Cách sơ chế cá lóc đúng cách cho món ăn thơm ngon đậm vị

Cách sơ chế cá lóc đúng cách cho món ăn thơm ngon đậm vị.Có những thứ xung quan bạn cứ tưởng là đồ bỏ đi nhhưng không phải vậy. Những thứ đơn giản như tro bếp giúp bạn loại bỏ chất nhầy và mùi tanh của cá, hoặc rượu trắng, giấm, chanh... vẫn rất hiệu quả trong vấn đề này.


Cách làm giảm mùi tanh của cá

1. Làm sạch cá

Phải làm sạch cá bằng cách bỏ đi nội tạng, đánh vảy (trừ khi bạn muốn để vảy), bỏ vây, làm sạch màng trắng đục trong bụng. Các loài cá lóc, cá thu, cá chép... hai bên sườn cá có một sợi gân trắng tạo ra mùi tanh. Khi làm cá, nhớ cắt sát mang cá sẽ thấy đường gân đó lộ ra. Dùng tay lấy đường gân đó thì cá sẽ bớt mùi tanh khi chế biến.

Khi sơ chế các loại cá da trơn như basa, cá hú, cá trê, lươn... bạn có thể sử dụng tro bếp, chà xát lên mình cá sẽ giúp loại bỏ chất nhầy. Nếu không có sẵn tro bếp, có thể đun nước hơi nóng, rưới lên mình cá rồi dùng dao cạo sạch vừa giúp cá sạch chất nhầy vừa loại bỏ mùi tanh. 

Những loại cá da trơn như cá ba sa, cá trê, cá hú.... cách làm sạch chất nhầy hiệu quả nhất là sử dụng tro bếp, muối hột hoặc nước nóng

2. Nước vo gạo

Những loài cá có mùi tanh đặc trưng như cá lóc, cá trê, cá chép... sau khi làm sạch, bạn có thể ngâm vào nước muối pha loãng hoặc nước vo gạo trong khoảng 15 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch cá sẽ bớt mùi tanh. Các loại cá da trơn, sau khi đã làm sạch, cách tốt nhất để hạn chế mùi tanh là lấy muối hạt chà xát lên cá, sau đó rửa lại bằng nước sạch.  

3. Sử dụng rượu trắng

Cá sau khi làm sạch, ướp với ít rượu trắng pha loãng trong khoảng 2 phút rồi lau khô, sẽ bớt tanh.

Chế biến cá hấp, bạn cho ít rượu trắng vào nước hấp, hơi rượu sẽ làm mùi tanh của cá bay mất.

Khi ướp cá với các loại gia vị, bạn có thể sử dụng một ít rượu trắng, điều này không chỉ làm cá mất mùi tanh mà còn chín mềm và thơm ngon hơn.

Ướp cá với các loại gia vị có mùi thơm hay cay như tiêu, ớt, gừng, hành... sẽ giúp cảm giảm bớt mùi tanh.

4. Sử dụng các loại gia vị

Ướp cá với các loại gia vị có mùi thơm như tiêu, hành, ớt, gừng, rau cần... để làm bớt mùi tanh. Chà xát cá với ít rau răm cũng giúp loại bỏ mùi tanh cho cá.

Các loại rau có vị chua như mẻ, me, sấu, khế... nấu với cá cũng giảm mùi tanh.

Để làm món cá rán, bạn ngâm cá vào ít sữa bò tươi, khi rán sẽ không tanh và có hương vị thơm ngon.

Lưu ý, các món ăn từ cá dù rán, kho, hấp hay nấu canh... nên thưởng thức ngay khi còn nóng. Điều này không chỉ đem lại sự ngon miệng mà còn giúp bạn tránh được mùi tanh của món ăn khi để nguội.

Bật mí mẹo vặt khi chế biến cá

Cá là nguyên liệu thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên vẫn có nhiều người không thích ăn cá với hai lý do: mùi tanh và nhiều xương.

Vì vậy, khi chế biến cần chú ý một số chi tiết sau:

1/ Khắc phục mùi tanh: chú ý trong từng giai đoạn sơ chế, lựa chọn gia vị tẩm ướp, ăn kèm cũng như phương pháp chế biến phù hợp. Giai đoạn sơ chế quan trọng ở khâu chọn nguyên liệu. Cá còn sống hoặc còn tươi thì ít tanh hơn cá chết hoặc chết lâu mà không được bảo quản tốt. Với cá biển, nên chọn cá tươi, da, vảy còn bám chặt vào thân, mắt cá trong, mang đỏ và thân cá còn độ đàn hồi, rắn chắc. Khi làm cá, nên rửa cá hoặc xát muối vào thân cá, rửa bỏ hết máu tanh ở bụng và máu đọng dọc xương sống cá, bỏ mang cá. Với cá lóc cần lạng bỏ phần da và vảy cá.

