Đàn ông thực ra lại yếu đuối hơn phụ nữ trước những biến cố. (Ảnh: Paleoleap)
Những ngày cuối tháng 5, người dân xóm chài Cầu Đá, Nha Trang, Khánh Hòa vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của Phong, cha của hai đứa trẻ. Phong cưới vợ khi vừa qua tuổi vị thành niên, sinh hai đứa con, một trai một gái. Không có việc làm ổn định, được cha mẹ mua cho một căn nhà nhỏ, vợ chồng chạy vạy làm thuê xây dựng tổ ấm. Cuộc sống chật vật, họ thường xuyên cãi vã, đánh chửi nhưng vẫn sống với nhau 13 năm. Những cuộc cãi vã, xô xát không giảm bớt mà ngày càng căng thẳng đã làm tan nát gia đình nhỏ. Vợ chồng ly hôn.
Chưa đầy một năm sau, cả xóm được mời đi dự đám cưới lần thứ hai của vợ cũ Phong. Cô ở cùng chồng mới ngay gần tổ ấm cũ và chuẩn bị đón đứa con sắp chào đời. Hai con riêng của cô với Phong khi thì ở nhà nội, lúc qua nhà ngoại. Cũng từ khi ấy, Phong bỗng nhiên stress nặng, thường xuyên nói lảm nhảm phải vào bệnh viện tâm thần để điều trị. Vài hôm trước khi bi kịch xảy ra, Phong trốn viện về nhà rồi đón hai con về ngủ cùng… Không ai ngờ, sáng hôm sau Phong tự vẫn ngay trong nhà.
Không vượt qua được những bế tắc sau cuộc ly hôn cũng là câu chuyện của anh Tâm - chủ một tiệm cắt tóc nổi tiếng ở Nha Trang gặp phải. Là thợ tạo mẫu tóc tài năng, giỏi nghề, Tâm có có một cuộc sống tương đối đầy đủ. Nhưng cuộc sống không tròn đầy khi Tâm ly hôn với cô vợ cùng nghề sau khi có một cậu con trai. Sau đó, anh cưới một cô vợ khác rất xinh đẹp và có thêm một cậu con trai. Khi con chưa đầy năm, người vợ đã bỏ bê con, tối ngày lao vào thú vui ở các quán bar, gần sáng mới về, có khi biền biệt vài ba hôm. Còn Tâm thì ngày càng suy sụp tinh thần, hai mắt quầng thâm, sút cân và tiều tụy. Không thể chấp nhận tình cảnh này, anh quyết định chia tay và nhận nuôi con. Đêm đến, đứa con khóc đòi mẹ khiến Tâm cảm thấy bất lực. Chỉ vài tháng sau khi ly hôn, Tâm tìm đến cái chết để giải thoát cho những bế tắc của chính mình…
Ngày nay, cùng với các giá trị cá nhân được đề cao hơn, mỗi người có xu hướng chủ động hơn trong hạnh phúc của mình thì nguy cơ đổ vỡ của mỗi gia đình cũng tăng cao. Thế nhưng, điều còn lại sau những cuộc “đường ai nấy đi” mới là điều đáng nói, bởi trong nhiều trường hợp nó gây ra sang chấn lớn trong đời sống của người chồng hoặc người vợ. Họ không thể khỏa lấp khoảng trống, sự hụt hẫng trong tâm hồn, không dám đối diện với những khó khăn trước mắt và thậm chí tìm đến cách giải thoát cuối cùng là chấm dứt cuộc sống. Nếu là bạn, bạn sẽ nghĩ sao về kết cục này?
Những người đàn ông sau khi li dị vợ, họ không thể khỏa lấp khoảng trống, sự hụt hẫng trong tâm hồn không dám đối diện với những khó khăn trước mắt và thậm chí tìm đến cách giải thoát cuối cùng là chấm dứt cuộc sống.
Anh Vũ Ngọc Đức chia sẻ: Tôi cũng đã trải qua chuyện đó, cuộc sống cũng bế tắc tuy nhiên tôi cảm thấy nhiều người chọn cách từ bỏ cuộc sống của mình là sai lầm. Khi vợ chồng đã không ở được với nhau thì nên sẵn sang đón nhận chuyện này, bên cạnh đó thì ý kiến riêng của mình sẽ đem đến mất mát, nỗi buồn cho người thân và mình còn phải có nghĩa vụ nuôi nấng con cái, sau này ai cũng sẽ tìm được hạnh phúc của mình không nên chọn cách từ bỏ cuộc sống của mình.
Anh Trần Bình Minh cho biết: Tôi không đồng tình với cách giải quyết của những người đàn ông trong câu chuyện trên. Chuyện cãi nhau hay bất đồng quan điểm trong hôn nhân gia đình nó hết sức bình thường. Tôi nghĩ nên tìm phương án khác để 2 vợ chồng làm hòa hơn, còn nếu quyết định ly hôn thì tôi nghĩ nên chấp nhận vấn đề đó chứ đừng cố gắng ràng buộc nhau mãi mà không có kết quả. Bây giờ các anh ấy chọn cách giải quyết trên không chỉ làm khổ người thân, bạn bè xung quanh mà còn làm khổ chính đứa con của mình.
Để tìm hiểu rõ hơn về tâm lý hậu ly hôn của người trong cuộc, nhà báo Hoàng Minh Trí sẽ chia sẻ với chúng ta sau đây.
