Chữa bệnh đau thần kinh tọa như thế nào?
Chữa bệnh tiêu chảy cho chó hiệu quả
Tác dụng chữa bệnh của cây cỏ mực
Tác dụng chữa bệnh của cây lá lốt
- Lá lốt không chỉ là cây rau mà còn là cây thuốc có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt
Cây lá lốt thuộc họ hồ tiêu, được trồng ở những nơi có khí hậu nóng ẩm. Cần phân biệt lá lốt với trầu không, hồ tiêu và trầu rừng, tránh nhầm lẫn đáng tiếc. Cây lá lốt rất dễ trồng, chỉ cần lấy 1 đoạn thân già khoảng 20-30cm giâm vào nơi ẩm ướt dưới bóng râm sẽ lên cây.
Bộ phận dùng, chế biến của cây lá lốt: lá, thân, hoa hay rễ. Thu hái quanh năm. Thường dùng tươi hoặc phơi khô.
Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt. Còn trong y học cổ truyền lá lốt có vị nồng, hơi cay, tính ấm, có công dụng làm ấm bụng, trừ lạnh, hạ khí và giảm đau...
Cây lá lốt có tác dụng chữa nhiều bệnh, nhưng công hiệu nổi bật nhất vẫn là chữa đau xương, thấp khớp, tê thấp. Khi dùng có thể dùng lá tươi, hay sấy khô. Cũng có thể lấy thân và rễ cây chặt nhỏ, ngâm trong rượu mạnh (trên 400) xoa bóp khi bị đau nhức hay chấn thương.
Một số bài thuốc chữa bệnh xương khớp
Chữa đau nhức xương khớp khi trời lạnh: 5-10g lá lốt phơi khô (15-30g lá tươi), sắc 2 bát nước còn ½ bát, uống khi còn ấm, nên uống sau bữa ăn tối. Uống 10 ngày liên tục; hoặc dùng lá lốt, rễ cây bưởi, vòi voi, cỏ xước, mỗi vị 30g, tất cả đều dùng tươi thái mỏng, sao vàng, sắc với 600ml nước, còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục trong 7 ngày.
Lấy lá lốt tươi, sao nóng, đắp lên vùng đau và băng lại; hoặc đắp lá lốt lên vùng đau rồi lấy muối (khoảng 1- 2 kg) rang nóng già, cho vào túi vải, đặt lên.
Mỗi ngày 1 lần đến 2 lần, liên tục từ 7 đến 10 ngày sẽ cho kết quả.
Đầu gối sưng đau: Lá lốt, ngải cứu mỗi vị 20g (tất cả dùng tươi), rửa sạch, giã nát, thêm giấm chưng nóng, đắp, chườm nơi đầu gối sưng đau.
Chữa đau lưng: lá lốt, ngải cứu, hy thiêm thảo liều lượng bằng nhau giã nát, chưng nóng đắp chỗ lưng đau, ngày 2 lần.
Đau khớp vai trái, dùng cây Lá lốt cả rễ, thân, lá phơi khô sao vàng sắc uống cũng đã khỏi bệnh hoàn toàn.
Một số công dụng khác
Chữa đau bụng do lạnh: Lá lốt tươi 20g, rửa sạch, đun với 300ml nước còn 100ml. Uống trong ngày khi thuốc còn ấm, nên uống trước bữa ăn tối. Dùng liên tục trong 2 ngày.
Chữa viêm nhiễm âm đạo, ngứa, ra nhiều khí hư: Lấy 50 gr lá lốt, 40 gr nghệ, 20 gr phèn chua, đổ nước ngập thuốc khoảng hai đốt ngón tay, đun sôi thì bớt lửa sôi liu riu khoảng 10-15 phút rồi chắt lấy một bát nước, để lắng trong, dùng rửa âm đạo. Số thuốc còn lại đun sôi để xông hơi vào âm đạo, rất hiệu nghiệm.
Trị sâu răng: rễ lá lốt 20-30g, ngâm với 60ml rượu trắng. Dùng bông tẩm thuốc, chấm vào chỗ răng đau ngày 2-3 lần.
Trị chứng ra nhiều mồ hôi chân tay: Lá lốt tươi 30g, rửa sạch, để ráo cho vào 1 lít nước đun sôi khoảng 3 phút, khi sôi cho thêm ít muối, để ấm dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối. Thực hiện liên tục trong 5-7 ngày; hoặc lá lốt 30g, thái nhỏ, sao vàng hạ thổ. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát. Chia 2 lần, uống trong ngày. Uống trong 7 ngày liền. Sau khi ngừng uống thuốc 4 đến 5 ngày lại tiếp tục uống một tuần nữa.
Chữa bệnh tổ đỉa ở bàn tay: 30g lá lốt tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy 1 bát nước đặc, uống trong ngày. Còn bã cho vào nồi đun với 3 bát nước, đun sôi khoảng 5 phút rồi vớt bã để riêng. Nước dùng để rửa nơi có tổ đỉa, sau đó lau khô lấy bã đắp lên, băng lại. Ngày làm 1-2 lần, liên tục trong 5-7 ngày.
Chữa kiết lỵ: Lấy một nắm lá lốt sắc với 300 ml nước, chia uống trong ngày.
Tóm lại, lá lốt không chỉ là vị thuốc dân gian mà còn là món rau và gia vị ngon miệng. Mâm cơm có bát canh lá lốt nấu với thịt nạc băm nhỏ hoặc nấu với tôm khô thật kích thích dịch vị. Chả thịt bò lá lốt (lá lốt gói thịt bò rồi nướng hay rán), nấu lươn, hoặc thái nhỏ để nấu canh với thịt nạc có tác dụng tiêu thực "nhẹ mình", rất dễ chịu. Để phòng ngừa bệnh xương khớp khi trời lạnh, hãy bổ sung món lá lốt vào thực đơn hàng ngày.