Cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh an toàn nhất

Phúc nhà tôi phải to lắm, tôi mới có thể thoát chết. Vì vậy, mẹ đã truyền lại cho tôi rất nhiều kinh nghiệm.

Cuối tuần trước, bác gái – chị ruột của mẹ tôi ở nước ngoài về chơi. Vì điều kiện không cho phép nên từ khi theo chồng sang Canada làm ăn, hơn chục năm nay, đây là lần đầu tiên bác ấy về Việt Nam. Sau khi chào hỏi mọi người xong, vừa nhìn thấy tôi bác chạy đến và reo lên: “Ôi con bé Na! Ngày xưa, lúc nó còn đỏ hỏn, ai cũng nghĩ là nó không sống được đấy, thế mà giờ đã lớn từng này rồi. Xinh gái quá!”.

Tối về nằm áp mặt vào lưng mẹ, tôi đòi mẹ kể cho nghe câu chuyện mình đã “chết sẩy” như thế nào. Mẹ kể khi tôi mới được đưa từ viện về khoảng 1 tuần, trời nóng quá nên bà nội bảo mẹ tắm cho tôi. Vì mẹ không vệ sinh cẩn thận nên tôi bị nhiễm trùng dây rốn. Lúc mọi người nói rằng tôi không thể cứu được nữa, mẹ gần như ngất lịm.

Thế rồi, phúc nhà tôi phải to lắm, tôi mới có thể thoát chết. Đến lần thứ hai, khi sinh em trai tôi, mẹ đã tìm hiểu rất kỹ về việc chăm sóc dây rốn cho trẻ sơ sinh vì mẹ không muốn phải hối hận thêm lần hai.

Năm nay tôi đã 25 tuổi, cuối năm tôi và anh sẽ lấy nhau, rồi chúng tôi sẽ có với nhau những đứa con khỏe mạnh, kháu khỉnh. Để con gái có một lượng vốn kha khá kiến thức về làm mẹ, mẹ đã truyền hết “bí kíp dắt lưng” của mình cho tôi, tất nhiên bao gồm cả kinh nghiệm chăm sóc dây rốn cho trẻ sơ sinh mà tôi sẽ chia sẻ ngay sau đây. Tôi hi vọng những kinh nghiệm này không chỉ hữu ích cho tôi mà còn cho những mẹ nào chuẩn bị sinh em bé.

Để dây rốn rụng tự nhiên

Sau khi bé chào đời, dây rốn sẽ được kẹp và cắt, để lại một mẩu cuống rốn còn thừa trên bụng của bé. Thông thường sau 1 – 2 tuần, cuống rốn sẽ tự khô và rụng đi.

Các mẹ tuyệt đối không được phép cố gắng kéo đứt dây rốn, ngay cả khi trông nó có vẻ rất lỏng lẻo và chỉ còn dính lại một chút xíu. Nếu cố tình kéo, chỗ đứt rất dễ chảy máu và gây nhiễm trùng.

Sạch sẽ là tiêu chí số một

Để cuống rốn và vùng da xung quanh luôn sạch sẽ, các mẹ cần vệ sinh và thay băng rốn cho bé mỗi ngày một lần hoặc cẩn thận hơn nữa là vệ sinh sau mỗi lần tắm và thay bỉm cho bé. Khi vệ sinh, thay băng rốn cho bé, các mẹ có thể làm theo hướng dẫn sau:

Mẹ cần rửa tay sạch bằng xà phòng và sát trùng trước khi vệ sinh và thay băng rốn cho bé.

Mẹ nhẹ nhàng gỡ miếng gạc cũ ra. Dùng bông vô khuẩn thấm cồn 70 độ lau sạch từ chân lên cuống rốn và vùng da xung quanh rốn.

Thay miếng gạc vô khuẩn mới rồi dùng băng rốn loại mỏng, sạch, nhẹ nhàng quấn một vòng xung quanh bụng của bé.


