Cách bảo quản kính áp tròng tốt để sử dụng lâu dài
Cách bảo quản kính áp tròng chuẩn nhất
Cách bảo quản kính áp tròng đúng cách
Kính áp tròng/ sát tròng (contact lense) hiện đang là phụ kiện làm đẹp cực kì phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt là kính giãn tròng (circle lense). Tuy vậy việc lạm dụng sử dụng kính, sử dụng không đúng cách hoặc không vệ sinh kính sạch sẽ sẽ khiến cho bạn có nguy cơ nhiễm trùng mắt rất cao. Chưa kể môi trường khói bụi nhiều của Việt Nam khiến nguy cơ đó lại càng cao nữa. Vì thế nếu đã quyết định sử dụng kính áp tròng thì bạn phải cực kì cẩn thận nhé.
Sau đây là vài lưu ý cách sử dụng kính áp tròng hiệu quả và an toàn do mình đúc kết và nghiên cứu cho những bạn đang dùng, hoặc chuẩn bị dùng kính sát tròng lần đầu tiên nhé:
1. Đi khám mắt
Khám mắt trước khi đeo kính
Lần đầu tiên mình mua kính sát tròng là khoảng 3-4 năm về trước. Lúc đó kính sát tròng/giãn tròng chỉ ở giai đoạn mới bùng nổ, chưa có nhiều người sử dụng phổ biến. Mình nhớ lúc đó ra mua kính thì bị cô bán kính từ chối không bán vì mình chưa đi khám mắt (mình hay mua kính ở một tiệm trên đường Phạm Ngọc Thạch). Cô đó bảo phải ra bệnh viện mắt hỏi bác sĩ kiểm tra xem mắt của mình có được sử dụng kính sát tròng không, rồi quay lại đưa cô cái tờ khám mắt thì cô sẽ bán cho. Bây giờ thấy mọi người mua bán kính sát tròng dễ dàng quá, chẳng ai kiểm tra giấy khám mắt hay gì gì cả. Thế nên mình khuyên các bạn là hãy chịu khó ra bệnh viện mắt khám trước nhé, nhiều khi bạn nằm ở trường hợp không được đeo kính sát tròng mà cố mạng đeo thì mang hoạ không chừng.
Khám mắt thường xuyên khi đã sử dụng kính
Vì kính sát tròng tiếp xúc trực tiếp với mắt nên sẽ không hiếm trường hợp mắt bị viêm nhiễm do đeo kính sát tròng. Càng kiểm tra mắt thường xuyên thì bạn càng dễ dàng phát hiện kịp thời và ngăn chặn những bệnh về mắt, tránh thương tổn nặng về sau. Lười lắm thì một năm đi khám một lần nhé. Ai mà đeo kính mỗi ngày thì càng phải đi khám thường xuyên hơn nữa.
2. Mua kính ở những địa chỉ uy tín
Đối với những bạn chưa đeo kính sát tròng bao giờ, mình khuyên các bạn hãy đi mua một cặp kính không màu ở những cửa hàng kính uy tín và nhờ nhân viên ở đó hướng dẫn đeo kính, tháo kính đúng cách. Cặp kính đầu tiên mình sử dụng là của Ciba Vision và mình được chị bán hàng chỉ cách đeo kính ngay tại chỗ. Không biết phải nhờ thế hay không mà mình không hề bị bất kì hiện tượng cộm mắt, đỏ mắt hay chảy nước mắt mà mấy bạn khác hay gặp phải khi lần đầu tiên đeo kính và mình cũng chẳng tốn sức lên mạng tìm hiểu đeo kính thế nào.
Nói thật là mãi tới cách đây 1 tháng mình mới mua thử kính giãn tròng của một shop nổi tiếng trên mạng và cũng chỉ mới đeo thử được có 1 lần. Mình thì không thích cặp kính đó lắm vì nhìn… giả tạo quá. Chắc chỉ khi nào có dịp đi đâu chơi quan trọng hay Halloween, cosplay gì đó rồi đeo. Với lại trước giờ mình chỉ mua kính sát tròng ở ngoài các tiệm kính thuốc nên mình cảm nhận được rõ rệt chất lượng của loại kính của các nhãn hàng có uy tín và loại kính bán trên mạng (cho dù đã được quảng cáo là kính tốt của Hàn Quốc, được các hot girl tin tưởng mua về) nên mình chẳng dám đeo kính đó thường xuyên. Hôm nào mình sẽ chịu khó viết một bài hoàn chỉnh hơn so sánh cả hai loại này. Nói tóm gọn là cho dù bạn chê kính ở tiệm thuốc không được đa dạng và “lừa tình” như các kính giãn tròng trên mạng thì bạn phải nghĩ đến cái giá sau này bạn phải trả khi xài kính không chất lượng thường xuyên (thường thì những cái hại đó không thấy trong tương lai gần).
