Cách trình bày slide bảo vệ luận văn khoa học nhất

“Thành viên” trong bộ Microsoft Office, Powerpoint là công cụ hữu ích dùng cho việc thuyết trình tại các cuộc hội thảo, giảng dạy hay ít nhất là cho thuyết trình luận văn tốt nghiệp.






Cách làm bản thuyết trình bằng Powerpoint

Đây một phần mềm thông dụng nhất hiện nay đối với không chỉ riêng các cán bộ quản lý, hay giáo viên mà còn cho cả những sinh viên.


Phần mềm Microsoft Powerpoint cùng với máy trình chiếu giúp cho những ý tưởng tỏa sáng. Ảnh: http://www.research-in-germany.de


Khởi động PowerPoint

Để bắt đầu quá trình khởi tạo một tài liệu thuyết trình (slideshow), cần bật ứng dụng này lên. Nhấn chuột vào Start menu rồi mở trình đơn Programs, tìm đến nhóm Microsoft Office để mở PowerPoint.

Tiếp theo, PowerPoint sẽ hiện ra hộp thoại cho lựa chọn các mục nhằm tạo hoặc mở một slideshow theo ý muốn của người sử dụng.

- Nếu lựa chọn Template, sẽ cho một số mẫu nền sẵn có cho slideshow của bạn.

- Nếu Blank Presentation sẽ cho một slideshow với nền trắng để có thể tuỳ biến dễ dàng.

Nên dùng một Blank Page. Sau khi đã có một slideshow nền trắng trên màn hình, cần chọn màu cho nó bằng cách nhấn chuột phải vào đó và chọn Background. Hộp thoại Background mở ra, nhấn vào mũi tên sổ xuống, chọn Fill Effects cho màu nền có độ sâu.

Hộp thoại Fill Effects mở ra, ở thẻ Gradient đánh dấu chọn One Color, rồi nhấn mũi tên sổ xuống bên cạnh, chọn More Color, hộp thoại Colors xuất hiện cho phép chọn màu ưng ý. Chọn xong màu rồi nhấn OK để trở về hộp thoại Fill Effects. Tại hộp thoại này, đánh dấu chọn vào mục From title ở dưới cùng, rồi chọn kiểu trung tâm sáng ngoại vi tối ở mục Variants bên cạnh, xong nhấn OK.

Cần lưu ý sử dụng màu sắc cho slideshow rất quan trọng. Màu sắc lòe loẹt sẽ gây khó chịu cho người xem. Bạn nên chọn một màu đơn hơi tối, vừa không chói mắt lại vừa làm nổi bật màu chữ. Một gợi ý là chọn màu xanh dương đậm.

Màu và kích cỡ cho Font chữ

Chọn phông chữ nên là một trong các font sau: Arial, Vni-Helve, Vni-Times. Nên chọn màu trắng, vàng, xanh lá cây, cam. Kích cỡ nên trong giới hạn từ 20-44 pt. Không nên chọn kích cỡ dưới 20 pt vì chữ sẽ nhỏ khi nhìn từ xa (trừ khi trình bày bảng số liệu thì có thể chọn cỡ thấp nhất là 20 pt).

Tạo trang kế tiếp

Để tạo một slide mới: Chọn insert/New Slide hoặc biểu tượng New Slide trên thanh Tollbar hoặc nhấp Ctrl + M.

Để tạo màu nền mới: Vào Format/Custom Background rồi chọn màu bạn thích và nhấp Apply cho một hoặc Apply to All cho tất cả các slideshow.

Tạo các hình tuỳ thích: Bạn hãy nhấp vào các biểu tượng nằm trên hộp Drawing, sau đó vẽ lên slideshow của mình nhằm tạo các hình theo sở thích. Biểu tượng Textbox để viết các đề mục chính trong bài phát biểu của mình. Bạn cũng có thể xoay các đối tượng của mình bằng cách chọn biểu tượng Free rotate tool, hoặc vào Draw/rotate/flip và chọn các kiểu xoay phù hợp. Tiếp theo bạn có thể thay đổi font thích hợp bằng cách chọn Format/font.

