Của hồi môn về nhà chồng thế nào là đủ

Tùy phong tục từng vùng miền, gia đình hai bên có thể tặng nữ trang cưới cho cô dâu trong ngày ăn hỏi hoặc khi rước dâu.


Các gia đình truyền thống thường tặng cả bộ trang sức vàng 24K cho cô dâu trong ngày vu quy. Ảnh: Vangbacthanhnien.

Trong đám cưới truyền thống Việt Nam, ngoài đôi nhẫn cưới để đôi uyên ương đeo trọn đời và trang sức làm đẹp cho cô dâu, gia đình hai bên phải chuẩn bị mỗi nhà một bộ trang sức để tặng cô dâu chú rể như món quà cưới để đôi tân lang tân nương chuẩn bị cho cuộc sống mới. Với từng gia đình, việc sắm sửa bộ trang sức là điều quan trọng, cần cân nhắc sao cho tiết kiệm, hợp lý mà vẫn trang trọng. Tùy phong tục từng vùng miền, gia đình hai bên có thể tặng nữ trang cưới cho cô dâu trong ngày ăn hỏi hoặc khi rước dâu.

1. Tặng trang sức trong ngày ăn hỏi

Với những gia đình có kinh tế dư dả, ngoài những mâm tráp truyền thống mà nhà gái yêu cầu, mẹ chú rể sẽ chuẩn bị thêm một món nữ trang để tặng cô dâu với ý nghĩa tặng sự giàu sang, sung túc cho đôi uyên ương. Phong tục này được nhiều gia đình miền Bắc ưa chuộng và đặc biệt phổ biến ở miền Nam.

Quà tặng trang sức trong đám hỏi thường đơn giản, đa số là một chiếc vòng tay nhỏ, một đôi bông tai hoặc một chiếc nhẫn đính hôn, tất cả đều là vàng 24K. Trong đám hỏi, khi cô dâu chú rể xuống ra mắt gia đình hai họ, mẹ chú rể sẽ tặng nữ trang và tự tay đeo cho cô dâu.

2. Tặng trang sức trong ngày đón dâu

Nếu nhiều gia đình bỏ qua thủ tục tặng nữ trang trong ngày ăn hỏi thì việc tặng trang sức trong ngày đón dâu là thủ tục gần như bắt buộc. Lúc này, không chỉ gia đình nhà trai tặng quà cưới cho cô dâu mới, mà nhà gái cũng chuẩn bị sẵn một bộ nữ trang để làm của hồi môn cho con gái về nhà chồng. Bộ trang sức tặng cô dâu trong ngày vu quy thường cầu kỳ hơn, bao gồm một chiếc kiềng, vòng cổ, một chiếc vòng tay, khuyên tai và cặp nhẫn cưới, tất cả đều là vàng 24K.

Sau khi được tặng trang sức, cô dâu sẽ đeo những món đồ nữ trang ngay trong ngày rước dâu và đãi tiệc nhằm thể hiện sự sang trọng của mình và gia đình. Khi đám cưới kết thúc, những quà tặng này được coi như của cải làm vốn của đôi uyên ương, tuy nhiên các cặp vợ chồng đa số không bán nữ trang cưới được tặng vì sợ gặp điều không may.


3. Những "biến tấu" trong cách tặng trang sức ngày cưới

Theo phong tục truyền thống nữ trang tặng trong ngày cưới đều là vàng 24K, khó sử dụng trong cuộc sống thường ngày mà chỉ mang tính lưu niệm, nên thay vì tặng vàng, nhiều gia đình chuyển sang tặng tiền mặt để đôi uyên ương có thể sử dụng chính quà tặng đó chi trả cho đám cưới. Hình thức tặng quà hiện đại có thể là một quyển sổ tiết kiệm hay một chiếc phong bao lì xì đỏ may mắn với số tiền tượng trưng.

