Cư xử với người giúp việc

Nhịp sống hiện đại đã khiến cho nhiều gia đình có nhu cầu nhờ người giúp việc để họ có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Bạn nên ứng xử khéo léo với người giúp việc để cho không khí gia đình thuận hòa, êm ấm, công việc trôi chảy. Xin mách nhỏ với bạn một vài điều như sau:


- Đừng coi người giúp việc như kẻ nô lệ để rồi lên giọng, sai khiến, quát nạt.

- Đ��ng đối xử với họ nhạt nhẽo, dửng dưng mà mong nhận được sự yêu thương, quý mến từ họ.

- Không nên quá phân biệt đối xử với người giúp việc trong khi ăn uống, sinh hoạt bởi vì tuy địa vị, chỗ đứng khác nhau nhưng con người bình đẳng về nhân cách trong cuộc sống.

- Nếu người giúp việc xuất thân từ nông thôn, chưa thạo những việc làm ở thành phố, bạn cần quan tâm khuyên bảo, hướng dẫn họ làm những công việc mình cần.

- Không nên nghi ngờ lung tung hoặc thiếu tin tưởng khi trong gia đình có sơ suất mất mát vật gì mà chưa tìm ra nguyên nhân.

- Nên sòng phẳng tiền công đối với người giúp việc.

- Khi có người thân, bạn bè của người giúp việc đến nhà, bạn cần có thái độ ân cần, niềm nở và đúng mực kẻo người giúp việc tủi thân.

- Và điều cuối cùng, bạn cũng nên quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của người giúp việc, qua đó có thể động viên, an ủi hoặc khích lệ họ để tạo thêm sự thân tình, gắn bó giữa mọi người. 



Cuộc sống ngày càng khá giả đi kèm với áp lực công việc nên người giúp việc là lựa chọn tối ưu của nhiều gia đình. Các bà mẹ trẻ được “đỡ tay thay việc”. Nhưng từ đây lại phát sinh khá nhiều chuyện mà nếu không để tâm, thì có khi đó không còn là chuyện nhỏ.

Lỗi tại ai?

Chị Như (Q.Bình Thạnh, TP.HCM gần) như điên tiết lên khi nghe Tít, 5 tuổi kể rằng bà Tiến, người giúp việc, đánh nó. Chạy như bay lên nhà, vừa giáp mặt bà Tiến, Như gào lên: “Vì sao bà đánh nó, bà lấy quyền gì mà đánh nó. Bà mà còn như vậy nữa thì nghỉ làm đi”. Chị giúp việc 45 tuổi, rơm rớm nước mắt cúi đầu vì biết có muốn phân bua thì cũng khó có cơ hội.

Đó chỉ là một trong những “chuyện thường ngày” ở nhà chị Như. Chị luôn nghĩ người giúp việc do mình trả tiền, họ phải phục tùng mình, vì thế thằng bé con của chị cũng nghĩ thế. Nó sẵn sàng nạt nộ, gắt gỏng chị Tiến khi có chuyện gì nó không vừa lòng; mà mẹ nó thì chẳng bao giờ can thiệp.

Tức nước vỡ bờ, chị Tiến gặp ai trong khu chung cư cũng kể về gia đình chị Như với vẻ oán giận. Rồi mọi người trong chung cư cũng hiểu rằng, mâu thuẫn giữa người giúp việc với chị Như là do chị không biết dạy con, quá nuông chiều con và chính trong bản thân chị, sự phân định rạch ròi chủ-tớ khiến cho thằng bé bắt chước bởi nó chỉ là trẻ con.

Trong khi đó, chị Phi (Q.1, TP.HCM) lại rất quý người làm. Sau khi sinh bé thứ hai, do bận bịu chuyện trông coi tiệm hình cộng với chăm sóc con nhỏ nên hầu như chị “khoán trắng” bé Ly, 4 tuổi cho người giúp việc tên Hà. Công bằng mà nói, chị Hà là người biết thu vén, lại có vẻ thương trẻ con nên chị Phi cũng khá hài lòng. Một hôm trò chuyện với con, bất ngờ chị nhận thấy bé Ly nói chuyện luôn kèm theo chữ: “Mẹ nó”. Nghe cái giọng bi bô của đứa bé lên 4, chị vừa buồn cười vừa giận. Hỏi ra mới biết, bé “nhiễm” mấy từ “giang hồ” này là từ cô Hà giúp việc. Thế là từ hôm đó, chị Phi phải lập lại thời gian biểu của mình để có nhiều thời gian để mắt tới con hơn.

