Ứng xử một cách thông minh, khôn khéo, tế nhị, kịp thời, có hiệu quả, đạt tới mức độ nghệ thuật, ngày nay còn được coi như bí quyết thành công trong cuộc sống, trong công việc .
Để giao tiếp, ứng xử thành công hơn bạn nên chú ý những nguyên tắc sau:
I. Nguyên tắc ứng xử:
1. Hãy tiếp cận với con người ở góc độ không tốt, không xấu:
Không có ai là người hoàn toàn xấu cả. Khi đánh giá con người cụ thể chúng ta thường bị những cách nhìn tĩnh tại, xơ cứng, bị định kiến che lấp, ít khi tách ra được dù chỉ là tương đối đầy đủ những ưu điểm, nhược điểm của họ và lại càng không xác định được giới hạn, hoàn cảnh, diễn biến có thể có của những ưu điểm và nhược điểm đó. Con người cũng dễ bị chi phối bởi qui luật cảm xúc "yêu nên tốt, ghét nên xấu". Kết quả là dễ mắc sai lầm trong giao tiếp. Do vậy nguyên tắc đầu tiên trong nghệ thuật ứng xử là hãy tiếp cận với con người ở góc độ không tốt, không xấu.
Ở nguyên tắc này, mỗi người có thể tự tìm cho mình một cách ứng xử thành công, ta tạm chia thành các bước sau:
- Bước 1: Hãy thừa nhận (chấp nhận).
- Bước 2: Biết lắng nghe ý kiến, tìm ra chỗ mạnh, chỗ yếu của người. Thấy cái mạnh, lợi thế của ta (cái ta có mà người không có).
- Bước 3: Tạo ra sự đồng cảm, gây niềm tin (hiểu biết lẫn nhau, gây sự tin tưởng).
- Bước 4: Tìm điểm chung, mỗi bên đều thấy được cái lợi, cái vui và cách cộng tác, tương lai của sự cộng tác đó.
- Bước 5: Tạo dư luận ủng hộ, xây dựng mối quan hệ thân tình.
2. Lường mọi điều, tính đến mọi khả năng với nhiều phương án:
Nếu trong mỗi con người đều có những giá trị dương (+) (những đức tín tốt, những mặt mạnh, những ưu điểm...) và có cả những giá trị âm (-) (những tính xấu, những mặt yếu, những khuyết điểm...) thì với người này có thể tới 90 (+), có 10 (-) hoặc ở người khác có thể đạt 99 (+) chỉ có 1 (-). Vấn đề là ở chỗ cần phải biết nhìn ra "dấu cộng" trong cả khối "dấu trừ" và phát hiện kịp thời "dấu trừ" trong "vô khối dấu cộng" để có thể dự đoán được tác động có hại của mặt trái "dấu trừ" mà khởi thủy của nó chỉ là một chấm nhỏ rất mờ nhạt trong cả khối "dấu cộng".
Điều quan trọng hơn trong phép ứng xử là tìm ra những chất xúc tác để kích thích phản ứng đổi dấu tích cực xảy ra theo hướng 1 (+) trở thành n (+) và n (-) giảm xuống còn 1 (-).
3. Nắm bắt nghệ thuật theo nhu cầu:
Điều khó nhất trong giao tiếp ứng xử là đối tượng thờ ơ, không có nhu cầu. Bạn sẽ ứng xử như thế nào khi đối tượng không muốn nói chuyện, không muốn nghe bạn can ngăn, không muốn hợp tác với bạn v.v...?
- Hãy gợi trí tò mò hoặc cho họ thấy cái lợi, cái vui mà bạn đang có, còn người ấy đang thiếu, đang cần.
- Chỉ cho họ bằng cách nào đó, thấy tia hy vọng vào kết quả, gây thiện cảm, tạo sự tin tưởng.
- Giao trách nhiệm một cách công khai, tạo ra tình huống chỉ có tiến chứ không có lùi, ràng buộc bằng những sợi dây vô hình về quan hệ nào đó đã được hình thành.
- Gây niềm say mê, tìm được ý nghĩa trong cuộc sống, công việc đang tiến hành.
- Củng cố niềm tin, thuyết phục về một kết cục tốt đẹp.
- Phải tạo ra sự an toàn, biết cách chống đỡ dư luận, tạo dư luận mới ủng hộ.
