Chữa viêm mũi dị ứng hiệu quả, nhanh khỏi

Chữa viêm mũi dị ứng hiệu quả, nhanh khỏi. Viêm mũi dị ứng bản chất là sự phản ứng miễn dịch của mũi xoang trước các tác nhân kích thích từ môi trường như: thời tiết, bụi bẩn, phấn hoa, nấm mốc, mùi lạ… Các tác nhân kích thích gây dị ứng có thể xâm nhập qua hít thở, ăn uống, hoặc tiếp xúc trực tiếp.






CHỮA VIÊM MŨI DỊ ỨNG HIÊU QUẢ


Viêm mũi dị ứng là gì?

Viêm mũi dị ứng là hiện tượng mũi bị viêm, sưng tấy do dị ứng với các tác nhân trong và ngoài cơ thể như khói bụi, phấn hoa, lông động vật, thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm... Tuy không đe doạ tính mạng, nhưng viêm mũi dị ứng lại gây những khó chịu đáng kể cho người bệnh trong thời gian kéo dài. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến các bệnh khác như viêm tai giữa, viêm mũi xoang, suyễn...


Viêm mũi dị ứng phát sinh không phải do vi khuẩn, viêm nhiễm, tổn thương như viêm xoang mãn tính mà hoàn toàn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người, cùng một tác nhân kích thích nhưng có người bị viêm mũi dị ứng có người hoàn toàn không việc gì.

Khoảng 20% dân số trên thế giới đang chịu ảnh hưởng của căn bệnh viêm mũi dị ứng.

Ảnh hưởng phiền toái đến cuộc sống

Viêm mũi dị ứng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tai mũi họng, bệnh gây ra rất nhiều phiền toái, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ, giấc ngủ, giảm chất lượng học tập, năng suất làm việc của người bệnh. Nghiêm trọng hơn, viêm mũi dị ứng là một trong số các nguyên nhân chính dẫn đến viêm xoang mãn tính.

Phát biểu tại “Hội thảo thách thức trong điều trị bệnh viêm mũi dị ứng” được tổ chức mới đây tại TPHCM, GS. Glenis Kathleen Scadding - Bệnh viện Tai Mũi Họng Hoàng gia Anh cho biết: Các triệu chứng viêm mũi dị ứng gây phiền toái cho 93% bệnh nhân vào ban ngày và 47% bệnh nhân vào ban đêm”.

Một số bệnh nhân than phiền: "Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi làm việc hàng ngày trong văn phòng máy lạnh, tôi gần như không thể tập trung vào công việc vì cứ vài chục giây thì phải hắt hơi một lần. Những tháng gần đây, sau mỗi cơn hắt hơi tôi còn bị khò khè khó thở”.

Theo một số nghiên cứu, 30% người viêm mũi dị ứng sẽ bị hen suyễn và 80% người bị hen suyễn bị viêm mũi dị ứng cùng lúc. Điều này cho thấy cả hai căn bệnh cần phải được điều trị song song. Nhiều người chỉ điều trị một bệnh và khi hết viêm mũi thì lại bị hen suyễn. Cứ thế công tác chữa trị trở nên khó khăn và kéo dài.

Một số cách đơn giản để phòng tránh viêm mũi dị ứng

Đối với những trường hợp có cơ địa dễ bị dị ứng cần hết sức đề phòng bệnh viêm mũi dị ứng. Để phòng tránh cần hạn chế tối đa việc nuôi chó, mèo trong nhà hoặc cho chúng ngủ trên giường của bạn. Cần giặt giũ định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm, màn cửa. Môi trường sống, học tập, làm việc cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển.

Vệ sinh răng miệng hàng ngày, đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Hạn chế tối đaviệc hút thuốc lá. Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với bụi. Cần đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và khi ra đường. Đồng thời giữ ấm cơ thể khi nhiệt độ cơ thể thay đổi hoặc khi chuyển mùa.

