Để trái cây mau chín lật tẩy những chiêu trò của người bán hàng

Để mít, s��u riêng chín nhanh, người ta bơm hóa chất vào cuống. Với xoài, chuối thì ngâm quả vào dung dịch đã hòa với nước. Các loại trái cây khác thì phun hóa chất như phun sương…

Những năm trước, các loại trái cây thường được ủ chín bằng phương pháp thủ công như ủ bằng rơm, lúa… Cách làm này nay đã dần đi vào “quên lãng”, thay vào đó người ta sử dụng một loại hóa chất đang bán trôi nổi trên thị trường.

Chín vàng sau một đêm

Ngày trước tôi thường thắc mắc với một số người bạn ở huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận), là những chủ vựa mít ở huyện này, sao ủ mít giỏi thế? Một vựa mít đủ các loại, trái già có, trái non có nhưng trái nào cũng được ủ chín sau khi chủ vựa thu gom từ các hộ trồng mít về. Câu hỏi này mới đây đã được sáng tỏ: các thực phẩm hiện nay đều chín nhờ hóa chất.

Chúng tôi đã có cuộc đi thực tế ở thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh, là vùng trồng mít nhiều nhất tỉnh. Qua thăm dò được biết ở thị trấn Đức Tài có một cửa hàng vật tư nông nghiệp bán kèm hóa chất này nhưng không phải ai cũng mua được, chỉ có người quen thường mua thì chủ cửa hàng mới bán.

Tuy chưa đến vụ mít nhưng anh T. - người mà chúng tôi nhờ mua dùm - đến cửa hàng này mua chai hóa chất ủ trái cây chín vàng không gặp trở ngại gì vì lúc nào cửa hàng cũng có. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chai hóa chất không chỉ ủ mít mà có thể sử dụng ủ đủ thứ loại trái cây như: chuối, xoài, rầu riêng, sapôchê (hồng xiêm), nho, cà phê, chôm chôm, măng cụt, bơ… Công dụng của sản phẩm này được quảng cáo là làm cho trái cây chín nhanh, chín đều, chín đồng loạt và có màu sắc đẹp hơn so với chín tự nhiên hoặc ủ theo cách thủ công.


Chai hóa chất dùng để ép trái cây chín nhanh.

Anh Đ. - một người đã có nhiều năm làm nghề buôn mít ở thị trấn Đức Tài - tiết lộ, bí quyết làm cho mít, sầu riêng chín nhanh, múi mít, sầu riêng có màu vàng bóng cực bắt mắt đó là pha một lượng hóa chất này với nước ở mức độ nhất định, sau đó dùng vật nhọn đâm thủng cuống và bơm trực tiếp vào cuống mít hoặc sầu riêng. Chỉ qua ngày hôm sau trái cây sẽ chín đồng loạt 10 trái như 10.

Đối với chuối và xoài thì pha 10 - 25 ml (nếu muốn chín nhanh thì pha đậm hơn) cho 1 lít nước sau đó nhúng chuối hoặc xoài vào dung dịch đã pha với nước, khoảng 3 đến 5 phút vớt ra để khô, sau đó ủ qua đêm trái sẽ chín vàng. Đối với các loại trái cây khác cũng pha như trên nhưng phun sương cũng sẽ chín vàng tương tự.

Không người tiêu dùng nào có thể biết được trái đã “tẩm” hóa chất để trái cây chín vàng bắt mắt. Nhiều loại trái cây đang được các thương lái, chủ vựa thúc chín, làm đẹp và kéo dài “tuổi thọ” cũng bằng hóa chất này. Việc sử dụng hóa chất để ép chín và bảo quản trái cây khiến người ăn có nguy cơ ngộ độc rất cao.