- Tính đến nhiều phương án, chọn phương án hợp với mình nhất, có thể tạo ra những vấp ngã nhỏ để luyện tập bản lĩnh, chủ động đề phòng tính tự kiêu.
Trong những trường hợp cụ thể đòi hỏi mọi người phải biết ứng biến và điều quan trọng hơn là hãy tìm cho được sơ đồ đi tới thành công riêng của mình.
II. Một số cách ứng xử:
1. Thủ thuật "ném đá thăm đường":
Có bạn trai tâm sự: Đến dự đám cưới một người bạn, tôi đã gặp một người con gái mà tôi thầm mơ ước, tôi rất muốn làm quen với người con gái ấy nhưng không biết phải bắt đầu như thế nào?
Có lẽ trước tiên nên bắt đầu vào đề từ cùng một hứng thú. Chẳng hạn có thể từ một bức tranh, một bản nhạc, một ca khúc mới được mọi người yêu thích, hay một bộ phim mới, một quyển sách mới, một mốt quần áo mới... những cái đối phương biết rõ và có phản ứng tích cực. Hoặc có thể từ một điểm chung nào đó về học tập, việc làm... Bắt đầu từ những câu chuyện không quan trọng lắm để làm mất đi sự căng thẳng và ngăn cách giữa hai người và qua đó bạn có thể hiểu thêm về người bạn mà ta muốn gần gũi (những sở thích, thói quen, cá tính...) có một sơ đồ giao tiếp sau đây:
a. Giai đoạn trước khi giao tiếp:
- Xác định mục đích, làm quen đối tượng và gây ấn tượng tốt
- Đánh giá đối tượng, hoàn cảnh:
- Sở thích,thói quen, cá tính.
- Thời gian, không gian cuộc gặp.
- Có hay không có người giới thiệu.
- Lựa chọn phương án ứng xử:
- Tìm cớ làm quen cho hợp lý, tế nhị.
- Ngôn ngữ, cử chỉ dễ cảm mến.
- Văn phong gần gũi, không quá trịnh trọng nhưng cũng không suồng sã.
- Tính trước những tình huống bất ngờ có thể xảy ra để ứng xử nhanh.
b. Giai đoạn giao tiếp:
Nên:
- Phá bầu không khí xa lạ bằng việc hỏi han hoặc những câu nói đùa.
- Tìm chủ đề chung, ít chạm đến quan điểm cá nhân.
- Nói ít về mình. Chú ý quan sát cử chỉ, điệu bộ, nét mặt của đối phương.
- Giới hạn cuộc giao tiếp trong phạm vi vừa đủ, dừng đúng lúc.
- Nêu ra những câu hỏi thăm dò, chủ động gợi chuyện.
- Tự tin.
Không nên:
- Vội vã đi vào vấn đề chính.
- Đặt những câu hỏi liên quan nhiều đến cá nhân.
- Nói nhiều về mình, dốc bầu tâm sự, nói thẳng về mình khi đối phương đặt những câu hỏi thăm dò.
- Chuyện lan man, kéo dài cuộc giao tiếp.
- Khích bác hoặc công kích nói xấu một ai đó.
- Rụt rè, lảng tránh, ấp úng.
2. Tình huống cần đối đáp mềm mỏng, ý nghĩa sâu xa:
Dân gian có câu:
"Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".
Đối với nhiều ý kiến phê bình, phản đối của đối phương, không nên đáp lại bằng những lời nói hằn học, nặng nề mà nhiều khi nên dùng lời nói nhẹ nhàng nhưng chứa đựng những ý nghĩa sâu xa.
3. Tình huống phải chuyển bại thành thắng:
Trong cuộc sống đời thườnng nhiều khi ta bị đẩy vào tình huống bất lợi, có nguy cơ thất bại, lúc đó đòi hỏi phải bình tĩnh, suy nghĩ ngay đến những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra (chuẩn bị tâm thế sẵn sàng chấp nhận). Tìm xem có cách gì để hạn chế mức thấp nhất những tác hại (ví dụ: điều gì đã đẩy ta vào tình thế bất lợi, có cách nào tạo được kế hoãn binh có vẻ ít liên quan, nhưng nếu được "địch thủ" sẵn sàng chấp nhận thì chính điều có vẻ không liên quan đó có thể thay đổi tình thế...).
