Cách thưởng thức rượu vang đúng cách thông minh nhất. Rượu vang sinh ra không phải để uống theo kiểu “nốc rượu” mà phải tận hưởng thật từ từ để cảm nhận bằng hết màu sắc, mùi vị, hương thơm và cả độ đắm của nó. Và để thưởng thức và cảm nhận giá trị của một ly rượu vang, hãy tuân thủ 5 S bạn nhé!
Cách thức phân biệt và thưởng thức rượu vang
Tác dụng của rượu vang
Rất hiếm người trên thế giới uống vang để được bảo vệ trước chứng nhồi máu cơ tim.
Nhưng tại chủ đề: Dinh dưỡng cho sức khỏe, kênh truyền hình Mỹ CBS từ năm 1991 đã trích dẫn những kết quả từ các cuộc nghiên cứu những thực phẩm không tốt cho sức khỏe đối với đàn ông Pháp và so sánh với những nghiên cứu tương tự ở Mỹ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, đàn ông Pháp hút thuốc nhiều hơn đàn ông Mỹ, chơi ít thể thao và dùng nhiều chất béo như bơ, pho-mát, thịt hun khói.
Tuy nhiên, người Pháp uống vang đỏ vào bữa trưa, lượng vang tiêu thụ nhiều hơn 10 lần. Và những người mắc bệnh nhồi máu cơ tim ít hơn từ 30 đến 50%.
Chất ta-nanh (là một loại axit) có tác dụng bảo vệ tim. Nó đẩy mạnh quá trình sản xuất protein HDL và làm giảm một lượng cholesterin nguy hiểm sản sinh từ protein LDL rất phổ biến.
Ở những thực phẩm chứa nhiều chất béo chúng bám chặt lấy thành tim và ngăn ô-xy, cản trở dòng lưu thông máu, đến khi các cơ tim bị mệt. Vang đỏ với hàm lượng lớn chất tananh đã ngăn ngừa được quá trình này. Ngày nay các bác sỹ thường khuyên nên sử dụng mỗi ngày 2 li vang (0,1l) đối với phụ nữ và 3 ly đối với đàn ông.
Thức nào rượu nấy
Đối với đồ ăn và rượu vang, thì độ mạnh của vị giác phải bổ sung cho nhau. Bữa ăn càng nặng, thì vang cần mạnh và nặng. Bữa ăn càng nhẹ, thì vang cần nhẹ hơn và yếu hơn (tươi, trái cây và nồng độ cồn thấp).
Thịt và nước sốt cũng quyết định loại rượu vang cần dùng. Nếu các món có thịt không dùng nước sốt, thì thịt sẽ quyết định cho việc chọn vang, nếu có nhiều hoặc không nhiều nước sốt lắm, thì nước sốt nhất định sẽ quyết định việc lựa chon rượu, chứ không phải thịt.
Nguyên lý là: vang trắng dùng với loại thịt sáng màu, vang đỏ dùng với loại thịt tối màu. Về cơ bản thì nguyên lý này đúng, nhưng nhiều trường hợp cũng không thể áp dụng.
Vang dùng đối với các món ngọt như món tráng miệng hoặc kem ngọt tốt nhất là loại vang ngọt cuối mùa (thường là loại vang nho muộn, ngọt, sâm banh nửa chát, rượu mùi ngọt).
Những loại vang ngon và có giá trị hơn thường được xếp dùng thứ tự theo chất lượng. Những loại rượu chất lượng thấp hơn dùng trước những loại cao. Một chủ nhà sành ẩm thực không nên dùng sâm banh khi bắt đầu, mà luôn dùng khi kết thúc một bữa ăn vui vẻ. Có thể nói, đó là sự lên ngôi của bữa tối.
Tương tự, nhiệt độ của rượu vang cũng ảnh hưởng đến mùi vị. Nếu vang có nhiệt độ quá thấp sẽ làm giảm cảm giác về thính và vị giác, nếu nhiệt độ quá cao sẽ lấy đi hết độ tinh khiết và làm người thưởng thức cảm thấy nhàm chán sau một vài ngụm. Khi ăn nhiều thực vật thì không nên uống vang cùng. Hãy thưởng thức vang vào những giờ phút có ý nghĩa.
