Chăm sóc bé khi bị sốt cao

Sốt là một triệu chứng quan trọng cần chú ý ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi.

Nhiều cha mẹ thường lo lắng khi con sốt, không ít người nôn nóng tự ý tìm cách hạ sốt cho trẻ một cách thiếu hiểu biết dẫn đến những hậu quả nặng nề đáng tiếc xảy ra.

Tìm hiểu nguyên nhân sốt ở trẻ, can thiệp đúng cách và tham khảo ý kiến bác sĩ là lời khuyên thiết thực cho các bậc cha mẹ.

Hiểu đúng về sốt ở trẻ sơ sinh

Tâm lý chung của những người làm cha mẹ là thấy con sốt thì lo âu cuống quýt, nhất là những người lần đầu làm cha mẹ, kinh nghiệm chưa có nhiều. Thật ra, có những nguyên nhân sốt ở trẻ được cho là bình thường bên cạnh những nguyên nhân gây sốt nguy hiểm.

Sốt là một cách phản ứng của cơ thể trẻ đối với các bệnh nhiễm khuẩn, cơ thể có những biến đổi về chuyển hóa hoặc nóng lạnh đột ngột… Khi bị sốt, bé có những dấu hiệu như: thân nhiệt trở nên nóng hơn rất nhiều.

Áp má mẹ vào bé có thể cảm nhận được bé nóng. Ngoài ra, bé còn hay quấy khóc, bứt rứt, dễ nổi cáu, mệt mỏi, ngủ lơ mơ… Khi bé có những biểu hiện như trên, các bậc cha mẹ cần nhanh chóng đo nhiệt cho trẻ.

Nếu thấy bé sốt ở nhiệt độ không quá 38,5 độ C được xem là sốt nhẹ, các bà mẹ đừng quá lo lắng bởi sốt này có thể tạo điều kiện cho trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Vượt qua nhiệt độ này, trẻ sốt cao và các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý tìm nguyên nhân gây sốt ở trẻ để có cách điều trị kịp thời.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi bị sốt

Thường trẻ sốt xuất phát từ các nguyên nhân sau:

– Trẻ mắc những bệnh thông thường: viêm mũi họng, sốt do cảm cúm, virus… trẻ có những dấu hiệu như: ho, sổ mũi, hắt hơi, phát ban… Với những bệnh thông thường này, trẻ sốt từ 3 – 4 ngày và dù sốt, nhưng vẫn tỉnh táo, ăn uống được.

Nhiều trẻ dưới một tuổi cũng hay sốt do mọc răng. Đây là những nguyên nhân gây sốt không đáng lo ngại, cha mẹ theo dõi nhiệt độ và các dấu hiệu của trẻ. Nếu trẻ sốt nhẹ (dưới 38,5 độ), hãy làm mát cho trẻ, trẻ sẽ sớm dịu sốt.

– Với những trẻ sốt cao (trên 38,5 độ C), trẻ có thể mắc những bệnh nguy hiểm như: viêm phổi, sốt rét, sốt xuất huyết, viêm màng mão, viêm não nhiễm khuẩn huyết,… tuyệt đối không được xem thường.

Hãy quan sát các triệu chứng ở trẻ, nếu thấy trẻ rét run, xuất huyết, co giật, nôn, khó thở, tím tái, li bì, vật vã hay hôn mê… cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám bởi các triệu chứng trên rất nguy hiểm, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của trẻ nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Chăm sóc khi trẻ sơ sinh bị sốt

Khi trẻ sốt nhiệt độ từ 37,5 – 38,5 độ C, tức sốt nhẹ, cha mẹ chưa cần dùng thuốc hạ sốt cho trẻ mà nên dùng một số biện pháp can thiệp giúp bé giảm sốt như sau:

– Giúp bé thoáng mát: mặc cho bé những quần áo có chất liệu nhẹ và thấm hút mồ hôi tốt, để bé nằm trong phòng thông thoáng, nhiệt độ không quá cao. Nhiệt độ được khuyên cho bé là 21 – 23 độ C.

– Dùng khăn vải thấm nước vắt khô đắp lên trán, cổ và tay trẻ.

– Xen kẽ với việc đắp khăn, cha mẹ cũng có thể dùng khăn lau khắp người cho bé để nhiệt độ cơ thể mát hơn. Những vùng như nách, bẹn, cổ… khi được làm mát sẽ giúp cơ thể hạ sốt.

– Bổ sung nước cho trẻ. Bạn nên biết rằng khi cơ thể nóng, ho… trẻ sẽ bị mất nước. Vì vậy hãy bổ sung nước cho trẻ, để trẻ uống nhiều nước lọc, sữa hoặc nước trái cây. Với trẻ còn bú mẹ, cần cho bú nhiều lần hơn và thời gian mỗi lần bú lâu hơn bình thường. Nếu trẻ không tự bú được, người mẹ cần vắt sữa vào cốc rồi dùng thìa cho trẻ uống.