4. Tình huống dùng hài hước:
"Khi bạn nổi cáu ta hãy đùa lại một câu" (Laphôngten).
Hài hước là một nhân tố cực kỳ quan trọng trong ngôn ngữ giao tiếp. Đó là "chiếc van an toàn" cho mọi cuộc xung đột, là chìa khóa để mở "cánh cửa lòng". Lời đối đáp khôn ngoan, thông minh, dùng ngôn ngữ hài hước để phê phán thường mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều. Bởi thế khi kể một câu chuyện cười hoặc một lời đối đáp có nội dung, cách nói hài hước thường làm cho không khí vui nhộn, điều tiết được tình cảm, nhắc khéo người khác mà không làm họ bực mình. Tất nhiên cũng không nên lạm dụng nó.
Quy luật phổ biến của truyện hài hước là mở đầu dẫn dắt và hình thành làm cho người ta nghi vấn. Người kể nên có ngữ điệu bình thường, sau đó tăng thêm tình tiết nghi hoặc và giải quyết bất ngờ.
5. Tình huống phải đi thẳng vào vấn đề khi cần thiết:
Trong cuộc sống có trường hợp không thể quanh co, bóng gió, tế nhị mà phải bày tỏ quan điểm, thái độ của mình một cách thẳng thắn, kiên quyết. Lúc đó phải diễn đạt vào thẳng nội dung chính của vấn đề để biểu hiện ý chí và lòng tin ở bản thân. Đối với những vấn đề then chốt không nên tỏ ra quá cân nhắc, đắn đo làm cho người nghe cảm thấy thiếu tin tưởng, do dự. Tất nhiên để nói bằng cách này cần phải suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ càng.
6. Tình huống nói ẩn ý bằng ngụ ngôn:
Trong giao tiếp khi cảm thấy khó thuyết phục người khác bằng lý lẽ trực tiếp hoặc cảm thấy dễ bị phản ứng, không tiện nói thẳng ra, thì người ta thường dùng phương pháp ẩn ý bằng ngụ ngôn. Tức là chọn những câu chuyện ngụ ngôn có nội dung ẩn ý bên trong phù hợp với mục đích khuyên răn, thuyết phục của mình để kể cho đối phương nghe.
Cái lợi của phương pháp này là người nghe phải suy nghĩ mới hiểu hết cái ẩn ý bên trong đó. Bản thân câu chuyện sẽ đưa ra những lời khuyên sâu sắc chứ không phải người kể chuyện, do đó không có lý do để nổi khùng, tự ái hoặc mặc cảm. Tuy nhiên để dùng phương pháp này có hiệu quả, người dùng phương pháp này phải am hiểu câu chuyện phù hợp với trình độ người nghe, nếu người nghe không hiểu gì cả, sẽ không có tác dụng.
7. Tình huống phản bác khéo những yêu cầu vô lý ở người khác:
Cũng có lúc bạn gặp những người khăng khăng đưa ra cho bạn những đòi hỏi vô lý không thể thực hiện được. Trước những tình huống đó nhiều khi ta không thể bác bỏ thẳng thừng vì chạm lòng tự ái hoặc người không thỏa mãn với ta rồi tiếp tục quấy rối nữa và cách đó cũng chưa làm cho người tự nhận thấy được những đòi hỏi của họ là vô lý.
Vậy ta sẽ xử lý thế nào trong trường hợp đó? Tốt nhất là hãy thừa nhận đã, sau đó khéo léo chỉ ra sự vô lý hoặc điều không thể thực hiện được. Cũng có thể cảnh tỉnh người đó bằng việc chỉ ra những điều bất lợi, sự nguy hiểm nếu người đó cứ giữ nguyên ý kiến, nhắm mắt hành động. Chú ý ngôn ngữ không nên gay gắt nhưng tỏ ra cương quyết.
8. Tình huống thừa nhận trước để chuyển hướng sau:
Nếu khi bạn không đồng ý với ý kiến của đối phương mà người đó lại là cấp trên, người lớn tuổi, cha mẹ... thì bạn sẽ xử sự như thế nào? Việc thuyết phục để đối phương nghe theo mình, có nghĩa là chấp nhận ý kiến của mình cũng đòi hỏi phải có một nghệ thuật nhất định.