Ngoài ra, những gia đình vẫn muốn tặng bộ nữ trang có thể chọn phương án đi thuê trang sức. Tuy nhiên, cô dâu chú rể nên nói rõ với cha mẹ về ý tưởng thuê trang sức để tránh những phát sinh không đáng có khi cô dâu về nhà chồng. Món quà tặng ngày cưới thể hiện sự yêu thương cũng như chúc phúc của gia đình dành cho đôi uyên ương nhưng giá trị quà cũng nên phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình, để sau ngày cưới, cô dâu chú rể không phải "đau đầu" vì lo chi trả cho những bộ trang sức đắt tiền.



Của “hồi môn”: Thế nào là đủ?

.

Với mỗi gia đình, việc cho con gái của hồi môn khi về nhà chồng còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và quan điểm sống, tuy nhiên, nhiều người lại nhìn vào đó mà đánh giá, và như thế, không biết thế nào là đủ!

Cho nhiều, lắm kẻ ‘dòm ngó”

Chị Hoa chỉ có một cô con gái duy nhất, nhà lại có của ăn của để, vì thế, khi con gái đi lấy chồng, bao nhiêu tài sản hay tiền bạc anh chị đều dành cho vợ chồng con gái. Để có dịp “khoe” với hàng xóm lắng giềng, cũng không muốn con “mất mặt” khi về bên ấy, chị đã mua cho con đủ cả một bộ “vàng ròng” lấp lánh.

Ngày cưới đến, khi hai bên họ hàng quan khách đầy đủ, chị mang số “tiền hồi môn” ấy “đeo hết” cho con. Không chỉ chị, mà chồng chị, các bà hai bên nội ngoại, các dì, các chú, đều “lần lượt” thay nhau mừng cho hai vợ chồng trẻ.

Kết quả của màn ’trao quà’ hoành tráng đó là tất cả mọi người trong rạp cưới đều “choáng” vì của hồi môn quá hậu hĩnh, họ chỉ sợ: "Cô dâu đeo lắm vàng thế, thì sẽ khổ sở “thêm” vài cân mất thôi".



Trao của hồi môn khi con gái về nhà chồng là một nét đẹp trong các đám cưới ở nước ta, tuy nhiên, nó chỉ thật sự có ý nghĩa khi mang lại sự thoải mái với cả người "cho" và người "nhận"


Thấy thì có vẻ hào nhoáng, nhưng chỉ có con gái chị mới hiểu cái màn “cho quà” hoành tráng đó của bố mẹ chỉ khiến cặp uyên ương trẻ “thêm” phiền phức.

Bởi lẽ, tiệc cưới chưa kịp kết thúc, mấy ông anh bên họ nhà chú rể đã “đánh hơi” thấy mùi tiền. Ngay khi mọi thứ vừa được dọn dẹp đâu vào đấy, đã có người mon men đến ngay phòng tân hôn, để… vay tiền.

Vừa bực, vừa thấy phiền hà, lại ghét cái tật “đào mỏ’ không đúng lúc của bên nhà chồng, cô dâu mới nổi cáu. Và thay vì mọi thứ diễn ra êm xuôi thì đôi vợ chồng trẻ lại quay lại cãi nhau, vì mỗi cái việc cho hay là không cho vay…

Thế mới biết, của hồi môn nhiều, đâu hẳn đã sướng.

Không cho, nhà chồng lại khinh

Hoàn toàn trái ngược với nhà chị Hoa, nhà chị Quế lại “đưa con” về nhà người theo cách khác.

Trước khi cưới, anh chị đã dành dụm được một khoản để cho con gái. Nhà nghèo, việc cố để cho nó có một tấm một món về nhà chồng đã là sự cố gắng lớn của anh chị. Còn bao nhiêu thứ phải lo, một đám cưới, đâu chỉ đơn giản là ra chợ mua vài món đồ. Nghĩ thế, nên anh chị đã gọi hai đứa đến và nói chuyện thẳng thắn. Cũng mong con rể thông cảm vì nhà chỉ có bấy nhiêu thôi.