– Đừng quên cặp nhiệt độ sau 4 – 5 tiếng để theo dõi xem trẻ có hạ sốt không.

Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài, không có dấu hiệu bớt nóng sau những biện pháp trên, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện với những bé sốt đi kèm co giật, cha mẹ cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ theo dõi.

Tại sao sốt không đáng sợ với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi

Đừng cuống lên tìm cách hạ sốt khi trẻ bị ốm, hãy thả lỏng và để cơn sốt làm nhiệm vụ của nó, một nghiên cứu mới vừa cho biết.

Đa số các ông bố bà mẹ sẽ hoảng lên nếu sờ thấy trán con ấm bất thường. Và lẽ tự nhiên là họ sẽ căng thẳng tìm mọi cách để dập cơn sốt của bé.

Nhưng theo báo cáo mới đây của Viện Nhi khoa Mỹ, hạ sốt ngay lập tức bằng ibuprofen hoặc acetaminophen không phải là cách tốt nhất.

Lý do: Cơn sốt là cơ chế sinh lý có hiệu quả trong việc chống lại sự nhiễm trùng, vì thế việc hạ sốt có thể lại cản trở quá trình lành bệnh.

Cũng theo báo cáo này, ngay cả khi trẻ bị sốt nhẹ, nhiều bậc phụ huynh đã muốn cho bé dùng thuốc, bởi họ chỉ muốn kim nhiệt kế ở mức bình thường. Thực tế là, không có bằng chứng cho thấy sốt sẽ làm bệnh tình của bé nặng lên, hoặc gây các biến chứng thần kinh dai dẳng.

“Vì thế, mục tiêu cơ bản nhất khi trẻ sốt là làm cho thể trạng bé thật thoải mái, thay vì nhăm nhăm làm mát”, báo cáo cho biết.

“Chẳng hạn, nếu em bé một tuổi của bạn bị giật giật tai, trông khó ở và thân nhiệt là 39,5 độ C, bạn sẽ muốn cho bé uống thuốc ngay để bé cảm thấy dễ chịu. Nếu thân nhiệt mới hạ xuống 38,3 độ C nhưng bé đã dễ chịu, thế là ổn. Đừng lo lắng về việc phải hạ nhiệt độ của bé xuống 37 độ C”.

“Sau cùng, sốt là bạn của chúng ta”, tiến sĩ đầu ngành chuyên khoa nhi Hoa Kỳ nói. “Thông thường, đó là phản ứng tích cực. Nó làm giảm khả năng phân chia của virus và vi khuẩn trong cơ thể, và kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều bạch cầu – vũ khí chống lại nhiễm trùng”.

Dưới đây là những lời khuyên cụ thể của tiến sĩ đầu ngành chuyên khoa nhi Hoa Kỳ khi trẻ ốm sốt:

Đừng chỉ tập trung vào hiện tượng sốt. Ngay cả khi trẻ không sốt hoặc quấy khóc dễ nhận thấy, thì bé có chơi đùa không? Bé vẫn đang chạy nhảy hay ngủ lịm? Bé có khó thở không? Bé có đau không? Da có ửng đỏ không? Tất cả những đặc điểm này đều là dấu hiệu bé bị ốm, cần điều trị.

Cảnh giác với sự mất nước: Thân nhiệt tăng cao sẽ thúc đẩy sự mất nước, và bản thân chuyện này đã là một vấn đề. Hãy xem miệng bé có khô không, có đi tiểu ít hơn bình thường không. Nếu bé ói mửa, cần bổ sung nước bù điện giải. Nếu bé không ói, có thể cho bé uống loại nước nào mà bé thích, như nước trắng, nước hoa quả.

Nếu bé bị một loại bệnh mãn tính, thì sốt lúc đó sẽ nguy hiểm hơn nhiều. Chẳng hạn, với trẻ bị bệnh tim mạch, sốt có thể khiến tim làm việc khó nhọc hơn. Khi đó, cần phải xin ý kiến bác sĩ ngay.

Để ý đến những điều nhỏ nhất. Một bé sơ sinh dưới 3 tháng tuổi khi tăng cao quá 38 độ C cần phải gặp bác sĩ ngay. Ở tuổi này, các bé quá nhỏ để uống thuốc, và thân nhiệt có thể là dấu hiệu của một bệnh nặng hơn.

Cho bé uống thuốc với liều chính xác. Một phần lớn các ông bố bà mẹ cho trẻ uống thuốc quá liều hoặc không đủ liều, thường là do họ dùng dụng cụ đo không chính xác.

Để trẻ ngủ. Đừng đánh thức trẻ dậy để cho uống thuốc. Nếu bé ngủ được, nghĩa là bé thấy thoải mái. Bé sẽ cần nghỉ ngơi hơn.