Bạn chớ phản đối và phê phán các ý kiến của đối phương. Bạn hãy tiếp thu ý kiến của họ, biểu thị thái độ đồng cảm ở mức độ nào đó để có thể làm giảm được sự cứng nhắc của đối phương, khiến họ bằng lòng nghe ý kiến của bạn. Song phải nắm vững nguyên tắc không được tỏ thái độ của mình ngang bằng với đối phương để tiếp sau đó dùng lời mà chuyển hướng, thay đổi cách nhìn nhận của đối phương, làm họ bằng lòng tiếp thu ý kiến của bạn.
9. Tình huống cần bạn đồng minh:
Khi tranh luận trước nhiều người cần thể hiện quan điểm, bạn nên chú ý đầy đủ đến thái độ của những người xung quanh, cần động viên được nhiều người nghe và ủng hộ quan điểm của mình. Nếu người nghe ủng hộ ta, đồng tình với quan điểm của ta đang trình bày, sẽ tạo thành một sức mạnh to lớn, một sức ép tinh thần làm đối phương không phản kích lại được.
Chẳng hạn khi đang xếp hàng có người chen ngang, bạn lợi dụng thái độ của số đông mọi người xung quanh để gạt người đó ra khỏi hàng là hợp lý nhất.
10. Tình huống không nhượng bộ khi mình có lý trong tranh luận:
Trong quan hệ giữa người với người, tranh luận là một điều hết sức bình thường và không thể tránh được. Không có tranh luận, điều phải trái không được phân định. Không thể coi tranh luận là một thói xấu mà hạn chế nó.
Song tranh luận có thể dẫn đến sự không thoải mái hoặc đôi khi xung đột. Tranh luận có phương pháp sẽ đem lại kết quả tốt là điều chúng ta cần chú ý học hỏi.
Một là, khi tranh luận nên có thái độ thật công bằng, đừng làm tổn thương đến lòng tự ái của người kia. Sự phê phán, bình phẩm người khác không thể quá một giới hạn nhất định, nếu không có thể làm tăng thêm mâu thuẫn vốn có.
Hai là, giọng nói phải mền mỏng, thật lòng. Trong tranh luận phải tỏ ra tôn trọng nhau, làm sao cho người cùng tranh luận tin rằng tranh luận thật là có ích. Trong tranh luận nhiều khi người thắng không hẳn đã là nhiều lý lẽ biết hùng biện, mà có thể là người có thái độ đúng mực và chân thực nhất.
Ba là, tranh luận phải có mục đích rõ ràng. Tranh luận nên xoay quanh những điều cần giải quyết.
11. Tình huống cần thuyết phục bằng hành động:
"Mọi lý thuyết đều màu xám
Còn cây đời mãi mãi xanh tươi"
(Gơt)
Trong giao tiếp, khi cảm thấy khó thuyết phục người khác nghe ý kiến của mình bằng lời nói, bạn có thể dùng hành động để thuyết phục. Thuyết phục bằng hành động thường hiệu quả lớn nhất. Thông qua việc làm, hành động cụ thể, ta có thể làm cho đối phương thay đổi cách nghĩ, tình cảm, thái độ, chấp nhận ý kiến của ta.
Bạn là một cán bộ phong trào thanh niên. Bạn muốn tổ chức các hoạt động văn hóa thể dục thể thao thanh niên nhưng các cấp lãnh đạo ở địa phương chưa tin tưởng vào khả năng của bạn, chưa tạo điều kiện mọi mặt để bạn làm việc. Bạn đừng nản chí và cũng đừng dùng lời nói để thuyết phục. Hãy cố gắng tạo ra một vài việc làm cụ thể có hiệu quả. Từ sự thành công đã đạt được, tận dụng thời điểm gây hưng phấn cao rồi đưa ra những kiến giải hợp lý với các cấp lãnh đạo.
Như vậy, mục đích và kết quả hoạt động đạt được và mối quan hệ ảnh hưởng của bạn phát triển tốt hơn. Khi vận dụng phương pháp này bạn cần lưu ý:
- Mục đích hoạt động phải rõ ràng, không vụ lợi.
- Có kế hoạch hành động chi tiết, tính đến các điều kiện cần và đủ đảm bảo cho sự thành công, bước đầu tiên tránh thất bại.
- Tạo dư luận ủng hộ để gây sức ép hoặc quy tụ sức mạnh.