Chữa viêm mũi dị ứng hiệu quả theo Đông y

Tùy theo từng thể bệnh mà có phương cách điều trị thích hợp. Với các trường hợp nhẹ có thể dùng nước mật gừng, bột ké đầu ngựa, không nên ăn các loại quả mọng nước như lê, cà chua, nho, mận, táo …

Dị ứng là tình trạng của cơ thể phản ứng lại với một chất lạ nào đó từ bên ngoài xâm nhập vào. Chất lạ đó được gọi là tác nhân dị ứng hay dị ứng nguyên. Có rất nhiều dị ứng nguyên trong môi trường sống của chúng ta như: phấn hoa, bụi (nhất là bụi nhà có chứa lông thú, lông chim, các mảnh vụn li ti từ chiếu, gối, mền, thảm, nệm, hoặc cái loại côn trùng rất nhỏ), các chất hoá học có mặt trong không khí (khói xăng dầu, khói nhà máy, khói bình xịt…).


Ké đầu ngựa trị viêm mũi dị ứng hiệu quả. Ảnh: hongngoc

Các chất này không gây ra những triệu chứng rõ rệt nhất thời đối với người bình thường. Nhưng với những người mẫn cảm dị ứng, thì chúng tạo ra nhiều triệu chứng như chảy nước mũi trong, hắt hơi, tắc mũi, mũi đau rát, ngứa,  nổi mề đay… Nếu tái đi tái lại nhiều lần sẽ tạo điều kiện cho một số bệnh nhiễm khuẩn phát sinh. Viêm mũi dị ứng chính là một phản ứng của cơ thể với dị ứng nguyên nói trên.

Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh thường có liên quan đến các yếu tố sau :

- Yếu tố di truyền : Thường do cả cha lẫn mẹ, nhưng người ta cho rằng người mẹ dễ truyền lại bệnh cho con nhiếu hơn.

- Yếu tố thực phẩm : Một số thực phẩm như sữa, trứng, tôm, cua, cá, thịt bò thịt gà, đậu phụng…cũng có thể gây dị ứng.

- Yếu tố thời tiết : Thời tiết thay đổi, nóng lạnh thất thường, ẩm thấp, cũng có thể gây bệnh.

- Một số thay đổi về nội tiết, chuyển hóa, cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Người ta dễ nhầm lẫn viêm mũi dị ứng với cảm lạnh, cúm hay các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.

Bệnh cảm, cúm có thể hết trong một tuần, trong khi viêm mũi dị ứng lại kéo dài nhiều tuần, có khi hàng tháng, nếu người bệnh cứ tiếp tục tiếp xúc với các dị ứng nguyên. Việc chẩn đoán, điều trị và và phòng ngừa viêm mũi dị ứng là điều gây ra nhiều khó khăn cho các thầy thuốc, cả hiện đại lẫn cổ truyền.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu về dị ứng đã khuyến cáo rằng nếu các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp trên thường xảy ra lặp đi lặp lại (như cảm lạnh, đau họng, nhiễm trùng tai giữa, viêm xoang mũi v.v…) có thể là một dấu hiệu của bệnh dị ứng mà chưa được phát hiện. Và nếu trẻ nhỏ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên hơn 6 lần mỗi năm, hoặc là trẻ em tuổi đi học và người lớn bị hơn 3 - 4 lần mỗi năm, cần được lượng giá về dị ứng. Điều quan trọng nhất là tìm cho được dị ứng nguyên. Nhiều người đã hết bệnh sau khi thay đổi môi trường sống.

Y học cổ truyền quan niệm rằng mũi là cửa ngõ của phổi, nếu chức năng của mũi bình thường, thì con người phân biệt được các mùi, thở hít được thông suốt. Khi phế khí hoặc nguyên khí của cơ thể bị suy yếu, hay khi phế bị các loại phong tà độc bên ngoài xâm phạm vào, thường phát sinh bệnh mũi.

Mũi là khiếu của phế, nên khi có các triệu chứng ở mũi tức là phế có bệnh, và có liên quan đến hai tạng tỳ và thận. Bởi phế khí đầy đủ là nhờ có tỳ khí phân bố, và thận lại là gốc của khí; cho nên khi tỳ khí và thận khí bị suy hư thì tân dịch cũng ngưng trệ khiến nước mũi chảy ra nhiều. Như vậy, khí của tạng phế, tỳ, thận bị suy hư, cũng là nguyên nhân gây ra viêm mũi dị ứng. 

