Chữa rôm sảy bằng mướp đắng: tất cả những điều mẹ cần biết

Những ngày thời tiết nóng bức, mồ hôi trẻ tiết ra nhiều, không thoát hết sẽ ứ đọng trong các ống bài tiết trên da, khi bị bụi bịt kín, làm da nổi các nốt viêm. Rôm sảy ở trẻ sơ sinh thường nổi tập trung ở những vùng da có nhiều mồ hôi như lưng, ngực, trán, cổ. Sau đây mời các bạn tham khảo hướng dẫn của bác sĩ và các mẹ có kinh nghiệm điều trị rôm sảy cho bé.

Yếu tố thuận lợi làm phát sinh rôm sảy ở trẻ

– Thời tiết nóng, độ ẩm cao khiến tuyến mồ hôi làm việc quá sức.

– Trẻ đùa giỡn tăng tiết mồ hôi trong những ngày hè nóng bức.

– Trẻ bệnh phải nằm lồng ấp, hay quấn mặc áo quần chật kín.

– Thoa kem, pomade nhiều có thể làm bít tắc tuyến mồ hôi.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị rôm sảy tại nhà

Vệ sinh – tắm rửa:

Tắm nước mát (không dùng nước ấm hay nóng). Nếu bị rôm sảy, tại vùng da khu trú có thể đắp khăn ướt cho da được “mát”

Dùng sữa tắm dịu-nhẹ có độ pH trung tính hay acid nhẹ (pH= 4,5-6,5) hay nước sạch.

Sau khi tắm, lau khô trẻ bằng khăn tắm mềm, mịn, chất liệu cotton thấm hút tốt và không chà mạnh lên da bé.

Áo quần:

Mặc quần áo bằng chất liệu 100% cotton để thấm tốt mồ hôi và cho da bé thông thoáng, “dễ thở”.

Không dùng vải len, sợi tổng hợp vì không thấm tốt mồ hôi và dễ gây kích ứng da.

Quần áo nên chọn màu sáng, vải mỏng, rộng rãi không bó sát người.

Sinh hoạt:

Hạn chế chơi đùa ngoài nắng, nhất là từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều.

Ra nắng nên dùng nón rộng vành.

Không gian sinh hoạt:

Phòng ở phải thông thoáng, có thể dùng quạt nhẹ cho bé. Nếu có điều kiện cho bé nằm máy điều hòa nhiệt độ ở 27- 28 độ C cho da được “mát”, không nên để nhiệt độ lạnh hơn vì có thể gây viêm đường hô hấp của bé.

Ăn uống

Uống nhiều nước chín.

Trẻ lớn hơn không nên uống nước chứa nhiều đường, cà phê, cồn như rượu bia vì có thể làm tình trạng rôm sảy nặng hơn.

Tránh cào, gãi

Cắt ngắn móng tay, móng chân cho trẻ để tránh khi bị ngứa trẻ gãi làm nhiễm trùng da.

Nếu trẻ cào, gãi nhiều, nên mang vớ chân, găng tay cho trẻ để ngăn ngừa da bị trầy, nhiễm trùng.

Khi nào cần đến khám bác sỹ?

Chăm sóc tốt tại nhà thì rôm sảy thường tự hết trong 7-10 ngày.

Nên đi khám bác sỹ nếu rôm sảy có một trong các yếu tố sau:

1. Kéo dài trên 7- 10 ngày hay lan rộng nhiều.

2. Tái đi tái lại nhiều lần.

3. Bé khó chịu như ngứa, bứt rứt, quấy hay có biến chứng nhiễm trùng da, sốt.

Trẻ bị rôm sảy phải chăm sóc như thế nào?

Hỏi

Gần đây thời tiết nóng nực, cháu nhà tôi bị mọc rất nhiều rôm ở trán, cổ và khắp người. Cháu khó chịu nên thường xuyên dùng tay gãi. Xin hỏi, trẻ bị rôm sảy nên chăm sóc như thế nào?

Bác sỹ trả lời:

Vào mùa hè, để thích ứng với khí hậu nóng nực, tuyến mồ hôi da sẽ tiết ra rất nhiều mồ hôi để tản nhiệt. Nếu mồ hôi không kịp bài tiết ra ngoài hoặc đã bài tiết ra ngoài nhưng không kịp bốc hơi sẽ làm tắc lỗ tuyến mồ hôi.

