Có nên ở riêng sau khi kết hôn?


Hầu hết các đôi vợ chồng trẻ đều muốn ở riêng để có không gian riêng tư và tận hưởng cuộc sống thoải mái bên nhau. Ra ở riêng là mong muốn của nhiều cặp vợ chồng chung sống cùng bố mẹ. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng là biện pháp tuyệt vời nhất.




ĐAU ĐẦU CHUYỆN Ở CHUNG, Ở RIÊNG



Ra ở riêng là mong muốn của nhiều cặp vợ chồng chung sống cùng bố mẹ, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng là biện pháp tuyệt vời nhất.


Nhiều cặp vợ chồng muốn ở riêng nhưng lại phải lo lắng về chi phí thuê
nhà và thời gian quán xuyến gia đình. Ảnh: Visualphoto.

Trước khi kết hôn, nhiều đôi uyên ương không khỏi lo lắng về vấn đề nhà cửa sau khi dọn về sống chung. Đối với các cặp vợ chồng đang sinh sống, làm việc tại thành phố lớn nhưng chưa có nhà riêng thì việc thuê nhà sẽ là một khó khăn lớn. Muốn có một căn nhà tươm tất để hai vợ chồng có thể ở, các cặp gia đình trẻ phải tốn ít nhất từ 2 triệu trở lên mỗi tháng, chưa kể tới các chi phí phát sinh trong nhà.

Giải pháp để có được một căn nhà tốt là trước khi tổ chức lễ cưới khoảng 2 tháng, bạn nên bắt đầu đi tìm nhà. Bạn không nên chọn những khu vực ngay gần các trường Đại học, các nhà máy hoặc khu công nghiệp vì tại đây thường tập trung sinh viên, người lao động nên phòng trọ khan hiếm hơn. Bạn cũng nên nhờ bạn bè, người thân hỏi hộ những ngôi nhà khép kín, dành cho vợ chồng trẻ thuê hoặc lựa chọn nhà trong các trang tin rao vặt, báo giấy. Thời gian tìm nhà thuận lợi là mùa hè, khi sinh viên nghỉ học hoặc về quê.

Tại Hà Nội, bạn có tìm thấy phòng trọ tại một số khu vực như phố Khương Trung (quận Thanh Xuân), phố Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy), khu vực An Dương, Âu Cơ, Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), khu vực Hoàng Mai, Trương Định, Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), khu vực ven đê thuộc quận Gia Lâm... Đây là những nơi có nhiều nhà cho thuê, giá cả lại không quá cao như các khu vực gần trung tâm hoặc gần các trường Đại học lớn.

Ngoài chuyện thuê nhà, các cặp vợ chồng trẻ còn quan tâm tới việc sống chung hoặc sống riêng với gia đình sau khi cưới. Đặc biệt, nhiều cô dâu tâm sự, họ không ngại cuộc sống vợ chồng mà chỉ lo lắng tới việc sống chung và những "va chạm" trong mối quan hệ giữa con dâu và bố mẹ chồng. Trong trường hợp cô dâu hòa hợp với bố mẹ chồng thì việc sống chung sẽ không quá căng thẳng. Nhưng nếu bạn là cô dâu và không hợp tính các cụ, bạn nên nhờ chồng là người đứng giữa, gắn kết mối quan hệ này.

Tuy nhiên, việc sống chung đôi khi cũng mang đến những điều thuận lợi cho vợ chồng bạn. Với các cặp vợ chồng trẻ có công việc bận rộn hoặc thu nhập trung bình thì khi sống cùng bố mẹ, bạn sẽ đỡ đi được chi phí thuê nhà và có thể nhờ các cụ vun vén một phần công việc gia đình vào những lúc bạn quá bận.

Trong trường hợp hai bạn có điều kiện kinh tế vững chắc, bạn có thể chọn cách ra sống riêng, nhưng nên sống gần bố mẹ để thuận tiện cho việc về thăm cũng như chăm sóc các bậc sinh thành.

