Công dụng của lá cây sa kê trị bệnh tiểu đường

Sa kê có nhiều ở miền Tây Nam Bộ, trái sa kê khi nấu chín là món ăn chơi khá thú vị của miệt vườn. Bên cạnh đó, người ta cũng chú ý tới công dụng chữa bệnh từ rễ, thân, lá,…của nó.

Sa kê thuộc họ dâu tằm, quả to giống như quả mít tố nữ, tròn hoặc hình trứng. Quả sa kê mọc thành từng chùm, được dùng để chế biến ra nhiều món ăn ngon. Thường người ta xắt sa kê thành từng lát nhỏ, tẩm bột chiên giòn, ăn ngon như ăn bánh mì. Hoặc dùng nấu cà ri. Đặc biệt là món “kiểm” thường được người dân lưu vực sông Mê Kông ưa dùng trong những ngày giỗ chạp, đình đám, có vị béo ngậy của nước cốt dừa.

Sa kê còn được xay thành bột để chế biến nhiều món ăn thường ngày như làm thành pho mát, bánh ngọt, nấu với tôm, cá trộn, hay gạo.

Theo Đông y, rễ sa kê có tính làm dịu, trị ho và có tác dụng sát trùng, dùng trị bệnh hen và các chứng rối loạn dạ dày, đau răng, bệnh về da rất tốt.

Vỏ cây sa kê dùng trị ghẻ; nhựa cây được dùng pha loãng trị tiêu chảy và lỵ; còn lá sa kê tươi thì được dùng với lá đu đủ tươi, giã với vôi để đắp trị nhọt.

Dân gian dùng lá sa kê chữa phù thủng, viêm gan vàng da bằng cách nấu lá tươi để uống. Ngoài ra, lá sa kê phối hợp với một số vị thuốc khác sẽ trị được một số bệnh như: trị bệnh gút, sỏi thận, tiểu đường, huyết áp cao…

Đối với bệnh tiểu đường thì món “Canh lá sa kê” nấu chung đậu bắp, đọt ổi, đậu hũ non là một bài thuốc có công dụng hiệu quả và rất mát. Đây là món canh dùng trị bệnh cho người tiểu đường typ 2. Dưới đây là cách làm món ăn này:

Nguyên liệu: 
- ½ lá sa kê non
- 2 trái đậu bắp 
- 5 đọt ổi 
- 1 miếng đậu hũ non 
- Muối 

Thực hiện:
- Lá sa kê thái sợi, đậu bắp xắt khúc, đọt ổi non rửa sạch
- Đậu hũ xắt nhỏ hoặc cắt miếng vuông vừa ăn 
- Bắt nồi nước lên bếp, đợi nước sôi già cho đậu hũ và đậu bắp vào, khoảng 2 phút sau cho tiếp lá sa kê, đọt ổi vào, nêm gia vị cho vừa ăn, nhắc xuống ngay.
- Dùng nóng với cơm.