Dạy trẻ cách ứng xử với người làm

Mỗi đứa trẻ lớn lên đều phụ thuộc rất nhiều vào gia đình và phương cách giáo dục của phụ huynh. Không ai khác hơn ngoài cha mẹ là người gần gũi, tiếp xúc, chăm sóc hằng ngày quyết định rất lớn đến sự hình thành nhân cách ở trẻ.

Đối với người làm, cha mẹ cũng nên tạo mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng vì giúp việc là một nghề và người giúp việc cũng là một lao động. Khi thấy cha mẹ tôn trọng người giúp việc, chắc chắn trẻ cũng sẽ có thái độ cư xử đúng mực.

Mối quan hệ giữa chủ nhà - người giúp việc trong nhiều trường hợp là mối quan hệ khá phức tạp. Có khi, giữa hai bên không phải không có mâu thuẫn, nhưng họ vẫn gắn kết với nhau vì lợi ích của hai bên. Trong trường hợp này, người lớn không được nhồi nhét vào đầu trẻ những ý nghĩ tiêu cực về người giúp việc, kiểu như “mày phải canh chừng con nhỏ đó ăn cắp đồ nhà mình”, hay “mẹ mày không có nhà thì phải canh chừng ba mày với cô giúp việc đó”. Với sự thơ ngây của mình, trẻ sẽ có những hành xử theo kiểu tiêu cực, như lom lom dò xét người giúp việc, buông ra những lời nhận xét thiếu tế nhị, thiếu tôn trọng đối với người giúp việc, làm mâu thuẫn thêm nặng nề.

Do người giúp việc gắn bó với gia đình đã lâu, do không tìm được người thay thế... một số phụ huynh đành chấp nhận những những thói quen hành xử chưa tốt của người giúp việc, như ăn nói bỗ bã, ngồi lê đôi mách... Một mặt, phụ huynh cần nhẹ nhàng góp ý với người giúp việc để họ điều chỉnh, mặt khác, cần phân tích cho trẻ thấy đó là những hành vi chưa tốt, không nên học theo.

Tóm lại, trong tình hình cha mẹ ngày càng bận rộn hiện nay, thì người giúp việc cũng là người thường xuyên gần gũi với trẻ, và có ảnh hưởng nhất định đối với tính cách trẻ. Vì vậy, nếu nhà có con nhỏ, khi quyết định chọn người giúp việc, các bậc phụ huynh nên lưu ý đến cả cách nói năng, cư xử của người giúp việc, chứ đừng nghĩ rằng chỉ cần “được việc” là đủ.


Công việc, cuộc sống bận rộn dẫn đến việc một số gia đình phụ thuộc quá nhiều vào người giúp việc dẫn đến những hệ quả không hay mà báo đài vẫn hay đưa tin. Nên chăng chúng ta cần học cách điều chỉnh cuộc sống khi không có họ.

Từ Tết ra đến giờ tôi thấy nhà nhà vẫn náo loạn vì người giúp việc. Tôi là một người mẹ đi làm việc toàn thời gian, công việc quản lý rất bận rộn, 2 con lớn 12 và 10 tuổi và một bé 3 tuổi.

Không có bất cứ sự giúp đỡ nào từ bố của chúng cũng như của ông bà. Tôi nghĩ là nếu tôi “sống sót” được với việc không có người giúp việc, các nhà khác cũng có thể. Sau đây là những điều bạn nên suy nghĩ.

Ích lợi của việc không có người giúp việc

Bạn chủ động được cuộc sống của mình. Vì sao ư? Vì bạn hoàn toàn chủ động, không bị dựa dẫm vào một ai khác. Nhiều nhà bây giờ nói là họ “chiều giúp việc”, vì họ quá phụ thuộc vào người giúp việc. Đầu óc bạn sẽ trở nên “chiến lược” hơn để sắp xếp mọi chuyện trong nhà khi không có người giúp việc và điều này thực tế cũng sẽ giúp cho công việc của bạn.