3. Chỉ sử dụng những sản phẩm “dành riêng cho kính sát tròng”
Kính sát tròng là một loại kính đặc biệt nên bạn chỉ được sử dụng những dung dịch rửa/ngâm kính và dung dịch nhỏ mắt dành riêng cho kính sát tròng.
Dung dịch rửa kính: Đây là loại dung dịch dùng để rửa kính trước và sau khi sử dụng kính, đồng thời đây cũng là dung dịch dùng để ngâm kính nhằm tiêu diệt vi khuẩn cũng như giữ độ ẩm cho kính.
Dung dịch nhỏ mắt: Đây là loại thuốc nhỏ mắt bạn chỉ được sử dụng khi mắt đang có kính sát tròng (tức là nếu mắt không đeo kính thì tuyệt đối không được nhỏ vào mắt). Nhiệm vụ của loại dung dịch này là cung cấp độ ẩm cho mắt, tránh tình trạng mắt bị khô, đóng đạm do đeo kính quá lâu. Các bạn khi đeo kính nên nhỏ mắt cứ vài tiếng một lần. Lúc nào mới đi ngoài đường bụi bặm về thì mình cũng nhỏ một giọt để mắt ẩm hơn và sạch hơn.
Mình rất là bất ngờ khi gần đây có một người bạn của mình tập tành xài kính sát tròng thì được bạn bè giới thiệu là “xài nước muối sinh lý (loại 2-3k/chai) để nhỏ mắt là được rồi”. Nếu bạn nào đang mắc sai lầm này thì dừng ngay lập tức và ra ngoài mua ngay lọ thuốc nhỏ mắt chuyên dụng cho kính sát tròng nhé vì nước muối sinh lí hoàn toàn không thay thế được loại dung dịch này. Nếu như bạn kĩ hơn thì sau khi tháo kính ra hãy nhỏ nước mắt sinh lí ấy để mắt trôi hết bụi bẩn.
4. Chỉ sử dụng kính và hộp đựng kính tối đa 3 tháng
Kính sát tròng rất dễ bị nhiễm khuẩn. Cho dù bạn nghĩ mình đã dùng rất rất kỹ thì vi khuẩn vẫn sinh sôi nảy nở trong hộp kính sát tròng của bạn. Loại kính sát tròng an toàn nhất là kính hằng ngày, cứ xài xong cặp nào hôm nay là vất đi luôn, khỏi lo nhiễm khuẩn. Rồi có những loại khác như 3 tháng, 6 tháng thậm chí cả 1 năm. Thật lòng mà nói thì tất cả những cặp kính mình mua ở ngoài tiệm thuốc thì thời hạn cao nhất là 3 tháng. Mình có hỏi cô bán kính là lỡ xài lâu hơn có được không. Cô bảo 3 tháng thực ra là đã quá lâu rồi, muốn xài an toàn, không bị viêm mắt thì chỉ nên dừng ở mức đó. Với lại kính sát tròng khi tới hạn hết sử dụng thì cho dù bạn chỉ xài 1 hay 2 lần trong 3 tháng đó thì cũng phải bỏ đi vì trong quá trình mình lấy ra lấy vào kính cũng đã bị trầy mà mắt không nhìn thấy được.
Vì thế mình khuyên bạn hãy chỉ mua kính có hạn sử dụng là 3 tháng. Nếu các cô các chú bán kính cho bạn nói là cặp kính này có hạn là 6 tháng hay 1 năm thì bạn hãy cứ vất cặp kính và cả hộp đựng kính của bạn đi sau 3 tháng nhé (lý tưởng nhất vẫn là 1 tháng một hộp kính mới). An toàn cho mắt vẫn hơn mà.
5. Tuyệt đối không bao giờ dùng nước máy để rửa kính hay hộp kính
Cái tin này là cái làm mình phải lật đật đi khám mắt khi vừa mới biết nó nè. Ngày trước mình “kỹ tính quá hoá rồ” nên mỗi lần dùng kính xong thì rửa luôn cả hộp kính bằng nước máy cho sạch rồi đổ nước ngâm kính vào. Sau này tìm hiểu thì mới phát hiện đó là điều CẤM KỴ khi dùng kính vì khi đó bạn rất dễ bị viêm giác mạc do một loại bệnh tên là Acanthamoeba keratitis. Nặng nhất là sẽ bị mù vĩnh viễn.
