Cách tiết kiệm tiền khi đi mua sắm giúp tài chính bạn luôn rủng rỉnh

Để tiết kiệm chi phí trong thời buổi kinh tế khó khăn, ngoài việc tính toán mua hàng giá rẻ, các bà nội trợ có thể mở sổ tiết kiệm để tích lũy tiền hoặc tìm đến các công cụ quản lý tài chính nhằm kiểm soát chi tiêu



CÁCH TIẾT KIỆM TIỀN KHI ĐI MUA SẮM


Bí quyết tiết kiệm tiền khi đi siêu thị


Cách 1: Liệt kê những thứ cần mua:

Việc này sẽ giúp bạn định hướng và ghi nhớ tất cả những thứ cần mua. Trước hết, hãy kiểm tra tủ chứa thực phẩm trong nhà bếp và dọn sạch tủ lạnh. Như vậy, bạn biết được mình có thiếu những gì hay thứ nào đã quá hạn sử dụng cần thay mới. 

Cách 2: Chọn siêu thị:

Có thể siêu thị gần nhà luôn là lựa chọn cho bạn vào cuối tuần vì tiết kiệm được chi phí xăng xe. Nhưng nếu các siêu thị lớn hơn, có nhiều chương trình giảm giá, thì bạn cũng nên "cất công" đến đó để có thể mua về hàng hóa rẻ hơn và phong phú hơn.

Cách 3: So sánh giá các mặt hàng cùng chủng loại:

Có thể giá cả của các mặt hàng cùng chủng loại chỉ chênh nhau từ 200 đồng cho tới 2.000 đồng. Thông thường, các món đồ đắt tiền được bày ở vị trí ngang tầm mắt được đặt rất thấp trên kệ hàng hoặc trên cao. Đặc biệt chú ý trọng lượng đóng gói ghi trên bao bì, bạn sẽ mua được sản phẩm tốt hơn với giá rẻ. 

Cách 4: Đăng ký làm thành viên, khách hàng thân thiết:

Để thu hút khách hàng, các siêu thị thường có chương trình ưu đãi riêng cho những khách hàng là thành viên. Vì vậy, đừng quên cộng điểm sau mỗi lần mua hàng, vì số tiền đó, cộng dồn lại, bạn sẽ được ưu đãi nhiều hơn cho những lần mua sắm kế tiếp.

Cách 5: Mang theo số tiền vừa đủ:

Nếu đã dự trù số lượng hàng hóa cần mua ở siêu thị với khoản tiền bao nhiêu, thì bạn chỉ cần mang theo bấy nhiêu. Tránh mang theo thẻ ATM khi đi siêu thị, vì nếu "ngẫu hứng" thêm một chút, là số tiền của bạn dành cho việc mua sắm sẽ nhiều hơn.

Cách 6: Chỉ mua những thứ mình cần, không mua những thứ mình thích:

Đi dạo trong siêu thị, thế nào bạn cũng nổi máu "muốn mua hết mọi thứ". Hãy cân nhắc những gì cần và không cần thiết vào thời điểm hiện tại. Cái nào cấp bách thì ưu tiên mua trước.

Cách 7: Lưu lại các hóa đơn:

Để bạn có thể nhẩm tính, tổng cộng đã tiêu hao nhiêu tiền cho việc mua sắm. Nếu vượt quá ngân sách, có thể điều chỉnh ở lần sau. Việc làm tưởng chừng như vụn vặt này, cũng giúp bạn "tỉnh táo" hơn trong việc mua sắm và tiết kiệm chi phí

Cách 8: Mua hàng có khuyến mãi:

Các chiến dịch khuyến mãi thường có từng đợt, vì vậy, bạn đừng bỏ qua "cơ hội" này để mua được hàng hóa giá rẻ. Mặc dù lúc này, mặt hàng đó nhà bạn chưa cần tới. Nếu nhà đông người, bạn nên mua hàng hóa có khối lượng lớn hơn lại càng có lợi.

Cách 9: So sánh giá giữa chợ và siêu thị:

Khi nhận thấy giá bán tại siêu thị mà bạn cho rằng khá cao, hãy khảo giá tại các chợi bán lẻ. Tuy đơn giản nhưng việc lên kế hoạch chi tiêu, khảo giá, sưu tầm phiếu giảm giá mua hàng, nhất là các món đồ bạn thường xuyên sử dụng sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể.