Nếu bạn có con lớn, con bạn sẽ tự có ý thức với cuộc sống của mình hơn và với gia đình hơn. Con tôi, khi xuất hiện bóng dáng người giúp việc là tôi phải “gào” nhiều hơn chuyện chúng nó phải dọn phòng, phải làm cái này cái kia. Khi không có người giúp việc, không những tôi không phải “gào” mà chúng nó còn tự động chia thời gian ra để giúp mẹ.

Nếu bạn có con nhỏ, việc không có người giúp việc lại làm bạn có thời gian cho con hơn. Có người sẽ bảo, vớ vẩn, khi có người giúp việc làm việc nhà thì mình sẽ có thời gian chăm con được hơn chứ. Hãy thành thật với lòng mình.

Khi có người giúp việc, vô hình dung người giúp việc không chỉ làm việc nhà mà sẽ trông cả con bạn nữa, vì lúc đó bạn rất thảnh thơi để xem TV và gọi người giúp việc. Khi không có người giúp việc, tất nhiên mọi giao tiếp với con bạn, việc chăm sóc con ở trong tay bạn, và dĩ nhiên mọi giao tiếp, dù là đi “rửa đít” cho con cũng có thể tạo nên sự tiếp xúc hữu ích với trẻ.

Làm sao để công việc nhà trở nên dễ dàng?

Hãy lên kế hoạch tuần từ cuối tuần trước và lên kế hoạch của ngày hôm sau vào tối hôm trước. Đi chợ cho cả tuần, chuẩn bị sẵn trong tủ lạnh, khi đang nấu bữa tối của ngày hôm nay hãy chuẩn bị luôn đồ cho tối hôm sau.

Giản đơn hóa công việc nấu nướng: Thứ nhất, hãy chuyển sang nấu ăn bằng lò nướng. Thức ăn nướng luôn ngon, bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe. Bạn có thể nướng được bất cứ thứ gì. Và đơn giản: bạn ướp mọi thứ từ tối hôm trước, buổi chiều khi về nhà chỉ việc cho vào lò nướng, không sợ cháy, không phải đứng trông, trong thời gian đó bạn làm được khối việc.

Thứ hai, hãy làm salad. Dưa chuột, cà chua, muối, giấm, đường, dầu oliu… một món salad ngon và bổ dưỡng trong vòng 15 phút. Và ăn không biết chán.

Làm việc nhà mọi lúc mọi nơi: Lúc bạn đang đánh răng, hãy tiện tay lau luôn cái bồn rửa mặt. Tắm xong, hãy lau luôn cái sàn nhà tắm. Hãy để một bình xịt tiệt trùng trên bồn vệ sinh, trước khi đi vệ sinh, lấy giấy vệ sinh xịt nước tiệt trùng lau cái bệ ngồi, 5 giây, không bẩn tay. Bên cạnh đó, hãy một tuần 1 đến 2 lần thuê người dọn nhà chuyên nghiệp đến tổng vệ sinh nhà cho bạn.

Tại từng thời điểm, hãy nhớ việc gì quan trọng nhất: Quần áo có thể chưa gấp vội, nhà có thể chưa lau… nhưng nhà vệ sinh thì phải luôn luôn sạch… vì có thể đó là nơi cần sạch sẽ nhất để bảo đảm sức khỏe cho cả nhà.

Luôn ghi lại những công việc cần làm. Luôn ghi những kế hoạch, ý tưởng bất chợt, những nhắc nhở về việc cần làm vào điện thoại thông minh trước khi đi ngủ, lên bảng đóng ở bếp hay phòng khách, dán lên tủ lạnh…để bạn không quên việc.

Mẹo để mang lại thời gian thật sự có ích cho bạn và con bạn:

1.Kiểm tra lại độ an toàn của nhà bạn:

Khi không có người giúp việc, đây là cái quan trọng nhất để bảo đảm khi đâu đó trong nhà bạn, con bạn có thể khám phá mọi ngóc ngách trong khi bạn đang ở tận trong bếp nấu cơm. Cửa cầu thang, ổ điện, các đồ vật dễ rơi dễ vỡ… đều phải kiểm tra và loại bỏ mọi rủi ro liên quan đến an toàn của con bạn.

