Chế biến bào ngư

Chế biến bào ngư như thế nào để có được món ăn ngon và bổ dưỡng nhất. Dưới đây là những lời khuyên cho các bà nội trợ khi chọn mua và chế biến bào ngư


Các loại Bào Ngư.



Bào ngư (abalone - tiếng Anh Mỹ phổ thông. Tên thương mại hay dùng: giant topshell) là động vật giáp xác, thuộc họ hàu hến. Bào ngư thiên nhiên khai thác từ biển sâu 5 - 20 m. Bào ngư VN cũng có đủ hai loại là bào ngư vành tai (Donkey's Ear Abalon) và bào ngư 9 lỗ (vỏ có một hàng lỗ khí khổng từ 7 đến 13 lỗ nhưng thường là 9 lỗ) có kích cỡ cả vỏ trung bình 5 - 6 cm, nhưng nhiều vùng biển thế giới có bào ngư phát triển đến trên 12 cm. Khối thịt bên trong vỏ bào ngư có thể từ vài chục gram lên đến trên 100 gram. Thịt bào ngư có cấu trúc mô dày mịn tương tự như mực nhưng mềm hơn, nấu lâu cũng không bị trở dai. Bào ngư VN có rải rác từ vùng biển Phú Quý, Phú Quốc ra Bình Định, Quy Nhơn đến Quảng Ninh, Hải Phòng nhưng không có nhiều cho nên chủ yếu chỉ khai thác kinh doanh tại chỗ như một đặc sản địa phương hoặc chế biến khô số lượng rất thấp. Đối với đa số các bà nội trợ bình dân VN, bào ngư là một cái gì rất xa vời chứ không quen thuộc như những loại hải sản sò huyết, sò lông, sò điệp..vv.. và những cái tên như cháo bào ngư, bồ câu hầm bào ngư... thường chỉ được nhắc đến như những món ăn cực kỳ đắt tiền trong những nhà hàng sang trọng.

Nhưng thực tế cho thấy bào ngư tuy nổi tiếng là loại thực phẩm quý hiếm nhưng càng ngày càng trở nên quen thuộc trong bàn ăn của mọi gia đình vì từ lâu trên thế giới người ta đã có thể nuôi bào ngư ở những ngư trường như các loại hàu, sò, trai khác. Trong nhiều siêu thị ở Sài Gòn hiện nay có thể tìm thấy bào ngư đóng lon hoặc đông lạnh chất lượng cao và hầu hết là hàng nhập khẩu của Mexico hay Australia. Còn bào ngư khô rất hiếm hàng dạng đóng bao bì hút chân không của HongKong, Taiwan mà chỉ thấy hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, bán chung chung như các loại sứa khô, tôm mực khô. Bào ngư khô dạng rời bán lẻ từng lạng thấy bán trong vài chợ ở Sài Gòn như chợ Bình Tây, Bến Thành có chất lượng thường không ổn định và không loại trừ "bào ngư giả" rất khó phân biệt vì pha tạp với nạc sò lông cỡ lớn. Nói chung bào ngư hiện nay đều có giá cả mà những người có thu nhập trung bình đều có thể chấp nhận được để thỉnh thoảng đi chợ chọn bào ngư làm món ăn đổi bữa cho gia đình.



Cách chọn

Chạm nhẹ vào cạnh bào ngư, thấy có phản ứng đàn hồi là bào ngư tươi. Một cách khác để phân biệt bào ngư còn tươi mới là nhìn con nào có thân tròn dày, thịt đầy, mình đồng đều, cầm lên thấy chính giữa thường có một đường màu đỏ là loại ngon.

Hiện nay trên thị trường cũng đã xuất hiện sò giả bào ngư, vì sò nhìn bề ngoài cũng rất giống bào ngư, chỉ khi ăn mới phát hiện ra. Thế nên khi đi mua bạn cũng nên quan tâm đến giá thành sản phẩm, nếu rẻ quá rất có thể đó không phải là bào ngư mà là sò.


Bảo quản


Cách bảo quản bào ngư tốt nhất vẫn là mua bào ngư về sử dụng liền. Nếu chưa kịp sử dụng thì nên cho vào ngăn đông của tủ lạnh. Có thể để nơi nhiều gió cho khô, tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào. Khi đã khô cho bào ngư vào hũ cất, nếu thấy bề mặt bào ngư nổi lên lớp phấn trắng, bạn đừng lo, đó không phải là mốc, mà do chất muối mặn từ nước biển có trong bào ngư tiết ra ngoài.

