Cách trị học sinh cá biệt hiệu quả nhất

Cách trị học sinh mất cá biệt hiệu quả nhất. Để giải thích cụ thể hơn, cô Thanh cho biết với những học sinh nổi tiếng cá tính, bướng, không chịu nghe lời, cần phải tìm hiểu được trong sâu thẳm các em này đang sống vì điều gì.

 
 


CÁCH TRỊ HỌC SINH CÁ BIỆT HIỆU QUẢ NHẤT

Học sinh cá biệt, cách nào trị đến tâm phục khẩu phục?

Với quý tử lạc lối, giáo viên phải là 'nghệ sĩ nhịn'

“Người giáo viên phải đứng trên vai trò của người mẹ, người thầy và người bạn để quan tâm và chia sẻ đối với các học sinh của mình, có thế các em mới thấy nể phục và thay đổi”.

Cô giáo phải “nhịn” học sinh

Cô Thanh (trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) người đã có hơn 30 kinh nghiệm giảng dạy và chủ nhiệm lớp, cho rằng việc giáo dục lại các em học sinh là một điều vô cùng khó khăn.

Đối với các học sinh đang trong giai đoạn giáo dục trở lại, chỉ cần lệch một chút kết quả đã khác rồi. Có nhiều em đang trên đà tiến bộ nhưng có thể một vài hôm sau, do có những biến đổi về tâm lý, do bạn bè xấu lôi kéo, rất có thể sẽ quay trở lại con đường cũ.

“Công tác giáo dục phải luôn kiên trì, nhẫn nại, không phải lúc nào cũng thành công. Vì vậy, đòi hỏi người giáo viên phải có tâm với nghề và phải tùy cơ ứng biến trong từng trường hợp cụ thể”.

Khác với những giáo viên chủ nhiệm khác, cô Thanh có quan niệm đặc biệt trong việc giáo dục học sinh “cá tính”. Cô không có thói quen tìm hiểu quá sâu về cuộc sống của gia đình các em học sinh. Thay vào đó, cô Thanh dành thời gian để trò chuyện để nắm bắt suy nghĩ và mong muốn của các em.

“Tôi không quá quan tâm vì sao các em lại hư hỗn như thế mà hãy coi các em này như một tờ giấy trắng để giáo dục lại từ đầu. Giáo viên hãy để tâm đến các em bằng việc giao tiếp và trao đổi” - Cô Thanh tâm niệm.

Để giải thích cụ thể hơn, cô Thanh cho biết với những học sinh nổi tiếng cá tính, bướng, không chịu nghe lời, cần phải tìm hiểu được trong sâu thẳm các em này đang sống vì điều gì.

“Chỉ dạy được các em này khi nhận ra được các em còn sống vì bố mẹ, vì những người thân yêu hay vì một lý do nào đó. Nếu học sinh bất cần, không quan tâm đến bất kỳ một điều gì thì việc giáo dục rất khó có thể thành công”.

Nói đến đây, cô Thanh lấy ra một ví dụ trước đây lớp học của cô từng có học sinh vô cùng ngỗ nghịch nhưng lại có tài năng võ thuật. Dù là một võ sinh đã có đai đen nhưng mỗi khi mắc lỗi, cậu học sinh này vẫn nằm nghiêm chỉnh để cho bố đánh. Biết học sinh này có nghĩa khí và còn sống vì người khác nên cô Thanh quyết định giúp đỡ em đó tiến bộ.

Trong một lần tiếp xúc với T.P, cô Thanh buột miệng nói như vô ý: “Người như em học võ tốt đấy”. Như được khơi “trúng mạch”, ánh mắt cậu học trò như sáng lên, rồi cậu thao thao kể về niềm đam mê võ thuật của mình.
 

Để giáo dục các em

học sinh cá biệt

, nhiều khi giáo viên phải ngồi trò chuyện với các em ngay tại các quán nước vỉa hè (Ảnh minh họa)


Vì vậy, mỗi lần cậu học sinh “cá tính” này mắc lỗi, cô Thanh thường không mang các hình phạt ra để dọa học trò mà phân tích thêm về chữ “đạo” của một người học võ.

Câu chuyện ấy đã thực sự hấp dẫn và lôi cuốn cậu học sinh này khiến cho cậu dần dần đã thay đổi chính con người của mình. Vì vậy, năm lớp 10, T.P còn là một học sinh hư hỗn, nhưng sang tới lớp 11 em đã ngoan lên rất nhiều. Đặc biệt khi đến lớp 12, cậu học sinh này đã thay đổi hoàn toàn trở thành một học sinh ngoan ngoãn và có suy nghĩ tích cực.

