Chế độ ăn cho bà mẹ cho con bú cân bằng, lành mạnh

Nhiều người mẹ trẻ không biết việc cho con bú sẽ ảnh hưởng thế nào đến chế độ ăn của mình, và ngược lại. Thực ra, nhiều chuyên gia cho biết bạn có thể không cần phải thực hiện thay đổi gì lớn lao đối với chế độ ăn uống của mình trong giai đoạn này, tuy nhiên hãy lưu ý đến những điều dưới đây: 

1. Ăn uống cân bằng, lành mạnh vì cả mẹ và con 

Một trong những điểm thần kỳ của sữa mẹ đó là nó có thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của con bạn kể cả khi bạn ăn uống không hoàn hảo. Tuy nhiên, nếu chế độ ăn của bạn quá thiếu calories, hoặc phụ thuộc hẳn vào một nhóm thực phẩm nào đó và loại trừ các nhóm khác thì có thể ảnh hưởng đến lượng cũng như chất của sữa. Và chỉ bởi vì con sẽ không bị tác động quá nhiều từ chế độ ăn uống sai lầm của mẹ không có nghĩa là bạn có thể để tình hình như vậy. Khi bạn không nhận được đủ dinh dưỡng cần thiết từ thực phẩm, cơ thể bạn sẽ buộc phải rút những chất này ra từ nguồn dự trữ của chính mình, dẫn đến cạn kiệt sức lực, trong khi đây đang là giai đoạn bạn đang rất cần đến sức mạnh và khả năng chịu đựng để có thể chăm sóc cho đứa con mới chào đời. 
 


Hãy ăn uống đủ chất trong các bữa chính và bữa phụ để đảm bảo sức khỏe cho mình, có vậy bạn mới có thể nuôi con tốt. (Ảnh: GettyImages)


Nhiều bà mẹ cho con bú cảm thấy những cơn đói đặc biệt, điều này cũng hợp lý thôi: cơ thể bạn đang phải hoạt động suốt ngày đêm để tạo sữa cho con bú. Ăn nhiều bữa nhỏ, với những món ăn vặt lành mạnh vào giữa bữa – như cách bạn đã làm khi mang thai – là một cách tốt để dập tắt cơn đói và duy trì năng lượng ở mức cao. 

2. Đừng quá chú tâm tính calories 

Không có con số cụ thể nào để trả lời cho câu hỏi liệu mẹ cho con bú cần bao nhiêu calories mỗi ngày, nhưng nói chung, hầu hết phụ nữ đang cho con bú cần nhiều hơn so với những người mẹ khác khoảng 500 calories – tức tổng cộng khoảng 2000-2500 calories mỗi ngày. Tuy nhiên, thay vì ngồi tính toán chi li chi tiết lượng calores, bạn hãy để cơn đói của mình dẫn dắt việc nên ăn nhiều bao nhiêu. Con số chính xác sẽ có được dựa vào nhiều yếu tố khác nhau ở mỗi người, chẳng hạn như cân nặng, mức độ vận động, mức độ hoạt động trao đổi chất, và bạn cho con bú thường đến mức nào. 

Nếu bạn bận tâm về chuyện tăng cân, hãy trao đổi với bác sỹ về chỉ số khối cơ thể của mình, hỏi xem bạn có thể làm những gì để duy trì cân nặng khỏe mạnh. 

3. Giảm cân từ từ nhưng hiệu quả 

Một số bà mẹ có thể cứ tự nhiên mà giảm được cân nặng sau khi sinh, nhưng một số khác thì chẳng thấy suy suyển gì. Tất cả phụ thuộc vào cơ thể của bạn, sự lựa chọn thực phẩm của bạn, mức độ hoạt động của bạn, sự trao đổi chất của bạn. 
 


Và hãy cho mình thời gian để có thể trở lại cân nặng trước khi sinh một cách khỏe mạnh và không làm ảnh hưởng đến lượng sữa cho con. (Ảnh: GettyImages)


Tốt nhất hãy xác định mục tiêu là giảm cân dần dần, đặt chỉ tiêu là sau một năm sẽ quay lại với cân nặng trước khi sinh. Đừng cố thử giảm cân bằng cách ăn kiêng cho tới sớm nhất là trước khi con được hai tháng tuổi. Nếu bạn bị thừa cân hay béo phì, bạn có thể cần bắt đầu giảm cân từ sớm hơn, nhưng trước hết hãy hỏi xin lời khuyên của bác sỹ. Và hãy chắc là bạn luôn đảm bảo mình không bị mất nước – đôi khi những người ăn kiêng khi ăn ít đi thì cũng cắt giảm cả lượng nước tiếp nhận vào cơ thể. 

Hầu hết phụ nữ có thể an toàn giảm khoảng nửa ký mỗi tuần bằng cách kết hợp giữa chế độ ăn lành mạnh với vận động hợp lý. 

Giảm đột ngột một lượng lớn calories tiếp nhận vào cơ thể trong những tháng đầu sau sinh có thể làm cạn kiệt năng lượng và làm ảnh hưởng đến nguồn sữa của bạn, vậy nên đừng bao giờ áp dụng chế độ ăn kiêng ngặt nghèo để giảm cân nhanh. Nếu bạn đang giảm nhiều hơn nửa ký mỗi tuần sau sáu tuần đầu tiên sau sinh, đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần nạp thêm calories.