VÀI MÓN ĂN VỚI BÀO NGƯ.



Bào Ngư Xào


I. SƠ CHẾ BÀO NGƯ:


1. BÀO NGƯ ĐÓNG LON:

Thành phẩm đã làm chín, tùy chất lượng của mỗi thương hiệu, nên dùng thử để có lựa chọn tùy ý. Nếm thử, nếu thấy vị lạt thì có thể tẩm ướp thêm mỗi 200 gram thành phẩm đã cắt lát với ¼ muỗng cà phê muối tiêu, 1 muỗng cà phê dầu hào (oyster sauce), 1/3 muỗng súp hành tím băm. Để qua khoảng 1 giờ hoặc tùy ý tẩm ướp theo món chế biến riêng.


2. BÀO NGƯ ĐÔNG LẠNH:

Thành phẩm còn sống, thường đã được làm sạch các mô tạp, mô gân, viền môi đen. Tùy nhà sản xuất có thể ở dạng mỗi nửa mảnh vỏ là một con bào ngư hoặc nguyên một khối nhiều con ép dính vào nhau. Là hải sản cho nên rã đông chậm bào ngư đông lạnh là cách hiệu quả nhất. Xé bỏ bao nhựa cứng và để vỉ bào ngư đông đá ở ngăn ướp lạnh của tủ lạnh cho đến khi không còn kết dính, mềm ra là có thể lấy ra chế biến. Nếu làm rã đông nhanh bằng nhiệt hoặc bằng sóng lò viba có thể làm cho thành phẩm bị chín tái hoặc giảm chất lượng vì các mô đang ở dạng đông đá, nếu rã đông nhanh sẽ bị phân hủy ít nhiều theo nước tan ra. Sau khi rã đông, để ráo, tùy ý cắt xẻ. Nhấm nếm để xác định mùi và độ mặn tự có của bào ngư.

Bếp Á châu thường dùng rượu trắng như rượu gạo, gin, vodka và gừng giã nhỏ để khử mùi tanh biển của bào ngư bằng cách trộn 30 cc rượu trắng nhẹ khoảng 30 độ + ½ muỗng súp gừng băm nhỏ trộn với 200 gram bào ngư đã cắt miếng, để qua nửa giờ, giũ cho sạch ráo gừng, không xả lại nước lạnh. Không nhất thiết phải qua khâu ướp rượu gừng nếu muốn giữ mùi bào ngư tự nhiên. Uớp mỗi 200 gram bào ngư với ¼ muỗng cà phê muối tiêu, 1 muỗng cà phê dầu hào (oyster sauce), 1/3 muỗng súp hành tím băm. Cách sơ chế này cũng dùng cho thịt bào ngư tươi sống.


3. BÀO NGƯ KHÔ:

Nên chọn hàng có đóng gói bao bì hút chân không để bảo đảm vệ sinh, có tên nhà sản xuất, hạn sử dụng. Rửa qua nước ấm, hấp cách thủy, nước trong xửng hấp có pha ít muối vừa đủ nhẩn mặn, tùy khối nạc lớn nhỏ, hấp cho đến khi thăm chừng thấy vừa mềm để có thể cắt miếng, tẩm rượu gừng và ướp như bào ngư tươi. Như những loại hải sản chế biến khô khác, chất lượng bào ngư khô thường không ổn định.



II. THỰC HIỆN MÓN ĂN:



1. Bào ngư sống:

- Dùng bào ngư tươi sống, vùi nguyên con cả vỏ vào nước đá bào nhỏ khoảng 1 giờ trước khi ăn.

- Nước chấm: Hòa tan 1 phần xì dầu + 1/3 phần mù tạt xanh (wasabi) hoặc hơn nữa ở mức khẩu vị chịu được vị cay nồng. Tùy thích thay hỗn hợp này bằng muối, tiêu và chanh vắt.

- Nạy vỏ bào ngư, tách lấy nạc, gỡ bỏ những mô tạp, làm đến đâu ăn đến đó. Nếu muốn dọn sẵn thì tùy thích cắt thành miếng mỏng, dùng một dĩa sâu lòng, cho nước bào vào dĩa, bịt kín dĩa bằng một lớp giấy nhôm, trải bào ngư lên mặt dĩa. Dọn kèm nước chấm và đầu hành ướp lạnh.


2. Bào ngư hấp:

- Dùng bào ngư sống hoặc bào ngư đông lạnh rã đông. Hấp chín bằng hơi nước. Tùy ý cắt lát dày mỏng.

