Công thức nấu bún giò heo cho bữa sáng ngon miệng

Trời đã sang thu, không còn cái nóng mệt mỏi mùa hè, những món ăn mùa này cũng "dễ dãi", phong phú hơn mà không làm thực khách ngán. Bún giò heo sẽ là lựa chọn thích hợp đầu mùa.


Nước dùng:


- Hầm 500gr xương heo với 4 lít nước + 150gr hành tây + 2 muỗng cà phê muối. Hầm nhỏ lửa, vớt bọt liên tục, hầm cho nước còn khoảng 3, 5 lít nước là được. Tùy thích sử dụng nồi áp suất để nấu. Sau khi có nước xương, vớt bỏ xác xương, hành.

- 50gr tôm khô: Ngâm nước cho tôm mềm, giã hoặc xay nhuyễn tôm, cho vào nồi nước xương.


Ảnh: Englishrainbow

Giò heo: Nên dùng chân giò heo trước để ít mỡ hơn. Đừng nên dùng chân giò lớn quá.

- Chế biến cách 1: Dùng dao hoặc cưa chuyên dùng nhà bếp cắt chân giò thành khoanh mỏng. Tẩm ướp mỗi kí thịt chân giò với: 1, 5 muỗng cà phê muối + ½ muỗng cà phê tiêu + 1 muỗng súp nước mắm nếu thích + 1 muỗng súp hành tím băm. Để qua 40 phút rồi thả thịt vào nồi nước xương, nấu nhỏ lửa cho chân giò vừa chín dòn, đừng đề chín mềm quá sẽ không ngon. Vớt các khoanh chân giò ra để riêng.

- Chế biến cách 2: Tẩm ướp nguyên cái chân giò với gia vị theo trọng lượng như cách 1, để qua 2 giờ trong tủ lạnh, thả cả cái chân giò vào nồi nước xương nấu nhỏ lửa cho chân giò chín đều, vớt ra để nguội.

- Chế biến cách 3: Rút xuơng chân giò, tẩm ướp, rồi dùng chỉ ràng chắc lại và luộc chín cả cái chân giò trong nước xương.

Làm chân giò như cách hai và cách ba tuy có tốn công nhưng rất dễ dàng để cắt thịt thành khoanh dày mỏng, dài ngắn đẹp mắt hơn bằng cách dùng dao mỏng bén cắt ngang thành khoanh hoặc cắt lạng xéo từ ngoài vào trong để miếng thịt có ít nhiều nạc mỡ tùy ý, rất dễ làm cho tô bún đẹp mắt hơn.


Sau khi luộc chân giò, cho thêm từ từ vào nồi nước xương từng ít nước sôi, vừa cho nước sôi vừa nêm lại để nước dùng nhẹ nhàng, vừa đủ. Nhiều xương thịt quá trong nồi nước dùng không có nghĩa là sẽ ngon. Giữ nóng nước dùng trên bếp.

Chả tôm viên:

- Làm từng ít một với khoảng 300gr tôm thẻ tươi, lột vỏ. Nếu bạn làm tôm tươi sống, còn đang bơi thì không cần chế biến, còn dùng tôm đông lạnh hoặc ngâm nước đá thì có thể dùng một trong hai cách sau cho viên chả tôm dai hơn. Pha loãng 1 lít nước với 10gr muối để ngâm tôm đã lột vỏ trong khoảng 5 phút hoặc dùng nước dừa tuơi ngọt để ngâm tôm đã lột vỏ trong khoảng 30 phút. Nếu dùng nước muối thì phải xã lại nước lạnh vài lần rồi dùng miếng vải thưa cho tôm vào để vắt tôm cho thật ráo, còn dùng nước dừa thì chỉ cần vắt ráo là được.

- Quết nhuyễn mỗi 300gr tôm bằng chày cối với 1/3 muỗng cà phê muối + ¼ muỗng cà phê tiêu + 1/3 muỗng súp hành tím băm. Thử tôm đã nhuyễn chưa bằng cho một chút vào đầu hai ngón tay trò và cái, bóp lại, mở ra thấy nặng tay là được (ở nước ngoài nếu không sẵn chày cối thì dùng máy xay nghiền để làm tôm chứ đùng dùng máy băm cắt (chop) có dao hình chữ S để làm nhuyễn tôm).

- Dùng một cái muỗng cà phê để múc từng phần tôm cho đều tay, trước mỗi lần xúc tôm lại nhúng muỗng vào chén nước mắm có chút tiêu cho tôm không dính, múc và vo tôm thành viên dẹp, thả vào nồi nước xương, khi chín viên tôm sẽ nổi lên.

Phụ gia:

- Tương hột: Loại tương làm bằng đậu nành xay hoặc không: Phi thơm chừng 1 muỗng dầu ăn với 2 tép tỏi băm, cho vào chừng 3 muỗng súp tương với chừng 1 - 2 muỗng súp nước, hòa tan, để sôi, nêm lại với chút đường cho dịu vị mặn. Nếu tương chưa xay phải múc phần đậu hột ra băm nhuyễn rồi mới chế biến.


Ảnh: Tathy

- Nước màu: Làm nóng chừng 3 - 4 muỗng súp dầu với 2 muỗng cà phê hột điều màu, vớt bỏ hột điều rồi cho phần màu dầu vào nồi nước xương. Nhưng đa số người miền Nam làm món bún suông không dùng nước màu.

- Đậu phụng rang vàng, đải v���, giã dập.

