Cách chữa dị ứng đơn giản mà hiệu quả
Cẩn trọng bị dị ứng chỉ khâu khi sinh mổ
Một số loại thức ăn hay gây dị ứng. |
Dị ứng thức ăn là phản ứng dị ứng miễn dịch của cơ thể với các dị nguyên chứa trong thức ăn. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ người dị ứng với thức ăn ngày càng tăng. Dị ứng với thức ăn xuất hiện sớm ở những người có cơ địa viêm da dị ứng (viêm da atopy). Cơ chế phản ứng dị ứng thường thông qua kháng thể IgE và ít gặp hơn là qua các cơ chế khác.
Những yếu tố nguy cơ gây dị ứng thức ăn
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây dị ứng thức ăn như: protein và các phân tử không thay đổi khi đi vào tuần hoàn; hệ miễn dịch tại ruột và tính miễn dịch của niêm mạc ruột; một số chất gây tăng tính thấm của niêm mạc ruột như rượu, aspirin, nhiễm virut, ký sinh trùng, nấm; sau khi ăn thức ăn gây dị ứng mà làm công việc gắng sức có thể dẫn đến sốc phản vệ...
Dị nguyên thức ăn là gì?
Một số loại thức ăn có chứa dị ứng nguyên có thể gây dị ứng cho người ăn như: gạo, khoai tây, đậu, lạc, cá, trứng, sữa, rau, quả,... dị nguyên thức ăn là các glycoprotein có trọng lượng phân tử từ 10-70 kD. Y học ngày nay đã biết đặc điểm của một số dị nguyên thức ăn thường gặp như sau: protein trong sữa bò chủ yếu gây dị ứng ở trẻ em, với các triệu chứng ở đường tiêu hóa, hô hấp, ngoài da, có bốn loại hay gây dị ứng là: Casein, b-lactoglobulin, b-lactalbumin, Immunoglobulins; dị nguyên ở cá có đặc tính chịu nhiệt độ cao, triệu chứng xuất hiện sớm, chỉ vài phút sau khi ăn như sốc phản vệ, phù Quinck, nổi mề đay; dị nguyên trứng có thành phần là: ovomucoid không bị nhiệt phân và ovalbumin dễ bị nhiệt phân cả hai loại đều có ở lòng trắng; bột mì có tới 20 loại dị nguyên có thể gây dị ứng ở người; các loại đậu, lạc khi nấu chín ăn vào rất hay gây sốc phản vệ. Một số nghiên cứu còn cho thấy cách chế biến món ăn ảnh hưởng đến tính dị nguyên thức ăn như: có những dị nguyên bị phân hủy ở nhiệt độ cao khi nấu nướng; ngược lại có dị nguyên lại tăng tác dụng khi gặp nhiệt độ cao như lạc; dị nguyên của táo tăng lên khi bảo quản lâu; thực phẩm biến đổi gen có nguy cơ tiềm tàng gây dị ứng; dị nguyên ngụy trang là loại dị nguyên không lộ rõ, có hàm lượng thấp, khó nhận biết, nhiều khi chỉ là chất phụ gia nên có mặt ở nhiều loại thức ăn khác nhau. Tuy nhiên các phản ứng dị ứng nói trên chỉ xảy ra với những người có cơ địa dị ứng với thức ăn đó.
Biểu hiện dị ứng thức ăn như thế nào?
Dấu hiệu dị ứng thức ăn thường rất đa dạng: có thể là biểu hiện toàn thân như sốc phản vệ, triệu chứng xuất hiện đồng thời ở nhiều cơ quan khác nhau; nhưng có khi chỉ là biểu hiện ngoài da nhẹ như nổi mề đay, viêm da atopy; hoặc biểu hiện ở bộ máy hô hấp như viêm mũi, hen phế quản; dị ứng tiêu hóa với các triệu chứng: nôn, tiêu chảy, táo bón, trào ngược dạ dày thực quản. Biểu hiện dị ứng thức ăn thay đổi theo các độ tuổi: viêm da atopy gặp nhiều ở trẻ em từ 0 - 15 tuổi; hen phế quản lại thường thấy ở lứa tuổi học sinh và thanh niên; sốc phản vệ chiếm tỷ lệ cao hơn các triệu chứng khác ở bệnh nhân trên 30 tuổi. Triệu chứng rầm rộ: nghẹt thở, cảm giác sắp chết, tay chân lạnh, da nhợt nhạt, toát mồ hôi, huyết áp tụt, mất tri giác... Ngoài ra dị ứng thức ăn còn có biểu hiện bởi các triệu chứng khác như: đau đầu, đau cơ, hội chứng thận hư, viêm đại tràng, hội chứng đại tràng kích thích... Triệu chứng xét nghiệm thường làm gồm: test bì được làm với thức ăn nghi ngờ gây dị ứng, kết quả dương tính nếu da bị đỏ, sưng và ngứa ở vùng da có đường kính trên 10mm, tuy nhiên xét nghiệm này chỉ cho kết quả dương tính thật khoảng 44%; xét nghiệm miễn dịch tìm IgE đặc hiệu RAST, ELISA nhằm phát hiện loại thực phẩm gây dị ứng, kết quả dương tính thật của các xét nghiệm này khoảng 56%.