Anh con rể thì hiểu, vì yêu và cũng biết rõ hoàn cảnh nhà vợ nên anh cũng vui vẻ. Phần mình, anh cũng cố để cha mẹ bên nội hiểu, và thông cảm cho bên nhà ngoại.

Thế nhưng, ngày cưới đến, màn được mọi người mong đợi nhất là bố mẹ hai bên trao quà cho thành viên mới, thì ở nhà chị Quế lại không có. Bạn bè thắc mắc, hàng xóm nhìn nhau vẻ thông cảm, nhưng bên họ hàng nhà chồng thì lạnh nhạt ra mặt.

Họ nói đi nói lại vài câu, rồi thì bĩu môi thườn thượt, nói nọ nói kia, khiến ai không hiểu chuyện cũng quay sang… phê bình nhà cô dâu, đã lo thì lo cho trót. Ai lại để con gái về nhà chồng “tay không” như thế!

Dù biết trước mọi người sẽ nhìn mình với con mắt ấy, nhưng chị Quế cũng thật không ngờ nó lại nặng nề đến vậy.

Đẹp mặt con, bận lòng cha mẹ

Nếu khá giả thì chuyện hồi môn chẳng phải bàn nhưng nếu khó khăn mà vẫn phải có để cho con, thì ngoài cách đi vay, đâu còn làm cách nào khác.

Chả thế mà, khi hay tin đứa con gái lớn về nhà chồng, và cứ nằng nặc bố mẹ phải cho con một khoản để con mang về nhà chồng, không có họ coi thường. Con đã tự nuôi thân rồi, đi lấy chồng, bố mẹ phải cho con cái gì chứ.

Nghĩ thương con, cũng không muốn nó thua kém bạn bè và “bẽ mặt” với nhà chồng. Anh Thắng, chị Ngọc mới bàn nhau cầm tài sản giá trị nhất trong nhà là cuốn sổ đỏ… đi cắm.

Mang về nhà được mấy chục triệu, lo cho đám cưới không đủ, vì đứa đầu đi lấy chồng anh chị muốn rình rang một chút. Anh chị lại đi hàng xóm vay nặng lãi để về làm mua quà … hồi môn cho con.

Đám cưới diễn ra tốt đẹp, hai bên gia đình đều hài lòng. Cô dâu cũng rạng rowc vì món quà cưới như ý.

Chỉ có anh chị Thắng Ngọc là bận lòng.

Cưới xong rồi, lãi mẹ đẻ lãi con, rồi thì lãi suất ngân hàng, biết làm gì để trả?.

Bao nhiêu là đủ?

Trao của hồi môn khi con gái về nhà chồng là một nét đẹp trong các đám cưới ở nước ta, tuy nhiên, nó chỉ thật sự có ý nghĩa khi mang lại sự thoải mái với cả người "cho" và người "nhận". Tiền bạc chỉ là trang sức chứ không đảm bảo được một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Vì thế, thay vì cứ cố gắng để “đẹp”, mỗi gia đình khi tổ chức cưới cho con, hãy xuất phát từ tình hình thực tế của gia đình mình.

Tình yêu chân thành và sự cảm thông còn quý giá hơn vàng ròng!


Từ xa xưa, và cả bây giờ, thường con gái đi lấy chồng, được bố mẹ cho của hồi môn. Đó là món quà bố mẹ tặng con gái khi con về nhà chồng, có ý nghĩa động viên con gái dẫu ở đâu cũng có bố mẹ bên mình.

Có món hồi môn như là cách giúp con gái chút vốn đóng góp vào cuộc sống chung của con sau này. Với người khá giả thì đó là một món nữ trang đắt tiền, con trâu, con ngựa hay ít tiền làm vốn. Người nghèo khó thì cũng vay mượn cho con có một, hai chỉ vàng, hoặc thậm chí đôi ba thúng thóc giống...