Bổ sung hiệu ứng đặc biệt

Nhắp vào biểu tượng Fill color, rồi chọn shaded để tạo bóng cho đối tượng, đây là hiệu ứng hết sức bắt mắt để tạo ra những hình ba chiều. Bạn cũng có thể tạo các cách tô vẽ cho đối tượng của mình bằng cách chọn các mục còn lại trong Fill color. Chú ý: bạn không thể làm điều này với các đối tượng đưa vào là hình ảnh.

Chọn nút Shawdow on/off để tạo hình bóng của đối tượng lên hình nền. Đây cũng là một cách làm cho đối tượng của bạn thêm phần đẹp mắt.

Ngoài việc cắt dán các đối tượng đã hết sức quen thuộc, bạn cũng có thể chèn các đối tượng khác như trong các phần mềm khác của bộ office bằng cách vào insert/object. Bạn có thể chèn một tài liệu Word hoặc bảng tính excel, một bản nhạc, đoạn phim hay bất cứ cái gì bạn muốn.

Bạn có thể chèn hình ảnh các bông hoa, hay biểu tượng ngộ nghĩnh cho slideshow thêm bắt mắt . Những hình ảnh đó có thể tải miễn phí tại địa chỉ http://www.animationfactory.com .

Một trong những hiệu ứng có kết quả tốt là tạo nên những ấn tượng khi trình bày các đối tượng theo các cách khác nhau, làm tăng hiệu quả trình bày lên rõ rệt. Nhắp vào biểu tượng Animation effect trên thanh toolbar, một bảng nút sẽ hiện ra.

Việc tạo hiệu ứng cho slideshow sẽ làm tăng tính hấp dẫn lôi cuốn người xem. Tuy nhiên cần chú ý tới tính hợp lý cho từng mục đích của buổi thuyết trình. Đối với các buổi trình chiếu quảng cáo sản phẩm hay tiếp thị nên sử dụng nhiều hiệu ứng mạnh gây ấn tượng. Còn với buổi trình luận văn tốt nghiệp thời gian thường không dài, vì vậy nếu bạn tạo nhiều hiệu ứng thì sẽ làm mất thời gian vô ích. Do vậy chỉ nên sử dụng 2 đến 3 hiệu ứng, bao gồm 1 hiệu ứng chuyển trang và 2 hiệu ứng cho chữ.

Để tạo hiệu ứng cho chữ, nhấn chuột phải vào khung chứa chữ, chọn Custom Amination. Cửa sổ Add Effect xuất hiện ở bên phải, nhấp vào nút Add Effect để chọn hiệu ứng, ví dụ như Fly in (bay), Spin (quay tròn), Grow/Shrink (phóng to/thu nhỏ), Diamond (lấp lánh)... Kinh nghiệm cho thấy hiệu ứng Random Bars thường được sử dụng. Nếu bạn muốn áp dụng một kiểu hiệu ứng cho toàn bộ nội dung slideshow thì vào menu Slide Show/Amination Schemes. Cửa sổ Apply to selected Slides xuất hiện bên phải, bạn chỉ việc nhấn chọn hiệu ứng rồi vào Slide Show/View Show xem thử.

Để tạo hiệu ứng chuyển trang, bạn vào Slide Show/Transition. Cửa sổ Slide Transition xuất hiện ở bên phải, bạn nhấn chọn hiệu ứng rồi vào Slide Show/View Show xem thử. Hiệu ứng Strips Right-Down thường được dùng nhất.

Trình diễn sản phẩm

Có nhiều cách để trình diễn các slide PowerPoint. Vào View/slide show hoặc nhắp biểu tượng Slide show bên trái phía dưới màn hình. Theo mặc định, đuôi của các file PowerPoint là *.ppt.

Khi trình diễn, các đối tượng của slideshow hoặc từng slideshow sẽ hiện ra theo từng cái nhắp chuột hoặc biểu tượng nào đó của bàn phím. Bạn nên cho các tiêu mục hiện ra lần lượt để dễ theo dõi.

