Rối loạn dẫn truyền trong thất
Triệu chứng của bệnh rối loạn nội tiết ở chị em
Triệu chứng của bệnh rối loạn tuần hoàn não
Một sự kiện gây chấn động thế giới trong thời gian gần đây, cùng với những phát hiện mới cho biết: cơ phó Andrea Lubitz, người lái chiếc máy bay Airbus A320 số hiệu 4U9525 của hãng Germanwings đâm xuống dãy núi Alps của Pháp vào ngày 24/3 vừa qua đã mắc bệnh rối loạn lo âu lan tỏa.
Bệnh rối loạn lo âu
Hầu hết mỗi người trong chúng ta, khi đứng trước một sự kiện hay tình huống quan trọng như chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp đến, lễ cưới sắp diễn ra, trước buổi phỏng vấn xin việc làm…. đều không tránh khỏi cảm giác lo âu! Sự lo âu này là một phản ứng bình thường của cơ thể, khi các sự kiện, tình huống này qua đi thì cảm giác lo âu sẽ biến mất.
Tuy nhiên, sự lo âu này sẽ trở thanh bệnh lý (với tên gọi: rối loạn lo âu) khi lo âu không mất đi mà ngày càng tăng thành nỗi sợ hãi, ám ảnh quá mức, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh rối loạn lo âu (RLLA) là một bệnh lý thường gặp, được xếp vào nhóm bệnh rối loạn tâm thần. Người mắc bệnh RLLA vẫn nhận thức được sự vô lý về sự lo âu của chính mình, nhưng bản thân họ không thoát ra được những ám ảnh, lo lắng, sợ hãi….
Bệnh RLLA được chia thành nhiều dạng bệnh khác nhau:
- Rối loạn lo âu lan tỏa: người bệnh lo lắng, căng thẳng thái quá với những vấn đề vô lý liên quan đến sức khỏe, tiền bạc, nghề nghiệp… với mức độ “lan tỏa” theo từng ngày.
- Rối loạn ám ảnh cuỡng bức: người bệnh với những ý nghĩ ám ảnh, sợ hãi dẫn đến “cưỡng bức” phải thực hiện một hành động lặp đi lặp lại (như ý nghĩ có vi trùng ở tay nên thực hiện việc rửa tay hàng chục lần mỗi ngày).
- Rối loạn sợ hãi: người bệnh trải qua nỗi sợ hãi đột ngột, thường tái phát với các triệu chứng như khó thở, hồi hộp, đau thắt ngực, đổ mồ hôi, choáng váng…
- Ám ảnh đặc hiệu: người bệnh ám ảnh, sợ hãi với một đối tượng hay tình huống cụ thể nào đó như sợ rắn, sợ độ cao, sợ đi máy bay…
- Rối loạn lo âu xã hội hay ám ảnh xã hội: người bệnh ám ảnh, sợ hãi với những tình huống giao tiếp xã hội như: gặp gỡ đông người, nói chuyện trước đám đông… với biểu hiện đỏ mặt, run rẩy, nói lắp…
- Rối loạn stress sau sang chấn: người bệnh trải qua nỗi sợ hãi, ám ảnh về một sang chấn tinh thần như bị lạm dụng tình dục, mất người thân, tai nạn…
ảnh minh họa.
Bệnh RLLA gây ra các rối loạn của hệ thần kinh thực vật với các triệu chứng:
- Đau ngực, khó thở, hồi hộp.
- Toát mồ hôi, chóng mặt.
- Buồn nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy.
- Cảm giác kiến bò hay tê ở tay, chân…
Hiện nay, y học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh RLLA, nhưng nhận thấy có sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh ở trong não như: serotonin, norepinephrin… Ngoài ra, bệnh RLLA còn liên quan đến yếu tố di truyền, môi trường sống, xu hướng nhân cách của người bệnh.
Thuốc điều trị bệnh rối loạn lo âu
Các thuốc sau đây thường được sử dụng trong điều trị bệnh RLLA:
Nhóm thuốc an thần Benzodiazepin (Diazepam, lorazepam…): nhóm thuốc này mang lại hiệu quả nhanh chóng trong điều trị. Tuy nhiên, các thuốc này khi sử dụng trong thời gian dài sẽ gây ra tình trạng quen thuốc và nghiêm trọng hơn là nghiện thuốc! (Tốt nhất là sử dụng trong thời gian ngắn từ 2 - 3 tuần).
Buspiron là một thuốc chống lo âu, có tác dụng tương tự như nhóm thuốc Benzodiazepin nhưng ít gây ra nghiện thuốc, nên được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh RLLA.
Bệnh RLLA và bệnh trầm cảm có mối liên quan với nhau, nên các thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Amitryptilin, nortryptilin…) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc SSRI (Fluoxetin, paroxetin…) thường được sử dụng trong điều trị bệnh RLLA.
Propanolol là thuốc chẹn thụ thể beta được sử dụng để làm giảm các triệu chứng do rối loạn hệ thần kinh thực vật gây ra như: đau ngực, tim đập nhanh, đánh trống ngực…
Cần lưu ý: các thuốc trên là những thuốc kê đơn và có nhiều tác dụng phụ, nên phải được sự chỉ định của các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần tùy theo từng dạng bệnh cụ thể.
Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cần kết hợp với liệu pháp tâm lý, luyện tập yoga, tập thở, thư giãn… giúp người bệnh mau chóng thoát ra khỏi nỗi lo lắng, ám ảnh, sợ hãi, góp phần mang lại hiệu quả cao trong điều trị!