Một số mùi hương cần biết
Những loại vang được sản xuất từ một vùng trồng nho sẽ có vị đặc trưng về độ thuần khiết của loại đó. Đặc biệt đối với vang trắng, đặc trưng về chủng loại là tiêu chí đánh giá chất lượng.
Người Pháp đã gọi đây là trò chơi tập thể của vị trí, đất và khí hậu vì hương thơm đặc trưng của một loại sẽ thay đổi từ vùng trồng nho này đến vùng khác. Ngay cả khi vang được chiết xuất ở cùng một vùng trồng nho, thì nhiều loại vang cũng chỉ giống nhau chút ít.
Vang trắng có các mùi hương đặc trưng sau:
- Chardonnay: Hương hạnh nhân, dưa bở, chanh, bưởi, chuối.
- Chenin Blanc: Hương táo, hạnh nhân, quít.
- Các hương liệu của gia vị: Hoa trà, nhãn, bồ đề, bánh mì.
- Gruener Veltiner: Hương ớt Đà Lạt, hạt tiêu.
- Pinot Blanc: Hương lê, trà.
- Pinot Gris: Khoai tây, bánh mỳ, hạnh nhân cháy, mỡ lợn muối.
- Riesling: Anh đào, mơ, dưa bở, xăng.
- Sauvignon Blanc: Ớt Đà Lạt, cà chua xanh, phúc bồn tử đen, dâu.
- Welschriesling: Táo, hương keo.
Còn đối với vang đỏ thì hương vị đa dạng hơn rất nhiều do được làm từ nhiều vùng trồng nho khác nhau. Vang Cabernet Chile, Sauvignon đặc trưng ở chỗ làm người ta nhớ đến một vị bạc hà hoặc bạch đàn - kẹo ngậm.
Những người uống vang kinh nghiệm có thể nhận ra Cabernet ở đặc điểm này. Một Cabernet vùng Bodeaux không bao giờ có vị bạch đàn, thay vào đó là gỗ bá hương.
Các mùi hương đặc trưng của vang đỏ là:
- Blauer Zweigelt: Nước đào, cẩm chướng.
- Blaufraenkisch: Ngũ da bì, Kon-fit-tuya anh đào, xạ hương, sôcôla đắng.
- Cabernet Franc: Dâu xanh, hạt tiêu xanh, nước ớt Đà Lạt, cỏ.
- Cabernet Sauvignon: Sơ ri, gỗ bá hương, tiêu Thuỵ Sỹ, cẩm chướng, bạch đàn.
- Merlot: Dâu, sơ ri, mận, xạ hương
- Pinot Noir: Ngũ da bì, mứt đào nhừ, mận, cẩm chướng.
- Pinotage: Anh đào chua, mận, chuối, tiêu, quế.
- Syrah (Shraz): Phúc bồn tử Thụy Sĩ, nấm củ, thịt, đồng thảo.
- Tempranillo: Dâu (quả mâm xôi), quất, gỗ đàn hương, xạ hương.
- Zinfandel: Phúc bồn tử Thụy Sĩ, nước mận, chuối, tiêu.
Bạn biết gì về nút chai vang?
Nhiệm vụ chính của nắp chai là đảm bảo tính nguyên bản của vang - thời cổ đại việc làm giả vang rất phổ biến. Ngoài ra nắp chai cũng làm giảm quá trình trao đổi giữa vang trong chai với môi trường bên ngoài. Cuối cùng nắp chai còn có thể bảo vệ rượu trước một sự phá hoại nguy hiểm: Mọt nút
Nút bấc là gì?
Nút bấc - là những tế bào đã chết của vỏ cây sồi chuyên dùng để làm nút bấc. Thành phần bên trong của tế bào là chất nitơ, còn vỏ tế bào là suberin. Suberin là một chất không thấm nước, chúng ngăn chất lỏng từ trong nút bấc chảy ra. Vì vậy chai được đóng bằng nút bấc rất thích hợp để làm chín muồi rượu vang. Ngoài ra nút bấc cũng có tính đàn hồi.