Anh Đ. còn tiết lộ một loại hóa chất khác giống như viên thuốc, to bằng đồng tiền xu. Loại hóa chất này làm cho bắp chuối to hơn bình thường. Một viên hóa chất này pha với nước rồi phun trực tiếp vào bắp chuối trên cây, sau đó dùng rơm bó lại bằng túi nylon, vài ngày sau bắp chuối từ 2 kg có thể to lên 5 kg. Mỗi gói chỉ có giá 15.000 đồng nhưng phun được 10 bắp chuối. Hai loại hóa chất này hiện đang được sử dụng rất nhiều ở huyện Đức Linh.

Nhiều nông dân còn gọi hóa chất để làm bắp chuối to hơn bình thường là viên độc GA4, loại này bên dưới nhãn hiệu ProGibb T98 có một dòng chữ Gibberellic Acid 1g.96%. Tên của nhà sản xuất được ghi trên vỏ bao bì là “BIOCHEMICAL PRODUCTS”. Thành phần của thuốc được in “GA4 - A7 + 6BA”.

Những hóa chất cực độc

Loại hóa chất dùng ép trái cây chín nhanh ngoài vỏ chai ghi do Công ty TNHH sinh học HPH, ở thành phố Hồ Chí Minh sản xuất. Dung dịch trong chai có thể tích 0,5 lít, có dạng lỏng sệt, màu vàng như dầu ăn, mùi rất khó chịu. Trong thành phần của chai hóa chất này ghi là được sản xuất từ chất Ethephon (là chất dùng để kích thích mủ cao su).

Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được Bộ NN&PTNT cho phép sử dụng dùng Ethephon để kích thích cây cao su và chỉ có 12 công ty đăng ký, không có tên Công ty HPH hay Viện Sinh học nhiệt đới. Đặc biệt, hóa chất này cũng không có trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng theo Quyết định 867/BYT ngày 4/4/1998 của Bộ Y tế. Theo đó, các nghiên cứu khoa học về độc tính của Ethephon chỉ ra rằng chất này gây kích ứng mắt khiến mắt xót, đỏ. Hóa chất này còn tác động trực tiếp lên da gây ăn mòn, sưng tấy và đỏ da.

Bơm hóa chất như thế này, ngày hôm sau trái mít sẽ chín.

Theo Thôngtư số10/ 2012/TT - BNNPTNT ngày 22/2/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vậtđược phép sử dụng, hạn chế sử dụng vàcấm sử dụng ở Việt Nam thì hoàn toàn không thấy có hoạt chất GA4 trong danh mục được lưu hành.

Trong phần danh mục thuốc điều hòa sinh trưởng chỉ có hoạt chất Gibberellic acid (GA3) được phép lưu hành để kích thích sinh trưởng các loại cà phê, lúa, bông vải… Tuy nhiên, dù cho phép hoạt chất GA3 được lưu hành nhưng người sử dụng luôn được khuyến cáo sử dụng đúng liều lượng, không vượt 0,15mg/kg đối với trái cây và phải cách ly từ 5 đến 7 ngày mới được thu hoạch sản phẩm.

Hiện trong danh mục chỉ có Công ty Hóa phẩm Thiên Nông đăng ký hoạt chất Gibberellic acid (GA3) kích thích sinh trưởng. Đối với viên GA4 (dùng để kích thích bắp chuối to hơn bình thường) không nằm trong danh mục được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, nên cần phải có cơ quan chức năng kiểm định thì mới biết được độc hại của loại hóa chất này.

Không người tiêu dùng nào có thể biết được trái đã “tắm” thuốc do thuốc không màu và hương thơm nhẹ.

Nhiều loại trái cây đang được các thương lái, chủ vựa thúc chín, làm đẹp và kéo dài “tuổi thọ” bằng hóa chất. Theo cảnh báo của giới khoa học, việc sử dụng hóa chất vô tội vạ để bảo quản trái cây sẽ khiến người ăn có nguy cơ ngộ độc rất cao.