Do đó, cách xử trí trong chữa trị viêm mũi dị ứng là vừa tăng cường chức năng hoạt động của các tạng tỳ, phế, thận (bổ tỳ, bổ phế, bổ thận, tập luyện khí công, dưỡng sinh, điều tiết việc ăn uống…), vừa tránh tiếp xúc với các loại phong tà độc. Hoặc dùng các loại thuốc có tác dụng bổ tỳ, phế, thận kết hợp tác dụng khu phong, tán hàn, giải độc. Tốt hơn hết là nên thường xuyên rèn luyện thể chất, nâng cao sức đề kháng để thích nghi được với các yếu tố gây bệnh.

Đông y còn phân biệt chứng hư hay chứng thực để điều trị. Chứng thực thường có hai thể phong hàn và phong nhiệt. Chứng hư thường do phế khí hư, tỳ khí hư hoặc thận dương hư.

Tùy theo từng thể bệnh mà có phương cách điều trị thích hợp

1. Thể phong hàn phạm phế 

- Triệu chứng: Mũi ngứa, hắt hơi từng đợt, nước mũi chảy nhiều, trong, tăng lên khi bị cảm gió lạnh, nghẹt mũi, người ớn lạnh, sợ lạnh.

- Phép trị : Sơ phong, tán hàn, thông khiếu (bằng những loại thuốc có vị cay, tính ấm, nóng).

- Bài thuốc : Thương nhĩ tử (ké đầu ngựa ) 12g, quế chi 4-6g, bạch chỉ 8-10g, kinh giới 8-10g, bèo cái 10-12g (chỉ lấy lá, bỏ rễ), thông bạch (hành trắng ) 6-8g, gừng tươi 4-6g, mã đề 8-10g, đại táo 3 quả. Nấu với 600 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống ấm trước bữa ăn .

2. Thể phong nhiệt phạm phế 

- Triệu chứng: Mũi ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi vàng nhẹ, nghẹt mũi, khứu giác bị giảm, gặp trời nóng thì chảy mũi liên tục kèm phát sốt, nhức đầu, ra mồ hôi.

- Phép trị : Tán phong thanh nhiệt, thông khiếu (bằng thuốc có vị cay, tính mát ).

- Bài thuốc : Kim ngân hoa 12-16g, ké đầu ngựa 12g, bồ công anh (hoặc sài đất) 12g, lá dâu tằm 8-10g, rau diếp cá 10-12g, cúc tần 8-10g, mã đề 8-10g, cam thảo nam 8-10g, bạc hà 6-8g, kinh giới 8-10g. Nấu với 750 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Uống thuốc nguội.

3. Thể phế, tỳ khí hư

- Triệu chứng : Mũi ngứa, nhức, hắt hơi nhiều, nước mũi trong, chảy nhiều, khi gặp lạnh hoặc khi gặp dị ứng nguyên thì bệnh phát, tái phát liên tục kèm theo tình trạng thở ngắn hơi, khó thở, người mệt mỏi, không có sức.

- Phép trị : Ích phế cố biểu, bổ khí thông khiếu.

- Bài thuốc : Đẳng sâm 12g, rễ đinh lăng 12g, kinh giới 10-12g, bạch chỉ 8-10g, bạc hà 8-10g, mã đề 8-10g, ý dĩ (sao) 12g, đậu ván (sao) 12g, ké đầu ngựa 12g, ngũ vị tử 6g. Nấu với 750 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

Hoặc dùng bài thuốc sau : Đậu ván 12g, đinh lăng 12g, vỏ trái sầu riêng 10g, ké đầu ngựa 12g, kinh giới 8g, bèo cái 12g, kim ngân hoa 8g, lá lốt 8g, cam thảo nam 8g. Nấu với 750ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

Trường hợp cơ thể có tình trạng  thận dương hư, thì có thể gia thêm một số vị thuốc có tác dụng bổ thận như: ba kích, quế chi, cốt toái bổ, thố ty tử (hạt tơ hồng ), trinh nữ tử (hạt mắc cở ), câu kỷ tử, …mỗi thứ 10-12g.

