Chân dung các ông bố

Bố là con ngáo ộp, là ông "hảo tâm" luôn cho tiền, hay là một thần tượng trong mắt các con? Đôi khi, những câu nói ngây ngô của trẻ con về hình ảnh bố khiến người lớn giật mình. Chắc bạn cũng muốn biết chân dung của mình qua "nét vẽ" của con cái thế nào chứ?

Bố cháu là "một con ngáo ộp"

"Bố cháu không bao giờ cười", "Bố em lúc nào cũng cau có", "Cháu sợ bố lắm, hôm nọ bố đánh em Bi đau đến mấy ngày sau"... Đó là hình ảnh ông bố trong tâm trí nhiều đứa trẻ.

Rất nhiều người cho rằng, vai trò chính của mình là kiếm tiền cho gia đình, còn việc chăm sóc, giáo dục con cái là phần vợ. Có người còn có suy nghĩ, không nên gần gũi với con cái quá, chúng sẽ khinh nhờn. Không ít ông còn cố tạo cho mình một vẻ mặt dữ tợn, lạnh lùng mỗi khi ở bên con.

Thành ra, mỗi khi trẻ có lỗi, người mẹ thường bảo: "Mẹ về mách bố để bố cho một trận". Tất nhiên điều này có hiệu quả nhất định, con cái có vẻ nghe lời mẹ hơn. Tuy nhiên, cách lấy người cha làm "con ngáo ộp" dọa trẻ vô tình đã làm tổn hại đến tình cảm cha con. Có những đứa trẻ không bao giờ dám đến gần bố. Bố có hỏi gì thì chúng run như cầy sấy, trả lời lí nhí không ra lời.

Bố là "ông bác hay cho tiền"

Trẻ em không biết ăn nói màu mè, chúng nghĩ sao nói vậy. Một bé năm tuổi bảo: "Bố cháu hay cho cháu tiền và hay mua quà cho cháu hơn mẹ". Một em học sinh lớp 3 đã viết trong bài văn kể về gia đình mình: "Nhà em có bốn người, bố em, mẹ em, em và em Bống. Mẹ rất giỏi nấu ăn. Nhiều món ăn mẹ nấu em rất thích. Bố em hay đi công tác, thỉnh thoảng mới về nhà, nhưng cũng không ăn cơm nhà. Nhưng bố em rất 'hảo tâm'. Em cần tiền đóng học là bố cho ngay. Hôm nọ em xin 5.000 đồng ủng hộ đồng bào lũ lụt, bố cho hẳn 20.000 đồng".

Một cậu học sinh lớp 10 kể: "Sao bố em lúc nào cũng tiền, tiền. Bố cứ nghĩ chúng em có đầy đủ mọi thứ vật chất là sung sướng rồi. Hôm nọ em trách bố ít quan tâm, bố em đã gầm lên hỏi em: 'Mày còn muốn gì nữa? Muốn xe có xe, muốn đàn có đàn, muốn học bao nhiêu khóa, tao lo đầy đủ tiền bạc...'. Nhưng bố đâu có biết: Em cần có bố".

Bố lúc nào cũng đúng

Một trong những sai lầm của những người làm cha là cho mình quyền được nói, được dạy dỗ, quát nạt, mắng mỏ con cái. Nếu không phải là những bài thuyết giảng dài dằng dặc thì cũng là những câu mệnh lệnh: "Đi học đi", "Im đi cho tao nhờ". Có người bố nói bao nhiêu cũng được, vậy mà con cái vừa cất lời lên là đã bị la mắng: "Sao tao cứ nói một câu, mày nói lại một câu cham chảm như thế? Con cái phải biết nghe lời, cấm cãi.". Liệu có được bao nhiêu ông bố biết ôn tồn hay yên lặng lắng nghe con cái nói?

"Chỉ có bố em là luôn luôn đúng, em không bao giờ nói lại được một câu. Vì vậy khi bố nói, em chỉ im lặng cho xong chuyện. Nhưng thực sự em không phục bố". Đó là "chân dung" người bố do một cô con gái 16 tuổi "vẽ" lại.

Những hình ảnh đẹp

Hầu hết các ông bố đều yêu thương con, lo lắng và dạy dỗ để con ngoan ngoãn và trưởng thành. Nhưng cách thức thể hiện lại mỗi người một khác. Đôi khi những việc được bố mẹ coi là bình thường, lại trở thành ấn tượng xấu trong trẻ. Nhiều cử chỉ rất nhỏ của bố lại là ấn tượng đẹp, lưu mãi trong cuộc đời trẻ.

Nhà tâm lý Đinh Đoàn kể lại câu chuyện của mình, năm lên 10 tuổi, anh bị bệnh. Lúc ấy, bố anh đang công tác tại miền Nam. Nghe tin ấy, ông đã bỏ công việc, tức tốc trở ra Bắc thăm con. Điều này không chỉ nói lên tình thương bố dành cho con mà còn khẳng định một điều rằng đối với ông, con cái quý hơn công danh, sự nghiệp. Anh mãi biết ơn và kính phục bố vì điều đó.

Hay tâm sự của một em bé kể rằng, em thích nhất được bố bò dưới đất làm trâu cho em cưỡi, được bố đèo đi công viên ăn kem, được cùng đi bể bơi hay đá bóng với bố, được bố giữ cho tập xe đạp... Mẹ vẫn thường mắng bố là "trẻ con", bởi bố em hay làm trò cho chị em chúng em cười. Khi đánh bài bị thua, bố cũng phải quỳ. Bố bảo "đã là luật, ai cũng phải chấp hành". Em rất thích cái tính "trẻ con" của bố...

Hạnh phúc cho những người đàn ông là trở thành "thần tượng" của chính con cái mình. Dù bạn có thành đạt trong công việc, có là "ông nọ, ông kia" ở cơ quan hay ngoài xã hội, nhưng nếu bạn để lại ấn tượng không đẹp trong tâm trí những đứa con của mình thì bạn là ông bố thất bại.