Để các cô dâu không cảm thấy căng thẳng trước khi kết hôn, chú rể nên thường xuyên đưa người bạn đời của mình về nhà chơi, gặp gỡ bố mẹ trước đám cưới. Việc tiếp xúc, chuyện trò nhiều sẽ giúp cô dâu bộc lộ cá tính, cũng như giúp bố mẹ và cô dâu hiểu nhau, thân thiện hơn.

Tìm hiểu tâm lý các cụ thân sinh cũng giúp hai bạn "hình dung" trước căng thẳng trong cuộc sống sau này, từ đó có kế hoạch thuyết phục bố mẹ nếu cả hai muốn ra ở riêng sau khi cưới. Trong trường hợp không thể ở riêng, các cô dâu mới nên nhường nhịn bố mẹ chồng để có được hạnh phúc êm ấm, gia đình bình yên lâu dài.


TRĂN TRỞ CHUYỆN SỐNG CHUNG HAY Ở RIÊNG



Ngày nay, ngày càng có nhiều đôi vợ chồng trẻ chọn cuộc sống riêng tư, độc lập, không phụ thuộc vào bên vợ hoặc bên chồng.

Sống riêng không có nghĩa là tách bạch

Tôi gặp 3 cô dâu Hương Lan, Mai Phương và Hồng Thuỷ ở Trung tâm tiệc cưới nhà hàng Đông Xuyên (TP Vũng Tàu) cưới chung một ngày, họ đều khẳng định: Sẽ sống riêng với các lý do khác nhau.

Với Hương Lan, đơn giản chỉ là gia đình nhà chồng cô ở ngoài Bắc, chỉ có mình chồng cô vào Vũng Tàu công tác trong ngành dầu khí. Theo cô thì “sống riêng em thấy thoải mái hơn, vì mình tự do và không va chạm.

Hơn nữa, thời buổi hiện đại, việc chiều mẹ chồng của các nàng dâu không còn quan niệm như trước nữa. Nhiều mẹ chồng rất “thoáng”. Các bà đã có “ông” chiều rồi”. Đó là lý do của đa số các cô dâu mới khi xây dựng tổ ấm độc lập ở nơi “đất lành chim đậu”.

“Nói là sẽ sống riêng, nhưng em vẫn giữ mối quan hệ tốt với gia đình nhà chồng. Mai này bố mẹ già, em sẽ mời các cụ vào sống với vợ chồng em. Sống riêng không có nghĩa là tách bạch, đó với là dâu ngoan”, Hương Lan nói.

Còn đối với cô dâu Mai Phương thì cho biết: “Gia đình chồng em có nếp cho con sống độc lập nhưng tụ họp quây quần trong dịp cuối tuần. Đến gặp nhau không phải là mâm cao cỗ đầy mà để giữ nề nếp gia phong đoàn kết thương yêu nhau, để tìm về cội nguồn. Đây cũng là một nếp sống văn hoá. Đến nhà bố mẹ chồng, trẻ con được chơi bời thoả thích thăm ông bà, mọi công việc của gia đình đều được bàn bạc công khai”. Cô nói vui: “Được ăn được nói, được gói mang về tội gì mà không đến”.

Đối với Hồng Thuỷ, mọi việc lại không êm đẹp như thế. Thuỷ kể: “Ngay từ đầu, tụi em thương yêu nhau mà gia đình nhà chồng không đồng ý, cấm cản đủ đường. Hôm nay cưới nhau rồi em vẫn còn giận nhà chồng lắm. Em nhất quyết bắt chồng em phải sống riêng, không nhờ vả “ổng, bả” gì hết”.

Chồng của Thuỷ bảo: “Em vẫn thuyết phục vợ em sau ngày cưới nên về sống với bố mẹ cho vui. Những ngày đầu thấy khó thở, nhưng ở sẽ dần hiểu nhau, mẹ con sẽ thương yêu nhau. Căn bản sống tốt với nhau từ trong lòng”...

Có thể nói trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ngày càng có nhiều đôi vợ chồng trẻ chọn cuộc sống riêng tư, độc lập, không phụ thuộc vào bên vợ hoặc bên chồng.