Bạn có thể dùng bút để vẽ, khoanh tròn các vấn đề quan trọng bằng cách nhắp vào nút có hình mũi tên bên dưới và chọn pen hoặc nhắp nút phải lên màn hình và chọn lựa. Bạn có thể chọn màu cho đường vẽ bằng cách vào pointer options/pen color" và chọn màu thích hợp.

.


Slide và kịch bản thuyết trình


Trong công việc và học tập bạn khó tránh khỏi những lúc phải trình bày một chủ đề trước đám đông thính giả. Đừng ngại, đây là một cơ hội tốt để bạn thể hiện nâng cao vị thế của mình trước đám đông. Vấn đề là làm thế nào để có được một bài thuyết trình tốt? Bài viết này sẽ trang bị cho bạn những kiến thức cơ bản nhất về phương pháp thực hiện để có được một bài thuyết trình tốt.

Do chuẩn bị bước vào kỳ bảo vệ đồ án/luận văn của sinh viên, các phương pháp và các ví dụ xuyên suốt trong bài viết tập trung chủ yếu vào nhóm các bài thuyết trình bảo về đồ án/luận văn của sinh viên

1. Ý nghĩa slides

Slide thuyết trình mang ý nghĩa là một công cụ bổ trợ cho nội dung được trình bày chứ không phải là nguồn thông tin chính dành cho thính giả. Với tư cách là công cụ bổ trợ nôi dung được trình bày, slides được chia làm 2 dạng:

  • Dạng 1: Công cụ minh hoạ, trợ giúp minh họa các ý bằng hình ảnh, biểu đồ hoặc công thức. Slide dạng này nhằm mục đích làm rõ ý, tăng cường sức truyền tải của người thuyết trình muốn truyền đạt tới khán giả.
  • Dạng 2: Xương sống cho nội dung trình bày. Slides dạng này đi xuyên suốt trong toàn bộ buổi thuyết trình. Dạng này là phần cốt để khán giả nắm được từ tổng thể đến chi tiết nội dung của người thuyết trình đồng thời là dàn ý trực quan cho người thuyết trình bám sát nội dung cần truyền đạt. Ở dạng này slides đóng vai trò là cấu nối gắn kết thính giả và người trình bày trong suốt buổi thuyết trình. Dạng này cũng bao gồm luôn cả dạng 1 trong một vài slides.


Do dạng 1 đi quá sâu vào chi tiết nên không có phương pháp cụ thể để làm slides theo mà chỉ có các khuyến cáo để có thể xây dựng slides theo cách tốt nhất. Bài viết này sẽ trình bày về phương pháp xây dựng slides theo dạng 2 (dạng 2 luôn bao gồm cả dạng 1) với tư cách là xương sống của bài thuyết trình và đồng thời đưa ra các khuyến cáo để xây dựng dạng 2 tốt nhất.
 

2. Chuẩn bị dàn ý, kịch bản thuyết trình

Do slides là xương sống của nội dung thuyết trình, vì vậy chuẩn bị dàn ý cho slides cũng chính là chuẩn bị dàn ý cho bài thuyết trình. Đây là bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất để xây dựng slides trở thành căn cứ vững chắc cho toàn bộ bài thuyết trình. Dàn ý được xây dựng bao gồm cả số trang và thời gian trình bày phân bổ cho các mục trong dàn ý tạo thành kịch bản trình bày.

Thông thường dàn ý của một slide (cũng chính là nội dung sẽ trình bày) có các mục chính sau:

  • Mở đầu.
  • Đặt vấn đề
  • Lý thuyết chung.
  • Giải quyết vấn đề.
  • Kết quả đạt được.


