Cư xử với gia đình vợ như thế nào?

Cư xử với gia đình vợ như thế nào? Những điều cần lưu ý và vài gợi ý để bạn có được mối quan hệ tốt nhất với gia đình nhà vợ.


Ứng xử với mẹ vợ

Từ xưa đến nay xung khắc thường xảy ra giữa mẹ chồng và nàng dâu còn đối với chàng rể và mẹ vợ ít có trường hợp xảy ra, nhưng không có nghĩa là không có. Dưới đây là những lời khuyên, để bạn đọc nhất là đối với những bạn đang và sẽ là chàng rể tham khảo.

1. Đừng quên rằng các bà mẹ vợ cũng là phụ nữ. Khó có ai trong số họ có thể đứng vững được trước bó hoa hoặc lọ nước hoa. Các chàng rể nên tặng bà món quà mà bà ưa thích, trong ngày sinh nhật hoặc ngày 8/3.

2. Hãy thường xuyên khen vợ mình trước mặt mẹ vợ. Hãy cho bà tin vào tình cảm yêu thương chân thành của mình với con gái bà.

3. Đừng cản trở mối thân tình giữa hai người phụ nữ này, đặc biệt là vào những ngày đầu các bạn mới chung sống với nhau.

4. Thường xuyên hỏi ý kiến mẹ vợ, vì bà có nhiều kinh nghiệm sống hơn bạn, nghĩa là bạn có thể học tập ở bà điều gì đó. Làm như vậy sẽ có hai cái lợi:

- Đề cao bà!

- Được bà giúp đỡ. Đặc biệt là khi gia đình bạn có chuyện cơm chẳng lành canh chẳng ngọt.

5. Hãy kiên trì, vui vẻ lắng nghe ý kiến của bà, dù bạn thích hay không thích nghe.

6. Hãy coi bà là mẹ đẻ thứ hai. Nếu bà gọi điện để gặp con gái thì bạn  hãy tranh thủ chuyện  trò đôi ba phút với bà: Hỏi thăm về sức khỏe, công việc... trước khi gọi vợ ra tiếp chuyện. Đó là cơ hội thuận tiện để củng cố quan hệ giữa bạn và mẹ vợ. Và điều bạn nên ghi nhớ là đừng lục vấn bà nghĩ thế nào về bạn.

Vợ - chồng: không nên so sánh

Không quan hệ nào gắn bó, gần gũi như quan hệ giữa vợ với chồng. Nhưng càng gần lại càng cần tế nhị nếu không muốn người bạn đời bị tổn thương. Tình yêu hình thành và tồn tại trên cơ sở của ba yếu tố: sự tôn trọng, tình yêu thương và niềm đam mê.
Do vậy, một trong những điều tối kỵ của quan hệ vợ chồng là so sánh bạn đời với ai đó. Thực tế, rất nhiều cặp vợ chồng vấp phải chuyện này. Đơn giản vì ở cự ly "cận cảnh" người ta dễ thấy khiếm khuyết của chồng hoặc vợ mình che khuất những ưu điểm. Đồng thời cũng vì ở "ngoài chăn", không thế thấy được những "con rận" trong gia đình người khác nên dễ có sự so sánh không khách quan.

Vợ chồng anh chị Ân - An ly hôn trong sự ngạc nhiên của nhiều người. Kinh tế khá giả, con ngoan, vợ đảm nhưng anh Ân vẫn quyết bỏ vợ. Trước tòa, anh trần tình: Công việc đòi hỏi anh phải tiếp khách, nên chuyện đưa khách đi ăn uống không thể tránh. Vợ anh, chị An, không thông cảm mà thường xuyên đay nghiến anh "không bằng một góc" anh trai, em trai chị, chỉ chơi bời nhậu nhẹt chứ không quan tâm đến vợ con.

Cứ cho rằng sự so sánh đó là đúng đi nữa thì mục đích của người nói chưa chắc đã là hạ thấp bạn đời của mình. Tuy nhiên, trong thâm tâm người bị so sánh thường thấy tự ti không dễ gì quên ngay được. Đa phần họ cho rằng họ không còn được tôn trọng trong mắt bạn đời của mình nữa.

"Chinh phục" bố mẹ chồng/vợ khó tính


Có một số vấn đề dễ gây xung đột nhất giữa bạn và bố mẹ chồng/vợ mà nếu khéo léo hóa giải, bạn có thể "chung sống hòa bình" với họ cũng như khiến bạn đời không buồn lòng.

Khi bạn quyết định kết hôn với một ai đó thì bố mẹ của người ấy sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bạn. Chúng ta có thể chọn bạn đời cho mình nhưng lại không thể chọn bố mẹ chồng/vợ. Vì thế, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với họ là điều rất cần thiết, đặc biết nếu bố mẹ chồng/vợ khó tính, thì việc học cách chung sống hòa thuận với họ càng trở nên quan trọng. 

