Thông tin về diễn viên Huỳnh Anh
Thông tin về diễn viên điện ảnh Diễm Hương
Tiểu sử diễn viên Võ Sông Hương
Cuộc đời diễn viên Thu Hà. Những thông tin và hình ảnh về cuộc đời nữ diễn viên điện ảnh - người đàn bà không tuổi Thu Hà.
Thu Hà - Nhan sắc mặn mà sau bao đau đớn, xót xa
Nhắc đến những diễn viên đình đám thập niên 90, không thể quên “nữ hoàng không ngai” Thu Hà. Với đôi mắt sắc lẹm, gương mặt quý phái, nhan sắc của Thu Hà vẫn còn làm “chao đảo” nhiều ánh nhìn dù thời gian có trôi qua…
NSƯT Thu Hà: 'Tôi phải giỏi mới lấy được chồng giỏi'
Tôi lên lịch hẹn với NSƯT Thu Hà ngót nghét 2 năm. Lúc ấy, hỏi thăm đời sống hôn nhân cũng như công việc diễn viên của chị, giọng Thu Hà trong veo qua điện thoại: “Mình không có gì để chia sẻ về cuộc sống riêng tư, còn phim ảnh cũng chưa có gì mới”.
Mãi cho đến khi vở kịch Ngàn năm tình sử (đạo diễn Doãn Hoàng Giang, Thu Hà vào vai nàng Thuận Khanh) diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội, chị mới đồng ý hẹn gặp tôi… sau 2 tháng nữa.
Một buổi sáng sớm mùa thu, Thu hà xuất hiện, mái tóc đen buông hờ trên vai. Chị vẫn mang đôi mắt của loài chim lạc bão, nụ cười rạng rỡ thưở nào.
Không mưu cầu quá lớn về nghề nghiệp
- Mới 15 phút bước chân vào đây đã có bao nhiêu ánh mắt nhìn chị, ồ à tán thưởng. Có năm, bảy người đàn ông đến chào hỏi lịch sự và xin số điện thoại. Chị thấy sao?
- Từ lúc ra khỏi nhà đến đây, tôi nhận được không ít câu hỏi, trong đó nhiều nhất là: “Sao chị không đóng phim nữa?”. Tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi bận, còn con nhỏ cho dù trong lòng rất vui vì mọi người vẫn nhớ đến mình. Đúng là tôi có chút nuối tiếc, nhưng để nhận kịch bản bừa bãi thì thôi ở nhà chơi với con còn hơn. Tôi cũng nhút nhát và sợ đấy cho dù nhớ nghề.
- Điều gì khiến 6, 7 năm nay chị mất bóng, giờ mới thấy xuất hiện trở lại?
- Tôi có cuộc sống mới, xác định sinh con và không làm gì cả. Khi em bé cứng cáp và có điều kiện, tôi mới tham gia nghệ thuật. Tôi không mưu cầu quá lớn về nghề nghiệp.
Hơn nữa, tôi cũng muốn khán giả nghỉ ngơi, không thấy mình liên tục trên màn ảnh. Bây giờ toàn phim dài tập, hay không sao, dở ngang bằng tra tấn khán giả. Đôi khi tôi cũng suốt ruột vì thấy người ta làm nhiều phim đến vậy. Diễn viên bây giờ có cơ hội đóng nhiều phim, mỗi phim có khi đến hàng trăm tập.
Tự tìm cách thoát khỏi khủng hoảng
- Nhiều người nói Thu Hà nhạy cảm, như con nai ngơ ngác giữa cuộc sống, nhưng khi trò chuyện, tôi lại thấy một Thu Hà biết “đóng gói” từng cảm giác của mình. Thận trọng như vậy, sao cuộc hôn nhân đầu tiên của chị vẫn đổ vỡ?
- Tôi vốn là người hiền lành, sống bình thường. Nhưng cũng có lúc tôi muốn tranh cãi, muốn chửi bậy, muốn qua cái ngưỡng bình thường. Đấy. Tôi bị đẩy vào những cảm giác như vậy và không thể chịu được.
- Chị đã gặp khủng hoảng trong cuộc sống riêng tư?
- Có người nói tôi là: “Một người đàn bà được nhiều người đàn ông hâm mộ nhưng lại là người đàn ông trong một gia đình toàn đàn bà”. Cuộc sống của tôi phải đối mặt với rất nhiều thứ. Nếu có khủng hoảng, tôi phải tự tìm cách thoát ra. Nếu không, những người xung quanh sẽ ngã theo tôi.