- Làm thử để chứng minh, rút kinh nghiệm.
- Tạo quan hệ gần gũi tin cẩn.
Nếu ở vào tình huống các bậc "phụ huynh" của người yêu bạn còn chưa tin tưởng và chấp nhận cho bạn yêu con của họ, thì bạn cũng có thể dùng phương pháp này để đạt mục đích.
III. Những điều nên tránh trong giao tiếp ứng xử:
1. Nói nửa chừng rồi dừng lại hoặc cướp lời người đang nói, làm nhiễu thứ tự hoặc luồng suy nghĩ của người đó.
2. Không nói rõ và giải thích đầy đủ làm người nghe cảm thấy đột ngột, khó hiểu đề tài nói chuyện của bạn hoặc khó hiếu ý bạn muốn nói. Không nên đưa những trọng tâm, những khái quát, giải thích lan man, làm người tiếp chuyện khó theo dõi mạch chuyện.
3. Nói sai đề tài, không quan tâm và tập trung đến điều mình muốn nói.
4. Nói thao thao bất tuyệt, không ngừng nêu các câu hỏi, làm người tiếp chuyện có cảm giác mình yêu cầu hơi nhiều quá.
5. Không trả lời thẳng vào câu hỏi mà người khác nêu ra, quanh co, dài dòng, gây nên cảm giác không trung thực cho người hỏi.
6. Tự cho rằng mọi điều mình đều biết cả, người nghe sẽ cảm thấy bạn là người tự cao tự đại.
7. Làm ra vẻ hiểu biết sâu rộng, người nghe có thể sẽ cảm thấy bạn là người không khiêm tốn, hay khoe khoang.
8. Phát triển câu chuyện không tập trung vào chủ đề chính làm cho người tiếp chuyện cảm thấy nhàm chán.
9. Ngắt bỏ hứng thú nói chuyện của người khác để ép người đó phải chuyển sang nói về đề tài mà bạn thích.
10. Thì thầm với một vài người trong đám đông.
11. Dùng ngôn ngữ quá bóng bảy hoặc quá nặng nề.
12. Chêm những câu tiếng nước ngoài trong câu nói của mình một cách tùy tiện.
13. Đột ngột cao giọng.
14. Dùng những lời quá suồng sã với mức độ quan hệ.
15. Dùng những từ đệm không cần thiết.
16. Nói với giọng khích bác, chạm vào lòng tự ái của người khác.
Cách ứng xử khéo léo trong cuộc sống
Trong cuộc sống nếu chúng ta biết người biết ta, biết cách ứng xử khéo léo thì chúng ta hoàn toàn tự tin làm được tất cả mọi thứ mà không gặp khó khăn trở ngại nào. Sau đây là 1 quy tắc ứng xử mà bạn cần biết.
1. Chọn ngôn ngữ: Tùy cơ ứng biến, bạn sẽ lựa chọn những lời lẽ dễ nghe để diễn đạt ý kiến trái ngược hoặc phê bình. Như vậy, người nghe sẽ dễ dàng tiếp nhận. Điều này có thể giúp thu hẹp khoảng cách tình cảm giữa hai người.
2. Bàn tán, nói xấu sau lưng: Đây là điều sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ tốt đẹp mà bạn đã cất công gầy dựng. Ở những nơi đông người, tránh nêu điểm yếu của người khác. Những thông tin này lan truyền sẽ dễ làm tổn thương đến lòng tự trọng.
3. Tránh ngạo mạn, xu nịnh: Đừng bao giờ gượng gạo lấy lòng, khom lưng uốn gối trước kẻ khác, hay ngạo mạn, cho mình là nhất. Bạn càng không nên dùng quyền uy để hạ thấp người khác, củng cố “ghế” của mình.
4. Gạt bỏ cái nhìn định kiến: Đừng coi thường, bỏ ngoài tai lời góp ý tận tình, từ chối tiếp nhận học hỏi cái mới. Bạn sẽ khó thành công khi cứ khư khư giữ lấy ý kiến giáo điều, sẵn sàng đồng tình với tư tưởng thiếu khách quan, nhìn phiến diện để “bới lông tìm vết” của người khác.
5. Không cậy có công với kẻ khác: Bạn có thể giúp đỡ người khác tùy theo khả năng của mình, nhưng đừng bao giờ lên tiếng kể công với họ. Điều này sẽ khiến người được giúp cảm thấy day dứt như đang mang nợ.
