Công dụng của cây chua me đất bạn nên biết

Chua me đất hoa đỏ vị chua, tính hàn, có tác dụng tán ứ huyết, tiêu thũng, thanh nhiệt, giải độc. Nó được dùng chữa các bệnh tổn thương do trật đả, viêm họng, viêm đường tiết niệu, khí hư bạch đới, bỏng, viêm loét, mụn nhọt ngoài da

Thông tin chung  


Hoa của Chua me đất hoa hồng - Oxalis corymbosa - ảnh theo farm4.static.flickr.com


Toàn cây Chua me đất hoa hồng - ảnh theoaoki2.si.gunma-u.ac.jp

Tên thường gọi: Chua me đất hoa hồng
Tên khác: Chua me đất hoa đỏ, Me đất hường, Rau bo chua me, Hồng hoa thố tương thảo, Tam hiệp liên, Thủy toan chi, Cách dạ hợp...
Tên tiếng Anh:
Tên khoa học: Oxalis corymbosaDC.
Tên đồng nghĩa: Oxalis  martianaZucc.
Thuộc họ Chua me đất - Oxalidaceae.

Mô tả

Cây thảo có rễ mọc đứng, nạc, trắng, mang một vòng các hành nhỏ phủ vẩy. Lá có cuống chung nạc, có tuyến, mang 3 lá chét hình xoan ngược rộng, dài khoảng 2cm, rộng 3cm, lõm sâu ở giữa, có lông mi. Tán đơn hay kép, thân có hoa dài 10-12cm, mang 4-12 hoa màu hồng, có sọc, hơi cong xuống.

Bộ phận dùng

Toàn cây - Herba Oxalis Corymbosae

Nơi sống và thu hái

Cây gốc ở Mêhicô, nay phát tán trên các đất hoang phì nhiêu, mát, hợi chịu bóng, nhất là quanh các làng dưới tán các cây gỗ. Cây mọc hoang sống lâu năm nên người ta không trồng mà chỉ hái là khi cần dùng.

Tính vị, tác dụng

Cây có vị chua, tính mát, có tác dụng lợi tiểu và giải nhiệt.

Theo Đông y, chua me đất hoa đỏ vị chua, tính hàn, có tác dụng tán ứ huyết, tiêu thũng, thanh nhiệt, giải độc. Nó được dùng chữa các bệnh tổn thương do trật đả, viêm họng, viêm đường tiết niệu, khí hư bạch đới, bỏng, viêm loét, mụn nhọt ngoài da.

Công dụng, chỉ định và phối hợp

Lá mềm, có vị hơi chua và dịu, có thể luộc ăn với rau muống. Còn các hành có vẩy, màu vàng vàng, 4-5 cái xếp thành búi chỉ to không bằng ngón chân cái không ăn được vì quá chua. Lá nghiền ra hãm trong nước sôi vài giờ, hoặc toàn cây sắc uống có tác dụng giải nhiệt và trị kiết lỵ.

Để chữa trẻ em sốt cao, lấy chua me đất hoa đỏ 10-20 g, kim ngân hoa 10-20 g, sài đất 10 g, sắc Suống ngày một thang. Nếu bị mụn nhọt, viêm loét da, lấy chua me đất hoa đỏ và lá sống đời lượng bằng nhau, giã nát, đắp lên mụn nhọt.

Một số bài thuốc Nam thường dùng:

Chấn thương đau nhức do đụng dập: Chua me đất hoa đỏ 100-200 g sắc uống ngày một thang. Có thể dùng giã nát đắp tại chỗ sưng đau.

Viêm họng: Chua me đất hoa đỏ 20 g, lá xạ cạn 10 g, bồ công anh 20 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.

Viêm thận: Chua me đất hoa đỏ 100 g. Sắc uống ngày một thang.

Viêm đường tiết niệu (đái buốt, đái rắt): Chua me đất hoa đỏ 60 g, cây mã đề 20 g, râu ngô 20 g. Sắc uống ngày một thang.

Đái đục: Chua me đất hoa đỏ tươi, thổ phục linh, mã đề mỗi thứ 20 g. Sắc uống ngày một thang.

Trĩ: Chua me đất hoa đỏ tươi, hầm với ruột già lợn ăn ngày 1 lần.

Bỏng: Chua me đất hoa đỏ tươi 20 g, lá sống đời 20 g, giã nát, đắp lên vết bỏng.

Khí hư bạch đới: Chua me đất hoa đỏ tươi, rễ cỏ xước, rễ củ gai bánh (sao) mỗi thứ 20 g, rễ bấn 16 g sao. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.

Lỵ: Chua me đất hoa đỏ tươi, rau sam, lá non cây cơm nguội mỗi thứ 20 g thái nhỏ. Nấu canh ăn ngày 1-2 lần. (Nếu chỉ có chua me đất hoa đỏ tươi thì phải dùng đến 100 g, nấu canh ăn hoặc giã nát vắt lấy nước uống).

Chú ý

Chua me đất hoa đỏ có tác dụng trục ứ huyết, cần thận trọng với phụ nữ có thai.