Bí quyết tiết kiệm chi phí khi đi chợ


1. Mua sắm ở các chợ địa phương để lựa chọn thực phẩm theo mùa. Bạn sẽ có được những sản phẩm địa phương tươi ngon với giá rẻ do chính tay người nông dân trồng và bán ở các chợ này.

2. Mua các sản phẩm với số lượng lớn và dự trữ lạnh những thứ có thể bảo quản lâu dài. Một số loại thực phẩm vẫn giữ được hương vị tươi ngon khi được dự trữ lạnh trong một thời gian.

3. Khi đi chợ, nên dạo nhiều sạp hàng khác nhau để khảo sát giá.Hãy lập danh sách những thứ cần mua và lên kế hoạch cho việc mua sắm của mình, chắc chắn bạn sẽ tìm được các sản phẩm tốt với giá tiết kiệm nhất.

4. Đăng ký làm khách hàng thân thiết hoặc là thành viên của các siêu thị, trung tâm mua sắm. Thông thường, khi là khách hàng thành viên, bạn sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi, giảm giá dành riêng cho những khách hàng thân thiết.

5. Sử dụng phiếu quà tặng hoặc thẻ giảm giá. Cách tốt nhất để có được phiếu giảm giá dành cho các thực phẩm tự nhiên của địa phương là vào website của nhà sản xuất; một số tạp chí dành cho phụ nữ thỉnh thoảng cũng dành tặng cho độc giả một lượng phiếu mua hàng nhất định…

6. Mua sỉ: bột mì, đường, bột ngũ cốc, gia vị và đồ ăn vặt rẻ hơn nếu bạn mua với số lượng lớn. Các sản phẩm như: dầu ăn, bơ, chất tẩy rửa cũng thường giảm giá khi bạn mua nhiều. Việc mua sỉ không chỉ giúp bạn ít tốn tiền mà còn tiết kiệm được thời gian, đỡ phải tốn công sức mua sắm nhiều lần.

7. Tự trồng một số loại rau củ. Nếu nhà có đất và bản thân cũng yêu thích công việc trồng trọt, bạn hãy tự trồng rau củ để thưởng thức. Công việc này không chỉ giúp bạn tiết kiệm được tiền chợ mà còn khiến cơ thể được vận động, giúp bạn khỏe mạnh hơn. Thưởng thức thành quả lao động của bản thân sẽ mang lại cho bạn nhiều cảm giác thú vị.

8. Mua đồ giảm giá. Một số loại thực phẩm để khô hoặc được đông lạnh sẽ giảm giá sau một thời gian bày bán. Bơ, thịt, bánh mì và đồ ăn đông lạnh nếu được bảo quản tốt vẫn dùng tốt trong vài tháng. Một lưu ý nhỏ là đối với những sản phẩm giảm giá, bạn cần xem kỹ hạn sử dụng để tránh mua phải hàng quá “date”.

9. Sáng tạo trong nấu nướng. Hãy bảo quản thức ăn thừa của buổi tối hôm trước nếu để sử dụng sáng tạo cho những bữa ăn sau. Đừng lãng phí thức ăn bạn nhé.

MỜI BẠN THAM KHẢO THÊM:

Nghệ thuật "trả giá" khi đi mua sắm

Nói thách và trả giá khi đi chợ và mua sắm dường như đã trở thành thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Nhưng làm cách nào để mua được một món đồ ưng ý mà không sợ bị hớ thì không phải chị em nào cũng biết. Dưới đây là những 10 cách trả giá khi đi mua sắm:

1. Khi đến mua sắm ở một nơi nào đó, bạn cần phải tìm hiểu kĩ về "đặc trưng" của chỗ đó, có nói thách hay không, và nếu có thì nói thách ít hay nhiều. Có nơi chỉ nói thách từ 10 đến 30 nghìn đồng để khách trả xuống là vừa, có nơi thách gấp 2, 3 lần.

 2. Chọn "mối" quen: nếu bạn đã từng mua những sản phẩm ở một gian hàng với mức giá đúng, nghĩa là người bán ở đây không nói thách hoặc thách ít thì hãy quay trở lại đó đầu tiên trong những lần shopping tiếp theo. Những gian hàng ở chợ thường bán các mặt hàng giống nhau nên bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi mua ở chỗ quen, khi nào chỗ quen không có hãy tìm đến ki ốt khác cũng chưa muộn mà.