- Chị có sợ sẽ chai lì cảm xúc?
- Chưa hề. Tôi thấy mình còn lãng mạn, nhạy cảm lắm, bản thân không bao giờ bình ổn. Khi xem phim, kịch hay đọc kịch bản, tôi luôn đặt mình vào nhân vật và chạy theo cảm xúc với nhân vật đó. Mình còn cảm xúc là mình may mắn.
- Cuộc sống hiện tại của chị thế nào?
- Một tuần, tôi đến Nhà hát kịch Hà Nội vài buổi. Có lịch thì diễn, nếu không, tôi ở nhà chăm sóc, đưa đón con đi học. Trường của con tôi khá gần, tôi đón cháu bằng xe buýt vì cháu rất thích đi xe này.
Hôm nay đi gặp phóng viên nên điệu một chút chứ bình thường tôi thích mặc sơ mi, quần jeans. Tôi đơn giản và hòa đồng đến mức thỉnh thoảng thấy tôi đi chợ Hàng Bè, các chị bán hàng lại hỏi sao lâu rồi không gặp Hà.
- Một ngày không bận rộn như vậy chị có buồn không?
- Cực kỳ buồn, nhưng mình phải tự cân bằng bản thân chứ. Tôi xem tivi, lên mạng đọc thông tin, rồi đi tập thể thao.
- Chị dạy các con mình như thế nào?
- Trước khi đi ngủ, tôi thường kể chuyện cổ tích cho con nghe. Thỉnh thoảng, tôi kể một vài câu chuyện tưởng tượng khi cháu lớn, phải đi học xa nhà, cháu sẽ nhớ bố mẹ, sẽ viết thư thế này, thế kia… Cháu khóc. Tôi nghĩ, những ký ức ấy ăn sâu vào con trai mình và cháu sẽ biết yêu thương người thân, gia đình.
Hay những lúc cả nhà về quê nội, tôi tả cảnh đồng quê cho cháu nghe, cháu rất thích. Tôi ít có khái niệm về quê quán. Nhưng từ sau khi kết hôn với ông xã, tôi lại về nhiều vì muốn có sự gắn kết con cái với quê hương.
Con trai tôi thích về quê gặp ông. Ngoài bố ra, ông là người mà cháu rất kính trọng, tin tưởng.
- Tôi thường thấy chị và các con lang thang ở những hiệu sách, các con phố quanh bờ Hồ?
- Tôi muốn tạo cho con thói quen đến hiệu sách vào những ngày rảnh rỗi và thường bảo các cháu: “Khi nào lĩnh lương, mẹ sẽ đưa các con đi hiệu sách”. Cả hai đứa trẻ nhà tôi đều thích đến đây. Cháu lớn thích những cuốn sách liên quan đến khoa học thường thức, còn cháu bé đến đó đôi khi chỉ để chạy nhảy, hò hét.
- Nhưng đàn bà nhạy cảm khổ lắm?
- Nghệ sĩ nhạy cảm quá đúng là không hay, như một vai diễn ngắn mà cứ nghĩ cả đêm. Lúc cần quyết đoán lại không dứt khoát, nhất là trong tình cảm, làm người khác đau là không thể làm được. Thế nên, tôi luôn nhận cái khổ về mình.
- Vậy chị giải thoát những thăng hoa hay bế tắc trong cảm xúc thế nào?
- Ngoài đời, rất ít khi tôi để người khác thấy mình buồn. Vì mình phải gánh vác rất nhiều chuyện gia đình. Cô em gái hay khóc, mình toàn mắng: “Không bao giờ được khóc, đừng yếu đuối”. Những khó khăn tâm lý, tôi luôn trút vào vai diễn, khóc lúc lên sân khấu. Ánh sáng sàn diễn, âm thanh, tiếng động, khóc cũng không dễ. Nhưng mọi thứ… phải thế thôi.
- Như vậy cũng khổ nhỉ! Muốn không thật cũng không được, phải đưa vào vai diễn, mà đến vai diễn cũng phải khóc có tiết chế?
- Thì cũng căng thẳng. Thế nên khi diễn viên nào khúc trên sân khấu, ở dưới khán giả không động lòng, đó là nước mắt giả.
Thích lấy người đàn ông giỏi
- Chị không ân hận vì mình là nghệ sĩ?
- Cuộc đời tôi nhỏ lệ bao nhiêu lần, các vai diễn cũng khó khăn, khổ sở nhưng cuộc sống hiện tại của tôi yên bình, không phải bon chen.