Đối với những học sinh có “cá tính” đặc biệt, trong từng trường hợp người giáo viên phải có cách ứng xử khác nhau tuy nhiên bao giờ cũng cần phải “nhịn” học trò trong chừng mực có thể.

“Để học trò có thể nhận ra lỗi ngay lập tức là điều rất khó, vì vậy giáo viên đôi khi cũng phải “nhịn” đi một chút. Không phải các em cứ mắc lỗi là lại gọi ra để mắng. Có thể để đến ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa hoặc khi các em có một vài lỗi sai giáo viên mới nên gọi ra để trò chuyện và nhắc nhở” - Cô Thanh chia sẻ kinh nghiệm.

Học sinh thay đổi khi nể phục cô giáo

Chia sẻ về phương pháp giáo dục các học sinh “cá tính”, TS. Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng cho rằng: “Đối với những học sinh này, chúng ta không nên miệt thị và khinh rẻ mà cần tôn trọng các em. Ở đây, chúng tôi coi các em là những học sinh có nhiều “cá tính” chứ không gọi các em là học sinh hư, học sinh cá biệt”.

Vì vậy, mỗi người thầy phải là một “nghệ sĩ" với nghệ thuật làm thầy. Nghệ thuật ấy được thể hiện và thăng hoa trong từng lớp học, từng tiết học và với những học sinh cụ thể.

Cũng có cùng suy nghĩ này, cô Thanh cho rằng ở ngôi trường đặc biệt này, nghệ thuật ở đây chính là “sự chờ đợi”. Cô giải thích rằng, nghệ thuật chính là ở thời điểm nào thì nên nói điều gì và làm cái gì. Đối với mỗi trường hợp khác nhau, thầy cô giáo sẽ có những thời điểm để giáo dục học sinh của riêng mình.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả mà hầu hết các giáo viên đều đồng ý đó chính là sự gần gũi, quan tâm và chia sẻ với những học trò ngỗ nghịch của mình. Đa phần các em học sinh ngỗ nghịch thường thiếu đi tình yêu thương và sự quan tâm chia sẻ của chính gia đình mình.

Cô Hạnh Giang (giáo viên chủ nhiệm tại trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng) cho rằng muốn học sinh thay đổi thì giáo viên phải khiến cho các em nể phục.

Ở đây, các thầy cô giáo không chỉ giảng dạy về đạo lý “sách vở” mà phải thông qua những hành động và việc làm cụ thể mới có thể thay đổi được những suy nghĩ tiêu cực đang tồn tại trong đầu các em.

Ví dụ như trường hợp cô giáo Hoàng Liên Minh, dù đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn thiết tha kéo học sinh của mình trở về với đời thường bằng cách thường xuyên ngồi trò chuyện với học sinh ngay quán nước vỉa hè, nơi các em thường hay tụ tập.

Không gian sư phạm giờ đây không chỉ là lớp học khi cô truy vấn trò mà có thể là mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh.

Hay như trường hợp cô Hạnh Giang đã giúp cho cậu quý tử nhà giàu hiểu ra giá trị của đồng tiền thông qua suất cơm trưa là bánh mỳ mốc của một bạn học sinh nghèo trong lớp. Cô Giang đã tạo điều kiện để tự quý tử quan sát, cảm nhận và rút ra những bài học cho riêng mình.

“Các em học sinh bây giờ thông minh lắm. Các em cũng đã lớn rồi nên có thể tự nhận ra giáo viên nào tôn trọng và dành tình cảm cho mình. Người giáo viên phải đứng trên vai trò của người mẹ, người thầy và người bạn để quan tâm và chia sẻ đối với học sinh của mình. Khi các em cảm thấy nể phục giáo viên thì các em sẽ thay đổi” - Cô Hạnh Giang kết luận.

 

Những chiêu thầy cô đối phó với học sinh cá biệt

Để trị những học sinh cá biệt, các thầy cô cũng dùng những chiêu đặc biệt để 'tiếp cận đối tượng'.

Trò chuyện với phụ huynh

Với những học sinh cá biệt, việc họp phụ huynh là nỗi kinh hoàng vì rất có thể, lúc ấy, những lỗi lầm của teen sẽ bị cô giáo tiết lộ với bố mẹ. Nhưng ít ai biết rằng, trong những cuộc họp này, các thầy cô sẽ tìm hiểu rất nhiều về bạn, cách hành xử ở nhà, để tìm ra cách trị thích hợp nhất.

Ngoài việc gặp gỡ trực tiếp, đôi khi thầy cô còn trao đổi qua điện thoại với phụ huynh bạn mà bạn chẳng hề hay biết. Đây có thể coi là một cách “tác nghiệp” phổ biến trong việc quản lý học sinh, việc ở trường bạn đều bị ba mẹ nắm và bạn làm gì ở nhà cũng bị giáo viên biết. Chính vì thế, hãy giảm mức độ quậy phá công khai ở cả 2 "chiến tuyến" lại nhé.
 