Chị Anh Thư, một giao dịch viên ngân hàng, tâm sự: “Lẽ ra hai người chị chồng nên coi tôi như một thành viên trong gia đình và gần gũi, thân mật với tôi. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy, thậm chí sau 20 năm tôi chung sống với nhà chồng, họ vẫn không hề trò chuyện nhiều với tôi mà chỉ muốn nói chuyện với chồng tôi. Trước đây, tôi từng rất buồn và cũng đã cãi nhau với chồng về điều đó. Nhưng rồi về sau tôi nhận ra rằng thật ra đó chỉ là do tôi và họ có quan điểm về gia đình khác nhau”. 

Chuyên gia tư vấn hôn nhân và gia đình, bà Nguyễn Thị Huệ, cho biết: “Nguyên nhân gốc rễ của hầu hết các vấn đề thường là do chúng ta được giáo dục khác nhau. Mỗi gia đình có một giá trị, truyền thống và cách sinh hoạt riêng. Tất cả mọi thứ, từ cách nuôi dạy con cho đến cách giải quyết việc nhà đều mang dấu ấn mạnh mẽ của từng gia đình. Khi dấu ấn của bố mẹ chồng khác với của bạn thì sự khác nhau về quan điểm và các vấn đề sẽ nảy sinh”. 

Bà Huệ cũng nói thêm rằng: “Để có mối quan hệ hòa thuận với bố mẹ chồng/vợ, trước hết, bạn và bạn đời phải luôn là một thực thể thống nhất. Nếu chỉ một mình một chiến tuyến, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc đối phó với bố mẹ chồng/vợ khó tính. Nhưng nếu cả hai vợ chồng đồng trí đồng lòng và ủng hộ nhau thì chắc chắn bạn sẽ thành công”. 

Sau đây là một số vấn đề dễ gây xung đột nhất giữa các cặp vợ chồng với bố mẹ của phía bên kia kèm theo những lời khuyên giúp bạn hóa giải tình huống: 

Những thói quen khó chịu

Chị Mai Hoa, 23 tuổi, mới sinh con được 3 tuần. Hiện chị đang gặp khó khăn trong việc cho con bú và bị thiếu ngủ trầm trọng. Tuy nhiên, những khó khăn đó đối với chị không đáng sợ bằng người chị chồng thiếu tế nhị. 

Chị Mai Hoa tiết lộ: “Chị ấy thường xuyên ghé thăm con chúng tôi một cách bất ngờ, bất kể lúc nào trong ngày, mà không báo trước. Mặc dù tôi đã bóng gió rằng tôi thích được gọi điện báo trước khi ai đó đến thăm nhưng chị ấy vẫn lờ đi”.

Chị Ánh Tuyết, một nhân viên văn phòng 31 tuổi, tâm sự: “Mẹ chồng tôi thường xuyên đi vào phòng ngủ của vợ chồng tôi, bất kể ngày hay đêm, và cứ ở lì trong đó mà không hề biết rằng bà đang quấy rầy sự riêng tư của chúng tôi. Một lần khi chúng tôi đang ân ái thì bà suýt nữa bước vào. Chúng tôi được một phen thót tim. Tôi đã trút tất cả bực bội lên chồng mình nhưng anh ấy chẳng có hành động gì để thay đổi điều đó mà chỉ nói với tôi rằng đây là nhà của mẹ anh ấy nên bà có quyền làm điều gì mình thích. Hơn nữa, mẹ anh ấy giờ chỉ có một mình (bố anh ấy đã mất). Vì thế, tôi nên thông cảm với bà. Thật khó để xử lý điều đó khi tôi chỉ đơn thương độc mã vì vậy tôi đã mặc kệ. Nhưng quả  thật điều tôi mong muốn nhất trong 5 năm chung sống là không gian riêng tư của chúng tôi được tôn trọng”. 

Khắc phục 

Tất cả chúng ta ai cũng đều có những thói quen khó chịu. Tốt nhất hai vợ chồng bạn hãy cùng ngồi lại với nhau và liệt kê những điều khó chịu mà bố mẹ đẻ hoặc bố mẹ chồng/vợ làm. Sau đó, cả hai hãy cùng đi đến thống nhất những điều nào có thể bỏ qua và những điều nào không thể chấp nhận rồi bàn nhau cách tốt nhất để đề nghị bố mẹ chồng/vợ không làm điều đó nữa. Trong trường hợp đó là bố mẹ đẻ của bạn, bạn sẽ biết rõ nên làm thế nào hơn cả.  