Trước hết về cơ bản các gia đình vợ chồng trẻ ngày nay không phụ thuộc vào kinh tế, có thể tạo dựng một cuộc sống độc lập. Hơn nữa nhu cầu về vật chất cũng khác biệt với thế hệ trước. Ngoài ra các cô gái trẻ không chuẩn bị kỹ càng về tề gia nội trợ, tâm lý lo ngại không hoà hợp với đại gia đình nhà chồng vẫn luôn thường trực. Đó là chưa kể đến nhiều người bị chi phối bởi mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu.

Trong thực tế, không ít trường hợp mối bất hoà bắt nguồn từ mối quan hệ giữa nàng dâu và gia đình nhà chồng, đặc biệt là nàng dâu mẹ chồng. Đây là nguyên nhân làm rạn nứt hạnh phúc của lứa đôi.

Dâu, rể đều là con

Tuy nói như vậy không có nghĩa là ở gia đình nào mối quan hệ với cô dâu mới cũng khó khăn và phức tạp. Có nhiều gia đình tam đại đồng đường vẫn sống chung với nhau hoà thuận, người ngoài nhìn vào khó có thể phân biệt đâu là dâu, đâu là con gái.

Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh ở phường Long Hương, thị xã Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trước khi kết hôn, chị Hạnh cũng đã từng lo lắng, băn khoăn khi phải về làm dâu một gia đình đông con.

Đúng là thời gian đầu mới về nhà chồng cũng gặp không ít khó khăn để có thể hoà nhập với gia đình nhà chồng. Song có một điều chị luôn tâm niệm là hãy sống chân thành yêu thương và giữ gìn gia phong, không phân biệt nhà chồng nhà vợ.

Gia đình nhà chồng có 7 người con, chồng chị là con út, nhưng chị vẫn tự nguyện nhận trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già.

Vốn là người chu đáo, chị Hạnh không chỉ biết chăm sóc cha mẹ chồng từng bữa ăn giấc ngủ, mà còn hiểu và cảm thông với tính khí thất thường của người già.

Thương cô con dâu hiếu thảo, bà mẹ chồng không đòi hỏi “yêu sách” gì. Bà thương chị Hạnh như con đẻ. Có miếng ngon, vật lạ bà cũng để dành cho nàng dâu út.

14 năm làm dâu, chị Hạnh luôn giữ đạo hiếu dâu con thảo hiền chưa bao giờ xảy ra điều gì. Mẹ chồng rất tự hào về chị với xóm giềng. Khoảng cách mẹ chồng nàng dâu hoàn toàn xoá bỏ.

Chị tự hào: “Sống chung với bố mẹ chồng nhiều điều tiện lợi. Con cái đã có ông bà trong nom. Đừng bao giờ “ám thị” về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu cả. Phải sống thật, có nghĩa, có tình, chân thành và hiếu thảo, coi bố mẹ chồng như bố mẹ của mình. Dâu, rể cũng là con của gia đình”.


VỢ CHỒNG LỤC ĐỤC VÌ...RA Ở RIÊNG



Ra ở riêng là mong muốn của nhiều cặp vợ chồng chung sống cùng bố mẹ, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng là biện pháp tuyệt vời nhất.

Lấy chồng đã 2 năm nay, lại ở cùng nhà chồng nên chị Linh thường tỏ ra không vui vẻ: “Có ai sung sướng khi ở với nhà chồng được đâu, đi đâu, làm gì cũng toàn phải giữ ý, không chỉ lúc mới về nhà chồng mà ngay cả khi đã làm dâu nhiều năm đi chăng nữa. Nhiều chuyện xích mích trong gia đình cũng chỉ vì ở chung mà ra. Cứ giữ mãi trong lòng, ấm ức không dám nói. Tôi cố gắng làm cũng chỉ mong tích góp được chút để ra ở riêng”.

Đúng như mong muốn của chị, sau hai năm, vợ chồng chị đã mua được một căn hộ tập thể, tuy hơi cũ một chút, nhưng nó là niềm mơ ước của chị Linh. Cuộc sống thoải mái, không gò bó, không phải giữ ý với nhà chồng khiến chị cảm thấy thích thú. Thế nhưng, chỉ được 3 tháng sau khi ra riêng, vợ chồng chị thường xuyên xảy ra lục đục.