Nút bấc tự nhiên
Hầu hết các chai vang đều được đóng nút bấc tự nhiên. Vì nó được làm từ vỏ của sồi chuyên dùng làm nút bấc "Quercus suber", nên nó cũng là loại nút đắt nhất.
Nút bấc được ép chặt vào trong cổ chai, rất bền, mùi trung tính và là một sản phẩm của tự nhiên – cũng như vang. Những lỗi nút bấc đa phần bắt nguồn từ quá trình chế biến và bảo quản.
Trên 50% nút bấc chai xuất xứ từ Bồ Đào Nha. Một số ít từ Sardinien, Nam Phi, Tây Ban Nha và Pháp. Tuy nhiên do ngành sản xuất rượu vang phát triển không ngừng nên vật liệu làm nút bấc đang ngày càng trở nên khan hiếm./.
Thưởng thức rượu vang cũng phải có cách!
Khứu giác và đầu vị giác của con người cảm nhận theo những cách khác nhau, vì thế mỗi người sẽ có một trải nghiệm của riêng mình khi thưởng thức rượu vang. Và cách thưởng thức vang đúng sẽ làm tăng cảm nhận và hiểu biết của bạn về sự phức tạp tinh tế của loại đồ uống này.
Hiếm có một bữa tiệc nào dù lớn hay nhỏ chỉ dùng một chai vang, mà sẽ là một vài chai khác nhau. Chớ vội vàng chọn ngay một chai bất kỳ, hãy bắt đầu bằng loại nhẹ và ngọt hơn, sau đó tăng dần và cuối cùng là các loại nặng và khô hơn. Bởi nếu không, hương vị của các loại đậm hơn sẽ tràn ngập khứu giác và vị giác của bạn, lấn át và làm hỏng hương vị của các loại nhẹ hơn nếu như chúng được uống sau.
Trước đó, bạn nên biết các định nghĩa dùng trong rượu vangđể trang bị cho mình những kiến thức cơ bản khi đánh giá chất lượng của rượu.
Dưới đây là các bước thử rượu vang và cách đánh giá.
1. Đánh giá hình thức: Hình thức của vang thể hiện ở sắc thái (màu sắc và độ dày) và độ trong.
Rót rượu vang vào ly thích hợp cho loại vang đó. Nghiêng nhẹ ly vang từ trái qua phải để vang chuyển động quanh ly. Hướng ly vào ánh đèn hoặc để phía trước nền trắng để đánh giá màu sắc của vang ở bề mặt rượu nơi tiếp xúc với mặt trong của ly.
Đối với vang đỏ, chú ý đến sự thay đổi và độ mạnh của màu sắc. Vang đỏ có thể có các màu sắc: Màu hạt dẻ (maroon), đỏ tía, hồng lựu, ruby, đỏ, đỏ gạch và có thể có sắc nâu. Nếu màu sắc ngả màu nâu nhiều quá hay có một bề mặt phẳng (không sánh) đồng nghĩa với chai vang đó có chất lượng thấp.
Đối với vang trắng, chú ý đến độ trong, sự chuyển màu của màu vàng gold và màu vàng yellow, có thể bạn sẽ thấy một chút sắc thái của màu xanh lá, màu hổ phách và sắc nâu.
Vang trắng sẽ có màu xám dần và có xu hướng màu tối đi theo thời gian. Vang đỏ sẽ dần chuyển sang sắc thái đỏ thẫm hoặc màu đỏ tía và có nhiều sắc nâu hơn.
Tiếp tục đánh giá tính chắn sáng của vang: Trong như nước hay tối hơn, trong hay mờ đục, màu sáng hay xỉn, thể hiện ở lượng ánh sáng xuyên qua chất lỏng nhiều giống như khi xuyên qua nước hay bị giảm đi do sắc tối và mờ đục của chất lỏng.
Trong khi đánh giá hình thức của rượu vang có thể để ý thêm đến “lệ vang”, những giọt vang chảy trên thành ly. Chúng không thể hiện về chất lượng của vang, chỉ đơn giản cho biết độ cồn, glycerine và lượng đường có trong nó.
2. Đánh giá mùi: Bao gồm nose (mùi ngửi thấy đầu tiên), aroma (các mùi có trong vang), và bouquet (mùi hòa trộn của tất cả các aroma).