Chúng tôi theo chân bà Lan - một thương lái - chở sọt sầu riêng chạy rà rà trên quốc lộ 56 (xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai). Bà Lan tỏ vẻ kín kẽ khi chúng tôi thắc mắc: “Mua trái non vậy sao chín được?”. Nhưng khi biết chúng tôi có nhu cầu mua lượng hàng lớn, bà ôn tồn: “Bọn tui mỗi ngày mua vài tấn, hơi đâu đợi trái rớt... Cứ cắt về dùng thuốc cho khỏe”.

Bảo đảm hôm sau trái sẽ chín đều” - ông Thuận “trình diễn” màn thúc chín cho mít

Thông thường sầu riêng từ lúc ra hoa đến kết trái chín phải mất 100-110 ngày, tuy nhiên bà Lan cho người vào tận vườn cắt trái non chỉ từ 70-80 ngày tuổi.

Từ “tắm” đến chích hóa chất

Giữa trưa, vựa trái cây của bà Trang ven quốc lộ 56 (xã Nhân Nghĩa) tấp nập xe ra vào chở hàng. Hàng trăm trái sầu riêng lớn nhỏ xếp thành đống lớn dọc khuôn viên gian hàng, trên trái còn rỉ nước. Ngỡ chúng tôi là mối mới nên bà Trang không ngần ngại nói: “Ở đây phải dùng thuốc mới đủ hàng cung cấp trái chín”.

Mỗi ngày vựa bà Trang cung cấp hơn 1 tấn sầu riêng “chẻ” cho những người bán sỉ ở các tỉnh miền Đông. Công nghệ “tắm” thuốc cho trái chín nhanh và đều khá đơn giản. Chỉ về phía thùng nhựa 20 lít, bà Trang giải thích: “Cho 2-3 nắp ethephon vào thùng, khuấy đều rồi lần lượt nhúng trái vào thùng và xếp qua bên này. Chỉ sau một đêm là trái chín đều hàng loạt”.

Thấy chúng tôi có một chai hóa chất nhãn hiệu HPC-97HXN Trái Chín của một xí nghiệp ở quận 12, TP.HCM, bà Trang nói liền: “Bên tôi cũng xài thuốc này. Nhiều tay còn xài thuốc cho trái vỏ mỏng, chích thẳng vô trái mít, nhúng đu đủ...”. Và “hàng” ra thị trường thì không người tiêu dùng nào có thể biết được trái đã “tắm” thuốc do thuốc không màu và hương thơm nhẹ.

Các loại hóa chất dùng để thúc chín trái

Bà Dũng, một chủ vườn mít ở huyện Cẩm Mỹ, nói: “Tui chỉ biết bán trái cho các tay buôn đánh xe vào tận vườn mua mít, sầu riêng. Các lái này mua cả trái non trái già. Không biết họ mần thuốc gì mà bán chạy lắm”.

Không khó để tìm ra loại thuốc này ở các tiệm bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ven quốc lộ 1A, quốc lộ 56 thuộc tỉnh Đồng Nai. Ông Tâm, một chủ tiệm tạp hóa ở chợ Nhân Nghĩa, cho biết: “Hàng này rất bán chạy, người ăn trái có làm sao đâu. Giá 32.000 đồng/500ml”.

Từ một đầu mối, chúng tôi liên hệ với ông Khánh, chủ vựa mít trên quốc lộ 1A thuộc xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Ông Khánh vừa chở mít gửi xe khách về Quảng Ngãi vừa nói mít đang vào cuối vụ nên lượng hàng không thể “chẻ” cho các mối mới.

Tuy nhiên, đến chiều hôm sau, trở lại vựa ông Khánh thì bà Mai (vợ ông Khánh) ngỡ chúng tôi là bạn hàng quen nên liền lấy ra lỉnh kỉnh chai lọ đựng hóa chất, một ống chích bằng nhựa, một tuôc-nơ-vit được mài nhọn.