“Không ở cùng bố mẹ, vợ, chồng đều đi việc riêng thoải mái, nhiều hôm lại nhờ ông bà đón con, cho cháu ăn giùm. Rồi những ngày con ốm, sốt, hoặc như đợt rét vừa qua, không có ai trông, tôi đành phải nghỉ việc. Lúc bấy giờ mà còn ở với bố mẹ thì thì hai cụ đỡ đần được bao nhiêu việc”.
Nhiều cặp vợ chồng bắt đầu xảy ra mâu thuẫn khi ra riêng
Chuyện lục đục giữa vợ chồng chị càng trở nên căng thẳng hơn khi đứa con thứ hai ra đời. Chồng chị hầu như không biết làm việc nhà giúp vợ, cho con ăn, trông con, vệ sinh cho con… việc gì cũng làm không đến nơi, đến chốn. “Trước ở với bố mẹ, anh ấy chẳng phải động tay vào việc gì, cái gì cũng có mẹ, có vợ làm hộ. Bây giờ ra riêng, phải tự lập, thì trăm cái vất vả đổ lên đầu tôi”, chị Linh than thở.

Cũng chung cảnh ở cùng mẹ chồng, lắm điều mâu thuẫn, chị Hà muốn ra riêng đã lâu. Nhưng ngặt nỗi chị đang có con nhỏ, mẹ chồng giúp bế ẵm, tắm rửa cho cháu... nhưng nhiều cái chị không vừa ý. Chẳng hạn, bà thoa thuốc chống hăm cho cháu thì không tán đều. Khi thay bỉm, Hà phát hiện cả cục kem chống hăm nằm nguyên trong kẽ mông của con, lúc nấu bột cho bé thì mặn đắng, hoặt không có muối, pha sữa cũng thế, tính bà vốn hay quên.

Con vừa được 6 tháng, Hà đòi ở riêng. Những ngày đầu “tự do”, khỏi nói Hà vui thế nào. Hà tự tay bày biện ăn uống mà không lo làm mẹ chồng phật ý. Bát đĩa ăn xong quẳng vào chậu để mai rửa. Quần áo chất chồng vài ngày mới cho vào máy giặt một lần. Cuối tuần Hà tha hồ ngủ nướng khỏi ăn sáng cũng được.
Không phải ra riêng lúc nào cũng là kế sách hay

Tuy nhiên, khi bác giúp việc đột ngột phải về quê và không lên nữa, Hà mới tá hỏa. Cô phải xin nghỉ làm gần tháng trời để trông con. Buổi sáng, con khóc “oe oe” từ 5h sáng khiến Hà phải dậy. Không như trước đây, mẹ chồng cô dậy rất sớm và thường bế cháu cho con dâu ngủ thêm. Những hôm con sốt, Hà phờ phạc vì thức ngày, thức đêm trông con, trong khi nếu còn ở chung với mẹ chồng thể nào cô cũng được bà khuyên cứ yên tâm ngủ cho lại sức.

Cùng cảnh ra riêng, nhưng vợ chồng anh Lâm phải  đi thuê nhà. Lương của hai đứa chỉ đủ sống, trước còn ở với bố mẹ vợ, mỗi tháng vợ anh cũng đưa cho hai cụ một ít tiền gọi là góp thêm, nhưng chẳng đáng là bao so với việc trang trải đủ thứ tiền khi ở ngoài.

Không muốn mang tiếng là nhờ nhà vợ, ăn bám, anh Lâm đùng đùng đòi ra ở riêng, mặc dù bố mẹ vợ rất tốt, và quý con rể. “Ra ở rồi mới thấu cảnh thuê nhà, tháng nào lo tiền tháng đó, chẳng để dư ra được đồng nào, nhiều lần còn tiêu lạm vào tiền hai vợ chồng tiết kiệm”.