Giáo viên đôi lúc "chơi rất thân" với cha mẹ bạn

To nhỏ với bạn thân cùng lớp

Để nắm tình hình học tập hoặc mọi hoạt động khác của bạn, một số giáo viên dùng cách này để có thể nắm được tình hình của bạn một cách nhanh chóng nhất - đơn giản mà lại hiệu quả. Mọi người thường nói, đến cả cha mẹ bạn cũng chưa chắc hiểu được bạn bằng bạn bè ngồi kế bên, bởi thời gian bạn ở trên lớp nhiều hơn ở nhà. Ngoài ra, các thầy cô còn có thể hỏi cả các cán sự trong lớp nữa. Và tất nhiên khi thành tích học tập của bạn sa sút thì đây cũng là một trong những phương pháp gấp rút để giáo viên tìm ra nguyên nhân.
 

 
Tham khảo các giáo viên khác

Giáo viên chủ nhiệm có thể cũng không quên “hỏi thăm” các thầy cô bộ môn khác về bạn. Nếu bạn là thành phần cá biệt, thì chắc chắn bạn sẽ luôn là chủ đề chính khi các thầy cô gặp nhau và trò chuyện trong phòng giáo viên. Như vậy, bạn đừng nghĩ rằng bạn học "í ẹ" môn Lý thì thầy Toán không biết nhé. Giáo viên hoàn toàn có thể nắm được bạn học các môn khác như thế nào, thái độ của bạn khi ngồi trong lớp ra sao. Thậm chí, các giáo viên khác có cách đặc biệt nào để “trị” bạn thì cũng sẽ được tích cực trao đổi cho nhau.

Chính vì thế, nếu bạn có quên làm bài môn Văn thì đừng có dại dột mà lấy ra làm lén trong giờ tiếng Anh!

Kiểm tra Facebook

Đừng lấy làm lạ, bởi đây là thời buổi người người Facebook, nhà nhà Facebook! Các thầy cô có thể cũng có Facebook và họ còn đang theo dõi mọi hoạt động của bạn trên trang mạng xã hội này đấy. Một câu status hoặc một tấm hình cũng có thể tố cáo hành vi của bạn và qua đó sẽ biết được bạn đang suy nghĩ và đã làm những gì.

Một số bạn xin nghỉ học với nguyên nhân bị bệnh nhưng hôm sau lại up hình lên Facebook hoặc viết status và còn check in mình đang ở đâu thì chắc chắn bạn sẽ có một buổi gặp riêng với vị giáo viên thân yêu.

 

Giáo viên thời buổi này dùng Facebook có khi còn "siêu" hơn học sinh

Lời nhắn nhủ cuối

Giáo viên nếu thực sự muốn hiểu học trò mình thì có vô số cách. Có thể nói “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” nên bạn khó mà rời khỏi mắt giáo viên của mình được. Đừng nghĩ "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" còn có hiệu lực cho tới năm 2012 nhé, bởi "trình tu luyện" của các thầy cô cũng không thua kém bạn đâu.

Tuy nhiên, hãy luôn ghi nhớ rằng, tất cả những gì mà các thầy cô đang ra sức "giám sát" bạn đơn giản chỉ vì họ còn lo lắng và quan tâm đến bạn, và đó là cách thầy cô muốn bạn tốt hơn mà thôi.

THAM KHẢO THÊM: “Cô tiên” của những học sinh cá biệt
 
Một cô giáo chủ nhiệm tận tâm “chuyên trị” học sinh cá biệt. Cô quan niệm ngựa chứng là ngựa hay, mỗi học sinh có một hoàn cảnh riêng, cần phải hiểu để chia sẻ và nâng đỡ. Bao năm qua cô đã dìu dắt, uốn nắn nhiều học sinh cá biệt thành người tốt.

Gắn bó được ba năm với Trường Quang Trung, năm 1997 cô về Trường Trần Phú cho đến giờ. Cô cười: “Không biết có phải là duyên mà hầu như năm nào tôi cũng được phân vào lớp có nhiều học sinh cá biệt…”.

