Cẩn trọng bị dị ứng chỉ khâu khi sinh mổ

Đầu tháng 10, khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược tiếp nhận sản phụ Huỳnh Mai An, 26 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, bị dị ứng chỉ khâu.

Chị An cho biết: “Sau khi sinh 5 ngày, cả mẹ khỏe con khỏe, nên chúng tôi xuất viện. Về nhà được 4 ngày, tôi thấy vết mổ đau và sưng tấy, sốt 40 độ liền đến bệnh viện. Bác sĩ khám và nói tôi bị dị ứng chỉ khâu”.

Vì sao bị dị ứng chỉ khâu?

Bác sĩ Bùi Chí Thương, công tác tại khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược, TP. HCM, cho biết: “Dị ứng chỉ khâu là trường hợp hiếm gặp. Trong 12 năm tôi làm việc ở khoa, với trên 10.000 ca mổ sinh, chỉ có 2 ca bị dị ứng chỉ khâu”.

Trong các ca sinh mổ, bác sĩ sẽ dùng chỉ đã được tiệt dùng để khâu liền hai bờ vết mổ bằng một kim cong đặc biệt. Loại chỉ này được chế từ ruột mèo (có tên là catgut) hoặc từ chất liệu tổng hợp. Có hai loại chỉ là: chỉ tiêu và chỉ không tiêu. Chỉ tiêu sẽ tự động tiêu vào trong cơ thể khoảng vài tháng.

Trường hợp bạn dùng chỉ không tiêu, nhân viên y tế sẽ rút chỉ khi vết thương đã lành. Dùng chỉ không tiêu có thuận lợi là sẽ ít gây nhiễm trùng, vết sẹo mổ nhỏ. Thời gian rút chỉ thường là 5 đến 7 ngày sau khi phẫu thuật.

Giải thích vì sao chị An lại bị dị ứng chỉ khâu, bác sĩ Bùi Chí Thương cho biết nguyên nhân là do cơ thể sản phụ dị ứng với chất liệu của chỉ. Mỗi loại chỉ của các công ty sản xuất dược phẩm có thành phần tổng hợp khác nhau.

Trước khi phẫu thuật sinh mổ, thai phụ thường được chỉ định làm các xét nghiệm tiền phẫu để kiểm tra với các loại thuốc sẽ sử dụng nhằm tránh phản ứng, dị ứng với thuốc.

Tuy nhiên, việc xét nghiệm tiền phẫu với chỉ khâu khó thực hiện. Phản ứng cơ thể với thuốc xảy ra nhanh, có thể xảy ra sau vài phút đến một giờ. Với chỉ khâu, có thể có phản ứng sau vài ngày, hoặc một đến hai tuần. Đó là lý do vì sao nhiều sản phụ sau khi sinh mổ về nhà vài ngày mới gặp tình trạng dị ứng chỉ khâu.

Trong Y khoa, loại chỉ dùng để khâu nối vết mổ tử cung là loại đắt tiền và chất lượng tốt hơn, giá trên 100.000 đồng/ sợi. Còn chỉ khâu nối vết mổ thành bụng thường có chất lượng chấp nhận được và giá khoảng hơn 10.000 đồng/ sợi.

Loại chỉ khâu ngoài này mới có khả năng gây dị ứng. Khi cơ thể dị ứng với chỉ, bạn sẽ thấy dịch tiết ra nhiều ở nơi tiếp xúc với chỉ, ứ đọng dưới vết mổ. Chỗ tù đọng này là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển, gây nhiễm trùng.

Cách xử trí


Trong trường hợp của chị Mai An, bác sỹ đã mở vết mổ và lấy hết dịch, mủ ứ bên trong. Bác sĩ cũng chỉ định cho chị dùng thuốc kháng sinh phù hợp, vừa chống nhiễm trùng, vừa đảm bảo cho con bú sữa mẹ bình thường. Sau 4 ngày điều trị, vết mổ của chị Mai An đã khô và ổn định nên được bác sĩ cho xuất viện về nhà.

Bác sĩ Bùi Chí Thương cho biết, vết mổ sẽ tự liền và không để lại sẹo xấu. Thời gian hồi phục khoảng trên dưới một tuần tùy mức độ nhiễm trùng. Bác sĩ cũng dặn, khi sinh mổ, bạn nên nhận biết dấu hiệu dị ứng chỉ khâu để điều trị sớm.

Dấu hiệu bao gồm vết mổ sưng nề, đỏ, đau và sốt. Khi đó, bạn cần đến bệnh viện để tái khám. Trường hợp bạn sinh thường cũng cần chú ý vệ sinh vết khâu ở tầng sinh môn. Khi đi vệ sinh, bạn rửa sạch vùng kín và lau khô.

Vết khâu này thường lành sau một tuần. Nếu sau 4 ngày không thấy giảm đau, nhức, bạn có khả năng bị dị ứng chỉ khâu, nên cần đi tái khám để xử trí kịp thời.

Chăm sóc ở nhà!

-    Giữ vết mổ khô bề mặt hoàn toàn, tuân thủ việc thay băng, vệ sinh vết mổ. Không nên để người khác xem vết mổ của bạn vì có thể bị nhiễm vi khuẩn có trong không khí, bàn tay, kể cả nước bọt văng ra khi nói chuyện.

-    Khi lành, bạn sẽ cảm thấy rất ngứa chỗ vết mổ, nhưng tránh không được gãi vì có thể gây trầy xước, viêm nhiễm.