Vợ anh, chị Mai mấy tháng nay lúc nào cũng đau đầu vì tính toán các khoản chi tiêu. Tiền nhà, tiền điện, tiền ăn, tiền xăng dầu… trăm thứ đổ lên đầu phải tính. Chẳng bù cho trước đây, ở cùng bố mẹ vợ, hàng tháng đưa các cụ 2 triệu, rồi chẳng phải lo lắng việc gì cả.
Ở cùng với bố mẹ không hẳn là khổ sở, mất tự do, trái lại, bố mẹ còn đỡ đần được các con nhiều việc

Thấy vợ hay cằn nhằn chuyện tiền nong, tôi cũng đâm ra bực mình. Trước sau cũng phải ra riêng chứ chẳng nhẽ lại ở nhờ bố mẹ suốt?”, anh Lâm bực dọc nói.

Dù tức tối với vợ, nhưng anh cũng không khỏi lo lắng tìm thêm việc làm, phụ thêm kinh tế với vợ: “Đâu chỉ còn là chuyện hai vợ chồng ăn tiêu, cũng phải tiết kiệm chút còn sinh con nữa chứ”.

Không ít cặp vợ chồng rơi vào cảnh lục đục, cãi vã chỉ vì chuyện ra riêng. Đừng vội nghĩ ở chung là mất tự do, khổ sở, thiệt thòi, ra riêng không phải lúc nào cũng là kế sách hay nhất trong mọi trường hợp. Cần tính toán, và chuẩn bị tốt khi ra ở riêng, để tránh những xung đột vợ chồng đáng tiếc khi bắt đầu cuộc sống gia đình tự lập.


Ở RIÊNG BỖNG NHỚ MẸ CHỒNG



Những lúc đi làm về muộn, có mẹ chồng chăm sóc con cái, Hằng yên tâm hơn cả, giờ đây cô đã hiểu được điều đó.

Một mực đòi ra riêng

Con dâu về nhà chồng có muôn vàn chuyện khó nói, trong đó mệt mỏi nhất vẫn là cách đối nhân xử thế với nhà chồng. Được lòng nhà chồng thì tốt, không được thì đau đầu, nhức óc, nghĩ cách đối phó hoặc là phải sống làm sao cho khéo, cho không bị để ý.

Ngày lấy chồng, Hằng luôn mang tâm lý mệt mỏi, lúc nào cũng sợ bị mẹ chồng mang ra nói này nói nọ. Dù biết mẹ chồng không quá khó tính nhưng Hằng luôn cảnh giác, để ý từng thái độ của mẹ và khéo léo hành xử mọi việc, nhưng…

Hằng có cái tính lôi thôi, nấu ăn xong thì đồ đạc để lung tung cả, không cái gì để vào đúng chỗ. Thì cô cũng cứ nghĩ, nhà chồng cũng vậy, giống nhà mình. Dù muốn gọn gàng nhưng đôi lúc, bản chất quen thuộc khó bỏ, lại thành lôi thôi. Mẹ chồng cũng không gắt gỏng nhưng nhiều lần góp ý, rồi lại vào dọn dẹp cho con cái. Biết con dâu bận rộn đi làm, lại còn con nhỏ nên mẹ chồng cũng tâm lý. Chỉ là góp ý để con hiểu và tiếp thu, chỉnh sửa chứ không có ý khó chịu, chì chiết.

Có lần đi làm về, thấy bà ngủ quên trên ghế, cháu thì bò xuống đất chơi, nghịch lung tung, Hằng vứt mạnh túi xách, đùng đùng nổi giận. Rồi quát tháo bâng quơ, dù không dám mắng trực tiếp mẹ chồng nhưng cứ hô hoán lên: “thế này thì chết à, con ơi là con…”. Biết ý con dâu nên mẹ chồng cũng vội ra ẵm cháu, rồi hớt hải đưa cháu đi tắm.
Vài lần như thế, Hằng tỏ ra khó chịu vô cùng. Có mẹ chồng ở nhà, Hằng thấy không thoải mái, rồi xin chồng ra ở riêng. Chồng cũng vì vợ làm quá nên đành xin mẹ, hai người thuê nhà ở bên ngoài. Hiểu được ý con trai, mẹ chồng Hằng không nói gì cả, chỉ gật đầu lẳng lặng rồi đồng ý trong nỗi buồn.