Cách rửa khay kính sát tròng đúng cách đó là bỏ đi phần nước ngâm kính sau mỗi lần sử dụng, sau đó đổ một phần dung dịch rửa kính vào khay, dùng ngón tay rửa xung quanh khay và lấy khăn lau sạch (lưu ý là khăn sạch, không có bụi vải nhé) hoặc để ở nơi nào thoáng, sạch sẽ cho khô. Sau đó thì cứ đổ nước ngâm kính vào sử dụng bình thường (nếu kĩ thì trước khi ngâm kính tráng khay với dung dịch đó lại một lần nữa rồi dùng).
6. Nếu lỡ tay làm rớt kính khi đang đeo
Lúc này bạn phải rửa kính lại thật sạch và ngâm trong dung dịch ít nhất là 10-30 phút tuỳ theo loại nước ngâm kính mà bạn đang dùng. Điều này cũng dễ hiểu vì thể nào vi khuẩn cũng bám vào khi kính rớt, thế nên cần có một khoảng thời gian nhất định để kính được tiệt trùng trong dung dịch ngâm. Đừng dại dột mà rửa qua loa rồi đặt ngay vào mắt nhé. Hại mắt lắm chứ chẳng đùa đâu.
7. Luôn đeo kính chắn bụi khi ra đường
Không khí ở các thành phố tại Việt Nam được xếp vào hàng ô nhiễm trầm trọng, nhất là ở Sài Gòn. Bạn không tin thì cứ ra đường chạy một vòng trong lúc cao điểm thì thể nào mắt cũng sẽ có cảm giác cay cay. Như vậy, khi đeo kính sát tròng mà ra đường không có kính mát bảo vệ thì coi như bạn đang giết cặp mắt của mình. Hãy mua một cặp kính bảo hộ lao động để sử dụng mỗi khi ra đường để giảm thiểu bụi và khí thải ảnh hưởng lên mắt nhé. Nhìn hơi xấu, nhưng vì mắt thì phải chịu thôi
8. Không đeo kính quá 8 tiếng/ngày và không nên sử dụng mỗi ngày
Trừ khi kính của bạn là loại kính xài 1 ngày rồi bỏ (ví dụ như 1-day contact lenses của Acuvue) thì bạn có thể đeo trong vòng 24 giờ (không đeo lúc ngủ), còn lại tất cả loại kính sát tròng khác chỉ được đeo tối đa 8 tiếng một ngày.
Đặc biệt ở môi trường nhiều bụi như ở thành phố thì bạn không nên đeo mỗi ngày mà chỉ nên đeo những dịp đặc biệt. Còn nếu muốn đeo mỗi ngày thì mình nghĩ bạn nên xài dạng kính 1 ngày rồi bỏ hoặc những kính có hạn sử dụng ngắn như 1 tuần, 1 tháng. Vì đeo nhiều, lấy kính ra vô rồi đi ngoài đường sẽ khiến kính bám bẩn nhiều hơn.
9. Không đeo kính lúc ngủ hoặc đi bơi
Khi ngủ mà đeo kính sát tròng, vi khuẩn sẽ có điều kiện sinh sôi nảy nở trong mắt, khiến mắt dễ bị viêm nhiễm. Thế nên dù có đi chơi về mệt cỡ nào thì cũng ráng gỡ kính ra rồi hãy ngủ nhé.
Tuy nhiên vẫn có trường hợp bạn vô tình chợp mắt một tí rồi tỉnh dậy khi vẫn đang đeo kính. Lúc này đừng vội lấy kính ra ngay lập tức vì mắt đang khô, dễ bị ảnh hưởng tới giác mạc. Hãy dùng dung dịch nhỏ mắt dành cho kính sát tròng nhỏ 1-2 giọt để mắt đủ độ ẩm rồi một lúc sau hẵng lấy ra.
Tương tự, nước hồ bơi dây vào mắt sẽ khiến mắt dễ bị viêm cho dù bạn có ỷ y là mình đeo kính bơi đi chăng nữa thì chỉ cần một giọt nước ở hồ bơi vô tình rớt vào mắt là coi như xong. Tốt nhất là đừng đeo kính sát tròng khi đi bơi. Nói đơn giản thì ngoại trừ dung dịch nhỏ mắt cho kính sát tròng thì bạn tuyệt đối không để bất kì loại nước nào dính vào mắt khi đang dùng kính cả.