- Nhưng có phải vì cuộc sống nghệ sĩ vất vả mà chị đã “theo chồng bỏ cuộc chơi”?
- Mỗi người có trọng trách riêng. Tôi gánh vác việc gia đình để anh ấy về nhà thấy yên ổn. Tôi thèm đi làm, tất nhiên không vì kinh tế, nhưng mọi thứ trong nhà sẽ bị xáo trộn. Tôi phải chấp nhận một phần nào đó để hy sinh cho nhau.
- Chồng chị là một người đàn ông giỏi giang. Có phải chị đã lựa chọn đúng như người ta nói, người đẹp đi với đại gia?
- Hồi mới lớn, tôi đi làm người mẫu chụp lịch, đi in sao băng để kiếm thêm thu nhập rồi từng kinh doanh nhà hàng, áo cưới. Tôi làm đủ nghề, nỗ lực cố gắng như vậy, tại sao lại không mong muốn có một người chồng giỏi. Khi kết hôn với người đàn ông như vậy, tôi cũng phải là người giỏi giang.
Người ta phấn đấu có nghề nghiệp tốt để làm ra tiền bạc, còn tôi thích lấy một người đàn ông giỏi, mà giỏi đương nhiên không thể nghèo. Nhiều người cứ nói không thích đại gia thì phải xem lại chính bản thân họ có thích hợp với đại gia hay không. Tôi thấy mọi thứ cần thực tế.
- Chị có thấy đa số đàn ông hiện nay thường gia trưởng, thiếu lãng mạn?
- Đó cũng là điều bình thường. Nhưng mình cần nhìn vào bản chất người đàn ông ấy có cùng vợ xây dựng một cuộc sống hôn nhân tốt đẹp hay không.
Chồng tôi cũng có những sinh hoạt rất đời thường như đi nhậu với bạn bè. Đôi lúc tôi cảm thấy khó chịu, nhưng rồi nghĩ rằng, có khi đó lại là những giây phút thoải mái của anh ấy. Quan trọng là khi về nhà, anh ấy không đánh đập, xúc phạm vợ, thế là ổn (cười lớn).
Ra đường, thấy nhiều người đàn ông rất lịch sự, nói chuyện toàn lời có cánh, nhưng khi về nhà họ vẫn mặc quần shorts, ngồi ăn cơm khuềnh khoàng hay phì phèo thuốc lá. Rồi anh ta có chăm sóc vợ con chu đáo hay chỉ đẹp mẽ thôi, thế nên đàn ông cũng cần phải… đời. Trên phim tôi thích đàn ông ga lăng, nhưng ngoài đời lại thích đàn ông đời.
Ông xã không để tôi thiếu thốn thứ gì
- Chồng chị có tiết lộ với chị rằng, anh ấy thật may mắn khi có chị?
- Ôi! Anh ấy chẳng nghĩ vậy đâu. Chồng tôi ít thể hiện tình cảm ra ngoài lắm. Khi kết hôn, tôi nghĩ anh ấy sẽ choáng ngợp trước sự nổi tiếng của vợ, những đến nay, chồng tôi không thể hiện gì cả.
Anh ấy vẫn xem tôi như một người phụ nữ bình thường. Tôi còn ghét chồng tôi nữa cơ. Ngày đầu yêu nhau, anh ấy đưa tôi đi ăn phở ở Bát Đàn, bắt tôi đứng xếp hàng chờ mua phở, còn anh ấy lại ngồi chờ. Trước đây đến Bát Đàn ăn phở, nhiều người nhìn, tôi ngại lắm. Thế mà giờ tôi lại nghiện phở ở đó. Gần như mỗi thứ bảy hoặc hôm nào cãi nhau xong, cần giảng hòa là cả hai lại đến Bát Đàn ăn phở. Nhưng bây giờ, tôi được làm VIP, không phải đứng xếp hàng, thay vào là anh ấy.
Ông xã không để tôi thiếu thốn thứ gì và luôn giữ gìn hình ảnh cho tôi.
- Chồng chị biết chị thích anh ấy ở điều gì chứ?
- Chồng tôi là người nhạy cảm, anh ấy cũng đọc tiểu thuyết, cũng đau trước sự đời. Ai thiếu thốn, chồng tôi giúp đỡ hết mình. Anh ấy yêu những người bạn làm nghệ thuật của chúng tôi. Thêm nữa, anh ấy ít nói, chỉ hành động thôi.
