Cách vắt sữa mẹ bằng tay

Sau thời gian nghỉ thai sản, bạn không thể ở nhà để chăm sóc và cho con bú thường xuyên. Vì thế vắt sữa là cách duy nhất để bạn dự trữ nguồn sữa mẹ cho bé bú trong ngày.
 

Hiện nay trên thị trường có nhiều máy hút sữa tự động, tuy nhiên nếu không có điều kiện bạn vẫn có thể tự vắt sữa bằng tay với 5 bước đơn giản dưới đây. 

Các bước vắt sữa mẹ bằng tay 

Bước 1: Trước khi vắt sữa mẹ chuẩn bị những dụng cụ sau: cốc hoặc bình sữa đã được tiệt trùng bằng nước nóng, thìa sạch (nếu cho bé ăn ngay), túi đựng sữa chuyên dụng (để bảo quản sữa trong tủ đá hoặc tủ đông).
 

 
Bước 1 mẹ cần chuẩn bị bình, đồ đựng sữa

Bước 2: Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết, tiếp đến mẹ rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn và dùng khăn mềm thấm nước ấm, vắt khô rồi lau sạch đầu núm vú và hai bên quầng vú. Sau đó lau tay thật khô với khăn sạch. 

Bước 3: Chọn tư thế ngồi hoặc đứng thật thoải mái sau đó để cốc hoặc bình sữa gần núm vú. 

Bước 4: Đặt hai ngón trở ở phía dưới bầu vú, sát quầng vú, ngón cái đặt trên bầu vú đối diện với ngón trỏ. Khi đặt tay đúng vị trí bạn sẽ cảm nhân được những hạt tuyến sữa đang nằm dưới da. Mỗi bên bầu ngực chia thành 15 tuyến sữa, mỗi tuyến sữa có một túi sữa riêng. Sau khi đặt tay đúng vị trí trên mẹ bắt đầu tiến hành vắt sữa.
 

 
Hình minh họa các bước vắt sữa mẹ bằng tay

Trong trường hợp nếu quầng vú rộng mẹ có thể đặt các ngón tay lùi vào phía bên trong quầng vú. Còn nếu quầng vú hẹp mẹ nên đặt các ngón tay lùi ra ngoài. Và các ngón tay còn lại dùng để nâng đỡ ngực. 

Bước 5: Giữ các ngón tay ở đúng vị trí, sau đó bạn nhẹ nhàng ấn các ngón tay kéo về phía sau, giữ ở tư thế như vậy và tiếp tục ép ngực về phía sau. Lúc này các ngón trỏ và ngón út đồng thời ép xuôi nhẹ về phía trước để đẩy sữa chảy ra khỏi các túi sữa và ra ngoài. Khi sữa chảy về đều bạn nới lỏng tay và tiếp tục lặp lại các thao tác như trên khi sữa ngừng chảy. 

Những điều cần lưu ý khi vắt sữa mẹ bằng tay

Không dùng tay bóp mạnh hai bên bầu ngực vì có thể khiến bạn đau đớn mà cũng không có tác dụng vắt sữa.

 
Rửa tay thật sạch trước khi vắt sữa​

Tuyệt đối không dùng tay để vuốt mạnh dọc hai bên bầu ngực vì động tác này có thể làm tổn thương các mô ở ngực. Mà bạn chỉ nên di chuyển đều các ngón tay quanh quầng vú để sữa tiết ra đều hơn.

Sau khi áp dụng các động tác vắt sữa thì sau 2 phút sữa bắt đầu chảy ra. Sau khi thực hiện các thao tác đã thành thục bạn có thể thực hiện đồng thời việc vắt sữa cả hai bầu ngực.

Thời gian vắt sữa diễn ra từ 20-30 phút, không được vắt trong thời gian ngắn hơn.

Lợi ích của việc thường xuyên vắt sữa mẹ

Sau sinh trong vòng 6 giờ mẹ nên trực tiếp cho con bú hoặc vắt sữa non cho bé bú. Việc cho bé bú sữa non sẽ giúp cho việc tạo sữa diễn ra nhanh chóng và sữa về đều hơn. 
 

 
Thường xuyên vắt sữa mẹ sẽ duy trì việc tiết sữa

Trong thời gian cho con bú mẹ nên vắt sữa 3 giờ/lần ngay cả vào ban đêm. Và thực hiện liên tục trong nhiều ngày liền. Việc vắt sữa liên tục có tác dụng duy trì việc tạo sữa, tránh bị mất sữa sau sinh. 

Khi đi làm trở lại, việc vắt sữa vừa giúp bé duy trì được việc uống sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng. Bên cạnh đó cũng là cách để duy trì sự tạo sữa. Vì thế khi đi làm bạn nhớ mang theo dụng cụ vắt sữa, sữa vắt xong có thể bảo quản trong tủ lạnh của công ty.

Ngoài ra việc vắt sữa thường xuyên còn có tác dụng làm giảm các triệu chứng cương tức ngực, rỉ sữa, tắc tia sữa, viêm tuyến vú…