Hoa
mắt, choáng váng là hiện tượng mà hầu như chị em nào cũng từng gặp khi
mang thai. Tại sao lại bị như thế, làm thế nào để khắc phục? Liệu đây có
thể là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe nghiêm trọng nào không?
Hoa mắt, chóng mặt khi mang thai - lúc nào
nên đi khám?
Cảm thấy hoa mắt, chóng mặt trong khi mang thai có phải là bất thường?
Không có gì lạ nếu thỉnh thoảng bạn cảm thấy váng đầu hoặc chóng mặt trong khi mang thai. Thời kỳ này, hệ thống tim mạch của bạn trải qua những thay đổi lớn: nhịp tim của tăng lên, tốc độ bơm máu của tim nhanh hơn, và lượng máu trong cơ thể tăng 40-45%.
Trong thai kỳ bình thường, huyết áp của bạn giảm
dần trong thời gian đầu, đạt mức thấp nhất ở khoảng giữa thai kỳ. Sau đó
bắt đầu tăng và trở về bình thường vào cuối thai kỳ.
Hầu như, hệ thống tim mạch và thần kinh của
bạn có thể điều chỉnh để phù hợp với tất cả những thay đổi này vào mọi
thời điểm. Tuy nhiên, đôi khi sự điều chỉnh là không kịp thời và làm cho
bạn có cảm giác choáng váng hay hơi chóng mặt. Nếu bạn thực sự ngất
đi, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nào đó nghiêm trọng
hơn và bạn nên đi khám bác sĩ.
Nguyên nhân gây choáng váng, làm thế nào để khắc phục?
Cho dù bất kỳ nguyên nhân nào, hãy nằm xuống ngay khi cảm
thấy choáng váng hay chóng mặt, để bạn không ngã và bị đau. Nếu không
thể nằm xuống lúc đó, hãy ngồi xuống và cố gắng đặt đầu giữa hai đầu
gối của bạn. Và đương nhiên, nếu đang làm bất cứ điều gì có thể khiến
bạn hoặc người khác có nguy cơ bị chấn thương, chẳng hạn như lái xe, bạn
cần dừng lại ngay lập tức.
Nằm nghiêng về phía bên trái sẽ tối đa hóa lưu
lượng máu tới tim - và do đó đến não của bạn. Điều này giúp bạn khỏi bị
ngất thực sự đồng thời làm giảm cảm giác hoa mắt.
Dưới đây là một vài nguyên nhân gây chóng mặt hay gặp nhất trong khi mang thai và một số lời khuyên để tránh chúng:
- Đứng lên quá nhanh: Khi bạn ngồi, máu dồn lại ở phần dưới cơ thể. Nếu cơ thể không kịp điều chỉnh khi bạn đứng lên, lượng máu trở về tim sẽ không đủ và kết quả là, huyết áp của bạn giảm xuống nhanh chóng gây ra choáng hoặc hoa mắt. Điều này cũng có thể xảy ra ở những người không mang thai.
Để tránh bị hoa mắt trong trường hợp này, không đứng bật
dậy từ ghế hoặc giường ngủ. Nếu đang nằm, bạn hãy ngồi dậy từ từ và giữ
trạng thái ngồi trong vài phút, để thả hai chân ở thành giường hay đi
văng, sau đó từ từ đứng dậy. Khi cần đứng ở một vị trí trong thời
gian dài, thỉnh thoảng di chuyển chân để thúc đẩy sự lưu thông của máu.
- Nằm ngửa: Trong giai đoạn thai kỳ thứ hai và ba, tử cung đang lớn dần của bạn có thể làm chậm sự lưu thông máu ở chân do chèn lên các tĩnh mạch chủ dưới (tĩnh mạch lớn đưa máu từ phần dưới cơ thể về tim) và các tĩnh mạch khung
chậu. Nằm ngửa khiến cho vấn đề này trở nên trầm trọng hơn. Trên thực
tế, khoảng 8% phụ nữ mang thai ở giai đoạn hai và ba mắc phải một tình
trạng gọi là hội chứng hạ huyết áp khi nằm ngửa: Khi nằm ngửa, nhịp tim
tăng, huyết áp giảm, và cảm thấy bồn chồn, hoa mắt, buồn nôn cho đến
khi họ thay đổi vị trí.
Để tránh vấn đề này, bạn hãy nằm nghiêng thay vì nằm
ngửa. Nằm nghiêng sang bên nào cũng tốt hơn nằm ngửa, mặc dù nghiêng
sang bên trái là tốt nhất. Đặt một chiếc gối phía sau hoặc dưới hông có
thể giúp bạn giữ được tư thế nằm nghiêng thoải mái, hoặc ít nhất cũng
đủ nghiêng để giữ cho tử cung không chèn vào tĩnh mạch chủ.