- Tỏi tươi hoặc hành tím cắt lát mỏng, phi thơm vàng với chút dầu.

- Nước mắm nguyên chất, chanh ớt tươi.

- Giá sống để nguyên; rau thơm, xà lách cắt nhỏ tùy.

- Hành lá, hành tây, ngò... cắt nhỏ.

Trình bày món ăn:

- Trước khi ăn trụng lại các khoanh giò trong nước dùng nóng. Chia bún ra tô, tùy ý trải ít nhiều thịt giò cắt mỏng hay giò khoanh, gắp tôm viên ít nhiều cbo vào tô bún, khoắng nồi nước dùng cho xác tôm khô nổi lên, múc nước dùng có lẫn tôm khô tưới đều lên mặt bún, trải ít hành ngò, rắc tiêu bột; tùy thích cho thêm hành tỏi phi. Dọn rau sống ra dĩa riêng; các thứ nước chấm như nước mắm chanh ớt tươi, tương.mỗi thứ một dĩa nhỏ. Tùy thích nêm theo khẩu vị riêng.


Công thức 2: Ngọt thơm bún bò giò heo


Chỉ cần ngửi thấy mùi thơm của sả, vị ngậy của thịt toát ra từ nồi nước dùng là bạn đã không thể từ chối món bún quyến rũ này rồi…


Nguyên liệu: 

Xương lợn (xương hom)

Móng giò

Thịt chân giò rút xương

Thịt bò (thịt gáy là ngon nhất)

Giá đỗ

Sả, gừng, ớt, sa tế, mắm tôm, gia vị, bột nêm

Hành tây, rau thơm, hành xanh, chanh (hoặc quất)

Bún tươi. 

Cách làm: 

Xương lợn rửa sạch, đun sôi nước đầu rồi đổ đi, rửa lại lượt nữa. Cho xương vào ninh, lấy nước ngọt, bỏ xác xương.

Cho móng giò và thịt chân giò rút xương (được bó chặt bằng chỉ để sau thái chín cho đẹp mắt) vào nồi nước xương hầm. Đun sôi, vớt bọt, vặn lửa liu riu.

Thịt chân giò rút xương luộc chín, vớt ra thả vào bát nước lạnh, rồi để ráo. Có thể cho vào tủ lạnh, ngăn mát, để lúc thái miếng thịt được mỏng, đẹp và dễ thái.

Tiếp tục cho thịt bò vào nồi nước để luộc. Khi nồi nước dùng sôi, vặn nhỏ lửa, liên tục vớt bọt cho nước được trong.

Xả đập dập, hành tây bổ 6, thả vào nồi nước, nêm nếm gia vị cho vừa ăn.

Thị bò luộc mềm, vớt ra, thả vào nước lạnh, sau đó để ráo và cũng cho vào tủ lạnh ngăn mát để khi thái dễ dàng hơn.

Có thể tạo màu cho nước dùng bằng sa tế loại ngon, hoặc nếu có thể, chưng nước màu bằng dầu ăn với hạt điều.

Thịt bò, thịt chân giò rút xương thái mỏng, to bản.

Giá trụng qua nước sôi. Bún trụng nước sôi

Hành xanh, rau thơm thái nhỏ. Hành củ xé.

Bún sắp ra bát, bày thị bò, thịt chân giò, giá, hành, rau thơm, chan nước dùng và móng giò lên.

Ăn nóng, có thể ăn kèm thêm mắm tôm (hoặc mắm nêm), ớt, tiêu, chanh.

Chúc các bạn ngon miệng!



Công thức 3: Bún sườn móng giò nóng hổi



Nguyên liệu:

- Móng giò chân trước
- Sườn thăn
- Cà chua
- Nghệ
- Hành, mùi tàu
- Quả tạo chua: sấu (dọc, me...)
- Bún

Cách làm:

Bước 1: Dọc mùng tước vỏ, bóp muối rồi ngâm xả nhiều lần với nước cho hết ngứa, vớt ra, bóp nhẹ cho ráo nước.

Bước 2: Đun sôi một nồi nước, thả sườn và móng giò vào chần qua để móng và sườn tiết hết các chất bẩn, vớt ra rửa sạch lại với nước.

Bước 3: Ninh sườn và móng giò chín nhừ, các bạn có thể dùng nồi ninh để tiết kiệm thời gian.

Bước 4: Nghệ giã nhỏ lọc lấy nước cốt hoặc thái lát mỏng thả vào nồi nước dùng để tạo màu, cho dọc mùng vào.

Bước 5: Dọc mùng chín các bạn vớt riêng ra một cái bát, khi nào ăn mới thả vào sẽ giữ được độ giòn.

Bước 6: Cho cà chua bổ múi cau cùng me hoặc sấu vào nồi nước dùng, nêm nếm liều lượng sao cho canh có độ chua vừa miệng.

Bước 7: Khi ăn, chần bún với nước sôi, cho vào bát, xếp sườn, thịt móng giò, dọc mùng, rắc hành mùi tàu thái nhỏ lên trên rồi chan nước dùng thật nóng và thưởng thức ngay nhé.

Chúc các bạn ngon miệng!
 

Cách làm bún riêu tôm cực ngon
Cách làm bún mọc ngon như ngoài hàng
Cách nấu bún riêu ngon đổi món cho cả nhà
Cách làm bún tươi đảm bảo vệ sinh
Cách nấu canh bún ngon
Cách nấu bún bò Huế chay hương vị hấp dẫn .
Cách làm bún mắm miền Tây


(st)