I. Đối tượng áp dụng chế độ thai sản:
Đối tượng áp dụng chế độ thai sản là người lao động quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH. cụ thể các điểm như sau:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;
b) Cán bộ, công chức, viên chức;
c) Công nhân quốc phòng, công nhân công an;
d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân.
II. Điều kiện hưởng chế độ thai sản:
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi;
d) Người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.
2. Người lao động quy định tại điểm b và điểm c ở trên phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
III. Thời gian hưởng chế độ khi khám thai:
Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai năm lần, mỗi lần một ngày; trường hợp ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ hai ngày cho mỗi lần khám thai.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
VI. Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu:
Khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản mười ngày nếu thai dưới một tháng; hai mươi ngày nếu thai từ một tháng đến dưới ba tháng; bốn mươi ngày nếu thai từ ba tháng đến dưới sáu tháng; năm mươi ngày nếu thai từ sáu tháng trở lên. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
V. Thời gian hưởng chế độ khi sinh con:
1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định sau đây:
a) Bốn tháng, nếu làm nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường;
b) Năm tháng, nếu làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành; làm việc theo chế độ ba ca; làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên hoặc là nữ quân nhân, nữ công an nhân dân;
c) Sáu tháng đối với lao động nữ là người tàn tật theo quy định của pháp luật về người tàn tật;
d) Trường hợp sinh đôi trở lên, ngoài thời gian nghỉ việc quy định tại các điểm a, b và c ở trên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con được nghỉ thêm ba mươi ngày.
2. Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới sáu mươi ngày tuổi bị chết BHXHthì mẹ được nghỉ việc chín mươi ngày tính từ ngày sinh con; nếu con từ sáu mươi ngày tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc ba mươi ngày tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều ; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
3. Trường hợp chỉ có cha hoặc mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ bốn tháng tuổi.
4. Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các điểm 1, 2 và 3 ở trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
VI. Thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi:
Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ bốn tháng tuổi.
VII. Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai:
1. Khi đặt vòng tránh thai người lao động được nghỉ việc bảy ngày.
2. Khi thực hiện biện pháp triệt sản người lao động được nghỉ việc mười lăm ngày.
3. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại điểm 1 và2 ở trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
VIII. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi:
Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi thì được trợ cấp một lần bằng hai tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.
Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết khi sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng hai tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.
IX. Mức hưởng chế độ thai sản:
1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định, mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
X. Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con:
1. Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật BHXH khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Sau khi sinh con từ đủ sáu mươi ngày trở lên;
b) Có xác nhận của cơ sở y tế về việc đi làm sớm không có hại cho sức khoẻ của người lao động;
c) Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.
2. Ngoài tiền lương, tiền công của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật .BHXH
XI. Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản:
1. Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 30, khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật BHXHmà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ năm ngày đến mười ngày trong một năm.
2. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.
B. Chính sách nâng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng
Mới đây Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi, trong đó có chính sách nâng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng, thay vì 4 tháng như hiện nay. Theo lộ trình, dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm. Nếu nhận được sự ủng hộ thì tại kỳ họp đầu năm 2012, dự luật sẽ được thông qua.
Ông Nguyễn Trọng An, Cục phó Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho biết, dự thảo được xây dựng nhằm đảm bảo quyền được bú sữa mẹ của trẻ em theo công ước quốc tế mà Chính phủ đã cam kết. Bên cạnh đó là những lo ngại về vấn đề sức khỏe của em bé sẽ bị ảnh hưởng và nguy cơ mắc bệnh cao nếu trẻ không được bú mẹ.
Ông An cho biết, từ trước năm 1983, bà mẹ chỉ được nghỉ đẻ 2 tháng, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng rất cao, trên 50%. Tỷ lệ trẻ chết dưới 1 tuổi cũng rất cao, trên 81 phần nghìn. Giáo sư Từ Giấy, Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia thời đó đã đưa ra các bằng chứng khoa học thuyết phục về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ và đệ trình Chính phủ tăng thời gian nghỉ sau sinh lên 6 tháng.
Phó thủ tướng Tố Hữu khi đó đã ký ban hành quyết định vào năm 1985. Nhưng vì sức ép lao động, tiền lương và nhiều lý do khác nên đến đầu những năm 90 Chính phủ lại giảm thời gian nghỉ đẻ xuống còn 4 tháng.
"Hiện đời sống đại bộ phận nhân dân đã được cải thiện. Sức ép lao động, tiền lương cũng không căng thẳng như trước. Vì thế chúng tôi cố gắng đề nghị để chị em được nghỉ 6 tháng vì đây là thời gian tối thiểu để trẻ được hưởng nguồn sữa mẹ theo khuyến cáo của WHO, đồng thời, chị em cũng có đủ thời gian hồi phục sau đẻ, đảm bảo bình đẳng giới... ", ông An nói.
Khi vấn đề này được đặt lên bàn hội nghị tại TP HCM (15/9) và Hà Nội (19/9) vừa qua, có 99% đại biểu ủng hộ đề xuất tăng thời gian nghỉ sinh. Tuy nhiên còn một số ý kiến lo ngại về các vấn đề như: quỹ bảo hiểm xã hội không đủ khả năng chi trả khi thời gian nghỉ đẻ tăng, ảnh hưởng tới tình hình sản xuất của doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng tới chính quyền lợi của lao động nữ vì nếu họ nghỉ lâu nhà quản lý sẽ không chấp nhận và có thể thay người...
