Ruột thừa là gì?
Ruột thừa (ruột dư) là một đoạn ruột hẹp, kín, tận cùng, dài khoảng vài centimet và bám dính vào manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Lớp lót bên trong lòng ruột thừa tiết ra ít chất nhầy và chảy vào manh tràng. Thành của ruột thừa chứa mô bạch huyết, là một phần của hệ miễn dịch sản xuất kháng thể. Giống như những đoạn còn lại của đại tràng (ruột già) thì thành của ruột thừa cũng có chứa lớp cơ nhưng lớp cơ này phát triển kém.
Viêm ruột thừa là gì?
Viêm ruột thừa là tình trạng viêm của ruột thừa. Người ta nghĩ rằng viêm ruột thừa là do lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng bị tắc nghẽn. Hiện tượng tắc nghẽn này là do tích tụ nhiều chất dịch nhầy trong lòng ruột thừa hoặc do phân từ manh tràng đi vào ruột thừa. Chất nhầy hay phân trở nên cứng, giống như đá và làm tắc nghẽn lỗ thông.
Hiện tượng phân cứng như đá được gọi là "sỏi phân" (phân có kích thước bằng hạt đậu, cứng và bị can xi hóa gây tắc nghẽn lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng). Có thể có hiện tượng mô bạch huyết của ruột thừa bị phù và làm tắc nghẽn ruột thừa. Sau khi hiện tượng tắc nghẽn xãy ra, các vi khuẩn bình thường thường trú trong lòng ruột thừa bắt đầu xâm lấn vào thành ruột thừa. Cơ thể đáp ứng với hiện tượng xâm lấn này bằng cách tấn công các vi khuẩn. Hiện tượng tấn công các vi khuẩn đó được gọi là viêm.
Nếu hiện tượng viêm và nhiễm trùng lan rộng đến thành ruột thừa thì ruột thừa sẽ bị vỡ ra. Sau khi ruột thừa vỡ, nhiễm trùng sẽ lan rộng vào trong ổ bụng. Tuy nhiên hiện tượng nhiễm trùng này thường giới hạn thành một vùng nhỏ xung quanh ruột thừa được gọi là áp xe quanh ruột thừa.
Đôi khi viêm ruột thừa có thể tự khỏi mà không cần phẩu thuật nếu hiện tượng viêm và nhiễm trùng không lan rộng vào ổ bụng. Viêm, đau và các triệu chứng sẽ biến mất. Trường hợp này có thể gặp ở những người già và được sử dụng kháng sinh. Những bệnh nhân này có thể một thời gian lâu sau khi bị viêm ruột thừa sẽ đến gặp bác sĩ vì một khối ở vùng bụng dưới phải do kết quả của hiện tượng tự "chữa lành" của cơ thể.
Để nhận biết viêm ruột thừa
1. Ói mửa và buồn nôn
2. Đau ở vùng dưới bên phải của bụng và càng đau hơn khi dùng tay ấn vào
3. Đau nhức ngay phía trên rốn, vốn có thể lan rộng đến khu vực dưới bên phải của bụng
4. Cơn đau nói trên trở nên tồi tệ hơn khi ho, hắt hơi, đi lại hoặc hít thở sâu
5. Sốt nhẹ
6. Bị tiêu chảy, táo bón hoặc không thể “đánh rắm”
7. Mất cảm giác ngon miệng
8. Vùng bụng bị sưng
Biến chứng của viêm ruột thừa là gì?
Viêm ruột thừa có thể gây ra thủng ruột thừa, tắc ruột, nhiễm trùng huyết.
Cắt ruột thừa được tiến hành như thế nào?
Trong phẫu thuật cắt ruột thừa, đầu tiên là rạch một vết dài khoảng từ 5-7cm ở ngoài da thuộc vùng bụng dưới phải, rồi vào đến các lớp tiếp theo của thành bụng. Sau khi đã vào đến ổ bụng thì tìm kiếm ruột thừa. Sau khi đã tìm thấy được ruột thừa thì bác sĩ phẩu thuật sẽ quan sát các khu vực xung quanh đó xem có bị viêm nhiễm gì không. Nếu không có vấn đề gì thì sẽ tiến hành cắt ruột thừa. Đầu tiên là bóc tách ruột thừa ra khỏi mạc treo của nó dính vào vùng bụng và manh tràng, sau đó cắt bỏ ruột thừa và khâu lại lỗ của vết cắt trên manh tràng. Nếu có áp xe thì đặt ống dẫn lưu (bằng cao su hay plastic) để mủ chảy từ ổ áp xe ra ngoài. Sau đó đóng bụng lại.
Một kỹ thuật mới có thể cắt bỏ ruột thừa là cắt ruột thừa qua nội soi ổ bụng. Thủ thuật này cho phép bác sĩ có thể khảo sát bên trong ổ bụng chỉ thông qua một lỗ nhỏ trên thành bụng (Thay vì vết mổ lớn trong phẩu thuật cắt ruột thừa thông thường). Lợi điểm của phương pháp này là bệnh nhân cảm thấy ít đau sau mổ và có thể trở về hoạt động bình thường nhanh hơn. Một lợi ích khác của phương pháp này là giúp bác sĩ có thể khảo sát bên trong ổ bụng để xác định rõ ràng chẩn đoán. Ví dụ có thể khảo sát buồng trứng ở những phụ nữ nghi ngờ vỡ nang buồng trứng mà có triệu chứng tương tự viêm ruột thừa.
Nếu bệnh nhân không có vỡ ruột thừa thì có thể về nhà sớm. Còn nếu bệnh nhân bị vỡ ruột thừa thì thời gian nằm viện lâu hơn, đặc biệt là trường hợp có viêm phúc mạc. Thuốc kháng sinh chích tĩnh mạch sẽ được sử dụng trong bệnh viện để điều trị nhiễm trùng và áp xe.
Thỉnh thoảng khi mổ ra thì bác sĩ phẩu thuật thấy ruột thừa có biểu hiện bình thường và không tìm thấy nguyên nhân nào khác. Trong trường hợp này thì bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ luôn ruột thừa. Nguyên nhân để lý giải cho trường hợp này là việc cắt bỏ những ruột thừa như thế sẽ tốt hơn là bỏ sót và điều trị không thích hợp những trường hợp viêm ruột thừa nhẹ hoặc ở giai đoạn sớm.
Biến chứng của cắt ruột thừa là gì?
Nhiễm trùng vết mổ: Đây là biến chứng thường gặp nhất. Biến chứng nhiễm trùng này có thể nhẹ hoặc nặng như đỏ và đau vết mổ trong trường hợp nhẹ cho đến mức độ trung bình là chỉ cần dùng kháng sinh và nặng là vừa dùng kháng sinh vừa phải phẫu thuật. Nhiễm trùng vết mổ ít gặp ở trường hợp phẩu thuật bằng nội soi ổ bụng hơn.
Áp xe: là hiện tượng tích tụ mủ xung quanh vùng ruột thừa.
Bệnh nhân không còn ruột thừa có bị ảnh hưởng gì không?
Người không còn ruột thừa vẫn sống khỏe mạnh bình thường .