Tránh bắt bạn đời phải lựa chọn giữa bạn và một thành viên khác trong gia đình anh ấy/cô ấy và nên nhớ dù bạn có cố thế nào cũng không thể chia rẽ được họ đâu. Vì thế, hãy cố gắng hiểu và thông cảm với mối quan hệ giữa bạn đời và gia đình anh ấy/cô ấy. Và nếu có thể, hãy ủng hộ mối quan hệ đó. Dù đó là những người đáng sợ đến mức nào thì họ cũng là bố mẹ đẻ của chồng/vợ bạn. 

Chê bai, chỉ trích 

Chị Thu Minh, một nhân viên kế toán, chia sẻ: “Mẹ chồng của tôi dường như chẳng bao giờ hài lòng với khả năng nấu nướng của tôi. Bất kỳ khi nào tôi làm một món ăn, bà cũng sẽ không ngớt bình phẩm này kia, chẳng hạn lẽ ra tôi có thể nấu ngon hơn bằng cách thêm cái này cái nọ. Bà luôn tìm cách chứng tỏ rằng bà là một người nấu nướng giỏi hơn tôi. Thường thì tôi bỏ qua những điều đó nhưng đôi khi tôi cảm thấy thật sự khó chịu”.  

Còn chị Hà Anh, giám đốc điều hành một công ty truyền thông, thì lại tiết lộ: “Bố chồng tôi không thôi kêu ca về cách tôi chăm lo cho ngôi nhà của mình. Tôi cảm thấy rất buồn khi ông luôn phàn nàn rằng ngôi nhà không được chăm sóc, giữ gìn tốt. Tôi và chồng  đều bận rộn với công việc nên hầu như không có thời gian để làm điều đó. Tôi đã làm những gì tốt nhất có thể nhưng những lời kêu ca, chỉ trích của ông khiến tôi rất buồn”.  

Khắc phục 

Bà Huệ cho biết: “Một số bố mẹ chồng/vợ không hề ngại ngùng hay e dè chỉ trích con rể/con dâu khi thấy họ làm điều đó chưa đúng. Tốt nhất, hai vợ chồng hãy cùng nhau trao đổi để tìm cách góp ý tốt nhất với họ về việc thôi đưa ra những lời chỉ trích về những lựa chọn trong sự nghiệp hay khả năng làm bố làm mẹ của hai bạn”. 

“Khi có sự ủng hộ của chồng, người vợ sẽ đối phó với việc này dễ hơn. Tuy nhiên, thường thì bạn nên trực tiếp nói chuyện với mẹ chồng bởi có thể chồng bạn không cảm nhận được đây là một trận chiến đáng để tâm và do đó có thể sẽ tìm cách tránh thảo luận với bạn”. 

“Nếu bạn phải ưu tiên thời gian cho việc khác và không có thời gian chăm sóc ngôi nhà, hãy lựa cách nói để bố/mẹ chồng hiểu”.  

“Tuy nhiên,cần chú ý rằng nếu những lời phàn nàn đó trở thành một điệp khúc triền miên thì có thể có vấn đề sâu xa hơn. Có thể không phải bà chỉ muốn nói ‘Chỗ này nhiều bụi quá’ mà còn muốn ám chỉ rằng bạn chưa làm tròn nhiệm vụ của một người vợ tốt”. 

Giữ liên lạc 

Chị Hà Thu, 32 tuổi, ở Hà Nội, cho biết: “Kể từ khi cả hai đứa con nhà tôi bắt đầu đi học, vợ chồng tôi ít khi về quê (Hải Phòng) thăm bố mẹ hai bên. Một năm chúng tôi chỉ có thể về 1 lần. Dù không về được nhưng vợ chồng tôi đều cố gắng giữ liên lạc với họ qua điện thoại. Tuy nhiên, bố mẹ chồng tôi vẫn phàn nàn suốt rằng họ cảm thấy bị lãng quên vì chúng tôi đã không gọi điện cho họ thường xuyên. Họ thích được trò chuyện với chúng tôi hàng ngày. Trong khi đó, đối với bố mẹ tôi, họ cảm thấy ổn ngay cả khi mấy tháng chúng tôi mới gọi điện một lần. Sự khác biệt lớn này khiến tôi và chồng nảy sinh mâu thuẫn”.  

Khắc phục 

Theo bà Huệ, không có một quy tắc chuẩn nào về việc nên giữ liên lạc với bố mẹ chồng bao lâu một lần. Vì vậy, nếu gia đình chồng có những mong muốn khác với bên gia đình bạn thì tốt nhất bạn nên tìm cách thích nghi. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có một khả năng nhất định. Do đó, nếu những đòi hỏi của bố mẹ chồng đang khiến bạn kiệt sức thì bạn cũng nên đặt ra những giới hạn nhất định. Hãy cùng thảo luận với bạn đời về những giới hạn đó và cố gắng tìm cách làm cho bố mẹ chồng/vợ cảm thấy yên tâm rằng bạn không hề quên họ mà chỉ đơn giản là đang có nhiều việc cần hai bạn phải giải quyết”. 

