Căng thẳng thần kinh

Đau đầu do căng thẳng thần kinh

Chứng nhức đầu do căng thẳng có thể gây đau nửa đầu, nặng đầu hoặc cảm thấy có sợi dây thắt chung quanh đầu. Một số người cảm thấy uể oải, nặng đầu và nóng rát ở trên hai mắt. Đau đầu cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ cằm, cổ và hai vai. Bạn có thể ít khi xác định được chính xác điểm bắt đầu của cơn đau.

Phòng tránh

- Giảm trạng thái căng thẳng tinh thần. Thư giãn trước và sau khi làm điều gì đó gây ra nhức đầu.

- Giảm căng thẳng thể chất. Thường xuyên thay đổi tư thế khi làm việc ở văn phòng và mỗi giờ thư giãn 30 giây. Chú ý thư giãn cằm, cổ, vai và các cơ lưng trên.

- Nâng tư thế cổ và vai cao trong lúc làm việc và điều chỉnh nếu cần.

- Tập thể dục hằng ngày để giúp giảm căng thẳng.

- Tự xoa bóp. Sự xoa bóp thường xuyên có tác dụng làm giảm căng thẳng.

- Hạn chế dùng thức uống có chất caffein. Việc dùng nhiều đồ uống có caffein thường làm tăng chứng nhức đầu. Cần giảm từ từ để tránh chứng nhức đầu do bỏ thức uống có chất caffein.

Chữa trị tại nhà

- Ngưng bất kỳ việc gì bạn đang làm và ngồi yên một lúc. Nhắm mắt lại, hít vào và thở ra từ từ. Thư giãn đầu và các cơ cổ.

- Tạm nghỉ để thư giãn hoặc thử tập thư giãn.

- Xoa bóp nhẹ rồi mạnh trên các cơ cổ.

- Chườm nóng hoặc tắm nước nóng.

- Nằm nghỉ trong phòng tối và đắp khăn lạnh lên trán.

- Dùng thuốc aspirin, acetaminophen, ibuprofen để làm thuyên giảm chứng nhức đầu do căng thẳng. Tuy nhiên, việc dùng thuốc thường có thể làm cho chứng nhức đầu hay xảy ra và nặng thêm.

Cần đến y bác sĩ khi

- Nhức đầu dữ dội và không thể chữa trị tại nhà.

- Chứng nhức đầu liên tục xảy ra hơn ba lần mỗi tuần mà không biết rõ nguyên nhân.

- Chứng nhức đầu xảy ra thường xuyên và nặng hơn.

- Chứng nhức đầu làm mất ngủ hoặc nặng hơn vào buổi sáng.

Bài tập giảm căng thẳng thần kinh

Sự căng thẳng do bị áp lực trong cuộc sống nếu không được giải tỏa có thể trở thành stress mạn tính, dẫn tới nhiều bệnh tật như nhức đầu, suy nhược thần kinh, cao huyết áp, các bệnh tim mạch, viêm loét dạ dày... Việc massage và thư giãn có thể giúp giảm bớt stress.

Sau đây là một số động tác đơn giản vừa giúp thư giãn vừa giảm đau đầu rất hiệu quả, có thể tiến hành mọi lúc mọi nơi:

Động tác 1: Nằm ngửa, duỗi thẳng chân tay, ngồi trên ghế tựa hoặc đứng thẳng. Thả lỏng cơ bắp toàn thân, mắt nhắm hờ, tập trung ý nghĩ về vùng đan điền (vùng hạ vị), loại bỏ mọi ý nghĩ khác. Thở chậm, sâu, đều. Mỗi nhịp thở gồm các thì: hít vào từ từ hết sức, bụng phình ra, nín thở giữ hõi trong vài giây, thở ra từ từ hết sức, bụng thót lại, nín thở trong vài giây. Tốc độ hợp lý là 6-8 nhịp thở trong một phút. Mỗi lần tập từ 5 đến 10 phút.

Tác dụng: Thư giãn, xoa bóp nội tạng trong cơ thể.

Động tác 2: Đan hai bàn tay vào nhau, vòng ra sau đầu, ấp vào vùng gáy, xát lên xuống khoảng 20 lần.

Tác dụng: Làm nóng vùng gáy, giãn cơ và tăng tuần hoàn tại chỗ, tăng cường lưu thông máu lên não.

Động tác 3: Duỗi thẳng các ngón tay, khép lại. Áp hai lòng bàn tay vào nhau, xát cho nóng lên. Sau đó, áp các ngón tay vào mắt (2 mắt nhắm) vuốt từ trong ra ngoài 10-15 lần. Dùng ngón cái và ngón trỏ véo da vùng gờ trên ổ mắt (dọc cung lông mày) từ trong ra ngoài 5-10 lần, làm 2 bên cùng lúc.

Tác dụng: Thư giãn vùng mắt, chống mỏi mắt, giảm căng thẳng.

Động tác 4: Dùng mu đầu ngón tay miết từ đầu trong gờ trên ổ mắt vòng lên trán, theo hình vòng cung ra đến thái dưõng rồi vòng lên trên ra sau tai, làm khoảng 15 đến 20 lần.

Tác dụng: Giảm căng thẳng, đau đầu.

Động tác 5: Khum các ngón tay lại như chiếc lược, chải tóc từ trước ra sau khoảng 20-30 lần, đầu các ngón tay miết mạnh xuống da đầu để thông kinh mạch vùng đầu.

Động tác 6: Đặt hai lòng bàn tay ở hai bên đầu đối xứng nhau, vỗ nhẹ vòng tròn xung quanh đầu theo chiều kim đồng hồ, hết tầm xoay của tay thì vỗ ngược lại. Khi vỗ, hai điểm tác động luôn phải đối xứng nhau. Làm khoảng 3-5 lần.

Khép bàn tay, dùng phần gan bốn ngón tay (trừ ngón cái) vỗ nhẹ trên toàn bộ da đầu theo hướng từ đỉnh đầu ra trước, sang hai bên, ra sau xuống vùng gáy. Làm khoảng 3-5 lần.