- Nước chấm bằng nước mắm gừng theo bếp VN: 1 muỗng súp nước mắm ngon + ½ muỗng súp gừng băm nhỏ + 3 hoặc 4 muỗng súp nước lọc + 1 hoặc 2 muỗng cà phê đường tùy khẩu vị + ớt tươi băm nhỏ tùy ý ăn cay được ít nhiều.

- Ăn kèm vài lá rau răm nếu thích. Tuỳ ý thay nước mắm gừng bằng muối tiêu chanh.


3. Cháo bào ngư:



Bào ngư có ba loại: tươi, đóng hộp và khô. Dễ nấu nhất là bào ngư đóng hộp vì bào ngư đã được làm mềm sẵn. Bào ngư tươi cũng không khó chế biến. Bào ngư khô thì hơi mất công vì phải ngâm và hấp cho đến khi mềm .

Với bào ngư tươi chỉ việc lấy thịt, rửa qua với nước có pha rượu và gừng, để ráo là có thể dùng được. Bào ngư dùng để xào nấm đông cô, nấu cháo hay tiềm thuốc bắc…

Xin được hướng dẫn bạn cách nấu cháo bào ngư và xào nấm đông cô rất đơn giản và cũng dễ ăn.


Nguyên liệu:

• 200 g thịt bào ngư

• 100 g gạo thơm

• Gừng, muối, hành lá, tiêu.


Thực hiện:

Bào ngư cắt mỏng, ướp chút nước gừng .

Gạo vo sạch, nấu cháo nhừ và loãng. Nêm chút muối vừa ăn. Cháo đang sôi, thả bào ngư vào, đợi sôi trở lại, múc ra chén, cho vào gừng cắt sợi nhuyễn, chút hành lá cắt nhỏ, tiêu.




4. Bào ngư xào tỏi:

- 200 gram bào ngư hộp hoặc bào ngư đông lạnh đã sơ chế, cắt lát mỏng và tẩm ướp.

- 2/3 chén hành tây chẻ mỏng, tách tép; 1 chén chua chín cắt miếng nhỏ; ½ chén ngò cọng hoặc cần tây.

- Làm nóng 2 muỗng súp dầu ăn với nửa muỗng súp tỏi băm, cho bào ngư vào đảo nhanh tay trong khoảng nửa phút rồi trút hành tây, cà chua vào, xào nhỏ lửa trong khoảng 3 - 4 phút, tùy thích nêm lại với chút xíu muối hay bột nêm với 2 hoặc 3 muỗng súp nước sôi cho món xào không quá khô.

Nếu dùng bào ngư tươi thì tùy thích để chín giòn hay chín mềm bằng cách xào lâu hay mau, riêng bào ngư hộp thì đã có độ mềm nhất định. Cho ngò hoặc cần vào đảo đều là tắt bếp.


5. Bồ câu hầm bào ngư:

- 1 con bồ câu đã làm sạch khoảng 250 - 300 gr. Tùy ý chặt dọc bồ câu làm hai hoặc làm bốn. Ướp với : ½ muỗng cà phê muối + ¼ muỗng cà phê tiêu + 1 muỗng cà phê hành tím băm + 1 muỗng cà phê dầu mè đen, chà sát gia vị trong ngoài, để qua 30 phút, chiên vàng đều.

- 200 gram bào ngư các loại đã sơ chế, cắt lát tùy ý và tẩm ướp. Lưu ý nếu dùng bào ngư hộp.

- 30 gram nấm hương (đông cô) ngâm nước cho nở mềm, cắt bỏ cuống rễ, tùy ý cắt miếng lớn nhỏ.

- Cho bồ câu vào một nồi vừa, châm nước xương heo hoặc chicken broth vào xâm xấp, nấu nhỏ lửa cho bồ câu vừa mềm mới cho bào ngư tươi hoặc khô đã chế biến và nấm vào nấu tiếp để nứơc còn khoảng 1/3 là vừa. Lưu ý nếu dùng bào ngư hộp thì chỉ cho vào khi thịt đã mềm hoàn toàn. Món ăn đạt yêu cầu là bào ngư thấm vị thịt bồ câu. Dọn kèm muối tiêu.

- Khi nấu chung bào ngư với các loại thực phẩm khác thì tùy việc sử dụng bào ngư hộp, tươi hoặc khô sẽ cho thành phẩm có hương vị khác nhau rất nhiều.