Ở riêng, nhớ mẹ chồng

Chẳng hiểu thế nào, cô ô sin mới của nhà Hằng không như mong muốn. Đã đổi đến 3 lần ô sin rồi nhưng không ai làm Hằng hài lòng. Mình đã có tính lôi thôi, họ còn lôi thôi hơn mình. Trong con thì Hằng không yên tâm, mỗi lần đi làm về thấy ô sin cho con ăn cháo mà xót xa, vì cứ ngửa cổ đứa trẻ lên, nhồi nhét vào miệng nó, chẳng biết bao nhiêu cho vừa.

Có lúc thằng cu khóc thét lên, đau đầu, ô sin thì chẳng dỗ dành được, cứ một tay Hằng chăm lo hết. Sáng sáng, khi tỉnh dậy, chẳng thấy bữa sáng đâu. Mò vào phòng ô sin thì thấy vẫn đang ngủ. Bực dọc, Hằng lại thay người khác.

Nhưng bao nhiêu người đến đều không khiến cho Hằng hài lòng, cô còn cảm thấy khó chịu vì họ cứ làm vướng chân cô, không giúp được gì nhiều. Hằng lại nghĩ tới mẹ chồng. Mỗi lần ở cùng mẹ, sáng không phải lo đồ ăn sáng. Dù mẹ có hơi chút khó tính, thi thoảng quát tháo nhưng đó cũng là tính của người già, vả lại Hằng cũng không phải tuýp người gọn gàng gì cho cam. Ngày ở nhà mẹ đẻ, mẹ con mắng thậm tệ hơn rất nhiều. Lúc này, Hằng thấy mình quá quắt. Cái lỗi không phải ở mẹ chồng mà chính là tại Hằng luôn phân biệt quan hệ con dâu, mẹ chồng, không biết dung hòa. Nếu cứ coi mẹ chồng như mẹ của chính mình thì có lẽ mọi thứ đã dễ sống hơn.

Những lúc đi làm về muộn, có mẹ chồng chăm sóc con cái, Hằng yên tâm hơn cả, giờ đây cô đã hiểu được điều đó. Vì dù sao, đó cũng là cháu nội của bà, nên bà sẽ chăm chu toàn, không nhồi nhét thức ăn cho cháu, không cho ăn cho xong trách nhiệm và nhận lương. Cuộc sống gia đình vốn hòa thuận, tốt đẹp, cháu đi bà nhớ cháu, rơm rớm nước mắt, nhưng Hằng có bận lòng đâu. Giờ thấy hối hận quá!

Nửa năm trời ở riêng, Hằng bỗng thấy gia đình trở nên tẻ nhạt, cuộc sống mệt mỏi và lo lắng gấp bội phần, lo cho gia đình, lo cho con cái, sợ một thân một mình không chăm nổi. Dù sao thì mẹ chồng cũng có nhiều kinh nghiệm hơn trong chuyện chăm cháu. Dù gì cháu cũng là cháu của bà và chồng Hằng là con trai của mẹ.

Hằng bỗng thấy vai trò quan trọng của mẹ chồng, bỗng thấy biết ơn mẹ những ngày tháng qua đã chăm lo cho gia đình Hằng. Cuộc sống thật không phải điều gì cũng nhứ ý. Quan trọng là bỏ qua cho nhau, biết thông cảm và chia sẻ với gia đình, người thân những khó khăn của mình.

Một lần nữa Hằng xin chồng, mong chồng nói với mẹ một tiếng để gia đình được về ở chung với nhau.


NỖI NIỀM CON CÁI RA Ở RIÊNG


Hôm qua bà tụt huyết áp, người mềm như bún, ông vất vả lắm mới đỡ được vào giường, pha cho cốc nước gừng, mãi bà mới tỉnh. Từ ngày ông bà về hưu, ông cứ loay xoay ở nhà, không dám đi đâu lâu, sợ bà lại ngã thì không ai đỡ.