Ngoài ra, có thể do da không sạch sẽ khiến lỗ tuyến mồ hôi hoặc ống tuyến mồ hôi bị viêm, cản trở sự bài tiết và bốc hơi của mồ hôi. Lúc này trên da sẽ xuất hiện những nốt quầng đỏ, rất ngứa, được gọi là rôm.

Trẻ bị rôm trước tiên phải tìm ra nguyên nhân để điều trị. Nếu bị rôm ở phần đầu thì nên cắt ngắn hoặc thay đổi kiểu tóc cho trẻ, chải tóc về phía sau, không nên để tóc mái. Nếu là trẻ nhỏ thì nên cắt trọc tóc.

Nếu rôm mọc trên người thì nên thường xuyên tắm rửa, thay quần áo cho trẻ, giữ cho da trẻ luôn sạch sẽ khô ráo. Khi tắm tốt nhất dùng nước ấm, và dùng loại sữa tắm chuyên dùng cho trẻ.

Ngoài ra, có thể dùng một số bài thuốc dân gian như: mướp đắng, lá dâu tằm,… để tắm hoặc xát lên các vết rôm cho trẻ. Trong quá trình tắm cho trẻ, tránh gãi mạnh vào những vùng bị rôm, dễ gây trầy xước dẫn đến nhiễm trùng da. Sau khi tắm xong, dùng khăn bông nhẹ nhàng lau khô người, sau đó bôi cho trẻ loại kem có thành phần hydrocortisone hoặc acid salicylic có tác dụng làm khô bề mặt da, se lỗ chân lông, trị rôm sảy.

Nên cho trẻ mặc những quần áo mỏng, mềm rộng rãi để tránh cọ xát lên da. Không được để trẻ chơi dưới ánh nắng gắt, thường xuyên lau mồ hôi cho trẻ. Đối với trẻ trong khoảng một tuổi, bố mẹ không nên ôm bé cả ngày, có thể trải một tấm chiếu ở những nơi thoáng mát để trẻ tự do chơi đùa.

Nên để trẻ uống nhiều nước mát như canh đậu xanh, bổ sung vitamin có trong rau xanh và trái cây vừa có thể giải nhiệt và tăng cảm giác sảng khoái để giảm nhẹ kích thích ngứa.

Chỉ cần chăm sóc trẻ tốt, chứng rôm sảy ở trẻ sẽ rất nhanh khỏi.

Khi bé bị rôm, mẹ nên và không nên làm gì?

Trong dân gian có nhiều loại thuốc hay để điều trị rôm sẩy ở trẻ, tuy nhiên, nếu không áp dụng đúng phương pháp, các mẹ có thể làm cho tình hình rôm sẩy của bé nặng hơn, có khi dẫn đến viêm nhiễm da, nhiễm trùng máu v.v… Sau đây là một số kinh nghiệm trong việc nên và không nên điều trị rôm sẩy rất hữu ích mà các mẹ có thể tham khảo để bảo vệ làn da mỏng manh cho bé yêu khi mùa hè đang đến.

Trị rôm sẩy – Những điều mẹ nên làm

Đảm bảo vệ sinh khi tắm nước lá cho bé. Kinh nghiệm dân gian đã cho ra đời nhiều bài thuốc từ thiên nhiên điều trị rôm sảy rất hữu hiệu cho bé. Các mẹ có thể dùng các loại cây, quả có tính mát như mướp đắng, kinh giới, sài đất, chanh, lá tía tô v.v… để tắm cho bé. Tuy nhiên, cần lưu ý khi sử dụng các loại lá này phải rửa sạch, kỹ, ngâm qua nước muối hoặc thuốc tím trước khi nghiền, lọc hay đun nước tắm vì các loại lá này có thể chứa nhiều vi khuẩn gây hại, thậm chí không chết sau khi đun nấu. Chưa kể các loại lông tơ trên lá cũng dễ gây kích ứng da trẻ.