Học trò và tướng cướp

Cô nhớ lại: “Ngày mới ra trường, làm chủ nhiệm lớp 10A4, trong lớp có P. học yếu do hoàn cảnh nghèo, mẹ làm thuê, bản thân P. phải đi bán vé số kiếm tiền cho cha ăn nhậu. Ngày nào không mang đủ tiền về thì bị ba đánh. Tôi nhiều lần nói chuyện với người cha ấy nhưng thất bại. Rồi một ngày tôi nhận tin em bị bắt vì tội trộm cắp và lãnh án tù hai năm. Tôi lặng người… Trong tù, P. viết thư cho bạn thông qua địa chỉ trường, trong đó có câu: “Tú ơi, tao nhờ mày nhắn với cô Trinh tao nhớ cô, tao kính trọng cô nhất trên đời. Tao ân hận vì không nghe lời cô dạy nên mới ngồi tù”. Đọc những dòng chữ thân quen đến thân thương của học trò tôi nghẹn ngào, giấu nước mắt. Tôi ân hận trách mình đã không dạy học sinh sống tốt!”.

Hai năm sau em ra tù. Một lần tình cờ em gặp tôi trên đường. Vừa trông thấy tôi, em quăng chiếc xe đạp ở ven đường, chạy lại bên tôi, vòng tay rồi quỳ xuống, nói: “Em xin lỗi cô, em mới ra tù!”. Nước mắt lưng tròng, tôi cũng chỉ kịp nói: “Cố gắng sống tốt nghe em!”. Sau này, được biết em vẫn sống bằng nghề bán vé số dạo, lương thiện!...

Và đời nở hoa

“Tôi quan niệm ngựa chứng là ngựa hay. Mỗi học sinh có một hoàn cảnh riêng, cần phải hiểu để sẻ chia và nâng đỡ” - cô chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy học sinh cá biệt.

Cách đây năm năm, cô chủ nhiệm một lớp bán công, chỉ có vài em học lực trung bình, còn lại là yếu. Tìm hiểu từng học sinh, thấy tới 60% học sinh có hoàn cảnh gia đình phức tạp, nếu thất học thì cuộc đời các em sẽ càng bi đát. Cô dành nhiều thời gian trò chuyện, tìm hiểu tâm lý, hoàn cảnh của từng em một để có cách dìu dắt. Em Ngô Xuân H. nghịch phá, chọc giận thầy cô, bạn bè rồi nằm dài trên bàn. Qua tìm hiểu, biết cha mẹ ly hôn, H. sống cùng mẹ. Mẹ em vất vả làm mướn từ sáng đến tối, không có thời gian quan tâm, dạy dỗ em. Cô đề nghị nhà trường miễn học phí cho em. Thế nhưng H. lại xài điện thoại di động (ba em “bù đắp” tình cảm cha con bằng món quà này). Các bạn trong lớp bức xúc và tỏ ra xem thường H. Cô gọi H. lại phân tích: “Con có bao giờ nhìn thấy mẹ xanh xao, tảo tần đi làm thuê để có tiền cho con ăn học không. Mẹ chỉ trông vào con và mong ngày mai con được đi học, có công việc làm đàng hoàng, nuôi mẹ”. Nghe tới đây, H. khóc nức nở và nói: “Cô nói đúng!”. Cô gặp cha mẹ H. nhỏ to tâm sự, đề nghị họ quan tâm tới em hơn, vật chất không bù đắp được tình thương. Đến hết học kỳ một, H. học khá hẳn lên, vượt hai bậc học lực. Cô đề xuất nhà trường khen thưởng đặc biệt. H. hạ quyết tâm với cô: “Cuối năm con quyết đạt học sinh giỏi”. Và thật sự H. đạt học sinh khá-giỏi, rồi đậu vào đại học ngay trong năm đó. Năm học mới 2006-2007, H. về trường nhận phần thưởng danh dự là học sinh đậu đại học. “H. đã hát bài Tình mẹ tặng tôi. Tôi hạnh phúc vô cùng, phần thưởng lớn mà H. đã dành cho tôi và tôi như được tiếp thêm sức mạnh để đến với các học sinh cá biệt sau” - cô Trinh nói.

Chỉ có tình thương ở lại với đời…

“Từ bé tôi đã được ba mẹ hướng nghiệp làm nhà giáo hoặc làm bác sĩ vì đây là hai nghề tự giáo dục lòng nhân, lòng từ tâm của chính bản thân mình”. Cô Nguyễn Tuyết Trinh, giáo viên hóa Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú, TP.HCM) đã chọn nghề theo lời khuyên ấy.

Năm 1993, tốt nghiệp khoa Hóa ĐH Sư phạm, cô được phân công về dạy ở Trường THPT Quang Trung (Phước Thạnh, Củ Chi). Lần đầu cô đi nhận nhiệm sở, mới được nửa đường thấy hoang vắng, hiu quạnh cô định trở về nhà. Rồi một cơn mưa định mệnh đã làm trỗi dậy tình yêu thương giữa người với người. Hôm đó, cô tình cờ chứng kiến một cô bé khoảng 15-16 tuổi với tà áo dài trắng rất cũ vác chiếc xe đạp trên con đường đất đỏ đến trường, một chiếc xe ben chạy ngang hất cả nước bùn đỏ vào người em. Em học sinh bé bỏng đứng tần ngần khóc và cô chạnh lòng rồi quyết định gắn mình với vùng đất này. Trường heo hút, học sinh mất căn bản đến mức hỏi đến kiến thức hóa lớp 8, lớp 9 các em đều “ú ớ”. Nhẫn nại, cô dạy học sinh lại từ đầu, củng cố kiến thức cơ bản môn hóa học.

