Có nên tắm sau khi bé bị sốt?


Sau khi đưa con đi bệnh viện khám vì bị sốt, vợ chồng mình đã được bác sĩ tư vấn cho các tắm đúng khi bé bị sốt. Mình chia sẻ để các mẹ cùng biết nhé!




CÁCH TẮM CHO CON KHI BỊ SỐT

Đối với trẻ nhỏ, có vô vàn lý do khiến trẻ sốt: sốt mọc răng, sốt do viêm họng, sốt virút, sốt do bệnh tay chân miệng… Cho dù lý do là gì đi nữa các bà mẹ cũng sẽ vô cùng lo lắng, nếu ta xử lý không kịp, để trẻ sốt cao có thể ảnh hưởng đến thần kinh của trẻ, tai biến thật khó lường. Trước kia khi không hiểu biết, mọi người thường nói với mình rằng nếu em bé bị sốt cao, đem đến bệnh viện Nhi Đồng thì người ta sẽ lột trần truồng em bé, cho nằm chơ vơ trong phòng lạnh hoặc đem nhúng vào bồn nước. Nếu chỉ có nghe đến đó thôi thì khó có bà mẹ nào dám đưa con đến bệnh viện vì xót con, vì e ngại sau khi hết sốt phải lo đến chữa bệnh sổ mũi và ho cho bé. Tâm lý của người Việt mình là khi trẻ sốt, không bao giờ được tắm cho trẻ. Vậy có bao giờ bạn tìm hiểu thử xem tắm đúng cho trẻ khi sốt như thế nào không? Sau khi tìm hiểu kỹ càng và được bác sỹ khám bệnh cho em bé tư vấn thêm, mình xin được chia sẻ phương pháp tắm này:

Khi bé sốt bạn sẽ được khuyên cho bé uống thuốc cứ cách nhau 4-6 giờ. Tuy nhiên, không phải khi nào uống thuốc xong bé cũng hết sốt ngay. Tắm đúng nhằm mục đích hạ sốt cho não bé, giúp nhiệt độ cơ thể bé hạ bớt vì để cao quá não bé sẽ bị ảnh hưởng.

Khi bé sốt, bạn hãy cặp nhiệt độ cho trẻ, sau đó đóng hết các cửa phòng cho kín gió và pha nước tắm vào chậu. Nhiệt độ của nước tắm phải thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ 2 độ và trong quá trình tắm bạn cũng phải đảm bảo được điều này. Nếu lạnh quá bé sẽ bị sốc nhiệt. Ví dụ nhiệt độ khi bé sốt là 39 độ thì bạn hãy pha nước ở mức 37 độ. Bạn có thể tắm từ đầu trở xuống và tắm trong khoảng 5 phút. Sau rồi hãy lau thật khô người bé và mặc quần áo thông thoáng.

Trong bệnh viện Nhi Đồng, nếu hiểu rõ bạn cũng sẽ an tâm khi thấy con mình được bác sĩ tắm khi bị sốt. Chắc chắn đó không phải là hành động “nhúng nước” như mọi người hay bàn tán.

Ngoài ra còn 1 kỹ thuật nữa mà bác sĩ nhắc vợ chồng mình khi bé bị sốt là hãy cho bé vào trong phòng máy lạnh nếu bé quá sốt. Hãy đảm bảo nhiệt độ phòng được mát (thấp nhất là 20 độ). Có thể cởi trần bé, vì cơ thể bé đang sốt cho nên bạn an tâm, bé sẽ không bị lạnh đâu.

Ngoài ra theo các bác sĩ thì các mẹ nên cho bé mặc quần áo thoáng mát, nên lau mát cơ thể bé thường xuyên (đắp trán, lau vùng nách, bẹn). Nếu bình tĩnh xử lý, cùng với thuốc mà bác sĩ kê đơn em bé sẽ tốt hơn nhiều.

Chúc các mẹ thành công!


SAI LẦM TAI HẠI KHI CHĂM TRẺ SỐT
 

Nhiều phụ huynh hẳn sẽ giật mình khi phát hiện mình đã mắc lỗi lớn khi chăm trẻ sốt.