Lắc tròn đều ly trong khoảng 10-12 giây để vang di chuyển lên cao hơn trên thành ly và tiếp xúc nhiều với bề mặt không khí. Một lượng cồn nhất định sẽ khuếch tán và các mùi của vang sẽ thoát ra nhiều hơn. Đợi một vài phút cho vang “thở” (cho không khí hòa quện vào vang).
Trước tiên hít nhanh để đánh giá mùi nose qua luồng hương được hít vào mũi. Tiếp đó là đánh giá toàn bộ mùi hương của vang.
Cách mà khứu giác của bạn cảm nhận mùi vang sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vị giác khi bạn thưởng thức. Đưa mũi bạn vào gần ly rượu và hít thở thật sâu để cảm nhận.
Có thể bạn sẽ nhận ra một vài mùi vị của hoa quả, gia vị, mùi đất, hoặc gỗ; nhưng chớ có giới hạn bản thân mình. Có tới hàng tá tính từ cho bạn để miêu tả một mùi hương. Hãy thả hồn cho trí sáng tạo và hãy ghi nhớ cảm nhận của mình. Không có cảm nhận và đánh giá nào là sai, bởi nó tùy thuộc vào các giác quan của bạn.
3. Đánh giá vị: Bao gồm vị của rượu mà bạn nếm được ở lưỡi và vị cảm nhận được trong toàn bộ khoang miệng.
Nhấp một ngụm nhỏ, nhưng đừng nuốt vội mà hãy súc nó trong miệng một lúc để rượu ngấm tràn ngập lưỡi và toàn bộ khoang miệng.
Những người thử rượu vang nhiều kinh nghiệm thường sẽ hít thêm một chút không khí vào miệng để hòa quện và làm dậy mùi vị của rượu vang. Nâng nhẹ đầu lên xuống, chu môi lại giống như đang làm hành động huýt sáo, sau đó hít không khí vào miệng đồng thời thở ra bằng mũi.
Trong khi thử rượu hãy tìm kiếm sự cân bằng giữa nồng độ axit, nồng độ cồn, và nồng độ tannin (chiết xuất từ vỏ, hạt và cuống quả nho). Các thành tố đó phải hài hòa với nhau, không có thành tố nào lấn át hay cao hơn hẳn các thành tố còn lại.
Có thể bạn sẽ nhận thấy vị ngọt tùy theo mức độ dư của đường. Tuy nhiên độ ngọt còn được quyết định tùy thuộc vào lượng axit, cồn và tannin có trong nó. Nói chung, với chai rượu có độ cồn càng cao thì vị ngọt của nó càng nhiều. Đôi khi, một số hướng dẫn thử rượu nhầm lẫn vị ngọt với vị trái cây. Vang ngọt có thể có hoặc không nhất thiết phải có trái cây. Trong khi những loại vang có mức độ dư đường rất thấp và gần như không nhận thấy vị ngọt lại có thể có mùi vị trái cây.
Lượng axit cao sẽ khiến vị vang trở nên sắc hoặc chua. Còn nếu thiếu lượng axit thì mùi vị sẽ nhạt và không tươi mới. Độ cồn cao sẽ cho vị quá ngọt, nóng và gắt khi nuốt vào.
Quá nhiều tannin sẽ làm tăng vị chát. Vị tannin quyết định trọng lượng riêng của rượu và sẽ trở nên êm hơn khi chai rượu càng nhiều tuổi và khi nó được khuếch tán vào không khí.
4. Đánh giá vị cuối: Vị cuối là ấn tượng và cảm giác cuối cùng còn lại sau khi đã nuốt vào ngụm rượu vang vừa nãy.
Mùi vị trên lưỡi và trong vòm miệng càng dài, còn lại càng lâu thì chai rượu đó càng hảo hạng. Vị cuối ảnh hưởng đến cảm xúc của người uống cho loại rượu đó, đến quyết định có uống thêm một ngụm nữa hay không. Vị cuối càng ấn tượng thì càng chiếm được nhiều tình yêu của người uống. Loại vang hảo hạng là loại có dư vị cuối mang đến sự hưng phấn và thăng hoa cảm xúc cho người thưởng thức.