Cô trò cùng nhau đánh vật với khó khăn và ngay thế hệ ấy có nhiều em thành đạt. Một trong số đó là Trần Minh Hóa, nay là phó giám đốc một công ty kinh doanh ngành điện. Hay Kim Chi là trưởng phòng nhân sự một công ty trong Khu công nghiệp Tây Bắc, Củ Chi. Gặp lại cô, họ lại kể cho cô nghe những câu chuyện thế thái nhân tình, những va vấp của cuộc sống, chờ cô lời khuyên như những học trò bé nhỏ ngày nào. “Đấy là những món quà rất lớn đối với cái nghiệp “gõ đầu trẻ” của tôi. Có gì vui hơn khi học trò nhớ tới mình và đến tặng cô những bài hát về tình thầy trò, rồi trải lòng nhau, lắng nghe nhau, gắn kết nương tựa vào nhau, tiếp cho nhau sức mạnh để sống tốt” - cô Trinh chia sẻ.

Chỉ đường, nâng bước

LA - một nữ sinh sức khỏe yếu, tiếp thu kiến thức chậm, trí nhớ kém. Gia đình chuyển sang học dân lập nhưng em học cũng không nổi, cuối cùng chuyển về học hệ bổ túc Trường Trần Phú. Tôi nghĩ rằng A. vốn dĩ yếu đuối nên cha mẹ không dám cho A. làm việc gì, từ đó cháu mới thụ động và bi quan trong cuộc sống. Tôi lên kế hoạch, thời khóa biểu cho A. làm công việc nhà giúp mẹ. Tiếp theo, tôi hướng dẫn em phương pháp học tập, phát triển tư duy. Tôi tập cho em tính kiên nhẫn, chịu đựng vượt khó khăn. Gần hết học kỳ một, em bắt kịp bạn bè, tự tin hẳn lên và ham học đến độ bệnh mà cũng đòi đi học. Tôi phân công một học sinh khá kèm em và em tiến bộ hẳn. Tôi hướng nghiệp cho em không nên thi đại học vì sức khỏe và kiến thức, chỉ nên học cao đẳng và năm đó LA đậu hai trường cao đẳng.

Cô Trinh dốc hết tình thương với học trò

Gắn bó với Trường Trần Phú hơn 13 năm, cô Trinh để lại trong tâm trí nhiều thế hệ học trò những hình ảnh đẹp. Hiện nay, cô là khối trưởng chủ nhiệm, có uy tín và truyền đạt phương pháp giáo dục học sinh cá biệt cho nhiều giáo viên khác trong trường. Những hành vi của học sinh như quậy phá, lười học… cô có thể truy nguyên lại và lý giải nó thông qua việc tới gia đình tìm hiểu hoàn cảnh, đời sống từng học sinh một, rồi dùng biện pháp tâm lý nói chuyện nhỏ nhẹ, phân tích cái đúng, cái sai cho học trò mình nhận thức và hiểu.

Cô Trinh đã làm ra điều kỳ diệu!

Tôi sống cảnh gà trống nuôi con, không đủ tế nhị để sát sao tâm lý con ở tuổi mới lớn. Cháu ngày càng bướng bỉnh, cha con xảy ra xung đột. Học lực con tôi giảm từ loại khá năm lớp 10, loại trung bình lớp 11 và ngay kỳ thi thử đầu lớp 12 rớt xuống loại kém. Cô Trinh đã gọi điện thoại báo động, mời tôi đến trường cùng tìm hiểu và bàn phương án động viên cháu học. Chính nhờ sự tận tâm, tận lực của cô, học kỳ hai con tôi thay đổi tính tình, trở lại loại khá và đậu tốt nghiệp, đậu vào đại học. Với tôi, đó là điều kỳ diệu!

Cô giáo giúp học sinh cá biệt bằng cách viết thư

Bằng những lá thư tâm sự như "Cô biết em là đại ca của lớp. Nếu em lãnh đạo phong trào của lớp tốt lên thì sẽ tốt biết bao", cô gái dạy văn đã "biến" những học sinh cá biệt của lớp trở nên hòa đồng, thân thiện.

