Cách trị bệnh rối loạn lo âu phải kiên trì và đúng thuốc

Chào BS,

Em bị rối loạn lo âu, đã điều trị đợt 1 được 10 tháng tại BV Hòa Hảo, BS cho ngưng thuốc 2 tháng thì bệnh tái phát. 1 tháng nay, em điều trị đợt 2 tại chuyên khoa tâm thần TPHCM, tình hình bệnh cũng tốt lên.

Em đọc trên mạng thấy có trường hợp kháng trị. Em lo lắng, lúc nào cũng nghĩ một ngày nào đó em sẽ bị kháng thuốc. Nghĩ đến trường hợp tồi tệ nhất sẽ xảy ra với mình. Em không còn tin tưởng vào thuốc, lo sợ bệnh không còn cách nào điều trị, rằng em sẽ phải dùng tới choáng điện (theo em biết choáng điện là biện pháp cuối cùng để điều trị trầm cảm kháng trị).

Em lo lắng đến nỗi mặc dù em vẫn còn uống thuốc của BS nhưng dường như bệnh của em đang xấu đi, em bị mất ngủ trở lại, không thèm ăn, luôn bị ảm ảnh bởi căn bệnh của mình.

BS ơi, làm cách nào để em đừng suy nghĩ tiêu cực nữa. Làm sao để em luôn tin tưởng vào phác đồ BS đang điều trị cho em. Liệu bệnh của em có chữa khỏi hẳn bằng thuốc không, AloBacsi?

Thuốc em dùng là 1 loại thuốc chống trầm cảm và 1 loại an thần (em để thuốc ở nhà nên em không nhớ tên thuốc).

(Thanh Tuyền, 37 tuổi)

BS-CK2 Phạm Quỳnh Diệp:

Ảnh minh họa - nguồn internet


Chào em,

Rối loạn lo âu nói chung, thường xuất phát từ các ý nghĩ ám ảnh sợ quá mức bình thường hoặc vô lý nhưng không kiểm soát được, gây ra các phản ứng lo âu. Bệnh thường diễn tiến từ nhẹ đến nặng, ổn định và tái phát tùy theo thời điểm, thường có liên quan đến các yếu tố gây căng thẳng từ trong cuộc sống, hoặc tình trạng sức khỏe về mặt cơ thể.

Quá trình điều trị vì thế mà rất thay đổi tùy theo từng bệnh nhân, nhưng quy tắc bao gồm điều trị bằng thuốc phối hợp với tâm lý trị liệu.

Điều trị thuốc đòi hỏi phải kiên nhẫn và hợp tác từ cả hai phía. Thuốc được lựa chọn hoàn toàn phụ thuộc vào đáp ứng của bệnh nhân, đôi khi ở 1 giai đoạn này bệnh nhân đáp ứng tốt nhưng có lúc sẽ tái phát- liên quan tới môi trường sống, mức độ đáp ứng sẽ thay đổi, đòi hỏi phải điều chỉnh liều hoặc đôi khi phải thay đổi thuốc.

Liệu pháp tâm lý giúp cho người bệnh tự kiểm soát bản thân tốt, cũng như hướng dẫn cho họ cách đối phó với các căng thẳng trong môi trường để hạn chế tái phát.

Ngoài ra, không có chỉ định liệu pháp choáng điện để điều trị rối loạn lo âu nên em có thể yên tâm về điều này. (Liệu pháp choáng điện trước đây được chỉ định cho các trường hợp bệnh tâm thần phân liệt trong tình trạng kích động dữ dội kéo dài hoặc trong thể căng trương lực; rối loạn trầm cảm nặng với ý tưởng tự sát mãnh liệt. Hiện tại rất hiếm khi được chỉ định do sự ra đời của nhiều loại thuốc mới.).

Đối với tình hình của em hiện tại, các biểu hiện lo âu có chiều hướng tăng lên, em cần trao đổi tình trạng này cũng như các suy nghĩ của em với bác sĩ đang điều trị để có được những hướng dẫn phù hợp giúp vượt qua các khó khăn tâm lý, cũng như có hướng điều chỉnh phù hợp nhất về thuốc men.

Chúc em mau hồi phục.