Chữa bệnh nhiễm khuẩn đường ruột nhanh chóng. Mùa hè được cảnh báo là mùa của bệnh đường ruột, nhất là ở những nước thuộc vùng nhiệt đới như nước ta hiện nay. Các tổ chức Y tế cảnh báo người dân cần chủ động trong việc phòng các bệnh mùa hè, đặc biệt là bệnh đường ruột.
CHỮA BỆNH NHIỄM KHUẨN ĐƯỜNG RUỘT HIỆU QUẢ
Phương pháp mới điều trị nhiễm trùng đường ruột
Nhóm nghiên cứu người Hà Lan vừa cho biết việc cấy phân từ người khỏe mạnh sang người bệnh có thể chữa trị được những căn bệnh nhiễm trùng đường ruột không kiểm soát được bằng kháng sinh.
Đường ruột của con người chứa hàng tỷ vi trùng có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên, hệ vi khuẩn này sẽ bị tiêu diệt khi chúng ta sử dụng kháng sinh lâu dài. Hậu quả có thể làm cho tình trạng nhiễm trùng của người bệnh nặng hơn. Một trong những vi khuẩn nguy hiểm có thể gây bội nhiễm khi hệ vi khuẩn bảo vệ đường ruột bị suy yếu là Clostridium difficile. Triệu chứng của nhiễm trùng đường ruột do C. difficile bao gồm: tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, và nôn.
Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa Josbert Keller ở The Hague đã dùng phân của người khỏe mạnh pha loãng với nước muối sinh lý, rồi đưa vào đường ruột người bệnh bằng phương pháp nội soi hay thụt tháo để cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Kết quả, với kỹ thuật này, tác giả có thể điều trị thành công 13/16 người tình nguyện bị nhiễm trùng do tác nhân C.difficile. Trong khi nếu chỉ dùng kháng sinh đơn độc, chỉ có 7/26 người bị nhiễm được điều trị thành công.
Liệu pháp dùng phân để điều trị bệnh đã từng được ứng dụng trong ở gia cầm & cũng có nhiều tài liệu y học ở Trung Quốc đề cập đến vấn đề này. Bác sĩ Keller cho rằng phân chứa nguồn probiotic dồi dào mà chúng ta có thể hình dung.
Rau xanh – tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn
Theo tổ chức Y tế thế giới thì Cyclospora, Cyptosporidium, Giardia là những đơn bào thuộc họ ký sinh trùng gây bệnh đường ruột được tìm thấy khá phổ biến trong một số loại rau, đặc biệt là rau có thể ăn sống.
Hiện nay, nước thải và phân tươi trong thành phố vẫn được các hộ sản xuất nội ngoại thành Hà Nội tận dụng để trồng rau, nuôi cá. Việc lạm dụng nguồn nước thải này đã dẫn đến hậu quả là hầu hết các loại rau tiêu thụ trong thành phố bị nhiễm khuẩn nặng nề.
Mới đây, nhóm nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu tại nhiều địa phương trồng rau ở Hà Nội. Kết quả đã tìm thấy số lượng lớn vi khuẩn phân và 3 loại trứng giun là giun đũa, giun móc, giun tóc có trong nước. Điều đáng lo ngại là những loại đơn bào tìm thấy trong số các vi khuẩn này có thể chui qua da người để xâm nhập vào cơ thể. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng những người nông dân bị nhiễm khuẩn khi tiếp xúc với nguồn nước trong quá trình nuôi trồng là rất cao.
Không chỉ vậy, trong số 96 mẫu rau được lấy tại Hoàng Liệt, 118 mẫu rau được lấy từ Long Biên và nhiều mẫu rau thu thập tại các chợ cho thấy hầu hết các loại rau này đều ẩn chứa rất nhiều vi khuẩn colifom và các vi khuẩn gây ra bệnh đường ruột. Đặc biệt, những vi khuẩn này có nhiều nhất trong các loại rau như rau muống, rau ngổ, kinh giới, tía tô…
Theo ghi nhận, khi hái và bó rau tại ruộng, người dân thường mang về nhà ủ qua đêm rồi hôm sau mới mang ra chợ bán. Để đảm bảo cho rau được tươi, người dân phải phun nước lên rau hoặc dùng bao tải ẩm phủ lên rau. Tuy nhiên, nước để phun rau hầu hết là nước được lấy từ ruộng.