Đồng thời, tuy các loại lá này có thể làm mát hoặc cung cấp kháng sinh tự nhiên nhưng lại không hòa tan được chất nhờn trên da, vì vậy bé cần phải được tắm sạch bằng sữa tắm trước khi tráng nước lá. Sau khi tắm xong với nước lá, các mẹ cũng cần tắm sơ qua cho bé bằng nước ấm để rửa trôi lượng bột của lá có thể đọng trên da, gây nhiễm khuẩn.

Chọn phấn rôm đảm bảo chất lượng. Việc bôi, chấm phấn rôm lên vùng da bị rôm sẩy sau khi tắm sẽ làm dịu cơn ngứa của bé, góp phần điều trị hiệu quả tình trạng rôm sẩy. Tuy nhiên, do trên thị trường có rất nhiều loại phấn rôm với thành phần, liều lượng, nhãn mác khác nhau, nên các mẹ cần cân nhắc chọn những sản phẩm tốt, có thương hiệu và uy tín rõ ràng để tránh gây “tác dụng ngược” cho bé như làm bé bị dị ứng, bị viêm da,v.v…

Thoáng mát là rất quan trọng với bé. Khi cùng bé phòng chống tình trạng rôm sẩy, các mẹ nên cố gắng tạo môi trường thông thoáng, mát mẻ cho bé. Ngoài việc chọn quần áo bằng chất liệu cotton thấm hút mồ hôi tốt; thường xuyên tắm cho bé; chườm lạnh hoặc dùng khăn lạnh lau người bé khoảng 4 – 5 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 5 – 10 phút; tạo môi trường thoáng mát cho bé như sử dụng quạt, máy điều hòa với nhiệt độ thích hợp v.v…, các mẹ nên chú trọng đến việc chống nắng cho bé khi đi ra ngoài bằng mũ, nón rộng vành vì ánh nắng sẽ tạo điều kiện cho rôm sẩy phát triển hơn; cho bé uống nước đều đặn và dùng các loại nước mát khác như nước bột sắn dây, nước cam, chanh, rau má v.v….

Những việc mẹ không nên làm khi bé bị rôm sẩy

Massage rất tốt cho bé, tuy nhiên các mẹ nên tránh massage cho bé trong mùa hè nóng bức với các loại dầu oliu, dầu dừa … vì sẽ làm tăng tình trạng rôm sẩy.

Không vắt nhiều chanh hay đun nước lá quá đặc. Việc vắt nhiều chanh vào nước tắm hay trực tiếp xát chanh lên da dễ khiến da bé bị kích ứng, tổn thương do hàm lượng axit quá cao. Nếu hòa chanh, muối vào nước tắm, không nên dùng quá nhiều mà cần phải để ý tỷ lệ hợp lý, vì nếu không sẽ gây xót và dễ làm kích ứng làn da non nớt của bé. Với việc nấu nước lá, các mẹ cũng không nên nấu quá đặc, vì lượng tinh bột của lá có thể đọng nhiều trên da, gây nhiễm khuẩn, viêm da, dị ứng cho bé.

Không tắm nước lá khi da bé bị trầy xước, mưng mủ. Khi da đã trong tình trạng sưng đỏ, viêm da quá nặng do bé ngứa, gãi gây trầy xước, mất lớp màng bảo vệ, việc tắm nước lá dù đã qua đun nấu cũng có thể tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập, làm tình trạng nhiễm trùng tăng lên, đôi khi gây những biến chứng không ngờ. Có những trẻ bị viêm nhiễm ở vùng gần hệ thần kinh, mạch máu như mặt, cổ, đầu, nếu mẹ vẫn cho tắm nước lá mà không được điều trị kịp thời có thể gây viêm tắc tĩnh mạch não và để lại di chứng suốt đời.

Không tắm sữa tắm người lớn hay massage cho bé. Sữa tắm người lớn vốn chứa độ kiềm cao dễ làm cho da bé bị khô, vì vậy càng làm tăng tình trạng nhiễm trùng, rôm sẩy trên da của bé. Trong khi đó, không ít mẹ lại có thói quen massage cho bé bằng tinh dầu dừa, tinh dầu oliu. Tuy nhiên, trong những ngày hè nóng nực, dùng các loại tinh dầu này chỉ làm tăng thêm tình trạng khó chịu, gây chàm hay mọc rôm sẩy ở bé.