Nửa đêm, cô em họ mới sinh con đầu lòng được 9 tháng cuống quýt gọi điện cho vợ chồng tôi ‘cầu cứu’. Chuyện là nhóc Bin (con trai em tôi) bị sốt mà bố mẹ thì không biết xử trí sao cho hợp lý. Chồng thì bảo lấy một chút rượu trắng chườm cho con sẽ nhanh hạ sốt, vợ thì hồ nghi không dám làm theo… thế là 2 vợ chồng rối như canh hẹ...

Tôi tin, không riêng gì em họ tôi mà có rất nhiều cha mẹ trẻ cũng thiếu – kỹ - năng chăm sóc con. Khi con trẻ sốt, ốm… không biết nên, không nên làm gì. Là mẹ của 2 cậu con trai (9 tuổi và 5 tuổi) tôi cũng có chút kinh nghiệm (cả thực tế và sưu tầm qua sách báo) chăm sóc trẻ bị sốt, xin chia sẻ với các bậc cha mẹ, đặc biệt là cha mẹ trẻ.


Rất nhiều bậc cha mẹ không biết nên, không nên làm gì khi con bị sốt (Ảnh minh họa).

1.    Biểu hiện phổ biến khi trẻ bị sốt

-    Thân nhiệt trẻ nóng hơn rất nhiều

-    Trẻ hay quấy khóc, dễ nổi cáu

-    Mệt mỏi và thở gấp

-    Ngủ lơ mơ

2.    Cách xử trí khi trẻ em bị sốt

- Khi trẻ sốt nhẹ nhiệt độ từ 37,5 độ C - 38,5 độ C chưa cần dùng thuốc hạ nhiệt mà chỉ cần cởi bớt quần áo cho trẻ uống nhiều nước, nếu trẻ đang bú mẹ cho bú nhiều hơn. Tránh để trẻ ở nơi có gió lùa, tiếp tục theo dõi, 3-4 giờ đo nhiệt độ lại.

- Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C cần cởi bớt quần áo, cho mặc quần áo lót mỏng, mềm, thoáng, rộng, tránh gió lùa, cho uống thuốc hạ nhiệt hoặc đặt thuốc ở hậu môn.

Song song với thuốc, pha nước ấm, tương tự như pha nước tắm cho trẻ (để cùi chỏ tay của người lớn vào chậu nước, nếu thấy nước âm ấm là được). Sau đó, dùng năm cái khăn, 2 khăn đắp vào nách và 2 khăn đắp vào bẹn, khăn còn lại nhúng nước lau khắp cơ thể trẻ. Đối với các khăn đắp cố định ở nách và bẹn, sau 5 - 10 phút lấy ra nhúng lại vào nước ấm, vắt ráo và đắp liên tục vào bẹn và nách.

Việc đổ mồ hôi trong quá trình bị sốt giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, nó cũng sẽ dẫn tới việc mất nước của cơ thể trẻ. Cố gắng cho trẻ uống thêm nhiều nước để bổ sung lượng đã mất đi.

3. Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?

- Tất cả trẻ em dưới 5 tuổi bị sốt sau khi đã xử trí trên 1 ngày vẫn còn sốt nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

- Những trường hợp sốt cao dùng thuốc hạ nhiệt và các biện pháp không giảm.

- Trẻ sốt kèm theo các dấu hiệu như mệt mỏi, li bì, co giật, bỏ ăn không uống hoặc nôn, đau bụng, xuất huyết, rét run, khó thở…

4. Sai lầm tai hại khi chăm sóc trẻ bị sốt

Nhiều phụ huynh hẳn sẽ giật mình khi phát hiện ra mình đã ngộ nhận khi chăm sóc trẻ bị sốt bằng nhiều mẹo rỉ tai không đúng, hậu quả là, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Dưới đây là một số sai lầm cần tránh:

- Không được tự ý mua thuốc Aspirin hay các thuốc kháng viêm nonsteroids. Các loại thuốc này có thể khiến trẻ bị xuất huyết tiêu hóa.

- Khi trẻ sốt cao và đang làm kinh, người nhà tuyệt đối không được nặn bất cứ một thứ gì, ví dụ như vài giọt chanh, vào trong miệng trẻ. Điều đó có thể khiến trẻ bị sặc và gây tử vong.