Sự riêng tư 

Anh Tuấn Tú, một nhân viên lập trình tâm sự: “Mới đây, chúng tôi đã đến ăn tối cùng gia đình bên vợ và trước tất cả các thành viên trong gia đình, mẹ vợ tôi đã hỏi về lương bổng của tôi. Tôi thật sự không thích điều đó bởi tôi coi đó là điều riêng tư. Tuy nhiên, bà có vẻ lại nghĩ khác và điều này về sau đã dẫn đến những xung đột giữa tôi và vợ”. 

Khắc phục 

Bà Huệ cho biết, một số gia đình cho rằng mọi vấn đề đều có thể mang ra nói trong khi những gia đình khác lại đặt ra giới hạn riêng tư cho một số vấn đề. Vợ chồng bạn nên thống nhất với nhau về những vấn đề có thể nói với bố mẹ của bạnd đời và những vấn đề nên được coi là riêng tư, chẳng hạn sức khỏe, tài chính, hoặc khi nào thì nên có con… 

Bà Huệ cũng nói thêm rằng, những giới hạn này không khiến mối quan hệ với bố mẹ chồng/vợ tồi tệ đi mà chỉ thêm an toàn. 

Các dịp hội tụ gia đình 

Cưới hỏi, các ngày nghỉ lễ, hội hè là một trong những nguyên nhân gây mâu thuẫn của nhiều gia đình.  

Anh Hà Trung, một nhân viên ngân hàng, chia sẻ: “Bất kỳ khi nào gia đình có sự kiện hoặc dịp gì đặc biệt, bố mẹ vợ đều muốn chúng tôi đến dự. Họ không nhận ra rằng những chuyến đi như vậy tốn kém và ảnh hưởng đến công việc đến mức nào. Vợ tôi cũng đã xích mích với tôi về điều đó. Cô ấy về mong muốn được về thăm bố mẹ đẻ vào những dịp ấy và đã khóc lóc, khiến tôi cảm thấy thật tồi tệ”. 

Khắc phục 

Không nên chỉ trích bạn đời về mối quan hệ giữa anh ấy/cô ấy với bố mẹ đẻ của mình bởi điều đó chỉ khiến tình hình thêm phức tạp và tồi tệ hơn. Thay vào đó, hãy cùng trao đổi với nhau để tìm ra cách giải quyết tốt nhất.  

Việc hòa hợp với bố mẹ chồng/vợ sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn hiểu rõ họ. Theo bà Huệ, nếu một người vợ gặp vấn đề với mẹ chồng thì người chồng cần đứng ra hòa giải và kéo họ lại gần nhau hơn và ngược lại. Chồng/vợ nên đóng vai trò là người trung gian giữa bạn đời và bố mẹ đẻ của mình.

Quà tặng cho bố mẹ chồng

Gây ấn tượng với bố mẹ chồng tương lai

Mẹ chồng nàng dâu câu chuyện muôn thưở mà không bao giờ cũ

(St)


Em mới lập gia đình một năm nhưng mẹ vợ em không ưa mẹ chồng và sợ mẹ chồng bắt nạt con dâu nên đã vài lần xui con gái mình bỏ chồng lấy người khác nếu muốn cho dù vợ chồng em hâu như rất ít mâu thuẫn và đang yêu nhau! Em phải làm sao giờ gần 1 năm nay em khó xử với sự việc này quá!
hơn 1 tháng trước - Thích (18)
Mẹ tôi có mâu thuẩn với chồng tôi,tôi lại có mâu thuẩn với mẹ chồng. Hai ba thông gia mâu thuẩn với nhau nên vơ chồng tôi cũng thường hay co xích mích.Xin hỏi giờ tôi nên làm gì để bảo vệ gia đình và cải thiện xích mích giữa hai bên nội ngoại?
hơn 1 tháng trước - Thích (19)
Muốn cải thiên được xích mích theo hệ thống như nhà chị rất khó.Trước tiên cần hóa giải xích mích giữa chồng và chị, rồi chồng và mẹ chồng rồi chị và mẹ chồng.Sau dó mới tính đến chuyện hóa giải đôi bên.Tình cảm chân thành và mong muốn hóa giải thì sẽ nên chuyện thôi.Khuyên chị là nên thông minh nhịn đúng lúc nhé
hơn 1 tháng trước - Thích (18)
Gửi hỏi đáp - bình luận