Bằng những lá thư tâm sự như "Cô biết em là đại ca của lớp. Nếu em lãnh đạo phong trào của lớp tốt lên thì sẽ tốt biết bao", cô gái dạy văn đã "biến" những học sinh cá biệt của lớp trở nên hòa đồng, thân thiện.

Trong hội nghị tổng kết dự án "Bảo vệ trẻ em, tăng cường phương pháp kỷ luật tích cực" cuối tuần qua, nhiều cơ sở giáo dục đã chia sẻ phương pháp giáo dục tích cực tại địa phương. Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Tú (Vĩnh Linh, Quảng Trị) kể về kỳ tích của một giáo viên dạy văn tên Nhung, đã cảm hóa 5 học sinh cá biệt trở nên ngoan ngoãn.

Ngày nhận lớp mới với 30 học sinh, cô Nhung đã phát hoảng khi có 5 em luôn là trung tâm quậy phá và cản trở thành tích chung của tập thể. Các em thường nói chuyện riêng, gây rối, không nghe giảng và không làm bài tập về nhà. Trong số này có một em là "đại ca" ngầm, thường chỉ đạo các bạn quậy phá.

Các thầy cô trước đó đã thử nghiệm các biện pháp răn đe như vỗ bàn, đập ghế, bắt chép bài nhiều lần, cho cọ rửa nhà vệ sinh... nhưng không đem lại hiệu quả. Sau khi làm quen với lớp, cô Nhung nhận thấy những biện pháp cứng rắn dường như phản tác dụng nên khi các em quậy, cô chỉ cười trừ, lấy lại bình tĩnh để tìm hướng giải quyết.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, cô chọn cách viết thư. Hàng ngày, cô đều đặn viết thư cho từng em tâm sự: "Hôm nay cô thấy em bỏ áo vào quần, trông rất gọn gàng. Em rất đẹp trai", hay "Cô biết em là đại ca của lớp. Nếu em lãnh đạo phong trào của lớp tốt lên thì sẽ tốt biết bao", "Cô biết em rất yêu mẹ. Dù nay mẹ em không còn nhưng chắc bà sẽ rất vui khi thấy em cố gắng thế này".

Để trẻ chuyển biến tích cực cần sử dụng phương pháp giáo dục hiệu quả. Ảnh: Hoàng Thùy.

Với những bức thư nhỏ, chân thành ấy, cô Nhung đã động viên, khích lệ và cũng "khích tướng" các em. Dần dần, những học sinh cá biệt đã có chuyển biến tích cực, gần gũi, thân thiện hơn với cô và các bạn.

Dự án tăng cường phương pháp kỷ luật tích cực cho giáo viên cũng mang lại nhiều thay đổi tại trường Tiểu học Văn Bán (Cẩm Khê, Phú Thọ). Cô giáo Nguyễn Thị Thương là điển hình về những thay đổi tích cực này.

Khi mới nhận công tác, cô Thương gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ trong việc giáo dục trẻ, đặc biệt là học sinh cá biệt và những em mắc lỗi. Cô tâm sự, thường xuyên bực mình và nhiều lúc không thể kiềm chế được đã mắng học sinh khi các em đi học muộn, không thuộc bài, đánh nhau... "Sau những lần như vậy tôi thấy các em không thay đổi gì", cô tâm sự.

Được tham gia khóa tập huấn đầu tiên dự án kỷ luật tích cực, cô Thương đã nhẹ nhàng hơn với học sinh. Thay vì mắng mỏ và dùng hình phạt, cô động viên, khuyến khích, lắng nghe học sinh nhiều hơn. Không khí lớp học từ nặng nề trở nên thoải mái, học sinh cũng nghe lời và biết tự giác nhận lỗi.

Ở xã Văn Bán người ta còn nhắc đến câu chuyện em bé 13 tuổi bị bố hành hạ dã man đã được giải thoát nhờ tuyên truyền viên. Bố đi tù vì tàng trữ ma túy, mẹ bỏ đi lấy chồng, cậu bé phải ở với bà nội. Song bà lại bộn rộn việc đồng áng nên không có thời gian dạy dỗ, cậu bé trở nên hư hỏng, hay cãi bà và ăn trộm đồ của những người xung quanh.

Sau khi mãn hạn tù, nghe hàng xóm kể về con trai, bố cậu bé thường xuyên đánh đập, hành hạ em thô bạo. Có lần ông bắt em ăn phân trâu, đau bụng mấy ngày. Lần khác ông bắt em nuốt một con chim sống, hoặc buộc sắt vào chân và cổ cả ngày không tháo...

