Công dụng của gan động vật

Gan động vật nếu được tiêu thụ ở mức vừa phải có thể cung cấp các vitamin thiết yếu cho cơ thể hàng ngày.

Có nên ăn gan động vật?

Gan là loại phủ tạng chứa nhiều chất đạm, nhiều vitamin A và sắt. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ăn gan động vật (gan lợn, gà, vịt…) sẽ gây độc cho cơ thể vì gan là cơ quan lọc chất độc. Hiểu như vậy có đúng?

Ảnh: minh họa - Internet

Ngoài chức năng tạo mật để tiêu hóa và hấp thu chất béo, sản xuất chất đạm, dự trữ đường… gan còn là cơ quan giúp giải độc cho cơ thể. Tất cả các chất đi vào cơ thể từ hệ tiêu hóa (thức ăn, nước uống, thuốc men…) hoặc từ da, niêm mạc thấm vào máu hoặc từ hệ hô hấp hít vào… đều phải đi qua gan và gan sẽ chọn lọc các thành phần này, một số giữ lại để gan xử lý hoặc tiếp tục vào máu.

Những chất độc cho cơ thể, ví dụ như nitơ từ thực phẩm giàu đạm sẽ được gan chuyển thành urê và cuối cùng được thận thải ra ngoài ở dạng amoniac. Các loại thuốc kháng sinh sau khi phát huy tác dụng, đến gan sẽ được chuyển hóa thành chất khác để không còn tác dụng diệt vi khuẩn nữa và thải dần ra ngoài. Như vậy, chất độc không tập trung tích lũy trong gan mà là khi đi qua gan sẽ được gan giữ lại để chuyển thành chất không độc, sau đó được chuyển tiếp ra ngoài gan và ra khỏi cơ thể.

Tuy nhiên, có một số bệnh lý hoặc cơ thể bị nhiễm độc vì một số kim loại, chất hóa học đặc biệt mà cơ thể không chuyển hóa được lại bị tích lũy trong gan và dần dần có thể làm tổn thương gan. Gan có nhiệm vụ chuyển hoá và giải chất độc nên nếu chức năng gan kém, bị bệnh không thải được chất độc ra ngoài thì trong gan sẽ còn tồn dư nhiều mầm bệnh. Các loại ký sinh trùng như sán lá gan cũng thường trú ngụ ở gan, mặt khác ở những con lợn bị bệnh viêm gan thì gan sẽ chứa nhiều virut và độc tố gây bệnh.

Các loại gan cóc, gan cá nóc chứa chất độc có thể gây chết người, nhưng gan động vật khác thì lại rất giàu chất đạm, chất sắt, vitamin A, acid folic, cholesterol… cần thiết cho tăng trưởng, phát triển cơ thể. Vì vậy, thỉnh thoảng chúng ta vẫn có thể ăn gan động vật. Người không bị tăng mỡ máu có thể ăn gan 2 - 3 lần mỗi tuần với số lượng vừa phải (20g - 40g một bữa), nhưng người đã có tăng mỡ máu thì chỉ nên ăn gan dưới hai lần mỗi tuần, vì gan có thể góp phần làm tăng cholesterol máu. Người bệnh gout cũng phải hạn chế ăn gan vì có thể gây tăng acid uric.

Khi mua gan, lưu ý chọn gan có màu đỏ sẫm tươi, không có những nốt sần trên bề mặt, ấn tay vào miếng gan thấy có đàn hồi tốt, miếng gan dẻo là gan có chất lượng tốt. Còn nếu trên bề mặt miếng gan có những nốt sần cục, màu vàng hoặc tím sẫm, có mùi hôi là gan nhiễm bệnh không nên mua. Trước khi chế biến, nên cắt lát mỏng từng miếng gan rửa sạch bằng nước lạnh, bóp hết máu đọng, lấy giấy ăn thấm khô hết máu trong gan để loại bỏ chất độc trong máu của gan, chỉ còn giữ lại các tế bào gan giàu chất dinh dưỡng. Không nên ăn gan còn tái mà phải lưu ý để lửa to, cho gan chín kỹ để diệt được các vi khuẩn gây bệnh và các ký sinh trùng.