Đã sử dụng “công nghệ” được hơn một năm nay, bà Mai hướng dẫn: “Sau khi dùng dùi nhọn đâm vào cuống trái, chỉ cần bơm 2-5cc (1cc = 1ml) tùy trái lớn hay nhỏ, muốn chín nhanh thì bơm nhiều hơn. Sau hai ngày bảo đảm trái chín đều, không sượng. Trường hợp trái đã chín một phần thì bơm thuốc vào phần còn lại coi như trái chín đều”.

Bà Mai cho hay lượng hàng mỗi ngày có thể lên đến gần 1 tấn, đa số do các đầu mối ngoài Hà Nội và miền Trung đặt làm. “Mít ở đây sau thời gian vận chuyển tới nơi là trái đã chín đều, bán chạy hơn” - bà Mai khẳng định.

Kéo dài “tuổi thọ”

Do biết chúng tôi được người quen giới thiệu nên ông Thuận, chủ vựa trái cây trên đường Tô Ký (Q.12), không ngần ngại tiết lộ “mánh”. Mỗi ngày ông Thuận mua 1 tấn trái cây từ chợ đầu mối Hóc Môn, sau đó tùy mặt hàng mà có “công nghệ” xử lý riêng. Sầu riêng nhúng vào dung dịch hóa chất màu vàng xuất xứ từ Trung Quốc; riêng táo, cam cho vào bình nhỏ 3 lít phun sương lên mặt, trái sẽ đẹp hơn và để lâu ít nhất một tháng.

Ông Thuận lấy một trái mít, nhanh tay dùng tuôcnơvit chọc vào cuống, sau đó bơm một dung dịch không màu vào rồi giải thích: “Nếu muốn nhanh chín thì dùng liều mạnh, khoét lỗ bơm vào trong trái. Như trái mít này đúng 24 giờ sẽ chín đều”.

Tại khu vực chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM), chúng tôi ghi nhận có hàng chục loại hóa chất không nhãn mác, chủ yếu nhập từ Trung Quốc, dùng để thúc chín trái. Cô nhân viên cửa hàng Lợi Tín giới thiệu: “Ở đây chị có nhiều loại bán cho nhiều mối rồi nên cứ yên tâm. Loại đậm đặc cho trái mau chín giá 500.000 đồng/lít”.

Nhiều loại hóa chất làm đẹp trái, giữ trái lâu hư cũng được bày bán công khai. Theo các chuyên gia hóa chất, đây là các nhóm hóa chất có tác dụng chống mốc, chống nấm (carbendazim, benomyl...) nên có khả năng giữ được trái không hư trong thời gian dài.

Ông Phương, quê Bắc Giang - một lái buôn có hơn mười năm trong nghề đã giải nghệ, nói: “Ở chợ Kim Biên có đủ loại hóa chất giúp trái mau chín, kéo dài thời gian bảo quản. Tùy trái mà phun hay chích sẽ giúp trái đẹp như ý muốn”.

Không ít người dùng các loại hóa chất không tên vì mục đích lợi nhuận. Tưởng chúng tôi là dân trong nghề, ông Huynh, chủ sạp bán trái cây ngụ P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức, thừa nhận nhiều khi bán chậm phải dùng hóa chất bảo quản để kéo dài tuổi thọ cho trái, như vậy mới mong thu hồi vốn.

Ông Huynh phân trần: “Làm thế cũng chưa bằng loại nho Trung Quốc. Mười lần khui thùng hàng thì có đến mười lần tôi phát hiện bên trong có chai nhỏ bốc mùi khó chịu. Loại trái này để được gần tháng trời vẫn tươi nguyên”.

Chiều 24-11, ông Trịnh Công Toản, chánh thanh tra Cục Bảo vệ thực vật (BVTV - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết thanh tra Cục BVTV đang lấy mẫu các loại thuốc thúc chín hoa quả nhanh không rõ xuất xứ, nguồn gốc trên địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội.

