Đau ruột thừa có những triệu chứng gì

Ruột thừa là gì?

Ruột thừa (ruột dư) là một đoạn ruột hẹp, kín, tận cùng, dài khoảng vài centimet và bám dính vào manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Lớp lót bên trong lòng ruột thừa tiết ra ít chất nhầy và chảy vào manh tràng. Thành của ruột thừa chứa mô bạch huyết, là một phần của hệ miễn dịch sản xuất kháng thể. Giống như những đoạn còn lại của đại tràng (ruột già) thì thành của ruột thừa cũng có chứa lớp cơ nhưng lớp cơ này phát triển kém.

Viêm ruột thừa là gì?

Viêm ruột thừa là tình trạng viêm của ruột thừa. Người ta nghĩ rằng viêm ruột thừa là do lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng bị tắc nghẽn. Hiện tượng tắc nghẽn này là do tích tụ nhiều chất dịch nhầy trong lòng ruột thừa hoặc do phân từ manh tràng đi vào ruột thừa. Chất nhầy hay phân trở nên cứng, giống như đá và làm tắc nghẽn lỗ thông. Hiện tượng phân cứng như đá được gọi là "sỏi phân" (phân có kích thước bằng hạt đậu, cứng và bị can xi hóa gây tắc nghẽn lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng). Có thể có hiện tượng mô bạch huyết của ruột thừa bị phù và làm tắc nghẽn ruột thừa. Sau khi hiện tượng tắc nghẽn xãy ra, các vi khuẩn bình thường thường trú trong lòng ruột thừa bắt đầu xâm lấn vào thành ruột thừa. Cơ thể đáp ứng với hiện tượng xâm lấn này bằng cách tấn công các vi khuẩn. Hiện tượng tấn công các vi khuẩn đó được gọi là viêm.

Nếu hiện tượng viêm và nhiễm trùng lan rộng đến thành ruột thừa thì ruột thừa sẽ bị vỡ ra. Sau khi ruột thừa vỡ, nhiễm trùng sẽ lan rộng vào trong ổ bụng. Tuy nhiên hiện tượng nhiễm trùng này thường giới hạn thành một vùng nhỏ xung quanh ruột thừa được gọi là áp xe quanh ruột thừa.

Đôi khi viêm ruột thừa có thể tự khỏi mà không cần phẩu thuật nếu hiện tượng viêm và nhiễm trùng không lan rộng vào ổ bụng. Viêm, đau và các triệu chứng sẽ biến mất. Trường hợp này có thể gặp ở những người già và được sử dụng kháng sinh. Những bệnh nhân này có thể một thời gian lâu sau khi bị viêm ruột thừa sẽ đến gặp bác sĩ vì một khối ở vùng bụng dưới phải do kết quả của hiện tượng tự "chữa lành" của cơ thể.

Biến chứng của viêm ruột thừa là gì?

  • Thủng ruột thừa: Hay còn được gọi là vỡ ruột thừa. Đây là biến chứng thường gặp nhất của viêm ruột thừa. Thủng ruột thừa có thể gây ra áp xe quanh ruột thừa hoặc nặng hơn là viêm phúc mạc lan tỏa (Nhiễm trùng toàn bộ màng bụng, là lớp lót bên trong ổ bụng, và vùng chậu). Nguyên nhân chính của thủng ruột thừa là chẩn đoán và điều trị trể. Nói chung, khoảng thời gian giữa chẩn đoán và điều trị phẩu thuật càng dài thì nguy cơ bị thủng ruột thừa càng cao. Tại thời điểm 36 giờ kể từ khi các triệu chứng đầu tiên khởi phát thì nguy cơ thủng ruột thừa thấp nhất là 15%. Do đó, một khi chẩn đoán là viêm ruột thừa thì nên tiến hành phẩu thuật, tránh những trì hoãn không cần thiết.

  • Tắc ruột: Biến chứng này ít gặp hơn. Tắc ruột xuất hiện khi hiện tượng viêm xung quanh ruột thừa làm cho cơ của thành ruột ngưng hoạt động, ngăn cản không cho các thành phần bên trong lòng ruột được đẩy đi. Nếu đoạn ruột bên trên chổ tắc nghẽn chứa đầy dịch và chất lỏng thì bụng sẽ chướng và bệnh nhân cảm thấy buồn nôn hoặc nôn. Điều này có thể cần đến việc dẫn lưu các thành phần bên trong ruột ra bên ngoài thông qua một ống được luồn vào mũi, thực quản, đến dạ dày và ruột.