Ai cũng hỏi tôi là có thấy may mắn khi chồng như vậy không, mà chẳng ai hỏi ngược lại, anh ấy có may mắn khi lấy tôi không. Một phần nào đó tôi thấy may mắn, nhưng nghĩ lại cũng bình thường thôi. Tuy nhiên, tôi thấy mình yên ổn. Anh ấy là người có tâm tốt.
- Chồng chị có hay tặng quà cho vợ không?
- Anh ấy tặng hoa cho tôi rất đều đặn vào dịp sinh nhật và tất cả các ngày lễ, sự kiện. Nhiều khi tôi cũng ngạc nhiên tự hỏi, tại sao anh ấy có thể chờ ở cửa hàng cả tiếng đồng hồ để mua hoa tặng vợ như vậy. Một người đàn ông có thể mua chiếc Mẹc hay căn hộ trong giây phút nhưng để hiểu giá trị của một bông hồng thì chưa chắc.
- Những vai diễn trên sân khấu hay các bộ phim chị tham gia, anh ấy có xem không?
- Thời tôi đóng phim, anh ấy chưa quan tâm tới tôi nhiều. Còn các vai diễn trên sân khấu, chồng tôi đều có mặt.
- Nếu vợ phải đi diễn xa nhà, anh ấy có phàn nàn không?
- Anh ấy luôn để tôi chủ động trong công việc, không ý kiến, phản đối gì cả. Thế là may rồi. Vì đàn ông có vợ đi diễn xa, phần lớn đều không hài lòng. Từ ngày sống với anh ấy, đi diễn mọt tuần hoặc làm phim vài tập, tôi còn đi được, chứ phim nào cả trăm tập, đi nửa năm trời thì tôi đành chịu, không thu xếp được. Đích đến của tôi là gia đình, còn nghề nghiệp đâu thể đi hết cả cuộc đời.
- Chị hài lòng với cuộc sống hiện nay?
- Giờ đây, mỗi khi thức giấc, tôi lại sợ cuộc sống tan biến đi mất. Rõ ràng đã 40 tuổi rồi, nhưng sao tôi vẫn lo lắng có điều gì đó không hay sẽ xảy ra với mình. Chắc tại từ nhỏ tôi hay lo lắng.
Theo Mốt và Cuộc sống
|
||
Và thực sự thì Thu Hà đang trở lại. Dù để chuẩn bị cho sự trở lại của mình, Thu Hà cũng đã mất rất nhiều thời gian. Sự an hòa và bình yên trong chị hôm nay được khơi nguồn từ một cuộc đời nhiều giông gió. Nên khi ngồi với chị, một người đàn bà đã đi qua ngưỡng cửa 40, tôi vẫn thấy vẻ bình yên đang đầy trong mắt chị. Những bão tố, những muộn phiền dường như chưa bao giờ làm cho đôi mắt nâu sâu thẳm của chị thôi những lấp lánh.
Với những người phụ nữ xinh đẹp, cuộc sống vẫn thường nhiều bất trắc, huống hồ một phụ nữ xinh đẹp lại làm nghệ thuật, thì sự bất trắc đó càng khắc nghiệt hơn. Chậm rãi nhưng đó là lựa chọn của chị. Qua khúc quanh rồi đời sẽ chảy bình yên. Thu Hà vẫn luôn tin như vậy.
Có thể nói, Thuận Khanh trong vở "Ngàn năm tình sử" của đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã đánh dấu sự trở lại của Thu Hà. Đây là một vở diễn lớn của Nhà hát Kịch Hà Nội, dấu mốc để nhà hát kịch đỏ đèn sau hai năm án binh bất động. Cách đây mấy tháng, Sân khấu Idecaf Sài Gòn cũng đã dựng rất thành công vở diễn này. Nên đối với các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội, quả thực đây là một vở diễn nhiều áp lực. Nhưng với Thu Hà, chị dường như không mấy quan tâm đến điều đó.
Chị nói, có lẽ tôi là người duy nhất ở nhà hát không chịu áp lực bởi vai diễn. Nên Thu Hà đã thăng hoa trên sân khấu bằng bản năng của một người làm nghệ thuật và bằng cả sự trải nghiệm của chính mình. Một sự hóa thân hoàn hảo. Dù chỉ là một vai diễn điểm xuyết, không xuất hiện quá nhiều trên sân khấu, nhưng Thuận Khanh đã làm nền cho nhân vật anh hùng Lý Thường Kiệt về một mối tình bi thiết trong lịch sử. Nhiều người đã khóc vì xem chị diễn.
