mến hơn, từ đó bạn thấy tự tin hơn và cảm thấy yêu đời hơn.
Giao tiếp tốt tạo ra một hình ảnh tốt về bản thân bạn. Người ta thường nhìn vào cách ứng xử của bạn để suy ra con người của bạn, chứ không ai làm ngược lại. Xét riêng về lời nói, ai cũng thích được nghe lời ngọt ngào, dễ chịu (dĩ nhiên không mang tính chất nịnh bợ rồi), vì họ cảm giác được tôn trọng, được yêu mến. Vậy nên, những người cộc cằn, thô lỗ, luôn nói những lời khó nghe khó mà được yêu mến, dù họ bản chất tốt đến cỡ nào. Sự tốt tính của họ người thân cận mới biết được, còn những ai mới gặp một lần chắc chắn sẽ chẳng lấy làm thiện cảm. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến có người không thực sự tốt với bạn bè nhưng lại có mối quan hệ khá rộng, và ngược lại.
Thành công trong cuộc sống chính là bạn được mọi người yêu mến, được giúp đỡ tận tình khi gặp khó khăn và tìm được những người bạn, người yêu lý tưởng. Nghệ thuật giao tiếp tạo ra hình ảnh tốt trong bạn, nhờ đó bạn dễ được quý mến, yêu thương nhiều hơn. Nhiều người thực sự rơi vào cảnh cô đơn trong cuộc sống chỉ vì họ không biết cách làm quen, nói chuyện, không biết tạo thiện cảm trong lòng người khác. Đây chính là điều bạn cần phải khắc phục nếu bạn đang ở trong trường hợp này.
Nghệ thuật giao tiếp, chúng ta nên hiểu một cách sâu xa là đối xử tốt, chân thành với người khác, và ứng xử đúng đắn, chứ đừng lấy đó làm vỏ bọc cho bản thân bạn. Nhiều người có khả năng giao tiếp tốt nhưng lại thiếu đi sự chân thành – chính điều này sẽ làm cho thành công họ có được khó mà bền vững.
Để có được văn hóa giao tiếp trong nghề nghiệp, cần phải học tập và rèn luyện hai loại kỹ năng quan yếu sau đây :
1. Kỹ năng gây được thiện cảm với người mà ta tiếp xúc, dù đó là người không được ta thiện cảm. Kỹ năng này giúp ta có thêm bạn, thêm sự đồng tình và hỗ trợ từ khách quan.
2. Kỹ năng hiểu được thực chất của người mà ta giao tiếp, dù đó là người đã gần ta lâu ngày. Kỹ năng này giúp ta tránh được ngộ nhận khi hợp tác hoặc không hợp tác với người khác.
Loại kỹ năng thứ nhất được trui rèn chủ yếu bằng việc luyện tâm. Cái tâm giao tiếp gồm tổ hợp các đức tính cơ bản : trung thực nhưng vẫn tỉnh táo, ân cần nhưng có khoảng cách, cởi mở nhưng biết chế ngự, lắng nghe nhưng biết suy xét, nhẫn nhục nhưng có bản lĩnh. Bao trùm lên những tố chất đó là một thái độ lịch thiệp, sẵn sàng nở nụ cười kẻ cả lúc ngặt nghèo nhất. Trong giao tiếp, tối kỵ những điều sau đây : chơi trội, ba hoa, phô trương, khinh mạn, phách lối, hống hách (với người dưới quyền càng không được như vậy).
Loại kỹ năng thứ hai được rèn tập thông qua các công đoạn : quan sát, thử thách, lại quan sát, lại thử thách (tối thiểu 10 lần đối với những trường hợp mà thực chất của họ được che đậy tinh vi). Tiếp theo mỗi lần quan sát và thử thách là phân tích, tổng hợp, nhận định, phối kiểm (qua nhiều kênh thông tin) nhận định lại, phối kiểm tiếp. Cuối cùng, đưa ra quyết định nhằm vào 1 trong 3 phương án :
- Hoặc nới lỏng quan hệ giao tiếp (trì hoãn dần)
- Hoặc thắt chặt quan hệ giao tiếp (gắn bó thêm)
- Hoặc đình chỉ quan hệ giao tiếp (đoạn tuyệt hẳn).