  • Nhiễm trùng huyết: Là hiện tượng vi khuẩn gây nhiễm trùng từ ruột thừa vào dòng máu và đi khắp cơ thể. Đây là một biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng. Nhưng cũng may mắn là biến chứng này ít gặp.

Các triệu chứng của viêm ruột thừa là gì?

Triệu chứng chính của viêm ruột thừa là đau bụng. Đầu tiên, đau thường lan tỏa và ít khu trú thành một điểm đau cụ thể. Đau ít khu trú là điển hình của các bệnh lý ở ruột non, ruột già và kể cả ruột thừa. Đau thường khó xác định vị trí cụ thể. Sau đó có thể xuất hiện các triệu chứng sớm của viêm ruột thừa như ăn mất ngon miệng và có thể diễn tiến đến buồn nôn và thậm chí nôn ói. Các triệu chứng buồn nôn, nôn có thể gặp ở giai đoạn trễ khi có hiện tượng tắc ruột.

Khi hiện tượng viêm ruột thừa tiếp tục diễn tiến, nó sẽ lan rộng ra lớp ngoài cùng của ruột thừa và sau đó đến lớp lót ổ bụng, một màng mỏng được gọi là phúc mạc. Khi phúc mạc bị viêm thì triệu chứng đau có thể thay đổi và khu trú tại một vùng nhỏ. Thông thường, vùng đau này nằm giữa điểm lồi ra phía trước của xương chậu bên phải và rốn. Điểm đau chính xác trong viêm ruột thừa mang tên bác sĩ Charles McBurney, được gọi là điểm McBurney. Nếu ruột thừa bị vỡ thì nhiễm trùng sẽ lan tỏa khắp ổ bụng và triệu chứng đau lúc này cũng sẽ lan tỏa.

Viêm ruột thừa được chẩn đoán như thế nào?

Chẩn đoán viêm ruột thừa bắt đầu bằng toàn bộ bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Bệnh nhân thường bị sốt. Khi bác sĩ nhấn mạnh vào vùng bụng dưới phải thì bệnh nhân thường bị đau mức độ từ trung bình đến nặng. Nếu hiện tượng viêm lan tỏa đến phúc mạc thì sẽ có phản ứng nảy ngược (phản ứng phúc mạc). Phản ứng nảy ngược là hiện tượng đau trở nên dữ dội hơn khi bác sĩ ấn vào vùng bụng bị đau từ từ rồi đột ngột buông ra.

  • Công thức máu: Bạch cầu trong máu thường tăng khi có nhiễm trùng. Trong viêm ruột thừa giai đoạn sớm, khi chưa có nhiễm trùng thì bạch cầu có thể bình thường, nhưng hầu hết các trường hợp là bạch cầu tăng nhẹ ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên viêm ruột thừa không phải là nguyên nhân duy nhất làm tăng bạch cầu. Hầu hết các trường hợp viêm nhiễm đều có thể có hiện tượng bạch cầu tăng cao bất thường. Do đó bạch cầu tăng cao không phải là dấu hiệu đặc hiệu của viêm ruột thừa.

  • Tổng phân tích nước tiểu: Đây là xét nghiệm nước tiểu bằng cách xem xét dưới kính hiển vi nhằm phát hiện sự hiện diện của hồng cầu, bạch cầu và vi khuẩn trong nước tiểu. Tổng phân tích nước tiểu thường cho kết quả bất thường khi có hiện tượng viêm hoặc có sỏi trong thận hay bàng quang (bọng đái). Kết quả của tổng phân tích nước tiểu cũng có thể bất thường khi bệnh nhân bị viêm ruột thừa bởi vì ruột thừa nằm gần niệu quản và bàng quang. Nếu viêm ruột thừa đủ lớn thì cũng có thể lan đến niệu quản và bàng quang và làm cho kết quả tổng phân tích nước tiểu bất thường. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp viêm ruột thừa có kết quả tổng phân tích nước tiểu bình thường. Do đó nếu kết quả tổng phân tích nước tiểu bình thường thì gợi ý đến trường hợp viêm ruột thừa nhiều hơn là nhiễm trùng đường tiết niệu.

  • X quang bụng: Có thể phát hiện sỏi phân làm tắc nghẽn lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng và gây nên viêm ruột thừa. Hiện tượng này đặc biệt đúng ở trẻ nhỏ.