Không tự ý bôi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng bé bị mẩn ngứa nhiều, có các mụn đầu trắng trên da, rôm sẩy dày đặc, đỏ, kéo dài …, các mẹ nên đưa bé đến các chuyên khoa da liễu để khám và điều trị. Tuyệt đối không tự mua thuốc bôi hoặc giữ con lại ở nhà tự chữa, vì có thể làm bệnh nặng thêm, chưa kể các biến chứng có thể gây ra cho bé.

Các mẹ chia sẻ kinh nghiệm điều trị rôm sảy cho trẻ sơ sinh

Mẹ bé Bắp Cải

Con em được 2 tháng tuổi, bé ăn sữa ngoài là chính vì em không có sữa mấy, 1 ngày bé đi ngoài chỉ 1 đến 2 lần, mấy hôm nay bé bị mọc nhiều rôm khắp đầu và cổ lại sinh ra cáu gắt, ít ngủ. Bé tắm hàng ngày với chanh và Lactacyd từ lúc sinh. Mẹ nào có kinh nghiệm trị rôm sảy tư vấn cho em chứ nhìn con bị nổi nhiều rôm, khó chịu thương lắm ạ.

Mẹ bé Kem

Bạn có thể mua lá chè xanh về nấu để tắm cho bé. Rất hiệu quả đấy. Bé nhà mình toàn tắm bằng chè xanh tươi nên chẳng bao giờ bị rôm sảy cả, da lại mịn nữa chứ. Chúc bé nhà bạn mau hết rôm sẩy nhé.

Mẹ Mai Anh chia sẻ bí quyết phòng và trị rôm sảy

Bé nhà mình cũng bị rôm sảy nhiều như thế từ lúc 4 tháng tuổi, các loại nước lá như mướp đắng, chanh, trà xanh, kinh giới… mình cho tắm đủ cả mà vẫn không hết.

Không hẳn các ‘bài thuốc’ đều có thể áp dụng với các bé bị rôm sảy. Từng có những trường hợp tắm lá mà trẻ không đỡ, thậm chí da mẩn đỏ và nhiễm trùng phải đưa vào viện điều trị đó. Vì vậy, mình đã cho bé đi khám da liễu và được bác sĩ tư vấn rằng, nếu chỉ tắm bằng các loại lá sẽ không làm sạch được da trẻ vì có các chất tan trong mỡ… do vậy, phải dùng dầu tắm ‘chuyên dụng’ mới giúp da bé sạch, mát và không gây tổn thương da cho bé. Còn tắm bằng nước lá như: chanh có axit dễ gây tổn thương, thậm chí khiến làn da bé bỏng rát. Còn, lá kinh giới có lông, rửa không kỹ thì đây sẽ là nguồn đưa vi khuẩn vào cơ thể bé, khiến da bé bị nhiễm trùng, trà xanh và mướp đắng là loại sữa tắm thiên nhiên tốt cho làn da bé. Tuy nhiên, lá trà xanh chứa tanin có tác dụng làm săn da nhưng không làm sạch được da bé, tắm bằng mướp đắng cũng vậy.

Tốt nhất, để đảm bảo, mẹ vẫn dùng sữa tắm (loại dành cho bé bị rôm sảy) bình thường, tráng lại bằng nước đun các lá (riêng mướp đắng chỉ cần rửa sạch, giã nát) và không tráng lại bằng nước ấm. Như vậy, trên mặt da bé có lớp kháng sinh thực vật mỏng, có tác dụng tốt.

Vẫn có câu ‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’, vì vậy, để bé giảm thiểu bị rôm sảy mùa nắng nóng, các mẹ cần cho bé uống đủ nước, ăn nhiều trái cây, rau xanh, nấu cháo hay cho bé ăn canh thì phải có dầu ăn, vì trong dầu ăn có nhiều vitamin E làm làn da bé mịn và đẹp… hoặc nước uống có tác dụng giải nhiệt tốt như: bột sắn dây, cam, chanh…

Bé dưới 1 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh cao. Vì vậy, mẹ chú ý liên tục lau mồ hôi cho con, không để mồ hôi tích tụ lại, quần áo nên chọn vải lanh mặc thấm mồ hôi lắm đó. Sau đó, mẹ có thể dùng khăn xô, nhúng nước ấm, lau qua người con hoặc lau đầu cho con nhiều lần trong ngày để hết mồ hôi. Không nên thấy con nhiều rôm sảy mà “lôi” con tắm 3 – 4 lượt trong ngày, con lại dễ bị nhiễm lạnh, dẫn tới sụt sịt, sổ mũi, thậm chí là viêm phổi. Chúc mẹ và bé khỏe!