2.Khoanh vùng chơi cho con:

Kể cả con bạn đã có phòng riêng, hãy khoanh một góc chơi nơi bạn sẽ thường ở đó nhất, ví dụ gần bếp hay gần phòng khách, bảo đảm bạn nhìn thấy và có thể nói chuyện với con được nhiều nhất.

3.Đầu tư vào đồ chơi cho con:

Với việc bỏ được khoản chi tiêu 3-4 triệu một tháng vào người giúp việc, hãy đầu tư khoản tiền đó vào những đồ chơi phát triển dài lâu cho con bạn. Hai vấn đề khi mua đồ chơi: hãy chọn đồ chơi tốt vì như thế là tiết kiệm và chọn đồ chơi có bộ, đưa lại cho con bạn những hoạt động trải nghiệm dài và con bạn sẽ chơi được những đồ chơi đó trong thời gian dài.

Nếu có bé gái, hãy mua đồ chơi như Barbie, trang trại, ngôi nhà... và con bạn có thể thay quần áo cho Barbie, đóng vai bố, mẹ, ông, bà với Barbie, xếp ngôi nhà Barbie, nấu ăn... và thỉnh thoảng bạn có thể mua thêm một vài chi tiết, nhân vật để mở rộng góc chơi. Một bộ sưu tập như thế cho con bạn chơi được ít nhất từ 2 tuổi đến 7-8 tuổi.

Tương tự, nếu là bé trai, hãy mua đồ chơi bộ như các đoàn tàu trong tập phim Thomas and friends. Con bạn có thể xếp đường tàu, nói chuyện với đoàn tàu, đóng vai với các đoàn tàu, cho các đoàn tàu đua nhau...

Bạn có thể mở rộng bộ đồ chơi bằng cách mua thêm đường ray, nhân vật. Bạn có thể tạo thêm sự thích thú cho con bằng cách xem thêm phim, đọc chuyện về Thomas và con bạn sẽ tạo nên những trò chơi, đóng vai như đã được xem.

4. Hãy tìm cho con bạn một hai người bạn:

Người trông trẻ tốt nhất là bạn đồng lứa của con bạn, cùng tuổi hoặc chênh trong khoảng 2-3 tuổi. Người lớn chơi với trẻ con 1 tiếng thì mệt nhưng con trẻ có thể chơi với nhau 2-3 tiếng mà không hề mệt nếu bạn tạo được một môi trường có đồ chơi mở như đã nói ở trên. Việc này không những làm bạn đỡ mệt mà còn là cơ hội phát triển kỹ năng xã hội tốt nhất cho con bạn.

Người giúp việc thường để cho con bạn ngồi trước màn hình TV quá nhiều. Tuy nhiên, sau những giờ hoạt động sôi nổi với bạn, cho con bạn dùng những thứ công nghệ cao như iPad hay Kindle cũng sẽ giúp bạn có thêm thời gian để thư giãn.

Việc trẻ con sử dụng iPhone, iPad hay nhiều thứ công nghệ cao khác vẫn đang còn nhiều tranh cãi về sự ảnh hưởng của nó lên con trẻ, nhưng có một thực tế là chúng ta ở trong thời đại này và đây là một phần trong cuộc sống không thể gạt bỏ ra được.

Khác với TV khi trẻ con chỉ thụ động ngồi vào màn hình mà không có điểm dừng, những ứng dụng trên iPad hay các công cụ tương tự đưa đến cho trẻ con sự chủ động nhiều hơn, tương tác nhiều hơn. Trẻ tự chọn cái mình thích, tự bật, tự chuyển...

5.Từ lúc 6 tháng tuổi, hãy nên cho con bạn đi nhà trẻ:

Nhiều nhà nghĩ cho con đi sớm thì thương con quá. Thực tế là nếu bạn không đi làm thì không còn gì để nói nữa. Nhưng nếu con bạn ở nhà với người giúp việc thì nhà trẻ mang lại nhiều lợi ích hơn cho con bạn về mọi mặt phát triển trí não, ngôn ngữ, vận động, sức khỏe, cảm xúc xã hội, sự độc lập... nếu bạn cho con đi nhà trẻ sớm và chọn được nhà trẻ tốt.