Chú ý với hai vảy tanh ở sát đầu cá, phải loại bỏ cũng như bỏ chỉ tanh ở sát xương sống lưng của cá. Tùy theo từng món chế biến, khi ướp cá có thể ướp với vài giọt chanh nhằm giúp mất mùi tanh. Một số món chiên có xốt chua ngọt hoặc làm nước mắm, có thể thêm gừng giúp khử tanh (như trong món cháo cá, cá chẽm chiên xốt chua ngọt, món cá trê chiên ăn với nước mắm gừng). Sau khi sơ chế, cần thấm khô cá rồi mới chế biến để giảm mùi tanh.

2/ Chọn cá phù hợp cách chế biến: cần phân biệt những loại cá nhiều xương và cá ít xương. Các loại cá ít xương có thể kể: cá chẽm, cá hồi, cá hú, cá bông lau, cá ba sa, cá chim, cá đuối. Các loại cá này có thể chế biến các món chiên, nấu canh, kho, nướng rất ngon. Khi chế biến có thể để nguyên con, cắt khúc hoặc lạng phi-lê, chỉ lấy phần thịt. Với các loại cá nhỏ như cá kèo, cá bống trứng, cá cơm, cá nục, cá linh có thể chiên giòn nguyên con hoặc kho rục với nước dừa.

Các loại cá này có xương mềm nên thường chỉ bỏ phần xương sống là có thể ăn dễ dàng. Với các loại cá có nhiều xương như cá sặt, cá rô, cá trê thường chiên giòn, nướng hoặc luộc, lấy thịt cá để nấu cháo, nấu canh.

3/ Lưu ý, khi chế biến nếu không khéo các món ăn dễ bị vỡ, nát vì thịt cá mềm. Nếu làm món cá chiên, nên để thật ráo, sau đó tẩm cá qua một lớp bột tẩm khô (bột năng, bột mì, bột chiên giòn) rồi chiên. Khi chiên cần để chảo dầu nóng, cho cá vào chờ vàng một mặt mới trở cá bằng cách nâng nguyên miếng cá hoặc cả con cá lên nhẹ nhàng. Trở sang mặt còn lại, tiếp tục chiên vàng. Nhiệt độ dầu chiên lúc đầu nóng già, khi cá hơi vàng thì bớt lửa để cá chín đều.

Với các món cá kho, chú ý tẩm ướp với gia vị, nước màu cho cá thật thấm. Khi bắt đầu kho thì không đảo, trộn nhiều, cũng không để nước kho cá sôi mạnh dễ làm cá vỡ nát. Với món luộc hoặc hấp thì cá vừa chín lấy ra dùng nóng, không hấp hoặc luộc quá kỹ làm cá nát đồng thời thịt cá bị khô, mất đi độ ngọt.

Cách làm món canh cá lóc rau cần

Nguyên liệu

- Cá lóc: 250g

- Rau cần nước: 200g

- Hành tím, tiêu, muối

- Nước mắm, dầu ăn

- Bột ngọt 

Sơ chế

- Cá làm sạch, luộc cá với 1 lít nước sôi có nêm chút muối, gỡ lấy thịt cá, bỏ xương.

- Rau cần ngâm nước vo gạo, rửa sạch, cắt khúc vừa ăn 5cm. Hành tím cắt lát, băm nhỏ.

- Phi thơm hành tím với 1M dầu ăn, cho thịt cá vào và nêm 1 chút muối, bột ngọt AJI-NO-MOTO® và 1 ít tiêu, trộn đều, tắt lửa.

Nấu canh

- Đun sôi nước luộc cá, cho cần vào nấu chín khoảng 1 phút, tắt lửa, tiếp tục cho thịt cá vào, nêm thêm 1 ít muối, bột ngọt AJI-NO-MOTO®, và nước mắm.

Cách dùng

- Múc canh ra tô, rắc thêm tiêu. Dùng nóng với cơm, nước mắm nguyên chất và ớt cắt lát.

Mách nhỏ

- Rau cần vốn mọc dưới nước có nhiều rong rêu, muốn rửa sạch nên ngâm vào nước vo gạo hoặc nước có pha bột năng, sau đó rửa sạch lại.

- Rửa rau sạch rồi mới cắt sẽ giữ lại nhiều vitamin C có trong rau.

Cách làm bánh canh cá lóc huế

Ở Huế, bánh canh cá lóc không chỉ được xem là món ăn dân dã trên các quán xá, hè phố, mà trở thành một đặc sản của vùng đất sông Hương núi Ngự.