Mẹ Bé Quân tư vấn:

Đây là tình trạng mà hầu như gia đình nào có con nhỏ cũng bị mẹ nó ạ. Mẹ nó yên tâm chứng rôm sảy này trị rất đơn giản, bé nhà tớ hay bị nên tớ thường lấy lá chè xanh rửa sạch, bóp nát, nấu với nước, dùng tắm cho bé có tác dụng kháng khuẩn và làm mát da.

Mẹ nó nên nhớ là không nên ủ bé quá kỹ hay mặc quá nhiều quần áo cho bé, mẹ nó cũng cần hạn chế để trẻ đi ra nắng, tắm nước mát, uống đủ nước, tránh làm trầy xước các vết rôm sảy, bởi lẽ khi bị trầy xước da, dễ dẫn đến nhiễm trùng da. Ngoài ra mẹ nó lên thực đơn ăn uống hàng ngày ưu tiên cho những thực phẩm có tính mát như nước cam, nước chanh, các loại rau xanh .v.v là mẹ nó có thể yên tâm là chỉ vài ngày là rôm sảy sẽ biến mất ngay. Chúc hai mẹ con sớm trị được chứng rôm sảy này

Kinh nghiệm của mẹ bé Chuột:

Con mình bị rôm sẩy nhiều vô cùng, khổ lắm. Mình chữa đủ kiểu không khỏi hôm về nhà ngoại ở quê, mẹ mình say kinh giới, đun cho đặc rùi xoa cho bé. Cứ 30 phút mẹ mình lại xoa, xoa liên tục như vậy từ 1 hôm tới hôm sau mẹ mình vẫn lấy cái nước hôm trước nấu xoa. mình cũng hơi sợ vì nó có mùi chua nhưng mẹ bảo là không sao. híc, tới chiều của ngày thứ 2 thì con mình không còn rôm nữa và không còn ngứa. sang ngày thứ 3 thì hết veo. Từ đó không thấy mọc. Năm nay đầu mùa con lại bị mình lại làm theo kiểu đó, ngày hôm sau bạn í đã hết rôm luôn, híc thế đấy các mẹ cứ thử xem chứ bạn nhà mình thì khổ vô cùng khi còn nhỏ nên các mẹo mình hơi bị thuộc luôn.

Mẹ bé Xuân Mai chỉ cách trị rôm sảy:

Trị rôm sảy thì có nhiều cách lắm các mẹ ạ!

+ Vắt khoảng ½ trái chanh vào nước ấm và tắm cho bé (không dùng cho bé bị trầy xước da vì sẽ rất xót). + Dùng một nắm rau sam tươi giã nát, vắt lấy nước, pha nước tắm cho bé.

+ Lấy lá tía tô rửa sạch, cho vào cối giã nát lấy nước cốt chấm lên vùng da bị rôm sảy của bé, hoặc có thể nghiền nhuyễn cho vào túi vải và xoa cho bé. Với các bé lớn hơn mẹ có thể dùng lá tía tô xoa trực tiếp lên da.

Vấn đề ở chỗ, bé bị rôm sảy chủ yếu do cơ thể nóng trong, vì thế bên cạnh việc tắm hoặc chữa trị cho bé bằng các loại lá, mẹ cũng cần cho bé uống đủ nước và bổ sung các loại hoa quả có nhiều vitamin C như cam, chanh… Có thể uống các loại nước thanh nhiệt như: rau má, nước chanh, nước chanh muối, atiso… quần áo mặc cần chọn loại vải mềm, thoáng, thấm hút mồ hôi tốt, không quấn hay ủ bé nhiều, không cho bé ra nắng nhiều nữa.