  • Siêu âm: Đây là một xét nghiệm không gây đau và dùng sóng siêu âm để xác định các cơ quan trong cơ thể. Siêu âm có thể phát hiện ruột thừa bị phình to hoặc bị áp xe. Tuy nhiên, trong viêm ruột thừa thì tỷ lệ siêu âm phát hiện ruột thừa chỉ là 50%. Do đó, khi siêu âm không thấy ruột thừa thì không có nghĩa là bệnh nhân không bị viêm ruột thừa. Siêu âm giúp ích đối với phụ nữ vì nó có thể giúp loại trừ các bệnh lý ở buồng trứng, vòi trứng (vòi fallop), tử cung mà có thể có triệu chứng giống với viêm ruột thừa.

  • Thụt tháo bằng bari: Đây là một hình thức chụp x quang sau khi bơm bari dạng lỏng vào hậu môn để làm đầy đại tràng. Xét nghiệm này sẽ cho những hình ảnh của đại tràng ở vị trí của ruột thừa, nơi mà hiện tượng viêm ở những vùng xung quanh có thể làm ảnh hưởng đến đại tràng. Phương pháp này có thể giúp chẩn loại trừ những bệnh lý khác của ruột mà có biểu hiện tương tự với viêm ruột thừa.

  • Chụp cắt lớp điện toán (CT scan hay CAT scan): Ở những bệnh nhân nữ không có mang thai thì chụp CT bụng ở khu vực ruột thừa có thể giúp ích trong việc chẩn đoán viêm ruột thừa, áp xe quanh ruột thừa cũng như giúp chẩn đoán loại trừ các bệnh lý khác trong ổ bụng và vùng chậu có thể có triệu chứng tương tự viêm ruột thừa.

  • Nội soi ổ bụng: Đây là một thủ thuật dùng một ống nhỏ bằng sợi quang được gắn với một camera đưa vào trong ổ bụng thông qua một lỗ nhỏ được tạo ra trên thành bụng. Nội soi ổ bung cho phép khảo sát trực tiếp ruột thừa cũng như các cơ quan khác trong bụng và vùng chậu. Nếu phát hiện viêm ruột thừa thì có thể tiến hành cắt ruột thừa bị viêm bằng phương pháp nội soi ổ bụng này. Khuyết điểm so với siêu âm là nội soi ổ bụng phải cần đến gây tê toàn thân.

Tại sao việc chẩn đoán viêm ruột thừa có thể gặp khó khăn?

Việc chẩn đoán viêm ruột thừa có thể gặp khó khăn. Vị trí của ruột thừa trong ổ bụng có thể thay đổi. Phần lớn thời gian ruột thừa nằm ở vùng bụng dưới phải. Nhưng cũng giống như những đoạn ruột khác, ruột thừa cũng có mạc treo. Mạc treo là một màng mỏng gắn ruột thừa với những cấu trúc khác trong ổ bụng. Nếu mạc treo lớn, nó sẽ cho phép ruột thừa di chuyển xung quanh. Ngoài ra, ruột thừa cũng có thể dài hơn bình thường. Mạc treo lớn và ruột thừa dài sẽ làm cho ruột thừa nằm sâu trong vùng chậu và cũng cho phép ruột thừa di chuyển ra phía sau manh tràng (gọi là ruột thừa sau manh tràng). Viêm ruột thừa có thể dễ bị nhầm lẫn với viêm các cơ quan khác, ví dụ như viêm nhiễm các cơ quan trong vùng chậu ở phụ nữ như buồng trứng, vòi trứng...

Chẩn đoán viêm ruột thừa cũng có thể gặp khó khăn do viêm nhiễm ở các cơ quan khác có biểu hiện tương tự với viêm ruột thừa. Do đó, những trường hợp bị nghi ngờ là viêm ruột thừa thì thường được theo dõi một khoảng thời gian để xem nó có tự giới hạn hay không hay nó sẽ tiếp tục diễn tiến và xuất hiện những đặc điểm mới giúp phân biệt rõ rệt hơn giữa viêm ruột thừa và viêm nhiễm ở nơi khác.

Các bệnh lý nào có biểu hiện tương tự như viêm ruột thừa?

  • Viêm túi thừa Meckel: Túi thừa Meckel ở ruột non nằm trong vùng bụng dưới phải, gần với vị trí của ruột thừa. Túi thừa Meckel có thể bị viêm và thậm chí bị thủng.

  • Bệnh lý viêm nhiễm vùng chậu: Buồng trứng và vòi trứng bên phải nằm gần ruột thừa. Phụ nữ độ tuổi hoạt động tình dục có thể có các bệnh lý viêm nhiễm liên quan đến vòi trứng và buồng trứng. Thông thường các trường hợp này được điều trị bằng kháng sinh. Phẩu thuật thường không cần thiết.