Ngày nay hôn nhân tiến bộ hơn, không có chuyện nhà gái thách cưới hay chàng rể bắt vợ chưa cưới đòi của hồi môn từ bố mẹ, nhưng việc cho con gái của hồi môn vẫn có gia đình duy trì coi như thứ quà tiễn con gái đi lấy chồng, ra ở riêng...Món quà ấy thể hiện tình cảm bố mẹ dành cho con gái, không có quy định nào bắt buộc.

Tuy nhiên thời thị trường, cái thời “mạnh vì gạo - bạo vì tiền”, nhiều cô chiêu được bố mẹ lo trước cho nhà, xe, tài khoản ngân hàng, coi như một cách “kén rể”, con gái tha hồ lựa chọn người chồng mình thích. Nhiều chàng trai nhìn tài sản tương lai thuộc về cô gái như món “treo thưởng” và cố chạy đua để chiếm đoạt giải thưởng kia. Rồi khi đã có “cơm no - bò cưỡi” tình yêu không hề có, cuộc sống lứa đôi bắt đầu sóng gió và hạnh phúc mong manh tan vỡ là chuyện nhỡn tiền...

Hồi môn kiểu giải thưởng “treo” nhiều hay ít phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nó có thể tỷ lệ nghịch với nhan sắc, trình độ học vấn hay tính cách của mỗi cô chiêu . Các chàng trai “đào mỏ” thường mới về phố, họ hay để mắt đến mấy cô gái có “nhà mặt phố, bố làm to” để những mong... đổi đời.

Giá trị của hồi môn bây giờ cũng lắm chuyện bi hài. Nó không còn đơn thuần là những món đồ trang sức quý gia truyền, không còn là đồ dùng thông thường như bát đĩa, chăn màn, ấm chén... như xưa mà là tài khoản, xe đẹp, nhà riêng... Rồi ngoài những thứ vật chất ấy, người ta còn thấy có loại của hồi môn vô hình như công việc ổn định ở cơ quan có thu nhập cao, hoặc bố vợ sẽ lo cho một vị trí trong bộ máy quản lý cơ quan... Của hồi môn, dù là vật chất hay tinh thần đều xuất phát từ việc lo lắng của bố mẹ cho con cái hoặc đôi khi là chính từ mong mỏi của người con gái.

Hạnh phúc khi ấy liệu có bền lâu, vững chắc, nếu hôn nhân không bắt đầu từ tình yêu đẹp, từ sự rung động của trái tim...?

Mùa cưới kể chuyện của hồi môn

Trong lễ cưới ngày xưa và cả bây giờ, thông thường người con gái sẽ được bố mẹ đẻ tặng của hồi môn. Nó có thể là tiền hay vàng, tùy theo điều kiện mỗi gia đình. Món quà ấy có ý nghĩa như là sự động viên, một chút vốn liếng mà cha mẹ dành cho con gái khi bước chân về nhà chồng. 

Của hồi môn mà cha mẹ tặng con gái rất đa dạng. Đối với nhà giàu cha mẹ có điều kiện thì tặng cho con số tiền lớn, một vài cây vàng, một căn nhà, thậm chí đất đai và xe máy, xe ô tô… Nhà trung bình, không có điều kiện bằng thì tặng con số tiền nhỏ hơn, một vài chỉ vàng. Thậm chí, nhà nghèo, cha mẹ khó khăn, chỉ có thể tặng cho con số tiền tượng trưng, hay vài vật dụng thật cần thiết, vừa tiền để con cảm thấy không tủi thân khi bước chân về nhà người. Cũng có trường hợp, cha mẹ quá khó khăn, tiền tổ chức cho con một đám cưới bình dân như bao người khác chính là của hồi môn.  