Do hiểu sai thực chất của người khác (nhất là trường hợp hiểu lầm người xấu thành tốt), có khi ta phải trả giá rất nặng nề cho sự nghiệp, tay nghề không mất nhưng cơ nghiệp lại tiêu.
Vài thao tác cơ bản để rèn luyện kỹ năng giao tiếp
Đặc điểm chung của người ít giao tiếp là không có thói quen chào hỏi mọi người. Mặc dù họ không có ý xem thường, xa lánh…người xung quanh nhưng thói quen ít nói đã ăn sâu và họ luôn giữ bộ mặt lạnh lùng khi gặp người khác. Hãy tập thân thiện với người xung quanh bằng những câu chào hỏi ngắn, ánh mắt thân thiện và nụ cười tươi, bạn sẽ thấy cởi mở hơn đấy.
Nên nhớ khi chào hỏi người lớn tuổi cần có tình thái từ và động tác khẽ cúi đầu để thể hiện sự kính trọng của bạn với họ.
Sau khi tập các câu chào hỏi như “chào anh, chào chị, chào bác ạ…”, bạn có thể nán lại một lúc với ai đó hoặc chủ động bắt chuyện với ai đó bằng những mẩu hội thoại ngắn. Ví dụ như bạn đi đổ rác và gặp bác hàng xóm ngồi nhìn sang, bạn có thể cười cúi đầu chào và hỏi bác ăn cơm chưa,…
Sau khi đã tham gia một số mẩu trò chuyện ngắn một thời gian, ít nhiều bạn sẽ thấy những nhược điểm trong giọng nói, cách trò chuyện, dáng đi đứng của mình. Lúc này, những bài tập cơ bản bạn cần tập là:
- Xem lại dáng đứng đã thẳng người chưa. Học cách đi thẳng người và tập thể dục để có dáng chuẩn.
- Học cách ngẩng đầu và nhìn thẳng vào mắt người đối diện
- Đứng trước gương và xem xem nụ cười của bạn đã ổn chưa, bạn cười tươi nhất ở dáng vẻ nào…
Khi đã tự tin về ngoại hình, bạn sẽ dạn dĩ hơn trong việc tiếp xúc với người lạ.
Có thể bạn sẽ ngại giao tiếp vì khả năng diễn đạt kém, việc nói chuyện với mọi người gặp trắc trở…Vậy thì hãy tập cách diễn đạt rành mạch bằng một cuốn sách. Đọc đi đọc lại một đoạn và tìm cách diễn đạt tự nhiên nhất. Sau đó, tự viết ra đoạn văn cho riêng mình và luyện tập với đoạn văn riêng đó. Thói quen này sẽ hình thành cho bạn phản xạ nói mạch lạc, logic.
Đôi khi bạn gặp ai đó ở một nơi công cộng mà bạn thấy rất cảm mến, nhưng lại không đủ can đảm làm quen với họ. Hãy phá vỡ rào cản sợ hãi này bằng cách tập chủ động tới bắt chuyện với ai đó. Hãy tạo tình huống làm quen bằng cách hỏi đường, nhờ giúp đỡ…để cuộc trò chuyện tự nhiên hơn. Làm được điều này thì những lần sau bạn đã tự tin hơn để giao tiếp với những người bạn quen biết sơ hoặc mới gặp lần đầu đấy.
Bí quyết giao tiếp hiệu quả
Một khoảng dừng ngắn (từ 3 đến 5 giây) sẽ mang lại cho bạn cả ba lợi ích sau:
- Thứ nhất, bạn tránh được hành động khiếm nhã là ngắt lời của người đang trò chuyện khi họ chỉ muốn nghỉ lấy hơi một chút trước khi tiếp tục nói.