Ở tuổi 40 để hóa thân vào một cô gái 16 tuổi, với những rung động đầu đời về một tình yêu đẹp đối với chị quả không mấy dễ dàng. Nhưng Thu Hà đã thành công. Người xem lại được gặp chị, một Thu Hà của 20 năm về trước, như một đóa hoa rừng đang tỏa hương giữa làng sân khấu Việt bằng tài năng và niềm đam mê của chính mình, một vẻ đẹp tỏa ra từ nội lực của chị.
Năm 17 tuổi, một cô gái miền sơn cước Tuyên Quang mang vẻ đẹp hoang dại của một đóa hoa rừng xuống Hà Nội mang theo giấc mơ được làm nghệ thuật. Ngày đó, chị chỉ nhìn thấy ánh hào quang lung linh của sân khấu chứ chưa thực sự hiểu gì về nghề.
Nhưng nét đẹp dịu dàng, tinh khôi và có gì đó mong manh của chị đã lọt vào mắt xanh của đạo diễn Trần Phương. Thu Hà trúng tuyển cả kịch lẫn múa, nhưng chị chọn kịch, trở thành người trẻ nhất của Đoàn kịch Quân khu II. Đóa hoa rừng cứ thế tỏa hương giữa Thủ đô, một thứ hương bền bỉ, không màu mè, xa hoa.
Con đường nghệ thuật của Thu Hà được trải đầy hoa. Sau hai mươi năm nhìn lại, Thu Hà vẫn cho rằng, mình là người may mắn khi vừa tốt nghiệp khóa đào tạo diễn viên kịch, chị được đầu quân về Nhà hát Kịch Hà Nội. Nhưng điểm khởi đầu cho sự tỏa sáng của chị không phải là sân khấu kịch mà là nghệ thuật thứ bảy. Một công chúa Quỳnh Hoa có vẻ đẹp mong manh dễ vỡ trong "Đêm hội Long Trì", đạo diễn Hải Ninh; cô sinh viên Mai ngơ ngác bị lừa vào cạm bẫy tình trong "Canh bạc", đạo diễn Lưu Trọng Ninh và nàng tiểu thư Nga mạnh mẽ, dám trả giá cho lòng khao khát yêu và dám yêu trong "Lá ngọc cành vàng", đạo diễn Vũ Châu.
Với điện ảnh, hai lần liên tiếp Thu Hà được đội vòng nguyệt quế khi bước lên nhận giải diễn viễn xuất sắc nhất của Liên hoan phim lần thứ 9, 10. Chị bị đóng khung trong những vai diễn tiểu thư, công chúa đài các sang trọng. Nhan sắc và tài năng của chị cũng không thoát khỏi cuộc săn tìm của các đạo diễn dòng phim thị trường đang nổi lên rầm rộ trong những năm đó. Đã có khoảng thời gian, chị vào Sài Gòn, sống trong khách sạn, ăn cơm bụi để đi đóng phim kiếm tiền. Nhưng rồi, dù tuổi trẻ và sức lực có dẻo dai đến mấy, chị cũng cảm thấy mỏi mệt. Thời đoạn đó chỉ kéo dài 4 năm, cho một loạt những phim thị trường được đông đảo công chúng mến mộ. Thu Hà đã cùng với thế hệ diễn viên thời chị làm nên một cơn sốt phim trong khán giả…
Cái được thì ít, cái mất cũng nhiều, giờ không thể ngồi cân đong đo đếm. Cái được của chị hồi đó là công chúng. Nói vậy, không có nghĩa là Thu Hà bị cuốn vào dòng phim thị trường. Chị vẫn dành những khoảng lặng cho nghệ thuật chân chính với mỗi vai diễn là một số phận đầy ám ảnh. Đoạn đời đó, đã xa lắm rồi, nhưng có lẽ đó là quãng đời nhiều vinh quang nhưng cũng nhiều cay đắng nhất của người đẹp lá ngọc cành vàng. Và dưới ánh đèn sân khấu, Thu Hà càng đẹp rực rỡ, nhưng sức hút của vai diễn lại tỏa ra từ nội tâm. Nhưng Thu Hà quay trở lại sân khấu phía Bắc vào đúng thời điểm sân khấu đang rơi vào bình lặng, thậm chí gần như bị quên lãng. Nên chị không có nhiều cơ hội để tỏa sáng.