Thực ra, việc trao của hồi môn từ xa xưa là truyền thống, là nét đẹp văn hóa trong văn hóa, nghi lễ cưới xin của người Việt. Nó không có một quy định cụ thể là cha mẹ phải trao cho con gái bao nhiêu và người con cũng không bắt buộc, đòi hỏi cha mẹ phải cho mình bao nhiêu. Nhưng có không ít câu chuyện vui buồn liên quan đến nét đẹp văn hóa này:

Hoàng Anh (Quận 1, TP.HCM) ngậm ngùi kể: Bố mẹ chia tay khi mình mới 45 ngày tuổi. Ngày mình 4 tuổi thì cả bố và mẹ đều đi bước nữa. Mình ở với mẹ và bố dượng. Nhà nghèo, lo đám cưới cho mình cũng khiến mẹ gầy rạc đi rồi nên mình không đòi hỏi mẹ phải tặng quà hồi môn. Chồng mình cũng hiểu nên thông cảm, không ý kiến gì. Trong ngày cưới, trước mặt bà con hai họ, dì (vợ hai của bố đẻ)  thay mặt bố đẻ lên tặng quà hồi môn cho mình. Món quà không lớn nhưng thái độ coi thường cái nghèo của mẹ và bố dượng của dì lúc đó khiến mình rất tủi thân. Mà lúc đó, trước mặt bà con hai họ, mình bị bất ngờ về việc dì trao của hồi môn nên không nói gì được, chỉ biết khóc thôi. Sau này, trong đám cưới của đứa em gái cùng cha khác mẹ, nhìn cách bố và dì trân trọng trao cho em món quà hồi môn, rồi dặn dò, bịn rịn cũng khiến mình chạnh lòng, tủi phận. Cùng là con mà sao lại đứa yêu, đứa ghét.

"Cùng là con mà sao lại đứa yêu, đứa ghét"

Hồng Ánh (quận Tân Bình, TP.HCM) kể mà nước mắt rưng rưng: Mình và anh quen, yêu nhau 3 năm mới tính chuyện đám cưới. Gia đình hai bên đều khó khăn, hai đứa phải tự chi tiêu, lo liệu tất cả cho đám cưới. Mình cũng nói với bố mẹ không cần phải trao của hồi môn vì người yêu mình hiểu, nên rất thông cảm. Bố mẹ nghe mình nói cũng không nói gì. Nhưng ngày cưới, bố mẹ vẫn trao cho mình món quà hồi môn là 5 chỉ vàng. Ngày đó, vàng đã 37 triệu một cây rồi. Mình thương bố mẹ, không nhận, nhưng bố mẹ cứ sụt sùi nói là đấy là tình thương của bố mẹ. Sau đám cưới, chồng mình bàn với mình mang số tiền đó về biếu lại bố mẹ. Tất nhiên, bố mẹ mình không nhận lại, mà cho vợ chồng mình làm vốn. Điều khiến mình cảm động không chỉ sự tảo tần, tiết kiệm, của bố mẹ để có một khoản cho mình làm của hồi môn; mà quan trọng hơn, là tình yêu bao la mà bố mẹ dành cho mình. Và đặc biệt, chồng mình cũng khiến mình rưng rưng. Sau này, mỗi lần nhớ lại câu chuyện đó, mình lại thấy ấm áp trong lòng, thấy thương bố mẹ vô bờ và thấy trân trọng người mình đã chọn làm chồng. Mình thầm cảm ơn anh đã hiểu mình!

Diệu Thuần (Gò Vấp, TP.HCM) ngậm ngùi: Mình và chồng là bạn học cấp 3, bạn chung ngày Đại học. Đến khi đi làm mới yêu nhau. Khi còn yêu nhau, lâu lâu lại thấy anh đề cập đến chuyện của hồi môn mình cũng thắc mắc, băn khoăn nhưng rồi tình yêu lấn át tất cả. Gần 2 năm sau, khi hai đứa bàn chuyện cưới xin thì anh đề cập thẳng thắn đến chuyện này. Lúc anh bảo: “Bố em làm to thế, chắc phải tặng của hồi môn cho xứng”, mình trả lời “của hồi môn bố mẹ cho em chính là kiến thức, công việc mà em đang làm” thì mặt anh thể hiện rõ sự thất vọng. Thái độ của anh khiến mình không khỏi hoang mang. Mình tự đặt câu hỏi, “anh có yêu mình thực sự không?”. Sau nhiều ngày băn khoăn, mình quyết định chia tay. Mình không dám chắc quyết định của mình là hoàn toàn chính xác nhưng mình cảm thấy trái tim mình hoang mang, không còn tin tưởng khi anh tỏ rõ sự tham vọng về của hồi môn.