3. Nhìn vào thái độ người bán: nếu bạn vừa trả giá mà người bán ở đây cười và ok liền thì có nghĩa là bạn đã bị "hớ" rất nặng. Nếu bạn một cái giá thấp hơn mức bán được, họ sẽ để cho bạn đi ngay không "níu kéo"; ngược lại, nếu như người bán cứ cò kè "bớt một thêm hai", đặc biệt là năn nỉ thì bạn cần phải giữ thái độ cương quyết, bởi lẽ họ đang có tâm lý thêm được đồng nào hay đồng ấy.
 

4. Giữ thái độ chừng mực: Nếu bạn có thể đánh giá qua thái độ người bán thì ngược lại, những người bán hàng kinh nghiệm cũng dễ dàng "bắt tóp" được bạn. Nếu như bạn tỏ ra quá thích thú và trầm trồ khen ngợi về món hàng thì chắc chắn 99% là bạn sẽ khó lòng mà trả giá được khi muốn mua nó, nhất là khi mặt hàng ấy ít được bán trong các gian hàng cùng khu. Hãy cố gắng "hoãn sự sung sướng" lại. Tuy nhiên, không khen không có nghĩa là chê bai bộ đồ đó thậm tệ để rồi trả giá xuống. Bạn rất có thể sẽ gặp "tác dụng ngược".

5. Tạo cảm tình nơi người bán: rất nhiều người bán sẵn sàng fix nhiệt tình cho khách hàng nào thật sự muốn mua, vì vậy đừng ngại hỏi giá "mua được" là bao nhiêu. Nếu bạn cứ đặt lên đặt xuống hết món này đến món khác và hỏi giá liên tục thì người bán cũng sẽ rất "hờ hững" với bạn. Ngoài ra, bạn cần giữ thái độ hòa nhã, kiên nhẫn và vui vẻ khi trả giá, nếu người bán quý bạn rồi thì chắc chắn sẽ để cho bạn một mức giá thật tốt để làm quen.

6. Tham khảo giá ở nhiều nơi: đừng ngại đặt món đồ xuống và tham khảo giá thêm một vài nơi nữa trước khi quyết định. Cùng một món hàng nhưng đôi khi hai sạp gần nhau bán giá chênh lệch 100 nghìn là chuyện bình thường. Có một cách đơn giản hơn: hãy chờ cho những vị khách đến trước hỏi giá, trả giá để nhắm mức độ nói thách của cửa hàng đó.

 

Sài Gòn Square, địa điểm shopping yêu thích của rất nhiều người VN và nước ngoài, cũng bị than phiền là nói thách cao.

7. Đi ít nhất hai ngươì: để áp đảo tinh thần và đỡ lo bị... mắng thì bạn nên đi ít nhất hai người. Nếu có người đứng tuổi đi theo thì càng tốt vì sẽ ít bị nói thách hơn so với teens, còn không thì hãy nhờ một cô bạn lanh lẹ và có kinh nghiệm trả giá đi cùng nhé. Khi trả giá bạn cần phải dứt khoát và mau mắn, nếu cứ lơ ngơ là dễ bị "chém" như chơi đấy.

8. Đi vào ngày u ám: yếu tố thời tiết cũng vô cùng quan trọng trong nghệ thuật trả giá. Những ngày thời tiết u ám, mưa dai dẳng luôn là những ngày vắng khách hơn cả. Tâm lý của tiểu thương là bán được càng nhiều càng tốt để bù lỗ hôm ấy lại nên họ sẽ đưa ra một cái giá tốt để giữ chân khách.

9. Làm người "mở hàng": theo tâm linh của người Việt, người "mở hàng" rất quan trọng, nếu "mở hàng" mau lẹ, thuận lợi thì cả ngày hôm đó buôn bán sẽ rất dễ dàng và ngược lại. Thế nên nhiều tiểu thương luôn dành một cái giá "đặc biệt" cho người "mở hàng". Nhiều bạn biết điều này nên thường "canh me" đúng lúc các quầy vừa bày hàng ra để sà vào mua. Tuy nhiên lưu ý là điều này không có giá trị nếu như bạn không còn là người "mở hàng" đúng nghĩa, ngoài ra nhiều người bán còn có thể dùng chiêu "Giá này là giá mở hàng cho em" để bạn tin và khỏi trả giá nữa đấy.

10. Xem xét chất lượng hàng: nếu bạn là một "tín đồ" shopping chính hiệu thì việc phân biệt chất lượng sản phẩm chắc chẳn là "nghề" của bạn rồi phải không? Hãy chú ý thật kĩ đến đường may, chất liệu vải, hàng mới hay cũ... đây là những yếu tố dễ nhất để đánh giá chất lượng sản phẩm và định giá.
 

(ST)