Đến bây giờ, ngồi nhìn lại chặng đường đã đi của mình, chị vẫn cho rằng, với sân khấu, Thu Hà chưa có được những vai diễn nặng ký. Và những người làm nghệ thuật như chị ít nhiều thất bại khi chưa kéo được công chúng đến với rạp hát. Mặc dù Thu Hà được nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú từ những thành công của chị trong lĩnh vực này. Và rất sớm, nhưng phải đợi đến năm 2001, chị mới đủ tuổi để sở hữu danh hiệu cao quý đó.
Với sân khấu, Thu Hà lại mang thêm hai vòng nguyệt quế, Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1995 và Huy chương bạc năm 1999 với Ba Sương trong "Ăn mày dĩ vãng", Mến trong "Thầy khóa làng tôi". Một gia tài đáng mơ ước cho những thế hệ trẻ làm sân khấu hôm nay. Dẫu đến bây giờ, sau 20 năm trở lại, chị vẫn trăn trở, chưa có một vai diễn để đời.
Có những khoảng lặng không mấy bình yên trong cuộc đời Thu Hà, có những thời đoạn tâm hồn mong manh của chị đã bị thương tổn. Thu Hà ném nỗi đau của mình vào trong từng vai diễn. Người đẹp lá ngọc cành vàng, ít xuất hiện trên sân khấu, màn ảnh, nhưng sự xuất hiện của chị mang dấu ấn mới, của những từng trải có phần nghiệt ngã. Chị đã thổi linh hồn sống vào những người đàn bà đa đoan nhưng thiệt thòi, để làm nên một Tân trong "Đường đời", một Ái Trinh trong "Cát bụi" với cá tính thời thượng điển hình của phụ nữ hiện đại.
Thu Hà đã từng nói, những vai diễn hay nhất của chị là những lúc chị đau khổ nhất. Người nghệ sĩ trong nỗi đau tột cùng, trong nỗi cô đơn không biết chia sẻ cùng ai, họ đã trút vào vai diễn. Họ thăng hoa trong nỗi đau của chính mình. Với Thu Hà cũng vậy. Nhưng có một điều mà tất cả những người bạn lâu năm hay mới tiếp xúc với chị đều có cảm nhận, ở Thu Hà, một trái tim hồn hậu, luôn mở cửa để đón chờ những nhịp đập xôn xao của cuộc sống. Sau những đổ vỡ, chị lại bình thản đứng lên, "trong canh bạc cuộc đời, ngoài hành trang nhan sắc, tạo hóa còn ban cho Thu Hà một phần hồn nhạy cảm, một bản lĩnh và nghị lực sống mạnh mẽ". Một người bạn đã viết về chị như vậy.
Chị đã từng chọn cách lánh mình, ẩn vào đời bằng những niềm vui bình dị. Và hạnh phúc lại gõ cửa trái tim người đàn bà đẹp. Dẫu muộn mằn, nhưng đó là hạnh phúc của chị. Tôi cảm giác, đối với Thu Hà, bây giờ không có gì quan trong bằng mái ấm và tiếng cười của cậu hoàng tử xinh đẹp. Bởi một người đã phải nếm trải quá nhiều mất mát như chị, hơn ai hết hiểu được cái giá của hạnh phúc và sự bình yên quý giá như thế nào. Có cái gì đó mâu thuẫn khi chị vẫn dành đam mê cho sân khấu và tìm kiếm những vai diễn để đời, nhưng chắc hẳn chị sẽ không bao giờ đánh đổi sự bình yên và hạnh phúc hiện tại cho hào quang của sân khấu. Thu Hà của bây giờ là vậy.
Chị bảo: "Tôi đã trả giá quá nhiều, đã hy sinh quá nhiều để có một Thu Hà của hai mươi năm về trước". Nên Thu Hà của hôm nay, hơn ai hết, thấu nhận được cái giá của hạnh phúc, và biết dung hòa cuộc sống để cho tâm mình được bình an. Chỉ có sân khấu đang làm chị hồi sinh. Nhưng đó sẽ là sự hồi sinh của một nhan sắc đã đến độ chín, đã có một bến đỗ bình an. Và chúng ta sẽ chờ đợi sự tỏa sáng của chị trên sân khấu trong một ngày rất gần
Diễn viên Diễm Hương ngày ấy và bây giờ
Các diễn viên nhí Việt Nam ngày ấy bây giờ
Quỳnh Hoa diễn viên
Michyo Phạm Ngà diễn viên múa đương đại
Diễn viên Hùng Thuận và vợ
(St)