Nhà có thằng con trai, nhưng đến tuổi xế chiều lại chỉ hai thân già chăm nhau từng bữa. Anh con trai lấy vợ giàu, nhà ngoại mua hẳn cho hai đứa cái chung cư, thế rồi chúng kéo nhau về đó ở.
Bà than căn nhà bốn tầng rộng rãi cả đời ông bà tích góp được cho anh con trai cũng chỉ muốn sau này con cái có chỗ ở đàng hoàng, về già mình còn có chỗ nương tựa. Ông tặc lưỡi “thôi tuỳ chúng nó, ép chúng nó rồi lời ra tiếng vào lại gây mất lòng nhau”.
Về hưu rồi cũng chẳng có việc gì làm, ông bà cứ đi ra đi vào, ông ngồi đâu bà theo ngồi đó không lại buồn. Trong nhà chỉ có mỗi cái ti vi là đứa con tinh thần vì ít ra còn có “đứa” nói cho mà nghe.
Ông chăm sóc mấy cây cảnh, hết tưới rồi lại uốn nắn, cắt tỉa làm vui, còn bà có khi ngồi vặt mớ rau bí cả tiếng đồng hồ, vừa vặt vừa nói chuyện với ông chậm rãi cho thời gian trôi qua rồi đến bữa nấu cơm nữa là vừa.


Nghĩ đến mình chẳng khác nào các ông bà già trong phim nước ngoài, cuối đời có khi vào trại dưỡng lão.
Cứ buổi chiều đi dạo trong công viên, thấy đứa trẻ con nào chập chững biết đi ông bà lại sà vào hết xoa đầu rồi cầm tay, chúng đi rồi cứ ngoái nhìn mãi, ông bà nhớ thằng cháu nội.
Mỗi cuối tuần bọn trẻ về ông bà lại được “hưởng thụ” cuộc sống của những người bận rộn, hiện đại với toàn đồ hộp và thức ăn sẵn bày bán trong siêu thị. Cái gì cũng nguội lạnh.
Được ngày chủ nhật hai vợ chồng dẫn con về thăm ông bà, cả tuần ông bà nhớ cháu muốn nghe tiếng bi bô trong nhà, được một lúc dở thèm thì bố mẹ nó lại xách đi “hôm nay cuối tuần con cho cháu lên bờ hồ chơi cho mát”. Hai ông bà già lại theo ra tận cửa nhìn cái ô tô phóng vù đi.
Nghĩ đến mình chẳng khác nào các ông bà già trong phim nước ngoài, cuối đời có khi vào trại dưỡng lão. Không biết chúng có nghĩ đến một lúc nào đó, chúng cũng già đi không...



CÁC CHUYÊN GIA CHO RẰNG SAU KẾT HÔN, CON CÁI NÊN Ở RIÊNG




Chuẩn bị kỹ khi kết hôn

Nhiều nghiên cứu cho thấy sự biến động kinh tế, xã hội đã kéo theo sự thay đổi của văn hóa truyền thống, trong đó có các giá trị gia đình. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn cho thấy vị trí của giá trị gia đình tiếp tục chiếm vai trò quan trọng mà những người trẻ theo đuổi.



Cụ thể, theo quan niệm truyền thống thì hôn nhân được xếp vào bậc quan trọng thứ hai trong số ba việc lớn mà một người đàn ông phải làm trong cuộc đời. Ngày nay, giới trẻ cũng có cách nghĩ tương tự, cụ thể là 2/3 (61%) số thanh niên tham gia trả lời cho rằng: Hôn nhân là bước chuyển lớn cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi quyết định kết hôn. Chỉ có 3,5% những người tham gia khảo sát cho rằng hôn nhân là tự nhiên đời người cần phải có không cần chuẩn bị trước.

“Đây là kết quả mang nhiều tính tích cực. Điều này cho thấy thái độ nghiêm túc của thanh niên khi đứng trước lựa chọn bước vào cuộc sống gia đình”, nhóm chuyên gia thực hiện khảo sát nhận định. Dĩ nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cách nhìn nhận thể hiện sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm với bản thân và gia đình. Nhưng đại đa số thanh niên đã thận trọng, chu đáo và tin cậy khi thể hiện thái độ của họ trước khi bước vào hôn nhân.

Cũng theo khảo sát trên, các giá trị tinh thần trong hôn nhân được thanh niên đẩy lên khá cao, như tình cảm vợ chồng (cao nhất 21,3%) hay con cái khoẻ mạnh (19,7%). Bên cạnh các giá trị tinh thần thì sự ổn định về kinh tế cũng được thanh niên cho là có giá trị trong việc tạo lập một gia đình trẻ hạnh phúc (20,5%, đứng thứ hai theo thứ tự lựa chọn của thanh niên).

