Cẩm nang sinh con sau tuổi 30

Ngày nay, không ít phụ nữ trì hoãn việc mang thai để phấn đấu cho sự nghiệp. Đến khi nhận ra mình đã bước qua tuổi ba mươi, bạn lo lắng vì từ độ tuổi này trở đi sẽ gặp nhiều nguy cơ khi mang thai.

Tuy nhiên, những tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản có thể giúp bạn hạn chế các rủi ro đó. Nếu gặp một trong những vấn đề sau, bạn có thể tham khảo giải pháp khắc phục:

Chất lượng trứng

Thông thường, cơ thể phụ nữ bắt đầu sản sinh trứng vào độ tuổi 12 và tiến trình này sẽ ngừng khi bạn khoảng 45 tuổi. Điều này có nghĩa là hầu hết các trứng có chất lượng tốt cho việc thụ thai thường được sản sinh trong độ tuổi từ 20 – 30.

Chất lượng trứng sẽ bắt đầu giảm khi bạn bước sang tuổi ba mươi với tỷ lệ khoảng 3,5%/năm. Đó là lý do vì sao phụ nữ càng lớn tuổi, thì khả năng thụ thai càng giảm.

Giải pháp: Khi muốn trì hoãn việc sinh con vì nhiều lý do như chưa muốn có con sớm, mắc bệnh cần phải điều trị trong thời gian dài, phụ nữ ở một số nước trên thế giới đã chọn cách trữ đông trứng của mình.

Như vậy, họ có thể tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm khi sẵn sàng để có em bé. Đông lạnh trứng là kỹ thuật bảo quản chức năng bình thường của trứng khi giảm nhiệt độ từ nhiệt độ cơ thể 37 độ C xuống còn -196 độ C.

Ở nhiệt độ này, mọi phản ứng hóa học đều không thể xảy ra được nên tất cả hoạt động chức năng bên trong tế bào ngừng lại. Vì vậy, tế bào có thể ở trạng thái ổn định, không thay đổi cấu trúc và đặc tính sinh học trong thời gian dài.

Vấn đề về thụ thai

Số lượng trứng giảm dần nên việc thụ thai tự nhiên của bạn sẽ khó khăn hơn người trẻ tuổi. Nếu đã lập gia đình và không áp dụng biện pháp ngừa thai nào hơn một năm mà chưa có thai, bạn nên đi khám ở chuyên khoa hiếm muộn.

Giải pháp
: Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn áp dụng các biện pháp canh ngày rụng trứng hoặc thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm.

Hội chứng Down


Tỷ lệ người mẹ trên ba mươi tuổi sinh con mắc hội chứng Down là 1/1.000. Tỷ lệ này sẽ gia tăng lên 1/200 ca nếu bạn có con sau 35 tuổi.

Giải pháp
: Các xét nghiệm về gien sẽ giúp phát hiện bệnh do rối loạn nhiễm sắc thể. Tầm soát sớm trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm bất thường ở thai nhi để có cách xử lý kịp thời.

Sảy thai


Với những phụ nữ ở độ tuổi dưới ba mươi, khả năng sảy thai trong 20 tuần đầu tiên của thai kỳ dao động khoảng 12 – 15%. Tuy nhiên, ở phụ nữ trên 35 tuổi, khả năng sảy thai cao khoảng 20%.

Giải pháp
: Trước khi lên kế hoạch mang thai, bạn nên đi khám phụ khoa để bác sỹ kiểm tra sức khỏe sinh sản toàn diện như có bất thường ở tử cung, buồng trứng, u nang buồng trứng. Ngoài ra, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt sau khi phát hiện mình có thai.

Nhau tiền đạo


Đây là tình trạng xuất huyết âm đạo trong giai đoạn cuối của thai kỳ. Xuất huyết đột ngột, không gây đau bụng. Mất nhiều máu sẽ dẫn đến thai suy và tính mạng người mẹ bị đe dọa. Tỷ lệ phụ nữ có con muộn bị nhau tiền đạo khoảng 1/200 ca.

Giải pháp
: Khi thấy xuất huyết âm đạo, bạn nên đến bệnh viện. Nếu xuất huyết nhiều, bác sĩ có thể chỉ định chấm dứt thai kỳ để cứu lấy tính mạng người mẹ.

Nếu thai dưới tám tháng, lượng máu ra ít, bác sĩ sẽ cho truyền máu, giữ bạn nằm nghỉ tại bệnh viện để theo dõi và có thể cho dùng thêm thuốc giảm co thắt. Trường hợp thai đã trưởng thành, cận ngày sinh, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sinh sớm.