So với các đặc sản khác của xứ Huế như cơm hến, mắm tôm, bánh canh có phần khiêm tốn hơn về mức độ phổ biến, song vẫn là một trong những món ăn chiếm được nhiều cảm tình của người bản địa lẫn khách du lịch. Tùy vào gu ẩm thực của mỗi người, bánh canh có những cách chế biến khác nhau, chẳng hạn bánh canh nấu tôm, chả cua, bò viên, da lợn,... Tuy nhiên, đặc sắc và thu hút nhất vẫn là bánh canh cá lóc.

Món bánh canh cá lóc có thành phần khá đơn giản, bao gồm sợi bánh canh làm từ bột gạo và thịt cá lóc đồng. Thế nhưng, việc chế biến một tô bánh canh đúng chất vẫn đòi hỏi nhiều về sự tỉ mẩn, công phu của người làm.

Khâu làm bánh canh, nguyên liệu chính của món ăn luôn là khâu quan trọng hàng đầu. Bột gạo được chọn để làm bánh phải đảm bảo được độ dai dẻo và vị ngọt tự nhiên khi nấu lên. Hiện một số tiệm bánh canh gia truyền ở Huế vẫn giữ cách làm bánh thủ công thay vì mua bánh chế biến sẵn, giúp hương vị mỗi mẻ bánh làm ra luôn được như ý.

Gạo sau khi đem ngâm từ hai, ba tiếng thì đổ vào cối xay nhuyễn cho đến khi cảm thấy bột mịn, không bị bám dính vào tay là đạt yêu cầu. Bắc nồi bột lên bếp, thêm một ít muối rồi khuấy đều, đến lúc bột hơi sánh lại thì nhanh tay nhấc xuống. Trộn thêm một ít bột năng, đổ hỗn hợp vào một bịch ni lông, cắt một lỗ nhỏ ở đầu rồi bóp cho bột chảy vào một nồi nước đang sôi, đồng thời cho thêm vào nồi một ít dầu. Khi nước bắt đầu sôi, bánh canh nổi lên thì lấy bánh ra ngoài, cho vào một thau nước lạnh rồi tiếp tục vớt ra và để ráo.

Công đoạn chọn mua và chế biến cá lóc cũng yêu cầu nhiều khéo léo. Cá lóc nên chọn loại cá đồng, cỡ lớn, còn sống, thịt săn chắc. Cá khi được hấp cho vừa chín tới thì lọc kĩ từng phần thịt nạc ra khỏi xương, rồi dùng nhíp lấy sạch những phần xương còn dính. Xương và đầu cá đem giã thành từng miếng nhỏ, cho vào một bọc vải sạch rồi đem ninh cùng gia vị, giúp nước lèo trở nên thanh ngọt; trong quá trình ninh nên gạn bọt liên tục để đảm bảo độ trong cho nồi nước.

Để giúp cá lóc được ướp thấm, có thể xắt thịt cá cỡ vừa theo hình chữ nhật, đồng thời đổ củ hành xắt nhuyễn, gia vị và chan đều nước mắm ngon lên từng thớ thịt. Người Huế thường hay ướp thêm vài muỗng mắm ruốc, giúp miếng cá được đậm đà, dậy mùi hơn.

Sau khi chế biến cá lóc như trên, bắt đầu cho vào chảo chiên một ít mỡ lợn. Khi mỡ được chiên khô thành từng miếng tốp thì vớt tốp ra, cho hành vào phi, rồi thả từ từ từng miếng thịt cá vào chảo và xào cho đến khi bề mặt thịt vàng ruộm thì tắt bếp. Cho bánh canh vào bát, chan nước lèo xăm xắp, xếp từng miếng cá vào, thêm ít hành ngò, tiêu bột, ớt lát lên trên và tô bánh canh cá lóc đã có thể bắt đầu được thưởng thức.

Bánh canh cá lóc thường dùng như một món giữa buổi hoặc ăn khuya và được bày bán từ khoảng xế chiều. Ăn thử một tô bánh sẽ cảm nhận được vị thơm dẻo của những sợi bánh canh trắng muốt, sự thơm giòn của từng miếng cá lóc cùng với nước lèo ngọt lừ. Tất cả hòa chung với nhau để tạo nên sự hấp dẫn của món ăn quê đầy bổ dưỡng mà vẫn giữ được nét “hương đồng gió nội”.

Trước đây ở Huế, bánh canh cá lóc thường được các hàng rong gánh bán trên khắp các nẻo đường, vỉa hè. Đến nay, món ăn chỉ còn được bày bán chủ yếu ở các quán xá nơi phố thị... Ai một lần tới Huế hẳn đều mong có dịp quay trở lại để được thưởng thức hương vị bánh canh ấm nồng giữa đất cố đô.

Cách làm món canh cá lóc nấu cải bẹ xanh

Nguyên liệu:

Cải bẹ xanh 100 gr

Cá lóc 100 gr

Nấm rơm 20 gr

Gừng tươi 10 gr

Bột nêm 2 muỗng

Đường trắng 1 muỗng

Rượu trắng 1 muỗng

Tiêu xay 1 muỗng

Món canh này giúp thanh nhiệt trừ hoả, lợi khí, tiêu đàm, có tác dụng nhất định đối với điều trị và ngừa cảm mạo.