  • Bệnh lý viêm nhiễm ở vùng bụng trên phải: Dịch từ vùng bụng trên phải có thể chảy xuống vùng bụng dưới, nơi mà chúng sẽ kích thích để gây nên hiện tượng viêm và có biểu hiện tương tự như viêm ruột thừa. Dịch trong trường hợp này có thể từ bệnh lý thủng túi mật, thủng dạ dày hay tá tràng do loét hay các bệnh lý ở gan như áp xe gan...

  • Viêm túi thừa bên phải: Mặc dù hầu hết các túi thừa thường nằm bên đại tràng trái nhưng thỉnh thoảng cũng nằm bên phải. Khi các túi thừa bên phải này vỡ thì có thể khởi phát hiện tượng viêm tương tự như viêm ruột thừa.

  • Bệnh thận: Các bệnh lý viêm nhiễm của thận bên phải cũng có thể biểu hiện giống với viêm ruột thừa. Ví dụ áp xe thận...

Cắt ruột thừa được tiến hành như thế nào?

Trong phẩu thuật cắt ruột thừa, đầu tiên là rạch một vết dài khoảng từ 5-7cm ở ngoài da thuộc vùng bụng dưới phải (xem hình), rồi vào đến các lớp tiếp theo của thành bụng. Sau khi đã vào đến ổ bụng thì tìm kiếm ruột thừa. Sau khi đã tìm thấy được ruột thừa thì bác sĩ phẩu thuật sẽ quan sát các khu vực xung quanh đó xem có bị viêm nhiễm gì không. Nếu không có vấn đề gì thì sẽ tiến hành cắt ruột thừa. Đầu tiên là bóc tách ruột thừa ra khỏi mạc treo của nó dính vào vùng bụng và manh tràng, sau đó cắt bỏ ruột thừa và khâu lại lỗ của vết cắt trên manh tràng. Nếu có áp xe thì đặt ống dẫn lưu (bằng cao su hay plastic) để mủ chảy từ ổ áp xe ra ngoài. Sau đó đóng bụng lại.

Một kỹ thuật mới có thể cắt bỏ ruột thừa là cắt ruột thừa qua nội soi ổ bụng. Thủ thuật này cho phép bác sĩ có thể khảo sát bên trong ổ bụng chỉ thông qua một lỗ nhỏ trên thành bụng (Thay vì vết mổ lớn trong phẩu thuật cắt ruột thừa thông thường). Lợi điểm của phương pháp này là bệnh nhân cảm thấy ít đau sau mổ và có thể trở về hoạt động bình thường nhanh hơn. Một lợi ích khác của phương pháp này là giúp bác sĩ có thể khảo sát bên trong ổ bụng để xác định rõ ràng chẩn đoán. Ví dụ có thể khảo sát buồng trứng ở những phụ nữ nghi ngờ vỡ nang buồng trứng mà có triệu chứng tương tự viêm ruột thừa.

Nếu bệnh nhân không có vỡ ruột thừa thì có thể về nhà sớm. Còn nếu bệnh nhân bị vỡ ruột thừa thì thời gian nằm viện lâu hơn, đặc biệt là trường hợp có viêm phúc mạc. Thuốc kháng sinh chích tĩnh mạch sẽ được sử dụng trong bệnh viện để điều trị nhiễm trùng và áp xe.

Thỉnh thoảng khi mổ ra thì bác sĩ phẩu thuật thấy ruột thừa có biểu hiện bình thường và không tìm thấy nguyên nhân nào khác. Trong trường hợp này thì bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ luôn ruột thừa. Nguyên nhân để lý giải cho trường hợp này là việc cắt bỏ những ruột thừa như thế sẽ tốt hơn là bỏ sót và điều trị không thích hợp những trường hợp viêm ruột thừa nhẹ hoặc ở giai đoạn sớm.

Biến chứng của cắt ruột thừa là gì?

  • Nhiễm trùng vết mổ: Đây là biến chứng thường gặp nhất. Biến chứng nhiễm trùng này có thể nhẹ hoặc nặng như đỏ và đau vết mổ trong trường hợp nhẹ cho đến mức độ trung bình là chỉ cần dùng kháng sinh và nặng là vừa dùng kháng sinh vừa phải phẩu thuật. Nhiễm trùng vết mổ ít gặp ở trường hợp phẩu thuật bằng nội soi ổ bụng hơn.

  • Áp xe: là hiện tượng tích tụ mủ xung quanh vùng ruột thừa.

Bệnh nhân không còn ruột thừa có bị ảnh hưởng gì không?

Người không còn ruột thừa vẫn sống khỏe mạnh bình thường .