- Có một 'bài thuốc' người già hay sử dụng làm mát cho trẻ là đổ vào nước ấm một chút rượu hay cồn (alchol). Thực tế, việc kết hợp này có thể làm mát rất nhanh, thậm chí mát lạnh do sự bốc hơi. Tuy nhiên, cách hạ sốt này vô cùng nguy hại. Rượu hay cồn khi bốc hơi có thể khiến trẻ bị ngộ độc. Chưa kể, hiện nay ở một số nơi, rượu chưa chắc đã an toàn. Người ta bỏ thêm một số các chất như thuốc diệt sâu rầy, khiến cho rượu trong vắt. Do đó tuyệt đối không được đổ rượu, cồn vào nước khi lau cho trẻ.

- Kinh nghiệm cho thấy lấy chanh xoa cho trẻ sẽ khiến trẻ hạ sốt. Đây là một điều không nên làm. Chanh có chứa một độ axít loãng làm bỏng hay hư da trẻ. Ngoài ra, tuyệt đối không lấy nước đá hay đá lạnh chườm cho trẻ.

- Nhiều người còn cho rằng, khi trẻ làm kinh phải cắt lể để nặn hết máu độc ra. Khi chuyển trẻ đến bệnh viện, trong trường hợp sốt xuất huyết, do rối loạn đông máu, việc cầm máu rất khó khăn. Toàn bộ cơ thể bị rỉ máu. Cấm cạo gió cắt lể khi trẻ sốt, bác sĩ không thể theo dõi được chỗ nào xuất huyết do bệnh, chỗ nào do cạo gió.


CHĂM SÓC TRẺ BỊ SỐT TẠI NHÀ


Đối phó khi bé bị ho, sốt, sổ mũi


Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo chỉ khi được bác sĩ kê toa, nếu không phụ huynh cần hạn chế cho bé dưới 2 tuổi sử dụng thuốc.

Trong khi đó, nhiều cha mẹ tận dụng tối đa thuốc nhỏ mũi, si rô, thậm chí cả kháng sinh… khi bé hết ho, sốt, sổ mũi.
Ho và đau họng

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, khoa Nhi, Phòng khám Victoria TP.HCM, có một sự thật nhiều phụ huynh không biết, ho là phản xạ ngăn chặn sự xâm nhập virus vào phổi, giúp bé thở dễ hơn vì nó giúp đẩy chất nhầy ra khỏi đường thở. Vì thế, ba mẹ đừng cố ngăn chặn các cơn ho của trẻ. Tuy nhiên, ho nhiều có thể khiến bé mệt và mất ngủ. Người lớn có thể giúp bé bằng cách:

Cho trẻ uống mật ong. Đây là phương thuốc hữu hiệu trong việc giảm nhẹ các cơn ho và cổ họng đau rát. Mật ong an toàn cho trẻ trên một tuổi và trẻ sẽ dễ chấp nhận phương thuốc này do hương vị ngọt thơm. Liều lượng: nửa thìa cà phê với các bé từ 1 – 5 tuổi, một thìa cà phê cho các bé từ 6 – 11 tuổi.

Ăn súp nóng. Trong những ngày bệnh, súp nóng không chỉ giúp bé dễ ăn mà còn cảm thấy dễ chịu. Đặc biệt, món súp gà có khả năng kháng viêm rất tốt, giúp bé cải thiện sức khỏe nhanh chóng.

Uống nhiều nước. Là biện pháp làm loãng đàm rất hiệu quả. Nước còn làm dịu cơn rát họng, giúp trẻ giảm ho. Vì vậy, phụ huynh hãy cho trẻ uống nhiều nước (trẻ muốn uống nước lạnh hay nước ấm đều được) và các loại nước trái cây.

Nghẹt mũi – sổ mũi

Phụ huynh có thể khó chịu vì bé cứ chảy nước mũi không dứt. Tuy nhiên, bạn nên nhớ những chất nhầy và nước mũi kia đang giúp rửa sạch virus cảm, sốt ra khỏi xoang và mũi. Ba mẹ đừng quá lo lắng nếu thấy nước mũi chuyển từ màu trắng trong sang vàng hay xanh – đó là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch của bé đang chiến đấu với virus.

• Nhỏ mũi. Phụ huynh có thể giúp bé “pha loãng” chất nhầy bằng cách nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mũi. Sau đó, bé sẽ dễ dàng “xì” ra hoặc nếu mẹ phải giúp bé hút ra thì cũng dễ dàng hơn.