6. Ghi nhớ sự giúp đỡ của người khác: Nhiều người lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại những gì đã giúp đỡ người khác. Thay vì như thế, hãy nghĩ đến những gì người khác đã giúp đỡ mình, dù việc rất nhỏ. Điều này có thể giúp bạn thắt chặt thêm tình cảm với mọi người và biểu hiện một phẩm chất đẹp trong cuộc sống: “Chịu ơn không quên”.
7. Không nên đề cập đến chuyện bí mật: Ai cũng có những bí mật riêng. Nếu bạn bè tin tưởng và thổ lộ với bạn, đừng bao giờ “bật mí” cho nhiều người khác. Điều này chẳng khác nào bạn “bán đứng” họ.
8. Hứa nhăng hứa cuội: Ồ, chẳng nên chút nào! Đừng khua môi múa mép, ba hoa chích chòe. Việc gì phù hợp với khả năng của mình mới nhận lời làm, kẻo mó vào “xôi hỏng bỏng không”. Nếu làm không được, cử thẳng thắn bày tỏ, đừng lấp lửng.
9. Hãy dũng cảm, chân thành nhận lỗi: Không nên đổ lỗi cho người khác, cũng đừng “cãi chày cãi cối” để tự bào chữa, biện hộ cho lỗi lầm của mình. Mặt khác, đừng bảo thủ cho rằng, bạn làm điều đó là tất nhiên nên chẳng có lỗi gì.
10. Tránh “có việc mới sang chơi”: Ngày lễ, Tết, bạn nên ghé thăm họ hàng, bạn bè để luôn thắt chặt mối quan hệ khắng khít. Không nên chờ có việc mới đến.
THAM KHẢO THÊM:
lời khuyên về cách ứng xử nơi công sở
Hoà hợp với đồng nghiệp sẽ giúp công việc suôn sẻ và thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng xây dựng được một mạng lưới đồng minh tin cậy. Vì vậy, hãy cố gắng ứng xử với mọi người trong công việc một cách khéo léo bằng cách áp dụng 10 lời khuyên sau:
1. Kiểm soát giọng nói
Chắc hẳn có đôi lúc bạn bị sếp la mắng và cảm thấy oan ức. Tuy nhiên, hãy bước đi trong sự im lặng bởi nếu phát ngôn, mọi người có thể nhận thấy sự bực tức, hậm hực trong giọng nói của bạn và như vậy, tình huống có thể phức tạp hơn. Mọi người sẽ cho rằng bạn không chuyên nghiệp và nghiêm trọng hơn nữa là chống đối công ty. Do đó, khi phải đối mặt với những tình huống nhạy cảm, hãy nói ít hơn những gì bạn nghĩ. Kiểm soát giọng nói sẽ giúp tình hình bớt căng thằng hơn và hình ảnh của bạn cũng bớt xấu hơn. Trong công sở, hãy sử dụng từ ngữ khéo léo sao cho chúng thể hiện nhiều hơn những gì bạn nói.
2. Cẩn trọng với những lời hứa
Nếu bạn muốn đưa ra cam kết nào đó, trước hết hãy đảm bảo rằng bạn có thể thực hiện chúng. Nhớ rằng cách dễ nhất để mọi người mất niềm tin ở bạn là hứa thật nhiều và thất hứa cũng thật nhiều. Đồng nghiệp và sếp coi bạn như một người vô trách nhiệm và cảnh giác với bạn khi thực hiện các dự án trong tương lai. Vì vậy, hãy cẩn trọng với những lời hứa của mình và luôn giữ chữ tín.
3. Đối xử tốt và luôn động viên, khuyến khích mọi người
Đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội thể hiện sự tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ và khuyến khích đồng nghiệp. Hãy hết lời ca ngợi những người hoàn thành công việc xuất sắc, kể cả đó là thành công của người cạnh tranh với bạn. Với cách cư xử như vậy, bạn có thể khiến đồng nghiệp khó tính nhất cũng phải động lòng. Ngay cả khi đưa ra những nhận xét tiêu cực, hãy thực hiện một cách lịch sự, mang tính chất xây dựng và không bao giờ tỏ vẻ hằn học. Chắc chắn, bạn sẽ đạt được tình cảm của tất cả mọi người trong công ty.