Cộng tác viên bảo vệ trẻ em tên Hương đã nghĩ cách tiếp cận với ông bố, giải thích, khuyên nhủ. Phải đến lần thứ năm người cha mới cam kết không đánh đập con nữa. Ông cũng bắt đầu chú tâm làm ăn, cậu bé nghịch ngợm từ bỏ những thói xấu và được nhắc đến rất nhiều trong làng vì thay đổi tích cực.

Thuần phục học sinh “bất trị” bằng võ đạo

- Cho rèn luyện võ thuật và thể thao để trị bớt cái tính ngỗ ngược, ham chơi, lười học là phương pháp “trị” học sinh cá biệt mà trường phổ thông nội trú thuộc Viện Nghiên cứu phát triển võ Việt Nam và Thể thao đang áp dụng.

Thích đánh nhau… lên đài đeo găng giáp

Bên cạnh việc học văn hóa, những học sinh ngỗ ngược ở Viện đều bắt buộc phải chọn luyện võ thuật hoặc chơi một môn thể thao. Hoạt động này sẽ rèn luyện sức khoẻ, ý chí và nghị lực cho các em.

Thạc sĩ Phạm Quang Long, Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển võ Việt Nam và Thể thao cho biết, các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, hiện tượng học sinh hiếu động, cá biệt chủ yếu do dư thừa năng lượng (bệnh ADHD) và do môi trường giáo dục không phù hợp. Chính vì vậy, việc giáo dục các em bằng cách huy động hết năng lượng dư thừa vào việc chơi thể thao và các hoạt động bổ ích sẽ cải thiện được tâm lý và thể chất của các em.

Phương pháp để “trị” những học sinh thích gây gổ đánh nhau là cho các em đeo găng giáp lên sàn đấu.


“Ở trong một môi trường chỉ có học và phải ép mình theo khuôn khổ nội quy chung của nhà trường, các em không có chỗ để xả nguồn năng lượng dư thừa ấy. Không được xả thì các em thấy “ngứa chân, ngứa tay”, hành vi lặp đi lặp lại thành… HS cá biệt. Vào môi trường học của chúng tôi, các em được xả nguồn năng lượng dư thừa ấy vào môn thể thao mà các em ưa thích. Như vậy các em sẽ giảm được tính bạo lực, luyện tập thể thao lại nâng cao sức khỏe cho các em”, thầy Long phân tích.

Theo thầy Long, phương pháp để “trị” những học sinh thích gây gổ đánh nhau là cho các em đeo găng giáp lên sàn đấu.

“Có một cô bé nổi tiếng đầu gấu ngoài xã hội. Cha mẹ bất lực vì suốt ngày ăn xong là đi gây gổ đánh nhau, vừa mới đặt chân vào trường, cô bé trông rất “ngầu” nhìn mọi người bằng con mắt… rất khinh thường, ngồi ghếch chân lên bàn, tóc cắt ngắn nhuộm đến mấy màu, trả lời bằng cái hất hàm… Chúng tôi dẫn đến một bạn gái trạc cùng tuổi trông rất mảnh mai và đầy nữ tính, giao cho “quản” cô bạn mới. Cô bé hất hàm đòi thử võ, nếu thắng thì hãy nói chuyện. Áo giáp khoác vào, với chỉ hai cú ra đòn, cô bé hung hãn kia thấy sức mạnh của mình chẳng là gì cả… Chúng tôi thu phục HS cá biệt chẳng đao to búa lớn, dần dần đưa các em tự nguyện vào khuôn khổ của kỷ luật”, thầy Long kể.

Học sinh cá biệt ở đây thường rơi vào các trường hợp như gây gổ đánh nhau, nghiện game, vô kỷ luật…Với cá tính mạnh và bản tính hiếu thắng, các em ít khi nghe lời người khác, trừ những khiến các em “phục”. Vì vậy thầy cô ở đây nhiều khi phải tỏ ra “trên cơ” các em, thậm chí phải dùng “tiểu xảo” mới trị được những học sinh này.

Thầy Bùi Đức Thao, giảng viên của trường kể: “Có em học sinh nghiện thuốc lá, phạt đủ đường vẫn lén lút hút. Tôi đành phải dùng đến biện pháp là đợi đến ngày em này ốm, gọi em đi khám sức khỏe rồi chụp tim phổi. Tôi nhờ bác sĩ đổi cho một cái phim khác chụp phổi đen xì, đưa cho cu cậu xem và chỉ nói một câu: nếu muốn chết thì cứ hút nữa đi. Thế là cu cậu hãi, có đưa thuốc cũng không dám hút nữa”.

Từ vô kỷ luật đến tác phong quân đội

Giờ giấc sinh hoạt của trường được thiết kế gần giống với giờ giấc của quân đội. Sáng dậy tập trung tập thể dục, rồi đi học, trưa về cùng ăn cơm, chiều lại đi học, tối học bài hoặc sinh hoạt ngoại khóa, đến giờ là phải đi ngủ.