Mình cảm thấy trái tim mình hoang mang, không còn tin tưởng khi anh tỏ rõ sự tham vọng về của hồi môn.

Bảo Trân (Bình Tân) cho biết: Nhà mình là gốc miền Tây nên ba mẹ rất quan trọng chuyện của hồi môn cho con gái. Nhưng đúng thời gian mình cưới thì ba mẹ làm ăn thua lỗ, tiền không còn một đồng, nợ nần khắp nơi. Mình cũng nói ba mẹ không cần của hồi môn nhưng ba mẹ không biết nghe ai mà đi thuê trang sức để trao cho mình hôm đám cưới. Lúc đó, mình không hề biết, mấy ngày sau mẹ mới nói nhỏ để mình mang về, trả cho tiệm. May mà gia đình chồng mình không để ý, chứ không, không biết phải ăn nói như nào cho phải. Thực sự mình nghĩ, hạnh phúc vợ chồng, hạnh phúc gia đình đâu phải ở việc của hồi môn nhiều hay ít. Quan trọng là biết thương yêu nhau, chăm sóc cho nhau. Của hồi môn nhiều mà nay đánh nhau, mai gây lộn thì có ý nghĩa chi đâu.



Top 4 vấn đề hay gặp phải với nhà chồng


Tôi là một phụ nữ và tôi không ít lần rơi vào cảnh khó chịu, khó xử trong quan hệ với nhà chồng ở những vấn đề sau, còn các bạn?



1. Nuôi dạy con

Tôi có một bé trai năm nay hơn 2 tuổi. Vì là con trai nên cháu rất nghịch ngợm. Trước giờ tôi vẫn dạy con theo cách “mưa dầm thấm lâu”, tức là thiên về bảo ban, nói chuyện với con về những chỗ con “chưa ngoan” nhiều hơn là dùng roi vọt. Khi cháu còn bé, ông bà cho cách dạy của tôi như vậy là hơi “cải lương” vì “trẻ con nó đã hiểu gì đâu mà nói”. Bản thân tôi chấp nhận việc nói một lần con chưa nghe, có thể tái phạm, tái phạm lại nói nữa, vì cháu là trẻ con cần có thời gian, chưa thể một lần đã sửa được ngay. Nhưng ông bà mỗi lần thấy cháu tái phạm lại càng xem như lời mình nói là đúng, rốt cuộc cho rằng khỏi cần nói mất công, sau này nó lớn nó khắc biết (!?).

Hậu quả, con tôi càng lớn càng ương bướng và không biết nghe lời. Tới giờ khi cháu gần lên 3, tôi nghĩ rằng cần phải có một trận đòn quắn đít để biết sợ thì sau này mới dạy được. Nhưng mỗi khi tôi nổi cơn giận định cho con ăn roi thì mới chỉ vừa quát mắng thôi ông bà đã giận lẫy, cho rằng tôi dạy con như vậy là không nể mặt bố mẹ chồng. Tôi rất không muốn bất lực nhìn con lớn lên mà hư hỏng. Kế hoạch sắp tới của tôi là cho con đi học, để bớt thời gian cháu ở bên ông bà.

2. Vấn đề tài chính

Tôi luôn là người ít nói về chuyện tài chính, ngoài với chồng ra, tôi không cho đây là đề tài phải chia sẻ với bất kỳ ai khác, kể cả mẹ chồng. Không ít bạn gái thế hệ ngày nay có chung quan điểm như tôi, song không phải ai cũng may mắn như tôi - có người mẹ chồng chẳng bao giờ hỏi con dâu về vấn đề tế nhị này.