Giao tiền chợ cho người giúp việc

“Có nên đưa tiền đi chợ hàng ngày cho người giúp việc, vì vợ chồng mình đi làm từ sáng đến tối, không có thời gian đi mua thức ăn tươi hàng ngày?” - Chị Hà Linh, một nhân viên văn phòng gửi email tham khảo ý kiến bạn bè.



Ngay lập tức chị nhận được nhiều phản hồi chia sẻ. Người thì cho rằng không nên đưa tiền cho người giúp việc vì rất dễ bị bớt xén, người thì cho rằng đã thuê phải tin tưởng, có ý kiến lại khuyên đưa tiền cho người giúp việc mua hàng ở siêu thị để kiểm soát chi tiêu qua hoá đơn…

Trong khi đó, mẹ chị Hà Linh bảo: “Không nên để người giúp việc dính líu đến tiền bạc trong nhà, dễ sinh chuyện”. Lời của mẹ chị Hà Linh xuất phát từ thực tế hầu hết người giúp việc đều không gắn bó lâu năm với một gia đình, kiểu người có thâm niên cả chục năm chỉ ở trong một gia đình như trước đây giờ rất hiếm. Mà người giúp việc theo trào lưu mới hiện nay chỉ khoảng vài tháng hay một hai năm là lại đổi chỗ làm, có người đến vài ngày rồi đi, không đủ niềm tin làm sao có thể giao phó tiền nong.

Trò chuyện với nhiều gia đình trong hoàn cảnh cả nhà cùng đi làm suốt ngày mới thấy rõ khó khăn trong quản lý và ứng xử với người giúp việc quanh vấn đề tiền bạc và công việc. Vì lúc này người giúp việc không chỉ làm công việc dọn dẹp, mà họ trở thành người quán xuyến mọi chuyện trong gia đình, thậm chí thay mặt cả chủ nhà nhận các thư từ, thông báo của chính quyền địa phương, thanh toán tất cả hoá đơn điện thoại, điện, nước…

Chị Hà Linh cũng đã từng bị cô bé giúp việc trước đó, cầm tiền đi chợ, nhưng luôn bớt xén 10.000 - 20.000 đồng mỗi ngày để mua vé số hoặc đánh đề, mà đến hơn ba tháng chị mới phát hiện ra. Nhưng nếu không giao tiền cho người giúp việc, thì quả thực những người như chị Hà Linh không có thời gian để đi chợ hàng ngày đã đành, mà các khoản cần đến tiền khác như bếp đang nấu hết gas, hàng xóm quyên góp cho người bệnh cấp cứu vào bệnh viện… nếu chờ đến chị về mới dùng tiền chi trả thì lại lỡ việc.

Theo quan điểm quản lý chặt chẽ, anh Quang Thân, ngụ quận Gò Vấp lại có những bực bội khác. Anh chia sẻ: “Người giúp việc chỉ làm việc nhà, nên ngay cả bữa sáng mình cũng phải đi mua về cho ăn, vì cô này lấy lý do không quen cầm tiền, không biết mua, ở quê lên nên không biết đường…”.

Đó là chưa kể mỗi ngày bà xã anh phải tranh thủ đi làm về tạt qua chợ mua chút rau, thịt, cá tươi cho bữa chiều, mỗi tuần đều đi siêu thị mua thức ăn dự trữ cho nhiều ngày, hàng tháng anh phải canh ngày chia việc với đồng nghiệp để có thể đi làm muộn hơn một chút thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền đổ rác…

Anh Quang Thân kể: “Không giao được việc quán xuyến nhà cho người giúp việc vì cứ vài tháng người này nghỉ, kiếm người khác vào, mỗi người lại một tật khác nhau. Người có thói quen hễ đi chợ là cả buổi mới về, giải thích là phải đi hết vòng chợ xem hàng rồi mới quyết định mua, người thì đi chợ về luôn đem theo đủ các chuyện nhà hàng xóm nên không rõ chuyện nhà mình cô ta có mang ra trao đổi không…”.