Bên cạnh đó, thanh niên cũng đề cao các giá trị liên quan tới cá nhân như: tình cảm vợ chồng, sự tôn trọng lẫn nhau. Trong quan điểm về con cái, thay vì hướng tới “có nếp, có tẻ” thì thanh niên đề cao tới giá trị sức khoẻ của các con mình hơn. Đây là điểm đánh dấu sự thay đổi đáng kể đối với mong muốn về con cái của thanh niên, khi mà sự phân biệt giới tính của đứa con không còn được đề cao như trong giá trị truyền thống “trọng nam khinh nữ” trước đây.

Đặc biệt, quan niệm “môn đăng hậu đối” được thanh niên mở rộng hơn “hai họ tôn trọng” (18,1%) chứ không chỉ dừng lại ở gia đình hạt nhân. Không còn nhiều thanh niên muốn dựa vào điều kiện kinh tế của cha mẹ như một mục tiêu khi lựa chọn bạn đời, điều này phản ánh một thực tế là họ muốn độc lập về kinh tế với cha mẹ và cao hơn đó là tự lực cánh sinh khi xây dựng tổ ấm của mình.

Chủ động trong hôn nhân

Nghiên cứu trên cũng cho thấy, thanh niên có xu hướng đề cao các giá trị tinh thần hơn các giá trị vật chất trong quan niệm về hôn nhân, gia đình. Bên cạnh đó, nhiều người cũng có chiều hướng đề cao gia đình riêng của mình, sống độc lập hơn là dựa vào cha mẹ (gia đình xuất thân).


Điều này có thể bị ảnh hưởng bởi tính thiếu thực tế vì nhiều người đều chưa lập gia đình, nên những lo toan, những thiếu thốn của đời sống vật chất chưa thể lường trước.

Tuy nhiên, kết quả này cho thấy một tín hiệu đáng mừng là việc tự xác định vai trò chủ động của bản thân trong các giá trị của hôn nhân và gia đình mà thanh niên hướng tới. Đó là sự chủ động trong cả lựa chọn bạn đời và thực hành đời sống hôn nhân. Vấn đề đặt ra là, vai trò của giáo dục trước hôn nhân cho thanh niên cần tiến hành như thế nào để có thể nuôi dưỡng và định hướng tốt nhất cho vị trí trong hôn nhân của mình.

Chính vì sự tôn trọng xu hướng cá nhân nêu trên, theo các nhà xã hội học, việc thanh niên tách ra ở riêng sau khi lập gia đình sẽ ngày càng nhiều hơn. “Đây là điều các bậc cha mẹ nên “đón đầu” để sau này đỡ lấn bấn về tâm lý”, một chuyên gia tâm lý cho biết.

Sự đón đầu này, theo chuyên gia này, được thể hiện ở chỗ cha mẹ cần xác định trước rằng con mình có thể thuê nhà ở riêng, chứ không ở chung với bố mẹ. Đặc biệt, khi việc thuê nhà hiện nay đã trở nên phổ biến hơn trước.


Nếu cứ lấn bấn và khăng khăng sẽ ở cùng con cái thì có thể các bậc cha mẹ sẽ sốc khi thấy con mình lựa chọn không giống mình nghĩ. “Ngay từ khi con cái còn nhỏ, các bậc phụ huynh cũng nên tính đến phương án không ở cùng con lúc về già. Do đó, họ cần sớm xây dựng những nhóm bạn để giao lưu và sau này chia sẻ tâm tư khi về già. Những nhóm hoạt động như thế sẽ làm cuộc sống của họ sau này thêm thú vị và không bị phụ thuộc vào con cái.



Mẹ chồng nàng dâu câu chuyện muôn thưở
Những việc cần quyết định trước hôn nhân
Lý do đeo nhẫn cưới ở ngón áp út
Cách lấy lòng bố mẹ chồng tương lai cho cô dâu
Chiều chồng khó tính không hề khó cho các chị em
Bố mẹ chồng khó tính cô dâu mới phải làm sao






(st)