Tiểu thương chợ đầu mối ở Hà Nội không nắm rõ được chất lượng hoa quả bày bán - Ảnh: Cù Zap

Đồng thời Cục BVTV, Trung tâm Kiểm định thuốc BVTV khu vực phía Bắc đang kiểm tra thành phần một số mẫu thuốc “tắm” chín hoa quả đã lấy mẫu từ tuần trước. Nội dung là kiểm tra những loại thuốc này chứa hoạt chất gì, cơ chế tác dụng và có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hay không… Dự kiến trong tuần này việc kiểm định sẽ cho kết quả để Cục BVTV công bố.

Theo ông Toản, loại thuốc thúc chín hoa quả này cùng một số thuốc BVTV lạ khác đã xuất hiện tại VN từ 2-3 năm nay, tuy nhiên gần đây mới rộ lên. Phần lớn chúng đều có nguồn gốc Trung Quốc được nhập lậu về VN và buôn bán lén lút. Ngay như một số mẫu thuốc đang được Cục BVTV kiểm định thì bao bì cũng toàn ghi tiếng Trung Quốc, không có hướng dẫn sử dụng, không ghi rõ thành phần, hạn sử dụng… Cục BVTV từng bắt hàng loạt lô thuốc này để tiêu hủy, trung bình mỗi tháng bắt được 1-2 tấn thuốc lạ này.

Gần đây, nông dân xã Song Phượng (Đan Phượng, Hà Nội) sử dụng hóa chất dạng lỏng có tên Ethrel (của Công ty hữu hạn hóa chất Phùng Xuân, Quảng Tây, Trung Quốc) để “tắm” cho trái cây. Khi “tắm” hóa chất, đu đủ, cà chua, chuối, xoài... đang từ xanh sẽ chín vàng, bóng đẹp, vỏ trơn nhẵn chỉ sau vài giờ.

Làng “tắm” thuốc đu đủ

Vài năm trở lại đây, tại làng Thu Quế (xã Song Phượng) đa số hộ dân chuyển từ trồng lúa sang trồng cây đu đủ. Ông lão bán nước đầu làng nói: “Từ khi trồng đu đủ, người dân ở đây đã biết dùng thuốc để tắm cho quả đu đủ rồi”. “Chắc chắn là có độc”, bởi theo lý lẽ mà lão nông này đưa ra thì “cái gì tự nhiên mới ngon, nếu phải dùng đến cái gì không phải tự nhiên thì chắc chắn có vấn đề”. Rồi ông chứng minh: “Tôi đố ai đi ra chợ làng mà mua được những quả đu đủ chín vàng, bóng láng, nhẵn nhụi đấy. Những quả đấy là tắm thuốc nên không được bán ở đây. Dân ở đây có đi chợ nào cũng không bao giờ chọn mua những quả đẹp mã”. Lão nông nói tiếp: thuốc để “tắm” cho quả thì mua ở đây khá dễ.

Bà Lan - chủ cửa hàng bán phân đạm, thuốc trừ sâu trong làng - lôi trong bao tải dứa xanh ra một đống thuốc. Tay đưa thuốc, bà Lan cười: “Đây là thuốc cấm, nên tôi chỉ bán người quen thôi”. Một hộp thuốc có 20 lọ nhỏ có giá 13.500 đồng. Đưa thuốc cho khách, bà Lan đưa kèm thêm cả đôi găng tay nilông mỏng, dặn kỹ: “Trong đó có hướng dẫn đấy, rất dễ dùng nhưng tuyệt đối không được để thuốc dính vào tay”.

Khó phân biệt

Thuốc thúc trái cây chín nhanh - Ảnh: Cù Zap

“Khó phân biệt củ, quả có phun thuốc hay không” - đó là câu trả lời của hầu hết tiểu thương bán rau củ quả tại các chợ trên địa bàn Hà Nội. Tất cả đều lắc đầu khi được hỏi có biết củ, quả đang bán có phun loại thuốc bảo quản Ethrel hay không.