Bà Nguyễn Thị Thu, năm nay 46 tuổi, ở quận Tân Bình có kinh nghiệm riêng trong cách giao tiền cho người giúp việc. Đó là chỉ giao khi biết rõ sẽ mua gì, và mức chi phí là bao nhiêu. Cụ thể giao tiền chợ cho người giúp việc hàng ngày, bà luôn theo dõi giá cả mớ rau, con cá, ký thịt để biết chắc không bị bớt xén tiền bạc. Kế đến bà chủ động dắt người giúp việc đến làm quen ở các điểm bà thường mua hàng, và yêu cầu phải mua hàng ở những nơi này. Lúc rỗi rãi tranh thủ gọi điện thoại cho các chủ bán hàng quen biết là bà nắm rõ người giúp việc đã mua sắm như thế nào. Quan điểm của bà Thu là: “Mình là chủ nhà, cũng là người quản lý, như trong làm việc thì người quản lý phải am hiểu mới ra lệnh và giám sát nhân viên được”.


    Dạy con ứng xử với người giúp việc

Để con bạn có cách ứng xử đúng mực với người giúp việc, bạn cần có những định hướng hành vi cho con một cách hợp lý

Do công việc bận rộn, chị Hòa (Quận Hai Bà Trưng, Hà nội) phải thuê chị Lập phụ giúp công việc nhà và chăm sóc đứa con gái năm tuổi. Một hôm, khi chị vừa đi làm về, tranh thủ vào bếp cùng người giúp việc chuẩn bị bữa tối thì cô con gái đi học về, luôn mồm kêu nóng và bắt cô giúp việc bật một lúc hai cái quạt. Cô Lập nhỏ nhẹ: “Không được đâu cháu ạ! Bật nhiều quạt sẽ ốm đấy, cháu chịu khó ngồi nghỉ một tý nhé là đỡ nóng ngay”. Chỉ có thế, cô con gái chị đã gào lên: “Làm ngay! Bố mẹ cháu trả tiền để bác phục vụ cháu thế hả?” trước sự ngỡ ngàng của cô Lập và sự hổ thẹn không thể tả thành lời của chị
Còn ở nhà chị Lan, cả hai vợ chồng đều đi làm bận tối mắt tối mũi từ thứ hai đến thứ bảy nên vợ chồng chị thuê người giúp việc từ khi bé Bi lên ba tuổi. Vốn quen có người giúp việc nên Bi sinh ra lười biếng, chẳng muốn động chân động tay vào bất cứ việc gì. Ngay cả đến chuyện vệ sinh cá nhân cũng cần phải có người nhắc nhở, phục vụ; đi tắm không buồn mang quần áo sạch để thay, tắm xong thì gọi bác giúp việc mang xuống; cặp sách đi học về được quẳng ngay tại phòng khách, ngủ dậy không phải gấp chăn màn….Thấy mẹ sai bê cốc nước chanh, con vội vàng gọi ới cô giúp việc đang lau dọn trên tầng ba xuống làm hộ với một thái độ hách dịch và vô cùng thiếu lễ phép.

Để con có những hành vi ứng xử đẹp ngay từ khi còn nhỏ đối với những người xung quanh và đặc biệt là với người giúp việc, cha mẹ hãy:

Là tấm gương để con bạn học tập: Khi giao tiếp với người giúp việc, bạn cần thể hiện sự tôn trọng người lao động, khi yêu cầu họ làm việc gì, cần dùng từ ngữ tế nhị, tránh những từ ngữ ra lệnh, quát tháo. Bạn luôn dạy con cách gọi dạ bảo vâng, không được nói trống không, không được quát tháo, la ó cô, không quên nói lời cảm ơn trước sự giúp đỡ của họ. Bạn hãy luôn coi người giúp việc như một thành viên trong gia đình, và luôn quan tâm chia sẻ với người giúp việc để con bạn không còn thấy có khoảng cách nào, và từ tình cảm gắn bó đó, con sẽ biết lựa chọn cách ứng xử hợp lý trong mỗi tình huống