Để cuống rốn và vùng da xung quanh luôn sạch sẽ, các mẹ cần vệ sinh và thay băng rốn cho bé mỗi ngày một lần (ảnh minh họa)

Khô thoáng là tiêu chí số hai

Giữ cho cuống rốn của bé khô thoáng là các mẹ đã góp phần giúp cuống rốn mau rụng. Muốn vậy, mẹ không nên để áo quần hoặc bỉm che lấp cuống rốn của bé. Khi quấn băng rốn, mẹ chỉ nên quấn vừa tay, không lỏng quá mà cũng không chặt quá. Ngoài ra, mẹ không nên chọn loại băng quấn quá dày, vừa bí lại vừa không mềm mại với làn da nhạy cảm của bé.

Khi tắm mẹ không được nhúng toàn bộ vùng rốn của bé xuống nước. Một phần vì nước sau khi tắm cho bé không còn sạch nữa nên rất dễ gây viêm nhiễm, một phần vì nước tắm sẽ ngấm sâu trong cuống rốn, rất khó khô.

Thêm một lưu ý nữa giúp cuống rốn của bé luôn khô và sạch sẽ là các mẹ không được để nước tiểu của bé dính vào rốn, đặc biệt là với các bé trai.

Như thế nào được coi là bình thường?

Trong khoảng thời gian trước khi tự khô và rụng, cuống rốn sẽ có nhiều thay đổi khiến chị em nửa mừng nửa lo. Mừng vì nghĩ chắc rốn của bé sắp rụng, lo vì không biết những thay đổi đó có bình thường không. Đối với những trường hợp bình thường, trước khi rụng cuống rốn sẽ trải qua những thay đổi như sau:

Về thời gian, như đã nói ở trên, cuống rốn thường rụng sau 1 – 2 tuần. Tuy nhiên, có những trường hợp 4 – 5 ngày cuống rốn đã rụng hoặc 2 tuần rồi mà cuống rốn vẫn chưa rụng. Cuống rốn rụng muộn có thể do chân rốn lớn, các mẹ không nên quá sốt ruột mà cố giật đứt dây rốn. Một khi cuống rốn chảy máu, nhiễm trùng rất dễ xảy ra.

Về màu sắc, ngay sau khi sinh, cuống rốn tươi và có màu trắng. Dần dần, khi khô đi, cuống rốn sẽ chuyển sang màu nâu, xám và thậm chí là màu đen. Các mẹ không nên hốt hoảng khi tự nhiên thấy cuống rốn của con biến sắc. Những thay đổi này là hoàn toàn bình thường, không có gì đáng lo ngại cả.

Bài liên quan: 

Bố mẹ bỏ đi, bé 2 tháng chết tức tưởi

Bé sơ sinh tử vong bỗng... sống lại

Hạ sốt sai cách, quá bằng hại con

5 kiểu hôn khiến con…mất mạng

Khi nào cần đưa bé đi khám?

Các mẹ không nên quá lo lắng khi rốn của bé thay đổi trong ngưỡng bình thường như đã được đề cập ở trên. Tuy nhiên, khi bé có một số biểu hiện bất thường sau, mẹ cần đưa bé đi bác sĩ:

Chân rốn chảy mủ hoặc dịch vàng

Cuống rốn có mùi hôi

Bé khóc toáng lên khi bị động vào cuống rốn hoặc vùng da xung quanh

Bé sốt

Cuống rốn đã rụng được 2 tuần rồi mà gốc rốn vẫn chưa khô

Phần gốc rốn xuất hiện nụ thịt màu hồng có kích thước từ 2 mm đến 1 cm, gây rỉ dịch kéo dài, dịch màu đỏ nhạt hay hơi ngả vàng. Rất có thể bé đã bị u hạt rốn. Mẹ cần sớm đưa bé đi khám. Tình trạng này cũng không quá nghiêm trọng nếu được điều trị sớm.

Chỉ là một mẩu cuống rốn nhỏ thôi nhưng chăm sóc quả là không đơn giản phải không các mẹ? Hi vọng rằng với những chia sẻ trên đây, các mẹ sẽ không còn lo lắng về chuyện chăm sóc cuống rốn cho bé yêu nhà mình nữa.