Điều đặc biệt là, ở ngoài các em có ngỗ ngược, vô kỷ luật đến đầu thì vào trường đều có ý thức kỷ luật: giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, ngủ dậy là gấp chăn màn vuông vắn, quần áo gấp gọn gàng, giày dép xếp ngay ngắn. Các em nhỏ học lớp 3, lớp 4 đã biết tự giặt quần áo.

Sách vở, chăn màn được các em gấp gọn gàng, ngăn nắp.


Thầy Bùi Đức Thao cho biết, ở trường, các em không được tiêu tiền mặt, không được dùng điện thoại di động. Chỉ đến ngày cuối tuần mới được dùng điện thoại gọi về cho người thân, gia đình; mỗi tháng được về thăm nhà một lần.

“Các em không dám mắc lỗi vì sợ bị phạt cuối tuần không được dùng điện thoại, không được về thăm nhà. Có những em đã có bạn gái, phải cố gắng học tập rèn luyện thì mới được gọi điện, được về nhà thì mới có tiền tiêu vặt, gặp gỡ bạn gái”, thầy Thao nói.

Thầy Thao cũng cho biết, trường thường kết hợp các hình thức phạt vào việc học của học sinh. Ví dụ như mỗi ngày các em phải học thuộc 10 từ mới tiếng Anh, đến giờ đi ăn thầy cô sẽ kiểm tra, em nào thuộc mới cho đi ăn. Phạt các em chép từ mới, học thuộc bài tiếng Anh khi vi phạm kỷ luật.

Các nhỏ học lớp 3, lớp 4 đã biết tự giặt quần áo, lau dọn nhà cửa.

Giờ giấc sinh hoạt của trường được thiết kế gần giống với giờ giấc của quân đội.


Sự chuyển biến của các em học sinh được gia đình ghi nhận là rõ rệt nhất. Chị Nguyễn Thị Hằng, mẹ của cháu Phạm Ngọc Duy, học sinh lớp 10 đang theo học tại trường cho biết, trước khi con vào trường, gia đình rất thất vọng với học lực cũng như đạo đức của con nhưng chỉ một năm sau chị đã có thể rơi những giọt nước mắt tự hào về con.

Chị kể: “Sau 1 năm học tại trường thành tích học tập của cháu được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, khi về nhà cháu nói chuyện với bố mẹ rất từ tốn, biết giúp mẹ những việc vặt trong nhà, thường xuyên hỏi thăm sức khỏe của bà năm nay 93 tuổi. Những việc tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng điều đó đã làm vợ chồng tôi rất hạnh phúc, với đứa con trước kia: học hành kém cỏi, suốt ngày trốn nhà đi chơi điện tử cùng bạn bè nghịch ngợm, tôi rất thất vọng và không nghĩ rằng có ngày hôm nay.

Đầu tháng 8 vừa rồi... cháu có tên trong danh sách đội tuyển thể thao của Viện Nghiên cứu phát triển võ Việt Nam và Thể thao được đi thi đấu giải của Hội khỏe Phù Đổng tổ chức tại Cần Thơ và đã có giải thưởng. Cháu mang huy chương và giấy chứng nhận về đưa cho tôi và nói: “Con tặng mẹ”. Tôi hạnh phúc quá, không nói được lời nào, chỉ biết ôm con và khóc”.



 

Những kiểu chia tay nghịch ngợm tuổi học trò
Nữ sinh trường Ams nghịch ngợm đáng yêu với tà áo dài
Những hình ảnh đẹp trong phim Cao thủ học đường cực "xì tin
Đầu năm học cười "vỡ bụng" clip nghịch ngợm tuổi học trò
Kỷ niệm 'vẻ vang' ngập tiếng cười thời học sinh
Bạn ơi" - Câu chuyện của thời học sinh Việt trên đất Mỹ





(ST)

Học sinh của em là một quý tử, học khá yếu nhưng lại khá lì lợm và tương đối chậm chạp. Cháu nay đã lớp 6 rồi nhưng còn mải chơi như mấy bé lớp 2. Vậy em nên làm thế nào ạ
hơn 1 tháng trước - Thích
Đó là những học sinh nói còn nghe. Còn những học sinh bất cần đời, mục đích đến lớp để phá, chống đối giáo viên, coi việc trêu được giáo viên, phá được lớp là hay. Tôi cũng dùng nhiều cách không ổn. Trong khi Nhà trường lại bênh học sinh, không muốn xử lí, đổ lỗi cho giáo viên. Vậy tôi phải làm thế nào?
hơn 1 tháng trước - Thích (6)
Gửi hỏi đáp - bình luận