- Không ăn uống đủ chất:nếu bạn ăn uống không đủ chất, lượng đường trong máu có thể bị hạ thấp (hạ đường huyết), khiến bạn cảm thấy hoa mắt, chóng mặt hoặc ngất xỉu. Trong thời gian mang thai, điều này lại càng dễ xảy ra hơn.
Thiếu nước cũng có thể gây ảnh hưởng tương tự. Vì thế hãy
đảm bảo cho cơ thể đủ nước bằng việc uống 8-10 ly nước mỗi ngày – uống
nhiều hơn nếu bạn tập thể dục hoặc thời tiết nóng.
Cố gắng giữ đường huyết của bạn không quá thấp bằng cách
ăn thành các bữa nhỏ và thường xuyên trong ngày thay vì ba bữa
chính. Nếu ra ngoài, bạn nên mang theo mình một số thực phẩm ăn nhẹ lành
mạnh để ăn khi bị đói.
- Thiếu máu: Nếu bị thiếu máu, lượng oxy tới não và các cơ quan khác giảm, có thể làm cho bạn có cảm giác hoa mắt, choáng váng. Thiếu sắt là nguyên nhân thường gặp nhất khi thiếu máu, vì vậy bạn nhớ đảm bảo một chế độ ăn uống giàu chất sắt và sử dụng một loại vitamin dành cho phụ nữ mang thai có chứa sắt, đặc biệt là trong giai đoạn thai kỳ thứ hai và thứ ba. Nếu đã bị thiếu máu, bác sĩ sẽ kê thêm cho bạn một thuốc bổ sung sắt riêng.
- Nóng quá:ở trong một căn phòng quá nóng hoặc tắm nóng lâu có thể làm cho các mạch máu của bạn giãn ra, gây hạ huyết áp và khiến bạn chóng mặt.
Nếu cảm thấy chóng mặt khi bị nóng, bạn nên tránh những
nơi đông đúc ngột ngạt và mặc nhiều lớp áo để có thể dễ dàng bỏ bớt
chúng ra khi cần thiết. Tắm nước ấm thay vì nước nóng quá.
- Thở quá nhanh: Tập luyện hoặc lo lắng quá mức
đôi khi có thể làm bạn thở nhanh và hoa mắt. Mặc dù tập luyện tốt cho sự
lưu thông trong cơ thể bạn, tuy nhiên cẩn thận để không quá mức nhất là
khi bạn cảm thấy mệt hoặc không khỏe. Hãy bắt đầu một cách từ từ, nếu
bắt đầu cảm thấy hoa mắt hay chóng mặt khi đang luyện tập, bạn hãy ngừng
lại và nằm xuống.
- Ngất do cường phế vị: Một số người bị chóng mặt khi cố sức ho, hoặc đi vệ sinh. Những hoạt động này có thể kích thích đáp ứng của dây thần kinh phế vị (tức là một phản ứng trên hệ thống tuần hoàn qua dây thần kinh phế vị) – gây giảm huyết áp và nhịp tim, dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu.
Thiếu nước, lo lắng, và đau đớn cũng có thể gây ra phản
ứng loại này, những điều mà phụ nữ mang thai rất dễ gặp phải. Hoa
mắt và một vài dấu hiệu cảnh báo như: cảm giác nóng, xanh xao, vã mồ
hôi, buồn nôn, ngáp và thở nhanh thường xảy ra trước khi ngất. Chú ý đến các dấu hiệu này và nằm xuống ngay để không bị ngất đi.
Khi nào nêngọi chobác sĩ?
Cảm thấy choáng váng khi bị nóng, đói, hoặc đứng
dậy quá nhanh có thể chỉ là hiện tượng bình thường trong thời gian mang
thai. Tuy nhiên, nếu các biện pháp đơn giản đã đưa ra ở trên không hiệu
quả hoặc nếu bạn vẫn cảm thấy băn khoăn, hãy trao đổi với bác sĩ khám
thai cho bạn.
Hãy đi khám nếu bạn có những cơn hoa mắt kéo
dài hoặc chóng mặt thường xuyên, hoặc bạn nghi ngờ rằng chóng mặt
do một chấn thương đầu gần đây.
Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn bị chóng mặt kèm
theo nhức đầu nặng, mắt mờ, líu lưỡi, đánh trống ngực, tê liệt, ngứa
ran, chảy máu, hoặc bị ngất lịm. Những triệu chứng này có thể là dấu
hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn với bạn hoặc em bé.
Thời gian đầu trong thai kỳ, đau bụng kèm theo chóng mặt có thể là biểu hiện của mang thai ngoài tử cung, cần phải chú ý ngay lập tức.
(ST)