Bình luận về vấn đề này, một đại diện của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, nếu giữ nguyên mức hưởng các chế độ theo quy định hiện hành (chế độ ốm đau, thai sản khi khám thai, nạo/hút thai...) thì dù có tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng, số tiền chi trả trợ cấp cũng chỉ ở mức hơn 85% của nguồn thu. Dự kiến đến năm 2030, số chi bằng 92% số thu và quỹ vẫn còn dự phòng tới 8%, nên bảo hiểm vẫn đảm bảo chi trả mà không lo vỡ quỹ.
Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động, hiện ở Việt Nam có 70% lao động nữ tại các khu công nghiệp. Đa phần các chị em sau khi sinh con gặp rất nhiều khó khăn khi nhờ người chăm con. Chỉ có 5,7% số doanh nghiệp có dịch vụ trông trẻ, nhưng hơn 97% trong số đó lại không nhận trẻ dưới 4 tháng tuổi... Điều này khiến không ít lao động nữ ở nhiều khu công nghiệp bỏ việc sau thời gian nghỉ sinh.
Đại diện Cục chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em cho biết thêm, nếu được thông qua, chính sách nghỉ thai sản 6 tháng chỉ áp dụng cho chị em tại hưởng lương ở các cơ quan, doanh nghiệp, trong khi còn có rất nhiều phụ nữ lao động tự do, hoàn cảnh khó khăn, người làm nông nghiệp. Vì thế, Cục sẽ kiến nghị hỗ trợ cho các bà mẹ này bằng nhiều hình thức khác nhau.
Quan tâm đến vấn đề này, bác sĩ Trần Ngọc Hải, chuyên khoa 2, bệnh viện Từ Dũ TP HCM cho rằng, về cơ bản, thời gian nghỉ hộ sản càng nhiều càng tốt cho sức khỏe của bà mẹ và sự phát triển của thai nhi. Cá biệt ở một số nước phát triển, thời gian nghỉ sản có thể lên đến 1 hoặc 2 năm và áp dụng cho cả mẹ và cha, đồng thời hưởng nguyên lương.
Bởi theo ông, trong giai đoạn đầu đời, cơ thể trẻ còn non nớt, nhất là hệ thống miễn dịch, hấp thụ dinh dưỡng còn yếu nên rất cần sự chăm sóc của người mẹ. "Nhất là ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ phụ nữ cho con bú sữa mẹ rất thấp và ngày càng giảm đi thì việc tăng thời gian nghỉ sản sẽ tạo điều kiện khuyến khích chị em cho con bú, vừa giúp trẻ khỏe mạnh, giảm bệnh tật và vừa làm gắn bó mẹ con".
Cũng theo bác sĩ Hải, việc quy định thời gian nghỉ sản không đồng nhất giữa các nước trên thế giới và không hề có "chuẩn mực lý tưởng" nào. Trên thực tế, khoảng thời gian này là ngắn hay dài còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, phong tục và chính sách kinh tế - xã hội của từng quốc gia. Với tình hình Việt Nam hiện nay, nếu thời gian này tăng lên 6 tháng thay vì 4 tháng như luật lao động hiện hành, ông Hải cho rằng đây là một dấu hiệu đáng mừng vì sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe cộng đồng, nâng cao thể trạng cũng như chất lượng nguồn lực con người.
Vợ sinh, chồng sẽ được nghỉ chăm sóc?
Dự kiến của Chính phủ nâng thời gian nghỉ thai sản lên 5 hoặc 6 tháng được hầu hết thành viên UBTVQH tán thành. Có cả đề xuất chế độ nghỉ vài tuần cho các ông chồng.
Dự kiến của Chính phủ nâng thời gian nghỉ thai sản hiện nay lên thêm từ 1 đến 2 tháng đã nhận được sự tán thành của hầu hết thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Có cả đề xuất chế độ nghỉ vài tuần cho các ông chồng.
Bàn chuyện sửa Bộ luật lao động sáng nay (5/10), rất nhiều ủy viên UBTVQH nhắc lại chuyện luật từng cho phép phụ nữ được nghỉ thai sản 6 tháng để đảm bảo trẻ được nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Không có lý do gì để chủ trương mang tính nhân đạo này không được áp dụng trở lại, thậm chí nhiều người còn đề xuất chế độ nghỉ (đảm bảo lương 100%) một vài tuần cho các ông chồng.
Nghỉ thai sản linh hoạt 4 hoặc 6 tháng
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho hay, dự thảo luật lần này sửa quy định cũ theo hướng tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 5 tháng với người làm việc trong điều kiện bình thường. Riêng lao động khuyết tật và lao động nữ làm các công việc nặng nhọc, độc hại (có trong danh mục) sẽ được nghỉ 6 tháng.
Mạng xã hội dành cho phụ nữ của công ty cổ phần PhunuNet/VOG (Vietnam Online Group). Công ty cổ phần Vietnam Online Group: Địa chỉ: Tầng 7 - 32 phố Huế - Hà Nội - Email liên hệ: contact@phununet.com VP PhunuNet: Phòng 201, Tầng 2, Số 2, Ngõ 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội - Điện thoại: (+84-4) 3 224 7544 Mã số doanh nghiệp: 0101791319 Giấy phép số 2558/GP-TTĐT do Sở TT-TT HN cấp. Giấy phép MXH số: 240/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 12/6/2015.