Căn cứ theo dàn ý chung nói trên, một bài thuyết trình 15 phút sẽ có dàn ý với số trang và thời gian trình bày phân bổ như sau

Mục

 Số trang
tối đa

Thời gian
tối đa
Tên đề tài  1   00 phút 10 giây
Tiểu dẫn/Mở đầu  1   00 phút 50 giây
Mục lục  1   00 phút 30 giây

Đặt vấn đề

  • Vấn đề 1
  • Vấn đề 2 
  • Vấn đề 3
 3   02 phút 30 giây
Lý thuyết chung  4   04 phút 00 giây
Giải quyết vấn đề  4   04 phút 00 giây
Kết quả đạt được  2   02 phút 00 giây
Cảm ơn  1  ---
Tổng cộng  17   14 phút 00 giây

  • Tiểu dẫn dẫn dắt người nghe, đưa người đọc đi từ khái quát sự vật hiện tượng chung đến nội dung cụ thể của đề tài.
  • Mục lục: Trong khi trình bày cần dừng lại phần mục lục một chút để giúp khán giả định hình được toàn bộ nội dung mà người trình bày muốn truyền tải. Xen giữa các mục trong slides có thể chèn giữa phần mục lục như một miếng đệm để giúp thính giả biết được người trình bày đang đề cập đến phần nào.
  • Tiểu dẫn và mục lục: có thể đổi chỗ cho nhau về thứ tự trình bày tùy theo ý định của người trình bày. Người trình bày có thể dẫn dắt vấn đề trước để đưa ra phần mục lục hoặc đưa ra mục lục trước và dùng tiểu dẫn để dẫn dắt sang các vấn đề cần phải đặt ra.
  • Đặt vấn đề giúp thính giả hiểu khái quát nội dung được trình bày, nắm bắt mục tiêu của người trình bày. Phần đặt vấn đề chỉ nêu ra từ 2 đến 3 vấn đề với 15 phút trình bày bất chấp việc người trình bày có rất nhiều tâm sự và rất nhiều vấn đề to lớn. Nếu đưa ra quá nhiều vấn đề sẽ làm thính giả loãng mất tập trung vào chủ đề và không ghi nhớ được cấn vấn đề cần phải giải quyết. Nếu nội dung mà người trình bày có rất nhiều vấn đề tâm huyết, người trình bày buộc phải lựa chọn 2 đến 3 vấn đề tâm huyết nhất hoặc ấn tượng nổi bật với tính giả nhất hoặc người này hiểu rõ nhất để trình bày. Nên đưa số trang của phần này xuống còn 1 hoặc 2 trang, cố gắng kéo không dài sang trang thứ 3 trừ phi có nhiều biểu đồ hoặc hình ảnh minh hoạ.
  • Phần lý thuyết chung trình bày về mặt lý thuyết, nguyên tắc, nguyên lý của các vấn đề trong nội dung trình bày. Phần giải quyết vấn đề trình bày về các phương pháp, phương án áp dụng giải quyết vấn đề, các thiết kế của người trình bày để. Phần lý thuyết chung và giải quyết vấn đề có thể phân bổ qua lại cho nhau về số trang và thời gian tùy thuộc theo chủ đề và mục tiêu trọng tâm của người thuyết trình; thậm chí có thể đan xen và bổ trợ cho nhau. Có những chủ đề ít lý thuyết chung ít mà nặng về phương pháp giải quyết thì giảm số trang cho lý thuyết chung chuyển sang phần giải quyết vấn đề; có những vấn đề nhiều lý thuyết chung nhưng ít phương pháp giải quyết thì tăng số trang lý thuyết chung và giảm số trang giải quyết vấn đề. Chú ý cả hai phần này phải và chỉ tập trung xoay quanh làm sáng tỏ các vấn đề nêu ra trong phần đặt vấn đề; mọi vấn đề được nêu ra nằm ngoài các vấn đề trong phần đặt vấn đề sẽ bị coi là lan man, không tập trung và gây thiện cảm không tốt với thính giả.
  • Phần kết quả trình bày các kết quả đạt được như các đánh giá chất lượng, các kết quả thăm dò về chất lượng, hiệu quả, các phép thống kê và các phép đo, hình ảnh được xử lý. Phần kết quả đạt được có thể rút ngắn còn 1 trang tùy theo nôi dung trình bày, một trang rút ngắn này có thể phân bổ lại cho phần lý thuyết chung và đặt vấn đề.
  • Phần lời cảm ơn thật ngắn gọn với mục đích báo cho thính giả biết đã kết thúc trình bày, đánh thức những thính giả đang ngủ gật dậy để vỗ tay.