Các bước thực hiện:

Cải bẹ xanh thái lát, cá lóc cắt khúc, nấm rơm thái nhỏ, gừng tươi cạo vỏ thái lát. 

Đổ dầu ăn vào chảo, thêm gừng lát, bỏ cá vào xào sơ, rưới rượu, đổ nước dùng, thêm cải bẹ xanh, nấm rơm, dùng lửa lớn nấu sôi, bỏ bột nêm, đường trắng, bột tiêu, chờ cho sôi lại 30 phút là hoàn tất. 

Canh cải bẹ xanh kèm theo 1 chén nước mắm mặn dùng với cơm trắng, rất thích hợp với mùa hè oi bức như thế này.

Canh chua cá lóc

Hương thơm nhẹ quyến rũ, vị chua ngọt tự nhiên, đậm đà của món canh chua cá lóc được nấu đúng kiểu miền Nam sẽ làm mới lạ thực đơn nhà bạn.

Nguyên liệu:

Xương ống hầm lấy nước dùng; Cá quả (cá lóc): 2-3 khúc; Cà chua, dứa, dọc mùng, đậu bắp, me, ngổ, hành.

Cách làm:

- Xương ống sau khi hầm lấy nước dùng vừa đủ, lọc qua rây một lượt cho trong. Lấy riêng một ít nước dầm với 1-2 quả me.

- Cá quả có thể chọn phần thịt, hoặc lấy riêng đầu và đuôi đều được. Rửa sạch ướp cùng chút gia vị, hạt tiêu, hành khô băm nhỏ.

- Cà chua thái múi cau. Dứa thái lát nhỏ. Dọc mùng tước vỏ thái vát, bóp với muối rồi xả sạch. Đậu bắp cắt miếng nhỏ

- Phi thơm tỏi băm, cho nước xương hầm vào. Đun sôi

- Khi nồi nước dùng sôi, thả cá vào, chỉnh nhỏ lửa, đun sôi nhẹ trong khoảng 5-7 phút cho đến khi cá chín thì vớt ra.

- Lần lượt cho cà chua, dứa, dọc mùng, đậu bắp vào đun sôi. Tiếp đến cho nước me đã lọc qua. Nêm nếm lại gia vị, có thể cho thêm ít đường để có vị ngọt đậm đúng kiểu miền Nam.

- Cuối cùng cho cá vào, đợi canh sôi lại lần nữa thì cho ngổ và hành cắt nhỏ vào.

- Khi dọn và múc ra bát, nên phi ít tỏi băm rưới lên trên, món canh có hương thơm rất quyến rũ.

Cách chế biến món cá lóc hấp sả chanh

Với những gia vị như sả, ớt, gừng, hành lá, chanh… món cá hấp sẽ không bị tanh mà ngược lại sẽ rất thơm ngon.

Những gì bạn cần

- 300 gr cá lóc phi lê

- 1 trái chanh

- 1 trái ớt sừng

- 3 cây sả

- 1 nhánh gừng

- 1 cây hành lá

- 1 muỗng cà phê rượu nếp trắng

- 1 muỗng canh nước tương

- 1 muỗng cà phê hạt nêm

- 1 muỗng cà phê tiêu

Hướng dẫn

- Chanh gọt lấy vỏ, xắt sợi, vắt lấy nước cốt. Cá lóc lọc bỏ da, khía hoa, xắt miếng to cỡ bao diêm, ướp với hạt nêm, nước tương, rượu, tiêu, ít nước cốt chanh, để khoảng 20 phút cho ngấm.

- Sả bỏ bớt vỏ ngoài, xắt mỏng. Ớt sừng rửa sạch, khía bỏ hạt, cuống, xắt sợi. Gừng gọt vỏ, xắt sợi. Hành lá bỏ gốc, rửa sạch, tước sợi.

- Bày nửa số sả vào lòng đĩa, bày cá đã ướp lên, tiếp đến là rắc ớt, gừng, hành lá, vỏ chanh và chỗ sả còn lại, bọc giấy bảo quản. Cho đĩa cá vào lò vi sóng, đặt chế độ Micro khoảng 6 phút. Ăn nóng.

Chú ý

Sau khi cá đã được đánh vảy sạch sẽ, rạch từ bụng cá đến phần gần đuôi, moi bỏ ruột, rửa sạch máu tanh và lột sạch lớp màng đen hai bên xương sống để khử mùi tanh. Dùng dao lạng bỏ phần xương nhỏ hai bên của xương sống cá, chú ý lạng thật mỏng sát lớp xương để khi ướp cá sẽ ngấm đều gia vị.


(ST)