• Làm ẩm không khí. Nếu có điều kiện, bạn có thể trang bị cho nhà mình một máy làm ẩm không khí, nhớ lưu ý làm sạch máy và thay nước thường xuyên vì vi khuẩn sinh sôi rất nhanh. Ngoài ra, khi tắm cho trẻ cần dùng nước ấm.

• Nâng cao đầu. Kê thêm một cái gối để đầu trẻ nằm cao hơn bình thường, hành động này sẽ giúp rút chất nhầy.

Sốt

Nếu thân nhiệt của bé tăng cao, đó là dấu hiệu hệ miễn dịch đang chiến đấu chống lại sự xâm nhập của virus. Vì vậy, phụ huynh đừng quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu bé sơ sinh dưới 3 tháng tuổi sốt từ 38°C trở lên thì cần gọi bác sỹ ngay, vì sốt ở trẻ sơ sinh có thể rất nguy hiểm.

Thuốc hạ sốt. Ibuprofen hay acetaminophen có thể hạ sốt và giúp bé bớt bứt rứt, nhưng không nên quá lạm dụng. Sốt là một phản ứng miễn dịch của cơ thể, giúp trẻ chống lại nhiễm trùng và mau hết bệnh, ba mẹ không nhất thiết phải cho con uống thuốc hạ sốt nếu như trẻ không quấy hay bứt rứt vì sốt. Nhiều phụ huynh không kiên nhẫn chờ đủ thời gian cho phép giữa 2 cữ thuốc, dẫn đến việc cho bé uống thuốc quá liều. Tuyệt đối không dùng aspirin cho trẻ.

• Uống đủ nước. Cơ thể của bé tiêu hao nước nhiều hơn khi phải “chiến đấu” với cơn sốt, vì thế, ba mẹ hãy đảm bảo cho bé nạp càng nhiều chất lỏng càng tốt.

• Mặc quần áo thoáng mát

• Lau mát: Nhiều phụ huynh được khuyến cáo lau mát cho trẻ bằng nước ấm khi bé bị sốt, nhưng biện pháp này không hề hiệu quả mà còn làm cho trẻ khó chịu. Bạn không cần lau mát cho trẻ bị sốt nhưng vẫn có thể tắm rửa bé bình thường để giữ cho cơ thể bé sạch sẽ.

Phòng ngừa cho trẻ

Với những phụ huynh có kinh nghiệm, trẻ em ho, sốt, sổ mũi được xem là chuyện bình thường. Tuy nhiên, với người lần đầu làm cha mẹ, lo lắng, bất an khi bé rơi vào các tình huống trên là chuyện tất nhiên. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn chia sẻ cùng các bậc cha mẹ những phương pháp dưới đây để giúp bé tránh rơi vào những tình huống trên:

Ngủ đủ. Nếu thường xuyên bị thiếu ngủ, hệ miễn dịch của bé có thể trở nên chậm chạp và uể oải, khó chiến thắng được vi khuẩn. Thực tế cho thấy 1/3 trẻ em hiện nay không được ngủ đủ thời gian cần thiết. Bé sơ sinh cần được ngủ khoảng 18 giờ/ngày, bé tuổi mẫu giáo từ 12 – 14 tiếng/ngày và bé tiểu học khoảng 11 tiếng/ngày.

Rửa tay thường xuyên. Có 80% các loại bệnh nhiễm trùng lây qua tiếp xúc. Vì vậy, phụ huynh nên tạo cho bé thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh.

Giữ nhà cửa sạch sẽ. Khi một thành viên trong nhà bị bệnh, cần tăng cường giữ gìn vệ sinh để những thành viên khác không bị lây nhiễm. Việc này là một thử thách với các thành viên trong gia đình vì virus có thể sống được đến 2 giờ đồng hồ trên những vật dụng như ly, chén, khăn, bàn, điều khiển ti vi… Do đó, việc lau, rửa sạch đồ dùng ở những khu vực tiếp xúc thường xuyên với người bệnh rất quan trọng. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng nên hướng dẫn bé cách xì mũi, che miệng khi ho. Không dùng chung ly, chén bát, ly đánh răng... để tránh lây lan vi khuẩn.