 Ví dụ về một dàn ý/kịch bản trình bày như sau:
 

 Mục Số trang tối đa  Thời gian tối đa 

 Tên đề tài

  • Ảnh siêu âm 3 chiều
 1    00 phút 10 giây

 Tiểu dẫn/Mở đầu

  • Ảnh y học 3 chiều đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị.
  • Máy siêu âm có giá thành rẻ, nhỏ gọn, sử dụng linh hoạt.
  • Ảnh siêu âm 3 chiều là bộ phận của ảnh y học 3 chiều.
 1    00 phút 50 giây

 Mục lục

 1    00 phút 30 giây

 Đặt vấn đề

  • Là một phần bài toán ảnh y học 3 chiều
  • Chụp hình cắt lớp thành các slice xếp chồng theo dạng chuẩn.
  • Tiền xử lý ảnh.
  • Dựng ảnh y học 3 chiều.
  • Ảnh siêu âm và các tính chất riêng
  • Cấu trúc cắt lớp như ảnh CT/MRI
  • Tần số sóng siêu âm mang năng lượng thấp, dễ nhiễu → Ảnh siêu âm có độ nhiễu cao và độ tương phản thấp.
  • Các slice xếp không ngay ngắn không ở dạng chuẩn
→ Ảnh siêu âm 3 chiều là bộ phận của bài toán ảnh y học 3 chiều nhưng có các đặc điểm riêng và bài toán riêng cần giải quyết
 3  02 phút 30 giây

Lý thuyết chung

  • Mô hình bài toán dựng ảnh y học 3 chiều.
  • Tái lấy mẫu.
  • Lọc nhiễu.
  • Mô hình hóa ảnh 3 chiều bằng volume raycasting 
 5   05 phút 00 giây

Giải quyết vấn đề

  • Yêu cầu của chương trình.
  • Thiết kế của chương trình.
 2   02 phút 00 giây

 Kết quả đạt được

  • Chiếu các hình ảnh 3 chiều thu được từ chương trình
 2    02 phút 00 giây

 Cảm ơn

 1  ---

 Tổng cộng

 16    13 phút 00 giây

3. Phân bổ thời gian trình bày theo slides

Một bài thuyết trình tốt khi bảo vệ đồ án/luận văn chỉ được phép kéo dài tối đa 15 phút, tuy nhiên tính giả sẽ thích hơn nếu nghe trình bày trong khoảng 10 phút. Lỗi hay mắc phải khi thuyết trình là trình bày vượt quá giới hạn thời gian cho phép. Nguyên nhân của lỗi này chủ yếu là do người trnìh bày không có sự chuẩn bị về dàn ý/kịch bản trình bày trước, dẫn đến bài thuyết trình bị kéo dài, lan man không tập trung vào các vấn đề cụ thể, không xác định được trọng tâm cần trình bày.

Giống như khiêu vũ nếu theo đúng nhịp của bản nhạc, đoàn quân diễu hành theo đúng nhịp trống 1 - , người khiêu vũ và người lính không bị phung phí sức lực để khiêu vũ và diễu hành hàng giờ, hàng ngày; việc chuẩn bị tốt kịch bản trình bày với phân bổ thời gian trình bày theo các slides làm xương sống giống như nhịp nhạc giúp cho người trình bày tránh đi lan man, phung phí nguồn thời gian cho phép. Thực tế cho thấy với việc chuẩn bị kịch bản với phân bổ thời gian trước, do tâm lý hồi hộp người trình bày sẽ nói nhanh hơn bình thường so với dự định nên sẽ kết thúc bài trình bày trước thời gian dự tính. Do đó nếu lên kịch bản trình bày trong 15 phút, người trình bày có thể chỉ mất 10 đến 12 phút để kết thúc nếu đi đúng theo kịch bản, đây là thời gian hợp lý để gây thiện cảm với thính giả.