6. Bào ngư sốt dầu hào nguyên con


Nguyên liệu:

* Bào ngư 4 con
* gà mái 1 con
* thịt nạc 300g
* sò điệp khô 3 con
* Hành lá 1 tép
* Nước dùng gà
* jambon Kim Hoa 50g
* dầu hào
* dầu mè
* bột năng
* một miếng phên tre nếu không có thì dùng mấy chiếc xiên bằng tre

Cách làm:

Việc đầu tiên là nên rửa sạch bào ngư,nội tạng cắt bỏ,sau đó dùng bàn chải đánh răng chà cho sạch 2 bên mép bào ngư,sau đó cho muối vào xát cho sạch rửa lại.

Gà mái làm sạch chặt làm tư
Thịt nạc không cần cắt cứ để nguyên miếng to
Sò điệp ngâm nở
Hành cắt khúc
Jambon cắt lát

Dùng một cái thố đất bên dưới lót phên tre(dùng miếng tre này lót bên dưới để khi hầm thời gian dài,bào ngư không bị dính dưới đáy nồi hay bị khét,vì khi bị khét mùi vị bào ngư không còn được thơm nửa)sau khi lót miếng tre bên dưới đáy nồi,chúng ta đặt bào ngư bên dưới,rồi cho sò điệp,jambon,phía trên thì sắp từng miếng gà lên,cuối cùng thì sắp luôn miếng thịt nạc vào,rồi cho hành lá,tiếp theo cho nước dùng gà vào,đậy nấp bật lửa nấu sôi,sau khi sôi thì vặn lửa liu riu nấu chừng 2h,tắt lửa và nhớ đừng mở nấp,cứ để như vậy chừng 30 phút,thì bật lửa nấu lại khi sôi lại để lửa liu riu,nấu chừng 2h lại tắt lửa,và cứ như thế làm lại vài lần đến khi nào bào ngư mềm thì được,trong lúc nấu thỉnh thoảng nên xoay xoay miếng phên tre để kho bị cháy,và khi nấu nước cạn thì thêm nước dùng vào.

Sau khi hầm một thời gian dài bào ngư đã mềm,thì dùng vá múc tất cả những nguyên liệu phụ lên gồm gà,thịt heo và lấy miếng tre lên,sau đó nêm muối,dầu hào,tí đường đảo cho đều,cuối cùng dùng bột năng pha nước cho vào để tạo độ sánh cho nước sốt,khi ăn vớt bào ngư lên cắt lát hay cứ dọn lên mỗi người 1 con,rồi dùng dao nĩa tự cắt ăn.


Ghi chú:

1. nếu kiếm không có miếng phên đang bằng tre có thể thay bằng mấy chiếc que xiêng,bẻ đôi xếp bên dưới đáy nồi,nhưng cách này không được hoàn hảo như dùng miếng đan tre,nếu không dùng vật lót dưới đáy nồi,món ăn dể bị cháy và ảnh hưởng tới mùi vị của bào ngư,không ngon.

2.Jambon Kim Hoa là một loại đùi heo hong khô,khi chế biến món ăn này hầu hết nhà hàng Hoa nào cũng đều sử dụng,vì khi cho vào món bào ngư sốt dầu hào sẻ có mùi vị rất đặc trưng.

3.Nếu không ngại tốn thời gian,sau khi bào ngư mềm và vớt những nguyên liệu phụ ra riếng,mình dùng một chiếc ray lược tất cả nguyên liệu lên,nước dùng món ăn cho trở lại vào nồi cùng bào ngư,rồi mới thêm gia vị,như vậy món ăn trong đẹp hơn.



Tiêu chuẩn cảm giác ăn ngon khi thưởng thức bào ngư:

Khi thưởng thức bào ngư, trước hết là độ mềm thích ứng, nếu quá mềm thì như ăn đậu hủ, đồng thời không phát huy được mùi vị chính của bào ngư. Ngược lại nếu quá cứng thì như nhai cao su không thể thưởng thức được vị ngon của bào ngư, tốt nhất là không quá mềm hoặc cứng, khi nhai có độ dai và có mùi vị của bào ngư thơm ngon và dính răng.

(St)__________________
Ăn nhiều bào ngư có tốt không
hơn 1 tháng trước - Thích (16)
tÔI mua 5kg bào ngư khô ở Phú QUốc về ninh hầm nhiều tiếng xong thì thấy nó gây gây chẳng có vị ngọt gì chán quẳng hết vào sọt rác? tại sao vậy chắc bào ngư khô thì hết ngọt rồi. hay đấy là Ốc Bào ngư chứ ko phải bào ngư?
hơn 1 tháng trước - Thích (19)
Gửi hỏi đáp - bình luận