Cha mẹ hãy khơi gợi sự cảm thông của trẻ đối với người giúp việc: Hãy dành thời gian trò chuyện với con, hãy tâm sự với con về hoàn cảnh khó khăn của cô giúp việc, nói rằng chúng ta cần thông cảm, chia sẻ và tôn trọng cô ấy. Mặc dù cô ấy đi giúp việc cho người khác, nhưng cô ấy lao động chân chính và không làm gì xấu, vì thế cô ấy cũng là người tốt. Chính những chia sẻ của bạn sẽ khiến con có cái nhìn thông cảm và không coi thường người giúp việc cô ấy. Bạn cũng cần căn dặn người giúp việc yêu cầu con bạn tự gấp quần áo của mình, dọn dẹp bàn học, tự lấy nước uống, tự lấy – cất cặp khi đi học vv…
Bạn khuyến khích, tôn trọng sự gắn bó của con với người giúp việc nhưng cũng cần có sự nhắc nhở nếu cô ấy chiều chuộng con bạn quá mức, và yêu cầu báo cáo lại những hành vi chưa đúng của con để kịp thời có sự uốn nắn con. Sự quan tâm điều chỉnh đúng lúc của bạn sẽ cho con những thước đo hành vi hợp lý, hình thành những nét nhân cách đẹp đẽ cho con khi trưởng thành.


Hiện nay, nhiều cơ sở dạy nghề khó tuyển sinh vì không có đầu ra! Nhưng có một nghề mà chủ sử dụng lao động nhiều khi phải xếp hàng để “rình” những lứa lao động ra nghề mà không có! Đó là nghề giúp việc gia đình.

Nghịch lý!

Những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển của xã hội, cuộc sống công nghiệp đã khiến nhiều gia đình rất cần người giúp việc. Ban đầu, người ta tìm người giúp việc trong số những người quen biết, họ hàng bởi chỉ những người này mới đủ tin cậy để trông nom nhà cửa, con cái. Song không phải lúc nào cũng tìm được người trong gia đình để cậy nhờ.

Thuê người ngoài giúp việc gia đình là điều bất đắc dĩ, song cũng chẳng dễ dàng gì. Chị Phạm Kim Anh, ở khu tập thể Thành Công cho biết, đã gần nửa năm nay, gia đình chị cần tìm người giúp việc. Chị đã đăng ký tại nhiều trung tâm giới thiệu việc làm mà vẫn chưa tìm được người ưng ý. Hai vợ chồng đi từ sáng đến tối, hai đứa con nhỏ đứa học cấp 1, đứa đi nhà trẻ, một mình người giúp việc ở nhà, nên chị rất cần người có thể tin tưởng. Đấy là chưa kể, nhiều người giúp việc ở quê lên còn không biết sử dụng máy giặt, lò vi sóng, hút mùi, khử mùi…

Đón bắt được nhu cầu của xã hội, một vài công ty đã tổ chức tuyển dụng, đào tạo trình độ sơ cấp cho người lao động làm nghề giúp việc, đào tạo về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử phù hợp với từng gia đình. Các học viên được đào tạo một cách bài bản theo chương trình đã được Sở LĐ-TB&XH thẩm định và được cấp chứng chỉ nghề hẳn hoi. Chính vì vậy, ngay sau khi hoàn thành khóa học, các học viên này đã có ngay việc làm với mức thu nhập xấp xỉ 2 triệu đồng/tháng.

Khó khăn ở đây là, mặc dù liên tục được đặt hàng cung ứng lao động giúp việc nhưng chẳng bói đâu ra học viên để đào tạo. Các công ty đã phải đích thân đi tuyển ở nhiều vùng ngoại thành nhưng không có người đăng ký theo học. Nhiều lao động có tư tưởng "kén cá, chọn canh" nên không chịu đi học làm người giúp việc. Hơn nữa, họ cho rằng toàn những việc nội trợ gia đình nên không cần phải học vẫn làm được!

Bao giờ giúp việc trở thành nghề!

Có thể thấy, lao động giúp việc từ lâu đã được coi là một nghề được xã hội thừa nhận. Thậm chí, nhiều lao động Việt Nam đã đi làm việc tại nước ngoài với mã nghề "giúp việc". Làm thế nào để giúp việc chính thức trở thành một nghề được đào tạo bài bản với đầy đủ kỹ năng cần thiết? Về vấn đề này, bà Cát bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn xã hội nhìn nhận họ là những người lao động như biết bao nghề nghiệp khác chứ không phải là người đi ở".

