Dị ứng thuốc ở trẻ em và cách điều trị
Triệu chứng khi bị dị ứng thuốc và những điều cần biết
Bỏng toàn thân vì dị ứng thuốc
Vào cuối tháng 1, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM tiếp nhận bệnh nhi D.H.P (5 tháng tuổi, ở Đồng Nai) trong tình trạng toàn thân nhầy nhụa, những bọng nước to nổi từ đầu đến chân vỡ ra khiến bé bị bỏng toàn thân. Các bác sĩ lo ngại bé có thể bị tổn thương nội tạng, nhiễm trùng và khả năng tử vong cao.
Người nhà bệnh nhi cho biết, từ khi sinh ra, P. đã bị viêm màng não mủ và sau một thời gian nằm viện điều trị, bé được về nhà tiếp tục uống thuốc. Cách đây không lâu, bé ho, sổ mũi, sốt cao, gia đình cho bé uống gói thuốc hạ sốt thì chỉ 15 phút sau, người bé sưng vù và cách đó một ngày, những bọng nước to như trái chùm ruột xuất hiện từ đầu đến chân, sau đó vỡ ra khiến bé rất đau đớn.
Vì nhà xa lại gần tết nên gia đình không đưa bé đi bệnh viện mà chữa trị theo cách... truyền miệng. Đến khi bé đau đớn, sốt cao dẫn đến co giật, gia đình mới đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Và sau hơn 10 ngày điều trị da bé đã bắt đầu khô nhưng các biến chứng để lại sau này thì chưa thể nói trước được.
Vì đau nên bé khóc đến 20 tiếng/ngày, bị sụt ký và rất khó khăn trong việc bú sữa.
Bé H.G.M (8 tháng tuổi, Q.12, TP.HCM) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bé bị viêm họng, đi khám ở phòng mạch bác sĩ tư, sau khi uống thuốc được 2 ngày thì da bé nổi mẩn đỏ. Các mẩn đỏ đó nhanh chóng hình thành bọng nước quanh mắt, quanh miệng và lan toàn thân rồi vỡ ra. Gia đình đưa bé đến phòng mạch tư khám và bác sĩ cho uống thuốc chống dị ứng. Uống thuốc được một ngày, bệnh của bé càng nặng thêm, lúc đó mới đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM cấp cứu.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ thấy niêm mạc mắt của bé đã bị ảnh hưởng nặng, nguy cơ mù là khó tránh khỏi.
Trước đó, Khoa Phỏng - chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM cũng đã tiếp nhận một ca dị ứng thuốc nghiêm trọng khác, đó là trường hợp của bé L.L.A (12 tuổi, TP.HCM). Bé bị sốt nên người nhà cho uống loại thuốc hạ sốt trước đây bệnh nhi thường xuyên sử dụng. Tuy nhiên, sau khi uống, hai môi bé bị sưng phồng, căng như bong bóng và vỡ ra toàn máu mủ. Các vết loét tiếp tục lan ra khắp ngực, tổn thương niêm mạc mắt, hậu môn, lỗ tiểu...; rất may là gia đình đưa bé nhập viện sớm nên được điều trị kịp thời.
Nhận biết dị ứng thuốc
Dị ứng thuốc là một tai biến xảy ra ở mọi lứa tuổi, bất kỳ lúc nào và với mọi loại thuốc, dù là những thuốc dùng để trị những chứng bệnh đơn giản như viêm họng, sốt, cảm cúm...
Theo bác sĩ Hoàng Công Minh, Bệnh viện Nhân sinh, TP.HCM, các thuốc hay gây sốc phản vệ là các loại thuốc kháng sinh, nhất là các kháng sinh thuộc nhóm betalactam như penicillin, ampicillin, cefotaxim... Ngoài ra còn có các loại thuốc khác như: thuốc điều trị bệnh phong, thuốc điều trị đái tháo đường có gốc sulfamid, thuốc điều trị đau khớp, thuốc kháng động kinh, thuốc điều trị gút, thuốc tê novocain, lidocain, hay một số vitamin như vitamin C dạng tiêm, vitamin B1 tiêm...
Vì thế, chúng ta phải nắm rõ các biểu hiện dị ứng thuốc để có thể giúp bản thân hoặc thân nhân nhận ra và nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất để điều trị.
Dị ứng thuốc thường có các biểu hiện như: Nổi mề đay, phù, viêm da dị ứng, đỏ da toàn thân, bệnh huyết thanh và nặng nhất là xuất hiện bọng nước. Có thể có khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, sốt cao... Còn phù thường xuất hiện nhanh sau khi dùng thuốc ở những vùng da mỏng, môi, cổ, quanh mắt, bụng, các chi, bộ phận sinh dục...
Viêm da dị ứng thì xuất hiện mụn nước kèm theo ban đỏ, ngứa, phù da và tiến triển theo nhiều giai đoạn. Viêm da dị ứng có thể xuất hiện nhanh sau một vài giờ, trung bình sau vài ba ngày, có khi hằng tuần sau khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc.
Đỏ da toàn thân thì bệnh xuất hiện từ 2 - 3 ngày, trung bình 6 - 7 ngày, có khi 2 - 3 tuần sau khi dùng thuốc. Người bệnh thấy bừng nóng, ngứa khắp người, sốt cao, rối loạn tiêu hóa, nổi ban đỏ toàn thân, trên da có vảy trắng, các kẽ chân tay có thể nứt và chảy nước vàng, đôi khi bị bội nhiễm có mủ.
Bệnh huyết thanh thường xuất hiện vào ngày thứ hai đến ngày thứ 14 sau khi dùng thuốc với biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, buồn nôn, đau khớp, sưng nhiều hạch, sốt cao 38 - 39 độ C, gan to, nổi ban khắp người.
Bác sĩ Minh lưu ý có những thuốc dùng vài lần trước đó không việc gì nhưng lần dùng sau lại bị phản ứng dị ứng. Do đó, không nên theo thói quen rằng, bé đã dùng một lần loại thuốc này không bị gì thì lần sau bệnh giống vậy vẫn lấy thuốc đó cho con uống. Bác sĩ Minh khuyến cáo, chớ coi thường dị ứng thuốc vì nó có thể mang lại nhiều hậu quả đáng sợ như: sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong, nhiễm độc da dị ứng, gây bỏng với các bọng nước trên toàn thân...
Chính vì sự nguy hiểm đó nên việc hạn chế dị ứng thuốc là vô cùng quan trọng. Theo bác sĩ Minh, dù trong bất cứ trường hợp nào khi nghi bị bệnh hoặc muốn dùng thuốc bổ trợ sức khỏe phải xin ý kiến bác sĩ, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc để dùng dù là tây y hay đông y, thuốc uống hay bôi...
Bên cạnh đó, không nên lạm dụng thuốc, nhất là kháng sinh và một số thuốc chuyên khoa đặc trị, kể cả thuốc nhỏ mắt, bôi da có chứa kháng sinh. Khi dùng thuốc, nếu thấy khác thường (nổi hồng ban trên da, đặc biệt có kèm thêm tổn thương niêm mạc như mắt, mũi, miệng hoặc bất cứ một biểu hiện bất thường nào khác) thì không nên tự ý điều trị bằng các biện pháp dân gian mà cần đến cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh càng sớm càng tốt.
Mỗi lần đi khám bệnh nên cho bác sĩ biết về tình trạng bệnh tật của mình hoặc của bé, nhất là các chứng dị ứng, đặc biệt là dị ứng các loại kháng sinh để bác sĩ tránh khi kê toa thuốc điều trị.