Các phương pháp điều trị và phòng tránh dị ứng thức ăn
Muốn điều trị dị ứng thức ăn có hiệu quả cần điều tra tỉ mỉ chế độ ăn của bệnh nhân. Thực hiện một chế độ ăn loại trừ được các thức ăn gây dị ứng là một biện pháp điều trị có hiệu quả trong hầu hết các ca bệnh. Cần chú ý loại trừ các loại thức ăn có các dị nguyên ngụy trang. Biện pháp này cần thực hiện nghiêm túc với sự phối hợp của chuyên gia dị ứng, chuyên gia về dinh dưỡng, và sự hợp tác chặt chẽ của bệnh nhân trong thời gian dài.
Nếu đã có dấu hiệu bị dị ứng thức ăn cần sơ cứu: chườm đắp nước ấm, uống nhiều nước, uống thuốc kháng histamin, nhanh chóng đưa bệnh nhân đi khám ở bệnh viện. Nếu bị sốc phản vệ đe dọa tính mạng bệnh nhân với các triệu chứng sau: xảy ra sau khi ăn 5-15 phút, thấy nghẹt thở, cảm giác sắp chết, tay chân lạnh, da nhợt nhạt, toát mồ hôi, huyết áp tụt, mất tri giác, gọi hỏi không biết... cần hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực (nếu có ngưng thở, ngưng tim ), khẩn cấp chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa, vì điều trị càng sớm và hiệu quả thì cơ hội sống sót của bệnh nhân càng cao.
Để phòng tránh dị ứng thức ăn có thể uống một viên thuốc kháng histamin như loratadin, cetirizine trước khi ăn 1-2 giờ hoặc uống ngay sau khi ăn. Nên chú ý đề phòng với những loại thức ăn có nguy cơ gây sốc phản vệ cao nhất là lạc, tôm, cua, sữa, trứng, cá...
Hiện tượng dị ứng thực phẩm.
Dị ứng thức ăn là do dị ứng với một loại protein trong thức ăn đó. Khi vào hệ tiêu hóa, chúng sẽ được vận chuyển lên máu. Nếu cơ thể không thích nghi nó sẽ gây ra dị ứng mà chúng ta gọi là dị ứng thức ăn.
1. Triệu chứng của dị ứng thực phẩm
Dị ứng thức ăn có thể có rất nhiều triệu chứng khác nhau. Một số loại cơ bản thường biết đến như sau:
- Xuất hiện chứng phát ban ở da
- Sưng phồng ở lưỡi
- Bị hen xuyễn và rối loạn hơi thở
- Cảm thấy bị đau đầu, ốm yếu và hạ huyết áp
- Có cảm giác ngứa và sưng họng
- Bụng khó chịu, đau bụng, rối loạn tiêu hoá
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương vì sự thích nghi kém hơn và thường có những biểu hiện như kém hoạt động, thở khò khè, da phát ban, ngứa và rối loạn tiêu hoá.
2. Dị ứng thức ăn có nguy hiểm?
Dị ứng thức ăn nếu trong trường hợp nặng mà không được cấp cứu kịp thời thì nó có thể đe doạ đến tính mạng. Các nhà khoa học gọi đó là Anaphylaxis (tính quá mẫn).
Nghiên cứu chỉ ra rằng khi thấy cơ thể bị dị ứng với loại thức ăn nào thì tuyệt đối cần tránh không dùng loại thức ăn đó.
Thật khó để chỉ ra loại thức ăn nào dễ gây dị ứng vì tuỳ từng cơ địa mà cơ thể phản ứng với loại thức ăn đó khác nhau nên tốt nhất bạn nên tìm hiểu cơ địa bản thân và tránh dùng loại thức ăn đó nếu thấy có triệu chứng dị ứng.
Với loại thức ăn lạ bạn chưa ăn lần nào thì chỉ nên dùng thử một chút xem cơ thể có thích nghi hay không.
3. Một số loại thức ăn dễ gây dị ứng nhất
Mặc dù không xác định rõ được loại nào sẽ gây dị ứng cho cơ thể nhưng một số loại thực phẩm sau thường là lý do gây dị ứng với nhiều người nhất bao gồm:
- Củ lạc, quả óc chó
- Hải sản như ốc, tôm, cua...
- Trứng
- Sữa
- Cà chua
- Dâu tây (và các loại quả mọng khác)
- Nấm
Không phải ai cũng dị ứng với loại thức ăn trên nhưng nếu bạn cảm thấy cơ thể phản ứng với chúng thì cách tốt nhất là không nên ăn loại thức ăn đó. Trong trường hợp nặng có thể gây ngộ độc và cần đến bệnh viện sớm để điều trị tránh những hậu quả đáng tiếc do thức ăn gây ra.