Thực tế, nhiều gia đình vẫn chưa thực sự coi trọng người giúp việc bởi họ vẫn có tư tưởng người giúp việc phải răm rắp nghe theo ông, bà chủ, thậm chí là những ông, bà chủ "nhí" trong gia đình. Còn nhiều người muốn làm nghề cũng cho rằng, chẳng cần tham gia đào tạo để khỏi mất thời gian, đỡ tốn tiền học và phí môi giới. Làm giúp việc, biết có làm được lâu bền với gia chủ hay chỉ một vài tháng lại phải nhảy hoặc mất việc. Chị Trần Thị Mai ở  Từ Liêm, đã từng làm giúp việc cho nhiều gia đình kể có những gia đình khá thoải mái trong ứng xử, nhưng cũng có nhiều gia đình quá khó tính hay quát tháo, mắng mỏ coi người giúp việc như con ở. Chính vì vậy chị không muốn phải mất thời gian học nghề và ai trả công cao thì chị làm.

Người giúp việc đã trở thành nhu cầu bức thiết của nhiều gia đình. Tuy nhiên, để tìm được người có kỹ năng ứng xử, kỹ năng sử dụng thiết bị sinh hoạt cũng như đủ độ tin tưởng thì quá khó trong thời buổi hiện nay. Và như thế, việc ra đời các trung tâm đào tạo kỹ năng cho lao động giúp việc là điều rất cần thiết. Thậm chí, nếu người lao động còn băn khoăn, các trung tâm đào tạo có thể ký hợp đồng lao động với những học viên để cung ứng cho những gia đình có nhu cầu theo giờ, theo tuần hoặc theo tháng. Như thế mới tạo được sự yên tâm cho người lao động cũng như cho các gia đình.



Khi trẻ hỗn với người giúp việc

Con gái 10 tuổi của tôi hách dịch với người giúp việc, thái độ rất bà chủ. Khi nó làm sai, chị ấy nhắc thì nó đỏ mặt tía tai mắng lại và nhắc nhở về địa vị của chị. Tôi phải làm sao để con bỏ thói xấu này?

Trả lời:

Trong phần lớn trường hợp, thói hách dịch của trẻ đối với người giúp việc có nguyên nhân sâu xa từ cách cư xử của bố mẹ. Có thể bạn hoặc vợ bạn trong quan hệ với người giúp việc luôn thể hiện quan điểm rằng họ thuộc đẳng cấp thấp hơn. Với thái độ đó, dù bạn nhắc con lễ phép với người giúp việc thì trẻ không thể không cảm nhận mình là một “thiếu gia” và kém tôn trọng người giúp việc.





Một số trẻ nhỏ vẫn có thái độ đó dù bố mẹ cư xử đúng mực, đó là do ở tuổi này, trẻ có tâm lý bắt nạt tất cả những ai có thể. Người giúp việc nể con chủ nên không nghiêm khắc như bố mẹ khiến trẻ lấn lướt. Ngoài ra trẻ thấy người đó phải nghe lời bố mẹ mình nên kết luận là mình có thể hạch sách được.
Sự hách dịch đó rất có hại cho sự phát triển nhân cách của trẻ, dẫn đến thói khinh người nghèo, coi thường lao động chân tay. Do đó, cha mẹ nên để ý cách cư xử với người giúp việc, thái độ, cách nói năng phải luôn tôn trọng, không quát mắng, khi họ làm sai cũng cần bĩnh tĩnh góp ý.

Bạn cũng có thể gợi sự cảm thông, tôn trọng của trẻ bằng những câu chuyện cảm động về người giúp việc để trẻ thấy đó cũng có tình cảm, đạo đức. Ngoài ra, bạn nên giao cho trẻ tự làm một số việc như gấp chăn màn, quần áo của mình chứ không phải việc gì cũng ỷ vào giúp việc. Điều này không chỉ rèn tính tự lập mà còn giúp trẻ coi trọng lao động chân tay và những người lao động chân tay.    


(ST).