Một số vị thuốc Nam thường được dùng chữa viêm mũi dị ứng là bèo cái, còn gọi là bèo ván, bèo tai tượng, ké đầu ngựa, còn gọi là thương nhĩ tử, kim ngân hoa, kinh giới, lá lốt...

Khi bị viêm mũi dị ứng, nếu cơ thể còn có sức, không có tình trạng cơ thể suy yếu thì có thể dùng một trong các bài thuốc đơn giản:

- Bột ké đầu ngựa :  Lấy quả ké đầu ngựa 500g, thu hái khi già nhưng chưa ngả màu vàng, phơi hoặc sấy thật khô, sao vàng cho xém các gai nhỏ rồi tán thành bộ mịn. Ngày uống 6 – 12g, chia làm 2 lần trước bữa ăn, uống với nước ấm (theo các tài liệu cổ thì uống ké đầu ngựa phải kiêng ăn thịt heo).

- Sirô bèo cái : Lấy khoảng 250g bèo cái tươi (thu hái tốt nhất vào mùa hạ), rửa thật sạch, bỏ rễ và lá vàng úa, giã nát vắt lấy nước, lọc qua gạc. Nước bèo cái pha với sirô để uống trong ngày.

Theo một công trình nghiên cứu về khả năng chống dị ứng của bèo cái của Trường Đại học Dược Hà Nội (Kỷ yếu công trình dược. NXB Y học 1978), dùng bèo cái tươi với liều 200g/ ngày trong 1 – 2 tháng không thấy có tác dụng phụ nào xảy ra. Cần phân biệt bèo cái với bèo tây (lục bình, bèo Nhật Bản).

- Nước mật gừng : Gừng tươi 30g, bèo cái tươi 100 – 120g, hai thứ rửa sạch, giã nát, hoà với nước lọc lấy 150 – 200ml nước cốt. Trộn đều với mật ong 20g, đun sôi. Chia làm 3 lần uống lúc đói, uống với nước ấm.

- Thực trị : Nên ăn yaourt, hành tây, các loại rau thơm gia vị (kinh giới, tía tô, bạc hà, húng quế, ngò gai, lá đinh lăng…), ngũ cốc còn lứt (chưa xát, chứa nhiều selenium) sẽ giúp ngăn ngừa dị ứng. Không nên ăn các loại quả mọng nước như lê, dưa leo, cà chua, nho, mận, táo … Không uống nước đá lạnh hoặc các thức uống ướp quá lạnh…

Kinh nghiệm chữa viêm mũi dị ứng đơn giản




Chúng tôi xin đưa ra 1 số kinh nghiệm nhỏ giúp chị em có thể chữa viêm mũi dị ứng.

Trong y học cổ truyền, viêm mũi dị ứng thuộc phạm vi các chứng “tỵ cừu”, “tỵ trất”... Thông thường, người ta căn cứ vào các triệu chứng cụ thể mà phân thành nhiều thể bệnh khác nhau và tiến hành trị liệu theo nguyên tắc “biện chứng luận trị” của y học cổ truyền.
 
Về mặt kinh nghiệm dân gian, cũng có khá nhiều bài thuốc và phương pháp trị liệu viêm mũi dị ứng, có thể dẫn ra một số ví dụ điển hình như sau.
 
Phương pháp dùng thuốc

Bài 1: Hoa ngũ sắc (cứt lợn tím) tươi 1 cái, lá khế tươi 2 cái, lá bạc hà tươi 2 cái. Ba thứ rửa thật sạch, nghiền nát, gói vào gạc rồi nút vào lỗ mũi từng bên, mỗi bên 15 phút.

Bài 2: Hoa cứt lợn tím tươi 10 cái rửa thật sạch, nghiền nát ngâm với 10ml cồn 70o rồi lọc qua gạc sạch để được một dung dịch màu xanh. Mỗi ngày dùng bông gòn tẩm ướt cồn thuốc rồi đặt vào lỗ mũi từng bên, mỗi bên 10 phút.

Bài 3: Lá cóc mẳn (nga bất thực thảo) lượng vừa đủ, rửa thật sạch, giã nát rồi nút vào lỗ mũi từng bên, mỗi bên 10 phút.