Hạ sốt hiệu quả cho bé theo cách dân gian


Có những trẻ không uống được thuốc hạ sốt, cứ uống vào là nôn ọe, có những bé lại nhất quyết không chịu uống thuốc. Không ít các bậc cha mẹ trẻ tự hỏi: Có cách nào hạ sốt cho bé đơn giản mà hiệu quả không?

Hai hôm nay bị số, Nuna không chơi đùa, hét hò ầm ĩ như mọi hôm. Nhìn con thiêm thiếp nằm trên giường mà mẹ Nuna thấy thương con vô cùng. Hôm qua đi làm về, bà giúp việc nói là Nuna sốt từ lúc còn ở lớp làm mẹ lo lắm. Hôm nay mẹ ở nhà chăm sóc Nuna. Đưa Nuna đi khám, bác sĩ nói Nuna sốt do mọc răng mà thôi, mẹ chỉ cần cho con uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ là được. Nhưng Nuna cứ uống thuốc này vào là lại ọe hết ra và khóc ầm lên với vẻ rất mệt mỏi. Chờ cho con nghỉ ngơi vài tiếng, mẹ Nuna lại pha đợt thuốc khác cho con nhưng uống rồi Nuna lại tiếp tục nôn ra làm cả mẹ cả con đều mệt.

Nhìn con khóc, mẹ Nuna cũng muốn rơm rớm nước mắt khóc theo vì thương con. Đắp khăn ấm lên trán cho con, chờ con thiêm thiếp ngủ rồi, mẹ Nuna mới gọi điện cầu cứu bạn bè, họ hàng, những người đã từng có con nhỏ để xem có cách nào hạ sốt cho con mà không cần dùng đến thuốc không, vì Nuna không uống được thuốc hạ sốt, uống vào là nôn ra.

Và cuối cùng, mẹ Nuna “thu thập” được một loạt các biện pháp dân gian giúp hạ sốt cho em bé khá hiệu quả mà lại dễ, không khiến bé phải khó chịu như khi uống thuốc hạ sốt.

- Dùng cây cỏ nhọ nồi: Cỏ nhọ nồi ngâm rửa sạch, sau đó ngâm lại bằng nước muối đun sôi để nguội rồi vớt ra cho vào cối sạch giã nát. Lọc lấy nước cho bé uống, mỗi lần uống khoảng 50ml. Đối với bé dưới 1 tuổi, mẹ có thể đun sôi lên để nguội rồi mới cho bé uống cho yên tâm hơn. Bã nhọ nồi có thể cho vào khăn xô để lau người cho bé, lau nhiều nhất ở vùng trán, nách, bẹn và gan bàn chân.

- Lau người cho bé: Đưa bé vào nơi kín gió, cởi bỏ bớt quần áo và dùng khăn ấm lau người cho bé, nhất là các bộ phận nách, hạch, bẹn... Không nên đặt bé nằm ở nơi quá nóng. Cho bé ăn đồ ăn lỏng hơn ngày thường để dễ tiêu và uống các loại nước như orezol, nước chanh, nước cam. Không chườm cho bé bằng nước lạnh, nước đá, cũng không được xoa dầu gió cho bé.
- Tắm cho bé: Trước đây, các cụ nhà ta thường kiêng kị việc tắm táp mỗi khi bị sốt, nhất là với trẻ con. Nhưng ngày nay, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, tắm chính là cách hạ nhiệt cơ thể rất nhanh nhưng phải tuân thủ các kĩ thuật. Việc hạ nhiệt cho bé khi sốt là cực kì quan trọng vì não trẻ còn yếu nên rất dễ bị tổn thương. Tắm là cách chủ yếu để hạ nhiệt cho não.
Đưa bé vào phòng kín, đóng hết các cửa để tránh gió và cởi bỏ hết quần áo của trẻ. Nước tắm phải đảm bảo thấp hơn 2 độ so với nhiệt độ cơ thể trẻ (không thấp hơn quá nhiều để tránh sốc nhiệt, bé bị lạnh). Để bé vào chậu nước và tắm bình thường, tắm cả đầu trong khoảng 5-10 phút mà vẫn phải giữ sao cho nhiệt độ của nước tắm chỉ kém 2 độ so với thân nhiệt bé. Sau khi tắm, lau thật khô người cho bé và cho bé mặc quần áo mỏng. Vài tiếng sau có thể cho bé tắm lần nữa để hạ nhiệt độ. Khi tắm cho bé, điều quan trọng nhất là phải tránh gió để bé không bị lạnh.
- Xông cho bé: Đổ nước nóng vào bồn tắm hay một chậu lớn rồi pha một thìa dầu khuynh diệp hoặc benjoin vào. Phòng tắm phải đóng kín để hơi bốc lên không bị thoát ra ngoài. Bế bé trên tay hoặc để ngồi dưới sàn có trải khăn. Khoác một khăn tắm quanh người bé, không cần mặc quần áo. Mồ hôi bé sẽ ra nhiều. Hơi nước nóng có dầu sẽ thấm qua da được bé thở hít vào phổi.
Ngoài ra, có một số lưu ý mà cha mẹ cần nhớ mỗi khi hạ sốt cho con:

- Trong quá trình hạ sốt, tuyệt đối không bật quạt, bật điều hoà. Làm như thế, da bé khô sẽ mất nước và khó hạ sốt. Hãy để cho bé tự ra mồi hôi.

- Mặc quần áo thoáng cho bé, lau sạch mồ hôi và thay quần áo cho bé. Dùng quạt nan quạt nhẹ bằng tay cho bé được thoáng nếu cần thiết.

- Cho bé ở trong nhà và ở nơi mát mẻ. Hoặc nếu đang ở ngoài trời thì phải chọn chỗ bóng râm.

- Cho bé uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch oresol để bù nước, tránh tình trạng mất nước quá nhiều.

- Cho bé ăn đồ ăn lỏng, uống nước mát như sữa chua, cháo, súp…

Trong trường hợp bé sốt quá 3 ngày mà không đỡ dù đã áp dụng mọi cách thì nên đưa bé đi khám sớm. Với bé dưới 3 tháng tuổi thì nên đưa bé đi khám ngay khi bị sốt. Nếu bé khó thở, nổi nốt trên da kèm sốt thì càng nên đưa đi khám vì có thể bé đang mắc bệnh truyền nhiễm nặng.

Khi nào cần đưa trẻ đến bác sỹ


- Nếu trẻ bị sốt sau khi tiêm vắc-xin, sau 2-3 ngày trẻ sẽ trở lại bình thường. Bạn chỉ cần quan tâm theo giõi nhiệt độ cơ thể và bình tĩnh kiểm soát cơn sốt của trẻ ở nhà.

- Khi trẻ bị sốt không phải sau khi tiêm vắc-xin, bạn nên đưa trẻ đến bác sỹ để tìm ra nguyên nhân. Những căn bệnh nguy hiểm ở trẻ thường không phổ biến. Tuy nhiên, nếu trẻ từ 2 tháng tuổi trở xuống, có vấn đề với hệ miễn dịch, hoặc những vấn đề đặc biệt khác về sức khoẻ, bạn nên đưa trẻ đến bác sỹ ngay lập tức vì có thể bệnh sẽ nguy kịch hơn rất nhanh.

- Cho dù với lý do gì, nếu bất kỳ một dấu hiệu nào dưới đây xuất hiện, bạn nên đưa trẻ đến bác sỹ ngay. Những dấu hiệu gồm: Sốt triền miên, nhiệt độ cơ thể từ 40 độ trở lên, ăn không tốt, hoặc lên cơn co giật.

Nếu trẻ bị sốt triền miên, nhiệt độ cơ thể từ 40 độ trở lên, ăn không tốt, hoặc lên cơn co giật thì cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.


Theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ

Nhiệt độ cơ thể bình thường của trẻ thay đổi theo độ tuổi, hoạt động, điều kiện sức khoẻ, thời gian trong ngày và tuỳ thuộc vào việc đo nhiệt độ ở từng bộ phận trên cơ thể.

- Đo nhiệt độ ở trực tràng

  • Đây là phương pháp được xem là chính xác hơn cả để đo nhiệt độ của trẻ.
  • Có thể dùng nhiệt kế thuỷ ngân hoặc nhiệt kế điện tử.
  • Nếu nhiệt kế chỉ 37,5 độ thì được xem là bình thường.