Nhóm nghiên cứu cho rằng chính thói quen vẩy nước để bảo quản làm tươi rau đã tăng thêm nguy cơ nhiễm vi sinh vật cho rau trong quá trình bảo quản và vận chuyển.
Chủ động phòng bệnh nhiễm khuẩn đường ruột
Mùa hè, trong thực đơn của nhiều gia đình thường có rất nhiềm món rau, đặc biệt là rau sống. Tuy nhiên, thói quen này khiến người dân rất dễ bị nhiễm các đơn bào kể trên do ăn phải rau sống được tưới bằng nước bị nhiễm phân hoặc tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm như tay bẩn.
Bệnh nhiễm khuẩn đường ruột phổ biến ở người già và trẻ nhỏ. Vi khuẩn đường ruột thường xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua con đường ăn uống, làm việc tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm hoặc các loại gia súc, gia cầm.
Bệnh đường ruột rất nguy hiểm. Dấu hiệu đầu tiên của bệnh là những cơn đau bụng bất ngờ, sau đó là tiêu chảy, đi ngoài khiến cơ thể bị mất nước và điện giải khiến người bệnh cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Ở một số người bệnh nặng khi tiêu chảy còn bị ra máu. Tình trạng này kéo dài từ 2 – 5 ngày, người bệnh bị sốt nhẹ, buồn nôn.
Những người tiêu chảy ra máu thường là bị thiếu máu u rê khiến suy giảm chức năng thận. Điều này khiến bệnh nhân mất sức nhanh chóng, rất khó để lấy lại sức khỏe sau một thời gian ngắn.
Các bác sĩ khuyến cáo, tốt nhất là người dân nên chủ động phòng bệnh là chính. Chị em nội trợ cần thận trọng trong việc chế biến các loại rau để tránh việc cả gia đình bị nhiễm khuẩn đường ruột. Tốt nhất là ăn chín uống sôi. Có như vậy các loại vi khuẩn sẽ không có cơ hội để “thâm nhập” vào dạ dày và đường ruột.
Nghiên cứu cho thấy, vi khuẩn E. coli cũng rất dễ lây truyền nếu người bệnh không rửa tay thật sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh mà lại chạm tay vào thức ăn. Do vậy, mỗi gia đình cũng cần dạy cho con trẻ tạo thói quen vệ sinh sạch sẽ, rửa tay sạch sau mỗi lần đi vệ sinh.
TS Phùng Khắc Cam, trưởng nhóm thuộc phòng nghiên cứu các nhiễm khuẩn đường ruột, khoa Vi sinh – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh: “Đơn bào đường ruột Cyptosporidium có khả năng lây từ người sang người, còn Giardia có thể lây chuyền từ động vật sang người. Nếu quá trình sử dụng nước thải và phân tươi trong nuôi trồng không được cải thiện; thói quen ăn rau sống và ít rửa tay vẫn tồn tại thì việc lây nhiễm trong cộng đồng bệnh đường ruột và các loại bệnh nguy hiểm khác là rất lớn”.
THAM KHẢO THÊM
Nói đến đường ruột là nói đến ruột non và ruột già, tiểu tràng và đại tràng. Tiểu tràng liên quan đến tâm (tâm tiểu tràng tương quan biểu lý). Đại tràng liên quan đến phế (phế đại tràng tương quan biểu lý).Về mặt triệu chứng, bệnh đường ruột thường gặp là đầy bụng, đau bụng, táo bón hay tiêu chảy.
Nói đến quan hệ biểu lý là nói mối quan hệ giữa một tạng và một phủ, quan hệ giữa âm và dương. Muốn phòng hay chữa bệnh cho tiểu tràng có hiệu quả cần tìm hiểu nguyên nhân gây nên bệnh tại đó.
Về mặt triệu chứng, bệnh thường gặp là đầy bụng, đau bụng, táo bón hay tiêu chảy. Nếu táo kéo dài, phân có thể có máu, mũi. Như vậy triệu chứng lại là bệnh ở tỳ vị. Nói đến tùy vị là nói chức năng tiêu hóa, nghĩa là có tiêu và có hóa. Tiêu là nói vai trò nhào trộn (ruột co bóp) đều liên tục từ trên xuống dưới theo quy luật, co, giãn.
Co, giãn để chuyển hóa thức ăn hay bã từ trên xuống và cuối cùnglà đẩy bã ra ngoài hậu môn. Hóa là nói vai trò của các men, biến từ thức ăn vào cơ thể. Như thịt, cá thành các axit amin, mỡ thành lipid, bột thành đường. Các chất khoáng và vitamin được hấp thu qua màng ruột vào máu còn chất bã tống ra ngoài.