10. Vài trường hợp khác cần cẩn thận khi đeo kính theo kinh nghiệm của mình
Hạn chế ngồi hướng trực tiếp có hơi bếp nóng, ví dụ như ăn đồ nướng. Hồi trước có một bài viết loan truyền trên mạng là ngồi gần bếp lò nóng quá thì kính sẽ bị chảy, hư mắt. Tin đó vẫn chưa được chứng thực là có chính xác hay không nhưng theo kinh nghiệm bản thân mình thấy đeo kính sát tròng mà ngồi gần bếp quá thì thấy cay mắt rồi khó chịu lắm nên tốt nhất là né xa xa một chút. Bên cạnh đó mình cũng đọc một khuyến cáo là không nên đeo kính sát tròng khi hút thuốc nữa.
Cẩn thận đừng để nước mưa dính vào mắt khi trời mưa. Điều này tương tự như lúc đi bơi đừng để nước hồ bơi dây vào mắt.
Đừng để bất cứ thứ gì đụng vào miệng chai của dung dịch rửa kính hay thuốc nhỏ mắt. Đơn giản là vì dùng kính sát tròng phải sạch tuyệt đối nên đừng vô tình chạm tay vào miệng chai để tránh tình trạng vi khuẩn làm ổ ở đó. Chưa kể là khi nhỏ mắt thì nên đặt chai nhỏ mắt cách xa mắt chừng 1-2cm chứ đừng để đầu chai đụng vào lông mi hay mí mắt.
Để tháo kính một cách dễ dàng nhất thì đừng vội tháo ngay khi mắt đang có quá nhiều nước, chẳng hạn như bạn vừa nhỏ mắt xong hoặc bạn vừa mới khóc (khóc vì buồn hay vui sướng chứ không phải khóc vì đau mắt do kính cộm đâu nha). Tuy nhiên cũng không được tháo kính ra khi mắt bạn đang khô (ví dụ như đeo cả mấy tiếng liền mà không hề nhỏ mắt giọt nào) vì rất dễ làm giác mạc tổn thương. Cứ canh chừng 30 phút – 1 tiếng sau khi nhỏ mắt xong là tháo kính ra được vừa dễ vừa an toàn.
Không nên sử dụng nước rửa tay khô (hand sanitizers) thay vì dùng nước và xà bông thông thường trước khi đeo kính. Đôi khi trong nước rửa tay có nhiều hoá chất có hại cho mắt. Nếu kính sát tròng bị dính một phần nước rửa tay rồi bạn đặt lên mắt thì mắt sẽ có cảm giác xót ngay.
Còn một trường hợp này mình không biết có ai đã từng bị chưa. Hồi trước mình có dùng một loại nước rửa kính kia thì mỗi lần đeo kính vào thì thấy mắt hơi khó chịu. Thế là mình phải nhỏ vài giọt dung dịch nhỏ mắt vào kính trước rồi mới đeo lên mắt. Như thế thì không bị gì nữa. Sau này mình đổi qua loại dung dịch rửa kính khác thì không bị tình trạng như vậy. Mình cũng không biết tại sao, có thể có một thành phần nào đó trong loại nước rửa kính đó mà mắt mình không chịu được. Vì thế giả sử bạn đã vệ sinh kính tốt mà vẫn thấy hơi hơi khó chịu khi đeo kính vào thì cứ thử nhỏ vào vài giọt dung dịch nhỏ mắt vào kính trước xem sao.
Nếu như xài đủ cách này hay cách khác mà bạn vẫn có cảm giác khó chịu khi đeo kính sát tròng thì bạn nên nghĩ đến việc ngưng không sử dụng nữa và đi khám mắt nhé.
Đó là 10 điều bạn phải ghi nhớ nằm lòng khi sử dụng kính sát tròng. Thực sự dùng kính sát tròng là một thói quen xa xỉ vì khá là tốn kém và đòi hỏi sự cẩn thận tuyệt đối. Dù gì cũng là cặp mắt quý giá, cửa sổ tâm hồn, của chính mình nên hãy bỏ ra công sức chăm sóc nó nhé.
Hôm khác mình sẽ viết một bài cụ thể hơn làm thế nào để đeo kính và rửa kính an toàn.
Chúc các bạn đeo kính sát tròng an toàn và lộng lẫy,