Cô bạn thân thiết từ thủa nhỏ của tôi vừa lấy chồng mới đây não nề tâm sự, chuyện bố mẹ chồng ngay từ khi cô mới bước chân về đã hỏi con dâu lương tháng được bao nhiêu. Ngay tối hôm cưới mẹ chồng sang phòng cô tham gia... đếm phong bì. Quà mừng thuộc về họ hàng, bạn bè nhà chồng gửi tặng bà thu lại đã đành, nhưng đến cả phong bì của bạn bè cô, bạn bè chồng cô bà cũng mở ra đếm. Kế đó bà hỏi con dâu vòng vàng nhẫn cưới, túm lại là của hồi môn tất cả được bao nhiêu. Tuy không dám giấu, nhưng cô bạn tôi trả lời miễn cưỡng, trong lòng rất khó chịu.

Mẹ chồng với suy nghĩ nếp cũ cho rằng mình phải kiểm soát được mọi chuyện trong nhà kể cả việc vợ chồng người con mới cưới vốn liếng có bao nhiêu, trong khi các nàng dâu thời nay luôn nghĩ tài chính là việc riêng của họ, tự hai vợ chồng có thể cân đối. Đây cũng là một nguyên nhân lớn dẫn đến mâu thuẫn giữa con dâu với nhà chồng.

3. “Tiền chợ”

Vượt qua được cửa ải không bị kiểm soát vấn đề tài chính trong nhà chồng, các nàng dâu vẫn khá đau đầu trước vấn đề “góp tiền để mẹ chồng đi chợ”.

“Tiền chợ” về cơ bản được hiểu là một khoản đóng góp hàng tháng khi nàng dâu mới về nhà chồng, để hỗ trợ trả một phần chi phí sinh hoạt. Nhưng hỗ trợ đến bao nhiêu lại do tùy nhà quyết định, vậy nên nảy sinh vấn đề không biết bao nhiêu là đủ. Con dâu có thể cho rằng 1 tháng đưa 3 triệu đã nhiều, vì “vợ chồng đi làm từ sáng đến chiều, cả ngày ăn có 1 bữa cơm, con thì chưa có...”, trong khi mẹ chồng nghĩ mức đưa như vậy là không đủ trong thời buổi giá cả này. Rốt cuộc, giải pháp sặc mùi mẫu thuẫn có thể được đưa ra như yêu cầu các con ăn riêng, một nhà hai bếp.

4. Cách ăn mặc của nàng dâu

Chuyện chẳng hề lớn nhưng có thể gây sóng gió trong gia đình nếu con dâu không biết dung hòa, tiếp nhận lời góp ý (dù hơi khó thuyết phục) của mẹ chồng. Cô em cùng cơ quan với tôi gần đây chọn giải pháp mang váy đi làm, tới công sở mới thay vì “mặc quần chạy xe ngoài đường cho dễ, lại đỡ gây ngứa mắt mẹ chồng mỗi sáng em thướt tha ra khỏi cửa”.

Mẹ chồng cô không đồng tình con dâu váy ngắn váy dài đi làm. Theo quan điểm của bà, phụ nữ ăn mặc hở chân đã là... không đứng đắn. Mặc váy bắt buộc phải đi tất. Tất lưới cũng không được, luôn phải kín chân. Mà với xu hướng thời trang hiện nay, thật khó cho cô em tôi nếu phải mặc váy, đeo tất da chân đi làm!  

Trên đây chỉ là 4 vấn đề phổ biến nhất, chưa kể nhiều vấn đề khác liên quan đến anh chị em, họ mạc nhà chồng. Bạn làm dâu, bạn có vấn đề gì và cách giải quyết của bạn khi ấy ra sao để gia đình được êm thấm?






Các nghi lễ, thủ tục của đám cưới
Phong tục cưới cổ truyền của người Việt
Phụ kiện cài tóc cho cô dâu
Kinh nghiệm chuẩn bị cưới
Chuẩn bị tâm lý trước khi cưới
Cô dâu chuẩn bị gì cho ngày cưới
13 điều nên làm khi chuẩn bị đám cưới


(st)