Mục 2 đã nêu ra kịch bản trình bày với thời gian phân bổ đề nghị, tùy theo tình hình đặc điểm cụ thể của nội dung mà người thuyết trình điều chỉnh phân bổ thời gian cho phù hợp hơn:

  • Tên đề tài: Chào thính giả, giới thiệu bản thân và đọc tên đề tài thật ngắn gọn. Phần này chỉ giới hạn trong đúng 10 giây.
  • Tiểu dẫn: dẫn dắt từ sự vật hiện tượng chung đến nôi dung đề tài, phần này chỉ mất khoảng 50 giây.
  • Mục lục: Phần này nên dừng lại tối đa 30 giây để giới thiệu giúp cho thính giả hình dung được các vấn đề mà bạn sẽ trình bày.
  • Chú ý rằng ba phần tên đề tài, tiểu dẫn và mục lục tuy quan trọng vì tạo ấn tượng ban đầu cho thính giả nhưng lại không phải là nội dung chính cần tập trung ban đầu. Hơn nữa thính giả chỉ có thể bị gây ấn tượng trong 2 phút đầu tiên; vì vậy các phần này chỉ kéo dài vừa đủ gây ấn tượng, không được kéo dài quá thời gian tối đa đã được khuyến cáo để tập trung vào nội dung chính cần làm nổi bật ở các phần sau.
  • Đặt vấn đề là bước giúp thính giả hiểu khái quát nôi dung của đề tài, mục đích và mục tiêu mà người trình bày định giải quyết. Vì phần này khái quát nôi dung không được kéo dài  quá 3 phút.
  • Lý thuyết chung và giải quyết vấn đề đi cụ thể và chi tiết vào nội dung cần trình bày, là phần trọng tâm chính của phần trình bày nhưng thường gây khó hiểu cho thính giả và làm người trình bày sa lầy quá nhiều thời gian. Thực tế nếu người trình bày càng kéo dài nôi dung dung trình bày, thính giả càng khó theo dõi và không hiểu nội dung của người trình bày. Vì vậy hai phần này càng kéo ngắn thời gian càng tốt (tất nhiên không được quá ngắn) trong giới hạn từ 6 phút đến tối đa là 8 phút.
  • Phần kết quả đạt được nhằm giới thiệu thành tựu mà người thuyết trình đạt được, phần này chỉ ngắn gọn dưới 2 phút.

4. Các khuyến cáo khi làm slides

  • Tránh lan man:

    Slides không phải là một bài diễn văn, vì vậy chỉ tập trung đưa các vấn đề mà người thuyết trình cảm thấy quan trọng nhất, ấn tượng với thính giả nhất, dễ hiểu với thính giả nhất hoặc người trình bày nắm rõ nhất. Việc lựa chọn các vấn đề đưa lên slides tùy thuộc theo mục đích của người trình bày.
  • Không báo cáo:

    Slides khôg phải là một bản báo cáo, vì vậy không được đưa cả một bản báo cáo với rất nhiều chữ. Điều này chính thức là một tuyên bố thính giả là người điếc hoặc bạn là người câm.
  • Không quá chi tiết:

    Nguyên tắc của buổi thuyết trình là không đi vào quá chi tiết, vì vậy trên slides càng phải ngắn gọn xúc tích hơn, không đi quá sâu vào các chi tiết về phương pháp, về kỹ thuật mà chỉ nêu khái quát.
  • Màu sắc:

    Tránh sử dụng màu sắc sặc sỡ lòe loẹt hoặc quá nhạt nhòa. Chú ý phần phối màu giữa màu nền và màu chữ, chữ phải nổi bật trên màu nền. Nếu slides sử dụng máy chiếu thì cần chú ý rằng màu sắc trên hình chiếu sẽ không được sắc nét và sặc sỡ như trên máy tính, vì vậy nền và chữ phải thật tương phản và sắc nét nếu không muốn gây khó khăn cho người đọc. Nếu chọn màu nền sáng và nhạt thì màu chữ phải tối, đậm. Nếu chọn màu nền đậm, tối thì màu chữ phải có màu sáng và sắc nét. Nếu không phải là chuyên gia phối màu bạn chỉ cần chọn nền trắng chữ đen. Sử dụng màu sắc sặc sỡ như đỏ, xanh đậm để nhấn mạnh vào một số chi tiết hoặc ý quan trọng.
  • Hiệu ứng:

    Không lạm dụng hiệu ứng đồ họa, hoạt hình; chỉ sử dụng nếu thật cần thiết để nhấn mạnh chi tiết nếu không thể biểu đạt bằng màu sắc.
  • Diễn đạt:

    Tích cực sử dụng hình ảnh, biểu đồ để diễn đạt thay cho chữ. Nếu dùng biểu đồ cần chú giải rõ ý nghĩa biểu đồ, các trục và tóm tắt một vài bình luận. Nếu sử dụng hình ảnh nên có chú thích cho nôi dung hình ảnh. Nếu dùng công thức thì phải giải thích ý nghĩa các biến, ý nghĩa của các công thức.

5.    Một số hướng dẫn sử dụng MS PowerPoint

Ngày này việc sử dụn MS PowerPoint để soạn thảo slides trình bày đã trở nên phổ biến. Mục này sẽ hướng dẫn một số thủ thuật sử dụng Ms.PowerPoint

  • Template

    Có thể tỉm rất nhiều địa chỉ trên internet chứa các slides mẫu thông qua các công cụ tìm kiếm như google hay yahoo. Một địa chỉ phổ biến là của Microsoft - http://office.microsoft.com/en-us/templates/CT101172721033.aspx
  • Slide Master:

    Sử dụng slide master để biên soạn các title dùng chung cho tất cả các slides, tránh việc phải lặp đi lặp lại một thao tác trên tất cả các slides. Vào mục View > Master > Slides Master, tất cả các nôi dung biên soạn ở đây sẽ được dùng chung cho tất cả các slides. Để quay về soạn thảo nội dung cho slides, vào mục View > Normal
  • Animation:

    Animation là các hiệu ứng động nhằm nhấn mạnh các chi tiết. Để tạo animation, chọn đối tượng cần tạo animation rồi vào mục Slide shows > Custom animation. Tuy nhiên tránh lạm dụng các hiệu ứng.
  • Handout:

    Handout là bản in của slides phát cho thính giả để dễ theo dõi hơn và có thể ghi chú theo nội dung trình bày. Handout cũng có master giống như slides master và được soạn thảo trong mục View > Master > Handout Master.
    Để in handout, vào hộp thoại print, đặt print what là handout và chọn số trang slides in trên 1 trang giấy ở mục slides per page

6.    Kết luận

Slides không đơn giản chỉ là công cụ bổ trợ, slides còn là xương sống dàn ý trình bày giúp tăng cường hiệu quả truyền đạt từ người trình bày đến thính giả. Do đó chuẩn bị nội dung slides chính là chuẩn bị nội dung trình bày.


Kinh nghiệm bảo vệ luận văn bằng slide thuyết trình

 




Khả năng thuyết trình hấp dẫn đem lại một lợi thế cho bạn trong NCKH. Bạn sẽ nổi bật trong đám đông cử tọa khi cho mọi người thấy sự tự tin và sức cuốn hút của bạn.

Hãy làm cho giây phút đầu tiên trở thành đáng nhớ. Bắt đầu bài thuyết trình bảo vệ bằng lời chào cử tọa và Hội đồng, lời giới thiệu về nhóm và đề tài thật sâu sắc. Hãy trình bày với một giọng điệu hùng hồn nhất, thật tự tin và nên sử dụng công cụ giao tiếp bằng ánh mắt.