4. Quan tâm tới mọi người
Hãy tìm hiểu về sở thích, gia đình, kể cả những khó khăn của đồng nghiệp. Khi người khác vui vẻ, hãy vui cùng họ và khi họ có rắc rối, đau buồn, hãy chia sẻ, đồng cảm với họ. Cư xử nhã nhặn với tất cả mọi người, từ anh bảo vệ tới tổng giám đốc. Mọi người sẽ tin tưởng nhiều hơn khi nhận thấy thái độ quan tâm ở bạn.
5. Luôn vui vẻ, lạc quan
Biểu hiện lạc quan, vui vẻ không chỉ giúp bạn “ miễn nhiễm” với stress mà còn truyền cho những người làm việc cùng. Mọi người sẽ thấy thoải mái, thậm chí yêu thích khi ở bên cạnh bạn. Do đó, đừng chững lại trước rắc rối, thất vọng nhỏ và “ vác” bộ mặt ủ rũ tới cơ quan.
6. Cư xử khéo léo
Đừng để bản thân vướng vào những cuộc tranh luận căng thẳng với đồng nghiệp hay sếp. Hãy thảo luận, chứ không phải tranh cãi. Bất đồng căng thẳng kéo dài có thể biến mọi người thành kẻ thù của nhau. Vì thế, bạn nên bình tĩnh và thoải mái trong mọi tình huống. Và khi phải đối mặt với ý kiến bạn không tán thành hoặc không thích, hãy cư xử thật khéo léo sao cho thể hiện sự bất đồng mà không gây ra bất hòa.
7. Cẩn thận khi nhận xét về người khác
Tốt nhất là bạn nên từ chối thảo luận về tính xấu hoặc điểm yếu của người khác khi được gợi ý. Hạ thấp người khác để tự nâng mình lên là việc làm lãng phí thời gian. Hơn nữa, nó còn thể hiện sự tiêu cực, đặc biệt trong công sở, tinh thần đồng đội và nhuệ khí làm việc chung của mọi người sẽ giảm sút nghiêm trọng. Đồng nghiệp cũng có thể hành động tương tự với bạn nếu bạn cất giọng chống lại họ. Do đó, đừng để những câu chuyện phiếm kiểm soát cuộc sống công sở của bạn.
8. Chú ý tới cảm giác của mọi người
Tính cách hài hước của bạn có thể giúp cho không khí làm việc trong văn phòng thoải mái hơn. Tuy nhiên, đừng để nói lời nói đùa của mình khiến ai đó cảm thấy tổn thương. Tuyệt đối không giễu cợt về vẻ ngoài, bệnh tật, gia đinh, chuyện riêng tư của mọi người. Từ ngữ trong những câu chế nhạo là lời lẽ cay độc nhất. Hãy chú ý tới cảm giác, suy nghĩ của người khác khi bình luận về họ.
9. Không quan tâm tới những bình luận ác ý của người khác về bạn
Hãy nhớ, người nói xấu, bình luận ác ý về người khác sẽ không được kính trọng. Đừng để những nhận xét bất lịch sự đó ảnh hưởng tiêu cực tới bạn. Hãy dùng hành động, thành công của bạn làm sáng tỏ mọi điều tiếng và khiến mọi người có cái nhìn đúng đắn về bạn.
10. Không áp lực về thành tích của bản thân
Hãy thư giãn và làm tốt nhất trong khả năng của bạn. Sốt sắng về thành công của bản thân có thể khiến bạn hành động mù quáng, như cướp lấy danh tiếng của đồng nghiệp. Lo lắng chỉ làm bạn thêm căng thẳng, áp lực. Hãy để mọi người thấy tinh thần làm việc thoải mái của bạn và bạn sẽ đạt được niềm kiêu hãnh, vui sướng khi công việc hoàn thành xuất sắc.
Cách nói chuyện khéo léo
Cách ứng xử với đồng nghiệp xấu tính khôn
Cách chọn sơ mi nữ thông minh và khéo léo
ứng phó khéo léo khi gặp rắc rối với nhà chồng
Nghệ thuật cư xử trong tình yêu
Mua quà ra mắt bố mẹ chồng cho khéo
Đối xử với em chồng thế nào cho khéo
(ST)
|