Cách chăm sóc răng miệng khi mang thai như thế nào?
Chăm sóc răng miệng trong thai kỳ
Khi mang thai, bà bầu cần phải đặc biệt chú ý đến việc vệ sinh răng
miệng hơn, vì nếu trong thời gian này mà bạn bị viêm lợi, hoặc các bệnh
về răng miệng khác, bạn sẽ hay bị chảy máu răng nên dễ dẫn đến mắc các
bệnh viêm nhiễm, ảnh hưởng tới đường máu. Và nó cũng chính là một trong
những nguy cơ cho các bệnh nhiễm trùng sau khi đẻ.
Vì sao phụ nữ phải bảo vệ răng miệng khi mang thai?
Theo một nghiên cứu y học của Hoa Kỳ, những phụ nữ
có bệnh về lợi mà không được chữa lành sẽ có nguy cơ cao hơn gấp ba lần
so với những người khác trong việc sinh con trước kỳ hạn 35 tuần. Các
bác sĩ xác nhận, nhiễm trùng nướu nghiêm trọng gây ra việc làm tăng sản
xuất một chất có tên gọi là prostaglandin và chất gây hoại tử khối u,
cùng các hóa chất khác dẫn tới việc kích thích chuyển dạ.
Ngoài
ra, nếu bị viêm lợi nặng, hoặc bị chảy máu chân răng... có thể bạn phải
dùng thuốc và điều này cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Những bệnh về răng miệng thường gặp trong thai kỳ
Hầu
như việc mang thai không gây khó chịu đến răng, nhưng có tới 90% các bà
bầu có triệu chứng viêm lợi. Các biểu hiện thường thấy là chảy máu,
sung huyết, ngứa ở lợi. Đây không phải là bệnh viêm lợi thực sự mà là
kết quả của những rối loạn tuần hoàn máu ở lợi. Hiện tượng này hay thấy
từ tháng thứ 3 và giảm dần đến tháng thứ 8.
Người ta thấy rằng,
một nửa các rối loạn kiểu này cũng như những biến đổi khác trong cơ thể
khi mang thai sẽ tự động biến mất sau khi sinh. Nhưng nếu cứ để tự
nhiên, cộng thêm với vấn đề vệ sinh răng miệng không tốt rất có thể răng
của những phụ nữ này sẽ bị sâu và bị bệnh nha chu (bệnh lý viêm nhiễm
mãn tính ở mô nướu và mô nâng đỡ của răng. Biểu hiện thường thấy là nướu
viêm đỏ, dễ chảy máu, chảy mủ, tiêu xương ổ răng, răng lung lay, và
cuối cùng là mất răng. Có thể nói phần lớn các trường hợp mất răng ở
người trưởng thành là do bệnh nha chu gây nên). Điều này không tốt cho
họ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
Những trường hợp chảy máu khi đánh răng, nhức răng, rất có thể do chân
răng đã bị lộ từ trước, giờ đây những tác động cơ học và rối loạn tuần
hoàn làm cho trầm trọng hơn cùng với những viêm nhiễm nếu có đi kèm. Đó
chính là hiện tượng sâu răng, người bệnh cần được đi khám và điều trị.
Mang thai là quá trình tự nhiên, nhưng phải hết sức thận trọng khi sử
dụng các thuốc điều trị, dù cho là bệnh gì. Trong các bệnh răng miệng,
nếu bị bệnh người phụ nữ nên đi khám bệnh để nha sĩ có các biện pháp
chữa trị phù hợp.
Vì sao phụ nữ mang thai dễ mắc các bệnh về răng miệng?
Trong thời kỳ mang thai, bạn thường gặp phải những vấn đề về răng miệng gây ra chủ yếu bởi hai nguyên nhân sau.
Trước tiên, răng và lợi của bạn có nguy cơ bị suy yếu đi, do cơ thể có những thay đổi về hoóc môn.
Viêm lợi là bệnh thường gặp với những triệu chứng như: đau nhức, chảy máu, và đôi khi trong một số trường hợp là hở chân răng.
Nguyên
nhân thứ hai là những thay đổi trong chế độ dinh dưỡng. Phụ nữ mang
thai thường có cảm giác buồn nôn, thậm chí hay bị nôn mửa, họ có xu
hướng thay đổi thói quen ăn uống của mình. Thêm đó, họ có nhu cầu ăn
nhiều thức ăn chứa chất glucô hơn bình thường. Chính những điều này đã
khiến cho khả năng bị sâu răng tăng cao.
Biện pháp phòng tránh
Phòng
ngừa chính là biện pháp đầu tiên bạn nên áp dụng. Nếu bạn sinh hoạt
điều độ, những vấn đề về răng lợi sẽ được kiểm soát từ trước khi mang
thai. Lấy cao răng đều đặn sẽ tránh cho bạn những bệnh về lợi và nhớ nên
đến phòng nha sĩ để khám răng thường xuyên và phát hiện các vấn đề liên
quan đến răng miệng một cách sớm nhất.
Điều
trị bệnh ở phụ nữ mang thai là vấn đề phức tạp, chính vì vậy cần phải
có những biện pháp bảo vệ trong suốt thời kỳ thai nghén và sau sinh để
hạn chế những bệnh răng miệng mắc phải.
Tuy
nhiên, thông thường, nếu bạn gặp những rắc rối lớn liên quan đến răng
miệng, các nha sĩ chỉ có thể thực hiện những xử lý tạm thời như hàn
răng, chống nhiễm trùng … còn mọi việc chữa trị đều phải hoãn đến sau
thời kì ở cữ. Như vậy, bà mẹ và thai nhi sẽ tránh được những rủi ro do
việc chữa trị gây ra. Những trường hợp sâu răng nặng, không thể bảo
tồn, nha sĩ sẽ cho bệnh nhân biết cần phải tránh nhổ răng trước tháng 4
và sau tháng thứ 7 để tránh tình trạng sảy thai, đẻ non.
Chú ý:
Không được dùng thuốc giảm đau bừa bãi khi bị đau răng. Có rất nhiều
loại thuốc được khuyên là không nên dùng trong khi mang thai, Khi bị
viêm nhiễm hay gặp các vấn đề liên quan đến răng miệng, tốt nhất bạn nên
đến xin lời khuyên của nha sĩ.
(ST)