- Thứ hai, với việc không chen ngang vào cuộc trò chuyện, bạn thể hiện mình suy nghĩ nghiêm túc trước những lời nói của người đối diện.
- Thứ ba, bạn sẽ lắng nghe người đang trò chuyện tốt hơn. Nhờ vậy, những lời nói của họ sẽ ngấm sâu vào tâm trí bạn và bạn sẽ hiểu rõ điều họ đang nói. Với một khoảng dừng ngắn trước khi trả lời, bạn thể hiện mình là một người biết cách giao tiếp.
Đặt câu hỏi khi cần
Một cách nữa để trở thành một người giao tiếp tốt là đặt câu hỏi để làm rõ vấn đề. Đừng bao giờ tự cho mình đã hiểu hết những gì người khác đang nói hay muốn nói. Hãy hỏi: “Ý bạn muốn nói gì?” nếu bạn chưa hiểu rõ điều họ trình bày.
Người trò chuyện với bạn khó lòng mà từ chối trả lời câu hỏi này. Khi bạn hỏi “Ý bạn muốn nói gì?”, mọi người sẽ giải thích ý họ rõ ràng hơn. Dựa vào đó, bạn có thể hỏi tiếp những câu hỏi mở khác và khiến cuộc trò chuyện được tiếp nối một cách liền mạch.
Nhắc lại và ngắn gọn hơn
Bí quyết thứ ba để trở thành một người giao tiếp tốt là nhắc lại lời của người trò chuyện với bạn một cách ngắn gọn hơn và bằng ngôn từ của chính bạn. Sau khi gật đầu và cười, bạn có thể nói: “Để xem tôi có hiểu đúng ý bạn không. Bạn muốn nói là …”
Nhắc lại lời người khác nói một cách ngắn gọn hơn thể hiện bạn đang thật sự chú tâm và nỗ lực để hiểu ý nghĩ hay cảm xúc của họ. Điều tuyệt diệu là khi bạn biết cách lắng nghe, mọi người sẽ thấy bạn thật cuốn hút. Họ sẽ muốn tiếp xúc với bạn vì họ cảm thấy thoải mái và vui vẻ khi có bạn bên cạnh.
Luôn luôn lắng nghe
Sở dĩ lắng nghe là một công cụ hữu hiệu trong việc phát triển kỹ năng và nghệ thuật giao tiếp vì nó giúp bạn xây dựng lòng tin. Bạn càng lắng nghe người khác chăm chú, người ta càng tin tưởng bạn hơn. Ngoài ra, lắng nghe cũng góp phần làm người đối diện cảm thấy được tôn trọng hơn.
Cuối cùng, lắng nghe giúp rèn luyện tính kỷ luật của con người. Do trí óc của bạn có thể xử lý từ ngữ ở tốc độ 500 – 600 từ một phút, và mọi người chỉ có thể nói ở tốc độ 100 - 150 từ một phút nên bạn sẽ phải nỗ lực nhiều mới có thể duy trì sự tập trung khi lắng nghe những lời người khác nói. Nếu bạn không luyện tính kỷ luật trong giao tiếp, trí óc của bạn sẽ nhanh chóng “phiêu du” nơi khác. Rèn luyện kỹ năng lắng nghe chính là một cách hay để bạn phát triển tính cách và nhân cách của chính bạn.
Bài tập dành cho bạn
Đây là hai bài tập bạn có thể thực hiện ngay để luyện kỹ năng giao tiếp:
- Đầu tiên, hãy tập thói quen luôn dừng 3 đến 5 giây sau khi nghe người khác nói rồi hãy trả lời.
- Thứ hai, hãy luôn hỏi “Ý bạn muốn nói gì?” nếu bạn chưa hiểu rõ những điều mọi người nói. Việc này sẽ giúp bạn lắng nghe họ tốt hơn.
Nguyên tắc trong kỹ năng giao tiếp
Bí quyết để tự tin trong giao tiếp
Nghệ thuật trong giao tiếp kinh doanh
Đặc trưng của văn hóa giao tiếp
Làm sao để giao tiếp tốt
(ST)