Bài 4: Lá cóc mẳn 65g, tân di 15g, sắc lấy nước, lọc qua gạc sạch rồi nhỏ vào lỗ mũi, mỗi ngày ba lần.

Bài 5: Kim ngân hoa 20g, ké đầu ngựa 10g, bèo cái tía 30g, sắc với 300 ml nước lấy 50 ml chia 2 lần uống trong ngày.


Hoa ngũ sắc trị viêm xoang, viêm mũi rất hiệu quả

Bài 6: Tân di 60g, ké đầu ngựa 12g, bạch chỉ 6g, hành 90g. Tất cả rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, tán bột rồi trộn thêm với một chút bột thạch cao, bột băng phiến và bột lô cam thạch. Mỗi ngày, buổi trưa và tối trước khi đi ngủ, rửa sạch khoang mũi bằng nước muối sinh lý rồi dùng bông y tế chấm bột thuốc vào trong lỗ mũi.

Bài 7: Dịch ép tỏi 1 phần, mật ong 2 phần, hai thứ hoà đều, nhỏ mũi 3 lần mỗi ngày.

Bài 8: Tổ ong 1 miếng, nhai nát nuốt nước bỏ bã, mỗi ngày 2 - 3 lần.

Bài 9: Dây mướp (ty qua đằng), lấy đoạn gần gốc khoảng 1 cm, thịt lợn nạc 60g. Tất cả rửa sạch, thái nhỏ, nấu chín dùng làm canh ăn hàng ngày, 5 ngày là một liệu trình, dùng liên tục ba liệu trình.

Bài 10: Tân di 15g, trứng gà 2 quả. Cho tân di vào nấu với 2 bát nước lấy 1 bát, trắng gà luộc chín bỏ vỏ, chích 10 lỗ xung quanh rồi cho vào đun với nước sắc tân di, uống nước ăn cái.

Bài 11: Óc lợn 1 đôi, trứng gà 2 quả, hai thứ đánh đều, gia thêm một chút đường phèn và rượu lâu năm rồi hấp ăn.

Phương pháp không dùng thuốc

Cách 1: Dùng 2 ngón tay trỏ hướng vào hai bên lỗ mũi ấn đẩy lên xuống hai huyệt nghinh hương (sát cạnh cánh mũi) làm cho hai lỗ mũi lúc thu hẹp lại, lúc phồng ra đồng thời hít vào mạnh, tắc bên nào hít mạnh bên đó, thở ra đường miệng. Nếu hai lỗ mũi vẫn tắc dùng ngón trỏ và ngón tay cái cùng bên cầm đầu chót mũi lắc qua lắc lại, vừa lắc vừa hít mạnh cho đến khi thật thông thì thôi. Cuối cùng, dùng ngón tay cái để vào đầu mũi phía sát đường nhân trung môi trên bật ngược mũi lên 5 - 7 lần. Mỗi ngày làm 3 - 7 lần.


Vị trí huyệt dũng tuyền

Cách 2: Dùng 1 tép tỏi giã nát đắp vào huyệt dũng tuyền, mỗi tối 1 lần. Cách xác định huyệt dũng tuyền : lấy ở điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn nối giữa đầu ngón chân thứ 2 (kể từ ngón cái) và điểm giữa bờ sau gót chân, trong chỗ lõm ở gan bàn chân.

Để nâng cao hiệu quả trị liệu, có thể dùng kết hợp các bài thuốc và các phương pháp với nhau. Thông thường, người ta hay dùng kết hợp một bài thuốc uống, một bài thuốc nhỏ mũi với một phương pháp không dùng thuốc.





Chữa sổ mũi bằng thảo dược hiệu quả nhanh
Chữa sổ mũi không dùng thuốc cách chữa an toàn
Cách chữa cảm cúm hiệu quả
Thuốc chữa ho và sổ mũi cho trẻ rất hiệu nghiệm
Mẹo hay chữa ngạt mũi đơn giản mà hiệu quả
Trẻ bị chảy nước mũi -
Bệnh xoang mũi và cách chữa trị -
Các bài thuốc dân gian chữa ho cực kỳ hiệu quả




(ST)