PV: Thưa nhà báo Minh Trí, dù luôn thể hiện mạnh mẽ nhưng người đàn ông nào cũng khao khát được sống hạnh phúc trong tình yêu gia đình. Trong chương trình trước, chúng ta đã trao đổi về nghị lực vượt qua nghịch cảnh của một ông bố đơn thân. Còn trong câu chuyện lần này, anh có cho rằng hôn nhân tan vỡ là một sang chấn lớn trong đời sống của người chồng dẫn đến những hành động đáng buồn như câu chuyện vừa rồi?
Nhà báo Hoàng Minh Trí: Tôi cho rằng bất kể hôn nhân nào tan vỡ thì đều là câu chuyện rất buồn với tất cả thành viên trong gia đình và bản thân người trong cuộc là người vợ, chồng. Cái sang chấn tâm lý đấy là hiển nhiên, bây giờ họ phải thay đổi cuộc sống dù ở với nhau bao nhiêu năm, có mối quan hệ với con cái hoặc có thể nhìn vào những đồ vật rất nhỏ ở trong gia đình cũng gợi nhớ lại những kỷ niệm. Bởi vì khi ly hôn không phải tất cả đều hết tình yêu, người còn tình yêu sẽ là người đau đớn, họ xót xa con cái, cha mẹ. Nên tôi nghĩ sang chấn ở những người còn lại là có thể xảy ra.
PV: Nếu người đàn ông sau khi ly hôn rơi vào tình trạng stress kéo dài, có một số triệu chứng dẫn đến trầm cảm như buồn chán, mệt mỏi, khó kiềm chế cảm xúc, có ý định tự sát… Thì người thân và gia đình nên làm gì để có thể kéo họ ra khỏi những cảm xúc tiêu cực đó?
Nhà báo Hoàng Minh Trí: Ở nước ta có một cái rất thiếu đó là bác sĩ tâm lý, như nước người họ rất quan tâm đến vấn đề tâm lý, có bác sĩ tâm lý để có thể ngồi trò chuyện, hiểu biết về tâm lý, để có thể tư vấn chữa bệnh bằng lời nói. Việc của gia đình, bạn bè rất quan trọng, chúng ta nên ngồi lắng nghe họ tâm sự, bởi vì mình sẽ tìm ra cái nút thắt nào đấy để dẫn người ta thoát ra khỏi sự bế tắc.
Ảnh minh họa.
Thường thì ngồi nói chuyện cởi mở, lắng nghe và không đưa ra những lời khuyên cảm tính, cứ lắng nghe thôi vì khi họ nói ra cái ấm ức họ sẽ cảm thấy dễ chịu phần nào, bớt những những uẩn ức phần nào ở trong lòng. Nên rủ họ đi chơi đây đó để giải tỏa, phân tâm chuyện buồn trong lòng. Còn việc tự tử tôi nghĩ đấy là việc hơi cực đoan, tất nhiên mình không thể trách được, mỗi nhà một hoàn cảnh, mỗi người một nhận thức về cuộc sống khác nhau, nên lựa chọn lối thoát của họ cũng khác không thể áp dụng cách của mình cho người khác được.
PV: Chia tay trong hòa bình là điều mà các cặp vợ chồng nên tính tới trước khi quyết định ly hôn để không rơi vào tình trạng đau khổ bế tắc, stress kéo dài dẫn đến trầm cảm. Là cánh mày râu, anh có chia sẻ gì đến những anh chồng trong thời đại ngày nay không ạ?
Nhà báo Hoàng Minh Trí: Tôi nghĩ bây giờ mọi thứ đến với nhau rất dễ, yêu nhanh, cưới nhanh, tức là ở tuổi trẻ bây giờ, thành ra chuyện ly hôn trong vui vẻ, hòa bình, họ tự giải thoát cho nhau. Và trong quan niệm hiện đại thì tôi thấy các cặp vợ chồng nói chuyện với nhau thẳng thắn hơn, không bị rằng co, kéo đi kéo lại về các ràng buộc, họ cởi các nút thắt đấy rất dễ, về con cái họ chia sẻ việc chăm con rất dễ. Cho nên tôi thấy những căng thẳng hôn nhân không như ngày trước nữa. Ở trong sự tan vỡ của gia đình tôi nghĩ người vợ hoặc chồng sẽ hiều nhau hơn ai hết, nên lúc lý hôn dù có cạn tình vẫn còn nghĩa ở trong đấy, những người thân nên đi gặp bạn bè của anh ấy nhờ mọi người giúp, tôi nghĩ động thái đấy cũng sẽ xoa dịu đi phần nào vết thương trong lòng anh ấy.
PV: Cảm ơn nhà báo Hoàng Minh Trí!
Ly hôn là cái kết buồn của hôn nhân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ly hôn có thể mở ra một cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho chính người trong cuộc. Điều quan trọng hơn là cách hành xử hậu ly hôn của người trong cuộc hữu hảo hay thù địch.
Giữ được tình thân, cội nguồn cho con, và quan trọng hơn là chính người trong cuộc cũng không còn sống trong sự giận hờn, căm ghét - là những giá trị tích cực mà mỗi người cần tự trang bị cho mình sau đổ vỡ. Đó cũng là điều mỗi người cha, người mẹ có thể bù đắp tốt nhất cho con mình – người phải gánh chịu tổn thương và thiệt thòi nhất từ cuộc ly hôn của cha mẹ.
Có ba cách để tự làm giàu cho mình đó là: Mỉm cười, Cho đi và Tha thứ.