Để học được cách thưởng thức và đánh giá vang đúng không phải chuyện một sớm một chiều, có người mất đến hàng tháng, hàng năm. Các chuyên gia còn phải dành ra nhiều năm trong cuộc đời mình và tuân theo những quy định nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, với chúng ta, những người đơn thuần có một tình yêu với rượu vang, những gì cần nhớ là hãy tin vào cảm nhận của mình, mặc sức thả trí tưởng tượng, ghi nhớ những cảm nhận đó để so sánh trong những lần sau và hãy trải nghiệm nhiều loại vang nếu có cơ hội.
Những hiểu biết về rượu vang
Rượu vang được chiết xuất từ những quả nho để lên men, hay đôi khi rượu vang cũng có thể được làm từ một số loại trái cây khác. Nét đặc trưng của rượu vang là lên men trực tiếp từ trái cây mà không qua chưng cất. Nồng độ rượu thường dao động từ 8 - 18 độ. Rượu vang được coi là thức uống sang trọng, bổ dưỡng mà thiên nhiên ban tặng cho con người.
Các loại rượu vang
Rượu vang đỏ được làm từ những quả nho vỏ màu sẫm. vỏ được loại bỏ trong quá trình lên men, chính các chất như tannin, pigment (anthocyanin) có trong vỏ đã tạo ra màu sắc tự nhiên cho rượu. Tiêu biểu như: Zinfandel, Petite Sirah, Merlot hay Pinot Noir
Rượu vang trắng được làm từ nhiều loại nho khác nhau, thường là loại có vỏ màu vàng và màu xanh. Các loại vang trắng như: Chardonnay, Chenin Blanc hay Pinot Gris. Loại rượu này có nồng độ nhẹ đặc trưng, uống ngon nhất khi mới làm.
Rượu vang hồng được làm từ loại nho có vỏ màu sẫm nhưng đã được bỏ vỏ để tạo màu nhẹ của rượu, hay là sự pha trộn giữa rượu vang đỏ và trắng. Một số loại như: White Zinfandel, Grenache, Blush và cũng uống rất ngon khi mới làm.
Các loại rượu vang có ga như Champage ở giai đoạn đầu chiết xuất cũng giống như các loại rượu vang thông thường khác, nhưng loại rượu này còn có thêm giai đoạn lên men thứ hai để tạo bọt tăm. Các loại tiêu biểu như: Champagne, Cava, Cre'mant và Sparkling Brut.
Loại rượu vang thường, hay vang nổ là loại vang dùng để tráng miệng như Port, Sherry, Madeira và Eiswein. Hàm lượng đường trong các loại rượu này khá cao.
Các loại rượu vang hoa quả được chiết xuất từ các loại quả như: đào, táo và mâm xôi kết hợp thêm với nho.
Chọn rượu vang phù hợp với từng món ăn
Để tạo sự hài hòa giữa đồ ăn và thức uống phải chú ý kết hợp rượu vang với loại thực phẩm tương ứng. Điều này đòi hỏi những kiến thức cơ bản về từng loại để chọn cho phù hợp. Thường rượu vang trắng được dùng với đồ hải sản hoặc gia cầm, còn vang đỏ dùng với các loại thịt đỏ: bò, bê, cừu... Đôi khi cần chú ý đến thị hiếu cá nhân, sở thích của bản thân.
Với món cá hơi tanh, thịt mềm nên chọn vang trắng có vị chua nhẹ, còn những món ăn được chế biến từ thịt màu đỏ, nhất là những món quay, nướng thì vị nồng chát của vang đỏ lại rất phù hợp.
Một sự kết hợp mang tính tương phản thú vị khi thịt hun khói được thưởng thức kèm với loại vang trắng hoa quả ngọt. Các đồ ăn có vị cay như đồ của Thái Lan, Trung Quốc, Mexico hay Cajun sẽ rất phù hợp với loại rượu vang ngọt như Riesling hay Pinot Noir. Với các loại nước sốt kem hoặc những món phomat thì lại cần có thêm loại rượu vang có vị kem để cân bằng như Chardonnay, Zinfandel hay Merlot.
Khi chọn vang tráng miệng, nên chọn loại phù hợp để lượng đường không bị quá tải sẽ khiến cho rượu và thức ăn đánh nhau.