Bạn nên đứng thẳng người, không nên quá phụ thuộc vào máy chiếu, chỉ nên liếc nhìn để lấy ý. Quân bình trọng lượng trên đôi chân để không phải nghiêng hay ngả người. Bạn chỉ nên dùng một tay duy nhất để cầm micaro, tay còn lại duỗi thoải mái và có những cử chỉ tự nhiên. Tránh xoa tay lên má, gãi đầu, vung tay bừa bãi…

Hãy tạo phong cách riêng của mình, luôn tỏ ra linh hoạt khi phải theo một dàn ý tổng quát của đề tài, đừng nên đọc như một bài diễn văn đúng từng câu, từng chữ. Bạn là người hiểu rõ về đề tài của bạn nhất, hãy thuyết trình một cách tự tin. Bạn cũng cần phải biết lựa chọn, xây dựng cấu trúc bài bảo vệ hợp lý. Với một công trình nghiên cứu trong hơn 6 tháng mà chỉ được trình bày từ 15-20 phút vì vậy bạn phải hiểu rõ mình cần nói gì. Kinh nghiệm là bạn đừng nên sa đà vào chương lý luận, hãy trình bày khái quát và nên tập trung vào chương trực trạng và giải pháp.

Nên dừng lại sau mỗi chương và có phần tiểu kết cũng như dẫn dắt vấn đề vào nội dung mới, cần thiết có thể đưa ra những ví dụ minh họa để làm sống động bài bảo vệ. Để thuyết trình thành công nội dung trình bày phải phù hợp, tập trung vào nội dung chính của đề tài, sử dụng các công cụ hỗ trợ khách quan như các bảng biểu, biểu đồ, lược đồ, hình ảnh, con số, dữ kiện cụ thể.

Cách thức bạn mở đầu và kết thúc sẽ gây ấn tượng đến người nghe. Mở đầu tốt làm cho người nghe thấy thích thú, chú ý và đứng về phía bạn. Kết luận hay sẽ làm tăng tính thuyết phục của toàn bộ bài thuyết trình và để lại ấn tượng tốt cho người nghe.

Khi trả lời câu hỏi của Hội đồng khoa học và của cử tọa hãy bảo vệ quan điểm của mình một cách lịch sự, khẳng định lập trường của mình. Lắng nghe câu hỏi cẩn thận và nếu cần nên ghi chép hay lặp lại câu hỏi. Nên cảm ơn người đặt câu hỏi và trả lời ngắn gọn, đi vào trọng tâm. Khi trả lời nhớ hướng vào mọi người, tránh trả lời cho một người. Khi bị bế tắc, hãy bình tĩnh để đặt ngược lại vấn đề cho người ra câu hỏi và khéo léo lôi cử tọa cùng tham gia giải quyết vấn đề. Nên lựa chọn câu hỏi để trả lời, nếu không thể trả lời câu hỏi thì nên nên báo cho người đặt câu hỏi biết bạn sẽ xem xét và trả lời trong thời gian cụ thể. Đối với các câu hỏi ác ý bạn phải tập trung vào vấn đề và cố gắng kiềm chế cảm xúc của mình.

Có thể bạn sẽ rất hồi hợp, hãy khắc phục nó bằng cách đi từ từ đến vị trí trình bày, kiểm tra sắp xếp tài liệu trước khi trình bày, hít sâu thở chậm và nói từ từ, nắm chặt tay rồi thả lỏng cáng chậm càng tốt. Nếu như bạn chuẩn bị tốt, tập luyện trước thì chắc chắn bạn sẽ tự tin hơn.

Tóm lại, để bảo vệ đề tài thành công bạn phải sử dụng kỹ năng thuyết trình, thuyết phục của mình bằng một giọng nói rõ ràng, dễ nghe, ngôn ngữ cử chỉ hợp lý và sử dụng tốc độ âm lượng vừa phải, biết sử dụng hiệu quả các công cụ truyền thông.. Bạn phải thật sự tự tin và cuốn hút. Hãy cố gắng tập luyện và vượt qua sự hồi hợp lo lắng ban đầu.



Cách thuyết trình bằng tiếng Anh
Cách trang trí slide powerpoimt ấn tượng
Cách thuyết trình hay khiến mọi người chăm chú

Cách chọn phông nền cho slide đẹp và chuyên nghiệp
Bí quyết có bài thuyết trình hay
Cách chọn theme cho powerpoint thêm sinh động
Làm sao để hết run khi thuyết trình
Cách chọn nền cho word đẹp lung linh


(ST)