Tại miền Nam, giới kinh doanh trái cây cho rằng cách phổ biến nhất để làm chín nhanh trái cây nội vẫn là giú diêm tiêu (muối diêm). Loại trái cây thường được sử dụng cách này là xoài và lồng mứt, đu đủ, chuối… Chị N., một người bán trái cây tại chợ Bến Thành, cho biết các loại trái cây mỏng vỏ như xoài và lồng mứt thường dễ bị hư dập trong quá trình chuyên chở. Để tránh hao hụt, nhà vườn thu hoạch lúc còn xanh. Khi đến vựa ở thành phố, trái cây này được ủ trong khí đá khoảng 6-12 giờ, trái sẽ có màu đỏ (vàng) hườm rất đẹp. Tuy nhiên, chị N. cho rằng khi ăn sẽ không có vị ngọt và thơm như trái cây chín đúng chu kỳ do lượng đường bị mất đi.

Liều cao không tốt

Bà Lê Thị Hồng Hảo - giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, Viện Dinh dưỡng - nói: “Với loại chất thúc chín Ethrel, chúng tôi sẽ sớm lấy mẫu kiểm tra”.

Trong chiều 24-11, ông Nguyễn Công Khẩn - cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) - nói: “Đối với tôi, loại hóa chất Ethrel này rất mới. Chúng tôi mới để ý acetylen trong đất đèn thường được bà con ta sử dụng như một kinh nghiệm dân gian để giấm trái cây nhanh chín. Ngay cả với acetylen cũng phải có liều lượng sử dụng nhất định chứ liều cao chắc chắn ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngày 26-11, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ chủ trì cuộc họp về vệ sinh thực phẩm với nông sản, có sự tham gia của các bộ Y tế, Công thương... Tôi cho rằng vệ sinh an toàn thực phẩm phải đưa vào luật, quy định “ranh giới” trách nhiệm giữa các bộ rõ ra”.

Là thuốc bảo vệ thực vật

Theo chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM Nguyễn Công Hào, Ethrel là chất có khả năng kích thích cây nhanh ra hoa, mủ cao su ra nhiều hơn, giúp trái cây chín nhanh hơn, đồng đều. Khi Ethrel gặp nước, môi trường ẩm phân hủy thành etylen (hoocmôn thực vật kích thích trái cây chín) bay ra còn lại là axitphotphoric (H3PO4) hàm lượng rất thấp. Hiện ở VN đã có đề tài cấp nhà nước về nghiên cứu chất này do Viện Sinh học nhiệt đới thực hiện (đã nghiệm thu). Như nhiều hóa chất khác, nếu tiếp xúc trực tiếp với Ethrel ở hàm lượng cao, liên tục hoặc trong phòng kín có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tiến sĩ Trần Hạnh Phúc, Viện Sinh học nhiệt đới, cho biết Ethrel là hóa chất dạng lỏng nằm trong danh mục thuốc BVTV (với hàm lượng lớn hơn 1% trong 100 lít). Tuy nhiên Ethrel (một dạng khác của khí đá) dùng pha loãng để kích thích trái cây chín nhanh hơn có hàm lượng thấp hơn 1% nên ít có khả năng gây độc. Mặt khác, khi Ethrel gặp nước sẽ sinh ra etylen. Etylen là một dạng khí mà tự bản thân cây cối sẽ sinh ra để làm cho trái cây tự chín. Vấn đề là phải minh chứng được chất Ethrel có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không pha lẫn những hóa chất khác.

Mách bạn ăn trái cây đúng cách

Mặt nạ trị nám bằng trái cây

Cách làm bánh kem trái cây

Sau khi sinh ăn trái cây gì tốt nhất

Cách làm rau câu trái cây thơm mát, cực kỳ bắt mắt

(ST).

neu bom nhu vay co sao khong
hơn 1 tháng trước - Thích (3)
ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng chứ sao
hơn 1 tháng trước - Thích (22)
Gửi hỏi đáp - bình luận