Vậy nói đến đường ruột là nói hai khả năng rối loạn về co bóp làm ruột co nhanh quá hay chậm quá, hoặc yếu quá hoặc do không đủ men, nên thức ăn không tiêu hết thành dở dang. Kết quả tống ra ngoài không chỉ là bã mà là phân sống (trong phân có cả rau, thịt, cá...). Trong phạm vi bài này xin giới hạn nói về bệnh đại tràng.
Nguyên nhân mắc bệnh đại tràng có 3 khả năng như sau:
Một là bố hay mẹ yếu, sinh con yếu. Con yếu là nói các tạng phủ đều yếu, gây ăn kém, ăn chậm, dễ đầy chướng khó tiêu, là bệnh tại tỳ vị.
Hai là do có bệnh đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm phế quản. Các sản phẩm tiết ra không sạch được nuốt vào sẽ gây bệnh trong đường ruột.
Thứ ba là đại tràng bị nhiễm nấm (candidase), nhiễm trùng do ăn phải thực phẩm không sạch hoặc do ăn quá thừa kéo dài, quá thiếu kéo dài.
Bệnh có thể phân thành 2 loại tùy triệu chứng: Bệnh thuộc hàn là bệnh nhân hay đầy bụng, sôi bụng, lạnh chân, lạnh tay, ăn lạnh, chất tanh lạnh dễ bị bệnh, phân nát hay toàn nước. Đại tiện nhiều lần trong ngày, mệt, miệng khô khát.
Nếu ăn sau, uống thức gì đó nửa giờ hay 1 giờ mà sôi bụng, buồn nôn, nôn thức ăn kèm đau bụng tiêu chảy đó là ngộ độc thức ăn, cần để tống ra hết. Không dùng nôn hay cầm tiêu chảy. Sau đó, nếu thiếu nước sẽ bù nước và muối sau.
Bệnh thuộc nhiệt, người bệnh có triệu chứng đau quặn, mót rặn, phân thường táo khó đi. Đôi khi rặn nhiều phân có thể có máu, da tay chân ấm. Nếu kèm ho, khạc đờm vàng, đợt cấp có thể sốt hoặc sốt không thành cơn, sốt nóng hoặc rét, mệt mỏi chán ăn, chữa lâu khỏi.
Kinh nghiệm dân gian chữa bệnh đại tràng:
Nếu tiêu chảy
- Dùng búp chè tươi đun uống.
- Dùng gừng nướng cháy vỏ, cạo bỏ chỗ cháy rồi đun uống.
- Dùng vỏ quả măng cụt đun uống.
Tùy địa phương còn rất nhiều loại thuốc khác nữa.
Nếu táo bón
- Hàng ngày ăn lá diếp cá (ngư tinh thảo).
- Lá hoàn ngoạc (tu lình, con khỉ).
- Lá lược vàng...
Bài thuốc chữa bệnh đại tràng thể hàn: Bạch truật 20g, nhục đậu 10g, cam thảo 6g, bạch linh 12g, thương truật10g, can khương 10g, thần khúc 12g, hậu phác 12g, sắc uống ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa bệnh đại tràng thể nhiệt: Hoàng liên 12g, tô mộc 20g, cát căn 20g, hoàng bá 12g, cát cánh 10g, hoàng cầm 12g, cam thảo 6g, sắc uống ngày 1 thang.
Phòng bệnh đường ruột nói chung và bệnh đại tràng nói riêng xin lưu ý:
- Vệ sinh an toàn thực phẩm. Không dùng thực phẩm ôi thiu, rau úa giập nát hay quá già.
- Phối hợp trong chế biến thực phẩm cần đúng cách (chẳng hạn như rán trứng phi hành mỡ, không dùng tỏi, ăn cua, ốc cần có tía tô; không hòa bột sắn dây với mật ong...).
- Bữa ăn cần có chất xơ để giúp đại tràng co bóp tốt. Chất xơ (cellulose) có trong ngô, khoai, sắn, các loại rau xanh.
- Luôn giữ ấm vùng bụng và thắt lưng.
- Khi bị bệnh đường hô hấp cần chữa sớm, chữa dứt điểm. Tránh bụi và mùi khét, không khí lạnh.
- Súc miệng nước ấm sau khi ăn, uống nước ngọt.
(ST)