Cẩm nang mang thai mùa đông

Vào mùa đông, thời tiết giá lạnh cộng với sức đề kháng của mẹ bầu thường kém hơnnên rất dễ nguy cơ nhiễm bệnh. Những căn bệnh phổ biến trong mùa đông chủ yếu là cảm cúm, ho, cảm lạnh... Tuy không phải là những bệnh quá nguy hiểm nhưng với mẹ bầu thì cần đặc biệt chú ý, vì trong thời gian mang thai, chị em sẽ không được uống thuốc bừa bãi. Do đó, phụ nữ mang thai càng giảm nguy cơ mắc bệnh càng tốt.

Dưới đây là những lưu ý nhỏ với mẹ bầu mang thai mùa đông để giữ sức khỏe tốt nhất trải qua mùa lạnh giá này:

Về chế độ ăn uống

Đối với chế độ ăn uống vào mùa đông, các bà mẹ mang thai cũng cần chú ý ăn các món nóng, tuy nhiên cũng không nên ăn quá nhiều. Để hạn chế bị cảm, bạn cần bổ sung nhiều loại thức ăn giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Thức ăn mùa đông nên có khẩu vị đậm một chút, nên có một lượng mỡ nhất định trong đó như thịt hầm, cá rán…Bạn nên ăn những loại thức ăn có màu hồng như ớt đỏ, táo, cà chua, nho… có chứa khá nhiều vitamin C là chất chống gây bệnh cảm cúm, tăng sự phục hồi, có thể ăn thường xuyên. Ngoài ra mùa đông bạn cũng nên ăn hành, tỏi, hẹ…nhiều hơn một chút. Những loại thức ăn màu đen như gạp nếp cẩm, đỗ đen, mộc nhĩ, nấm rùa, gà đen, tía tô… giúp tăng cường chức năng của thận và khả năng miễn dịch cho cơ thể. Đối với phụ nữ mang thai thì mùa đông là mùa thích hợp cho việc ăn uống nhất, nên ăn những loại thức ăn ích khí bổ dương như thịt bò, tôm hùm, canh gà… cùng với một số loại thuốc như nhân sâm, nhung hươu, phụ tử.

Mùa đông phụ nữ mang thai không được ăn các loại thức ăn dính, thức ăn sống và lạnh.

Thời tiết hanh khô cũng dễ khiến bà bầu bị mất nước, nên tăng cường uống thêm nhiều nước nhưng chỉ nên uống nước ấm để tránh bị viêm họng.

Đừng quên luyện tập thể thao

Mùa đông lạnh giá sẽ khiến nhiều bà bầu ngại tập luyện, ngại đi ra ngoài, điều này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bà bầu và thai nhi, nhất là ở giai đoạn 3 tháng giữa.

Việc đi ra ngoài tập luyện cũng giúp bà bầu đón nhận được chút ánh nắng hiếm hoi của mùa đông, không nên để thai nhi thiếu vitamin D, có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển xương và não của thai nhi.

Quan trọng là giữ ấm cho cơ thể

Mùa đông, nhiệt độ môi trường giảm cũng đồng nghĩa với nguy cơ bị cảm lạnh tăng cao. Điều này không tốt cho sức khỏe của người mẹ cũng như thai nhi.

Nhiệt độ thích hợp cho phòng ngủ và làm việc của phụ nữ mang thai là từ 21-24oC. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo sự thông thoáng của căn phòng. Môi trường ẩm ướt, không khí không được lưu thông sẽ có hại cho hệ hô hấp của người mẹ, từ đó dễ dẫn tới tình trạng ngạt thai nhi hoặc sinh non...

Việc sử dụng các thiết bị sưởi ấm trong phòng là rất cần thiết. Tuy nhiên, các bà bầu cũng cần lưu ý tuyệt đối không sử dụng loại chăn điện để sưởi ấm, nhất là trong 3 tháng mang thai đầu tiên, vì sóng điện từ sản sinh trong quá trình sử dụng chăn có thể gây nên những ảnh hưởng xấu tới cả mẹ và thai nhi.

Khi đi dạo hoặc thể dục, các bà bầu cũng cần chú ý mặc áo ấm. Quá trình đi dạo có thể gây nên cảm giác nóng và đổ mồ hôi. Lúc đó, không nên cởi ngay áo ra vì không khí lạnh và khô bên ngoài sẽ đẩy nhanh quá trình thấm ngược mồ hôi vào cơ thể, dễ gây ra cảm lạnh. Bạn chỉ nên cởi bớt áo sau khi về nhà hoặc nơi kín gió.

Tạo môi trường trong lành

Bạn đừng nghĩ rằng vì trời lạnh mà đóng chặt cửa lại nhé. Phụ nữ mang thai nên mở cửa thường xuyên để thay đổi không khí, đặc biệt là không khí ấm vào buổi trưa. Có thể mở cửa vào buổi sáng để lấy không khí trong lành, bổ sung oxi…