Theo Nguyệt Minh
Sức khỏe & Đời sống

Giá trị dinh dưỡng của các loại gan động vật

Gan động vật không chỉ chứa nhiều loại vitamin, mà chúng còn chứa hàm lượng lớn protein. Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng thịt gà, bò, cá thu, và nội tạng của chúng, trong đó có cả gan để làm các món ăn hàng ngày. Tùy thuộc vào từng loại động vật mà số lượng các vitamin và chất dinh dưỡng trong gan của chúng có thể thay đổi khác nhau. Nội tạng của chúng cũng có thể có hàm lượng cholesterol cao, tuy nhiên, “gan của chúng lại rất giàu chất sắt và vitamin", theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ.
Dưới đây là danh sách các loại gan động vật giàu chất dinh dưỡng cho một chế độ ăn uống lành mạnh.
Gan lợn
Gan lợn là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, có độ đạm cao, chứa vitamin A, B, D cùng axid folic, nicotilic cần thiết cho cơ thể. Lượng vitamin A trong gan heo cao hơn nhiều so với sữa, trứng, thịt, cá. Nó có tác dụng duy trì sự sinh trưởng, làm sáng mắt, phòng trừ bệnh khô mắt, mỏi mắt. Hàm lượng vitamin C và Selen phong phú trong gan lợn giúp tăng cường sức miễn dịch cho cơ thể, chống ôxy hóa, chống lão hóa, ức chế các tế bào ung thư. Những người thiếu máu hay suy nhược nên thường xuyên ăn loại thực phẩm này. 
Gan lợn tuy giàu dinh dưỡng và các nguyên tố vi lượng nhưng cũng có thể là nơi tập trung các chất cặn bã gây hại cho sức khỏe. Bộ phận này có nhiệm vụ chuyển hóa và giải các chất độc nên nếu bị bệnh hoặc hoạt động kém, nó sẽ chứa rất nhiều mầm bệnh. Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng không khuyến khích bạn ăn nhiều loại gan này. Bệnh nhân bị tăng mỡ máu hoặc bị bệnh gan... càng không nên ăn nhiều gan lợn vì nó chứa nhiều mỡ.

Ảnh minh họa
Gan vịt
Gan vịt giàu protein, khoáng chất, vitamin và các axit amin thiết yếu, đặc biệt là vitamin A và chất đồng. Đồng là một nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể con người. Chúng còn rất quan trọng trong việc xây dựng xương, kích thích hormone, và điều chỉnh nhịp tim của bạn. Hiệp hội Ung thư Mỹ đã chỉ ra rằng đồng có tính chống oxy hóa và có thể giúp chống lại bệnh ung thư khá hiệu quả.
Gan gà
Nếu muốn ăn gan gà, bạn phải đảm bảo rằng đó là những lá gan của gà hữu cơ (gà được chăn nuôi bằng phương thức hữu cơ). Nếu không, bạn có nguy cơ ăn phải những loại gan chứa đầy các chất kích thích và độc tố. Gan gà hữu cơ có chứa vitamin B12, nếu cơ thể có sự thiếu hụt vitamin này có thể gây ra bệnh thiếu máu. Vitamin B12 có thể ngăn ngừa chứng mất trí nhớ, thúc đẩy tâm trạng và năng lượng, làm chậm quá trình lão hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể. Tuy nhiên, gan gà có lượng vitamin A thấp hơn so với gan vịt. 
Mặc dù gan động vật có nhiều lợi ích, nhưng ăn nhiều lại không phải là điều được các chuyên gia sức khỏe khuyến khích. 
Để loại bỏ phần nào các chất độc có thể tồn tại trong gan, cần rửa thật sạch loại thực phẩm này, bóp sạch máu đọng, nấu chín hẳn mới được ăn. Không nên vì muốn ăn gan mềm mà chỉ xào chín tái vì cách nấu này không diệt được vi khuẩn gây bệnh và các ký sinh trùng trong gan.

(St)

Thực phẩm giúp giảm men gan đơn giản mà hiệu quả
Các thức ăn kỵ nhau bạn nên biết để tránh
Ăn gan động vật có tốt?
Triệu chứng khi bị men gan cao
Thực phẩm tốt cho gân cốt