- Phương pháp đo tai giữa

  • Phương pháp này đo nhiệt độ từ màng tai. Độ nóng được đo bằng thiết bị cảm ứng hồng ngoại của nhiệt kế đo tai được đặt cách ống tai một khoảng cách nhỏ.
  • Phương pháp này dễ và nhanh, có thể sử dụng cho trẻ hay om sòm hoặc đang khó chịu. Tuy nhiên cảm biến phải được đặt đúng vị trí trong ống tai để lấy được nhiệt độ chính xác. Cách này cũng không thích hợp nếu ống tai của bé có nhiều rỉ tai và các chất lưu.

Giảm thân nhiệt cho trẻ

- Sử dụng thuốc được kê đơn

Khi nhiệt độ trực tràng chỉ trên 38 độ và trẻ cảm thấy khó chịu, bạn có thể cân nhắc đến việc sử dụng thuốc hạ sốt đã được kê đơn cho trẻ. Chỉ sử dụng thuốc khi trẻ bị sốt trong khoảng 4-6 tiếng giữa mỗi lần uống thuốc. Hãy kiểm tra nhãn thuốc cẩn thận, chú ý các chỉ dẫn, và đảm bảo rằng liều thuốc và thời gian không quá độ bởi quá liều thuốc có thể rất nguy hiểm cho trẻ.

- Mặc đồ thoải mái cho trẻ

Hãy mặc cho bé các đồ nhẹ nhàng để tránh làm bé quá nóng. Các đồ cotton là tốt nhất vì chúng có thể thấm mồ hôi. Hãy thay những đồ ẩm ướt hoặc những bộ đồ khô ráp sẽ làm bé cảm thấy dễ chịu hơn.

- Giữ phòng ốc thông thoáng

Giữ phòng ốc thông thoáng và mát mẻ giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể. Bạn có thể mở cửa sổ, mở điều hoà nhiệt độ, hoặc mở quạt.

- Lau chùi cho bé bằng nước ấm

Khi trẻ có nhiệt độ trực tràng trên 40 độ, đã từng bị sốt co giật hoặc không thể uống thuốc, lau chùi cho trẻ bằng nước ấm có thể giúp làm giảm sốt. Đặt trẻ ngồi trong một bồn tắm nước ấm và dùng khăn mềm dấp nước lên người bé trong khoảng 5-10 phút. Đừng dùng nước lạnh vì điều này chỉ làm tăng thêm nhiệt độ cơ thể của trẻ. Nếu nước bị lạnh đi hoặc trẻ bắt đầu run rẩy, hãy nhấc trẻ ra khỏi nước ngay.

Bổ sung nước cho cơ thể bé

Việc đổ mồ hôi trong quá trình bị sốt giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, nó cũng sẽ dẫn tới việc mất nước của cơ thể trẻ. Cố gắng cho trẻ uống thêm nhiều nước để bổ sung lượng đã mất đi. Đối với những trẻ nuôi bằng sữa mẹ, đơn giản chỉ cần tăng thời lượng cho trẻ bú vì sữa mẹ có chứa rất nhiều nước.

Cho bé nghỉ ngơi đầy đủ

Khi bị sốt, trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ, hãy để trẻ nghỉ ngơi. Bị sốt cũng sẽ làm giảm các hoạt động tiêu hoá của dạ dày, vì thế hãy cố gắng tránh cho bé ăn những đồ ăn khó tiêu hoá, không có lý do nào để giảm bữa ăn thường ngày khi bé không từ chối ăn.

Chăm sóc bé bị sốt có thể là công việc mệt mỏi và khắt khe. Vì thế, hãy chuẩn bị tinh thần và chia sẻ việc chăm sóc trẻ với mọi thành viên khác trong gia đình. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào liên quan đến trẻ sốt, hãy thử nói chuyện với ai đó có kinh nghiệm hoặc những người tư vấn chăm sóc sức khoẻ cá nhân.





Chăm sóc bé khi bị sốt như thế nào đúng nhất
Bé tiêm phòng bị sốt phải làm sao
Mẹo giúp bé mọc răng không bị sốt
Trẻ bị sốt phát ban phải làm gì?
Bệnh Sốt xuất huyết ở trẻ em
Thức ăn cho người bị bệnh sốt xuất huyết
Sốt trong 3 tháng đầu mang thai





(st)