Cách mở và rót rượu
Cách mở nút chai và rót rượu là một phần trong việc thưởng thức rượu vang
Cách mở chai vang
1. Dùng dao sắc cắt vỏ bao nút chai khoảng 2cm dưới miệng chai rồi lau sạch với một khăn khô.
2. Giữ thẳng dụng cụ khui, vặn vào cho tới gần vòng chót. Kéo lên hơn 1 cm rồi vặn tiếp cho cái khui xuống hết, kéo từ từ lên một cách nhẹ nhàng để tránh không khí vào nhanh sẽ làm xáo trộn rượu.
3. Ngửi nút chai để biết được rượu trong chai ra sao. Rượu non, nút mới thì mùi của nút mạnh hơn. Rượu già thì nút đã được thấm rượu nhiều hơn và có thể biết được rượu đã hỏng do quá tuổi.
Rót một chút ra ly để thử, nếu rượu có mùi nút chai( giống như mùi tất bẩn bị ướt), thì có nghĩa là rượu đã hỏng.
Cách rót rượu:
Nguyên tắc rót từ phải sang trái, rót phải thật nhẹ nhàng, không được rớt ra bàn.
Rót chỉ khoảng 2/3 ly đối với loại rượu vang đỏ nói chung, uống ở nhiệt độ bình thường; khoảng nữa ly hay 1/3 ly đối với các loại vang uống lạnh.
Thưởng thức rượu bằng các giác quan
Sự kết hợp hài hòa giữa các giác quan: từ việc quan sát, dùng tay lắc nhẹ ly, đến ngửi mùi vị, nếm thử và nhấm nháp để cho ta cái cảm nhận sâu sắc nhất và cách thưởng thức thú vị nhất về thứ đồ uống tuyệt vời này.
Ngắm: Rượu được rót vào ly thủy tinh mỏng, trong veo để có thể quan sát được màu sắc, độ đặc cũng như độ kết dính của rượu. Những loại vang ��ỏ cao cấp với chất lượng hoàn hảo thì thường có màu đỏ nâu, những loại thông dụng và ít năm hơn thì có màu đỏ ruby.
Lắc nhẹ: Lắc nhẹ cho rượu sóng sánh lên thành ly để quan sát kỹ hơn độ kết dính và giúp ta cảm nhận đầy đủ nhất bước tiếp theo.
Ngửi mùi vị: Sau khi rượu vang được lắc nhẹ sánh lên thành ly và từ từ trôi xuống, hãy ghé mũi vào miệng ly để cảm nhận hết những hương vị đặc trưng và hoàn toàn thiên nhiên chỉ có ở rượu vang.
Nếm: Sau khi nhận biết hương vị, bắt đầu cảm nhận vang bằng vị giác. Để một chút không khí tràn vào miệng cùng với rượu vang để vị rượu trở nên đậm đà hơn. Nhấp một ngụm nhỏ, nhắm mắt lim dim, ngửa cổ ra phía sau để thực sự cảm nhận hương vị vang.
Nhấm nháp: Từ từ mở mắt trong tư thế hơi ngả đầu để cảm nhận, đánh giá hương vị vang còn đọng lại sau khi uống. Có thể là vị chát nhẹ, chát nồng hơn hay cũng có thể là vị ngọt khó tả, thoảng nhẹ không thể nắm bắt.
Rượu ngon là rượu khi uống cảm nhận đầu tiên là vị đậm đà, đằm thắm nơi đầu lưỡi, rượu ngon là tổng hợp hài hòa của nhiều vị khác nhau như vị chua lẫn vị ngọt của nước nho, vị chát của vỏ nho, vị đắng của cuống nho, vị nồng của men rượu, vị ẩm của gỗ sồi...
Uống rượu vang'
Cách uống rượu vang đúng cách
Ba ba nấu rượu vang dậy mùi thơm khó quên
Bò nấu rượu vang kiểu Pháp
Hành tây ngâm rượu vang
Cách làm sốt rượu vang đỏ thơm ngon tốt cho cơ thể
Thịt thỏ hầm rượu vang giàu dinh dưỡng -
Cách bảo quản rượu vang đã khui không mất đi mùi vị
(ST)