Quan hệ vợ chồng thời kỳ mãn kinh
Thời kỳ mãn kinh - Những điều cơ bản cần biết
Những thay đổi
Rối loạn kinh nguyệt là biểu hiện chủ yếu nhất trong thời kỳ tiền mãn kinh, bao gồm: vòng kinh dài, ngắn và ra huyết bất thường, kinh nguyệt không đều, kéo dài, dây dưa. Các thay đổi ở mô da, niêm mạc như lông mặt mọc rậm, da khô, nhám, nhăn nheo do mất dần lớp mỡ dưới da, mụn trứng cá, tóc rụng, tuyến vú trở nên mềm nhão, giọng nói bị ồ, giảm ham muốn tình dục và đau khi giao hợp do âm đạo khô teo, nhiễm trùng tiết niệu và són tiểu do niêm mạc đường tiết niệu cũng bị khô teo, một số người đi tiểu nhiều lần, tiểu khó vì niệu đạo bị xơ cứng.
Bốc hỏa từng cơn thỉnh thoảng xảy ra, do rối loạn vận mạch làm nóng bừng ở ngực, lưng, cổ, mặt và đổ mồ hôi, xuất hiện nhiều nhất về đêm, gây khó chịu, mất ngủ. Có thể kèm cảm giác nặng chân, vọp bẻ... Tâm sinh lý thay đổi đa dạng, có người tính tình trở nên trầm mặc, lo âu, băn khoăn, chán nản hay thất vọng, thường không vừa lòng với môi trường xung quanh. Người ta nhận thấy có đến 46% phụ nữ bị mất ngủ, mệt nhọc trong thời kỳ mãn kinh, vận động chậm chạp, mất hứng thú trong quan hệ vợ chồng. Trạng thái dễ kích động, cáu gắt, hay gây gổ.
Giai đoạn mãn kinh thật sự, người phụ nữ có những thay đổi như: da kém mềm mại, khô nhăn, có đốm đồi mồi, tóc khô, rụng, dễ gãy…; cơ thể dễ mập, mỡ tích tụ nhiều ở vùng bụng và đùi; niêm mạc sinh dục dần dần teo mỏng, làm âm hộ, âm đạo khô, ngứa, rát, giao hợp đau, dễ bị xây xước và nhiễm trùng; tiểu nhiều lần, đôi khi không tự chủ được (tiểu són), tiểu buốt dù nước tiểu vẫn trong, và không có dấu hiệu nhiễm trùng; thiếu nội tiết tố khiến xương mất dần calci và chất khoáng, dẫn đến loãng xương, xương giòn, dễ gãy; xơ cứng thành mạch làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành hay nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, tính tình hay buồn vẩn vơ, trầm uất, hoặc dễ nóng nảy, cáu gắt, hay quên...
Kinh phải mất hẳn trên 12 tháng mới chắc chắn là mãn kinh thật sự. Nếu chỉ mất kinh vài ba tháng, nên cẩn thận để tránh có thai ngoài ý muốn.
Xử trí các rối loạn như thế nào?
Nếu bị bốc hỏa từng cơn, có thể hạn chế và ngăn ngừa bằng nhiều cách sau: uống một ly nước lạnh khi bắt đầu cơn bốc hỏa; mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát làm từ vải sợi tự nhiên; phòng ngủ hoặc làm việc nên thoáng mát, có quạt máy hoặc nếu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ thì nên điều chỉnh ở nhiệt độ thấp, có thể chuẩn bị một chiếc quạt tay bên người; tránh dùng thức uống có cồn, cà phê, thuốc lá, sô cô la và phô mai vì sẽ làm tăng thân nhiệt, tăng mức độ khó chịu của cơn bốc hỏa.
Trong một số trường hợp, cần bổ sung vitamin hoặc nội tiết tố từ thuốc để hỗ trợ điều trị một số rối loạn của cơ thể như calci và vitamin D giúp hạn chế loãng xương, bổ sung vitamin E mỗi ngày chống khô da, dùng estrogen cho liệu pháp nội tiết tố thay thế lâu dài… Tuy nhiên, việc dùng thuốc phải được bác sĩ chuyên khoa phụ sản khám và chỉ định phù hợp cho từng trường hợp vì dùng nội tiết tố không đúng chỉ định có thể dẫn tới một số hậu quả không mong muốn như ung thư nội mạc tử cung và ung thư vú.
Nên có chế độ ăn uống cần giàu đạm, calci, vitamin D, ít đường, nhiều rau quả, đặc biệt là các sản phẩm từ đậu nành do có chứa nội tiết tố estrogen tự nhiên. Các thức ăn có nhiều calci bao gồm: sữa không béo, thủy hải sản như cá, tôm, cua… Các thức ăn giàu vitamin D như sữa, cá hồi, cá ngừ… Nên ăn chất béo có trong các loại quả, hạt (hạt hướng dương), dầu cá (các loại cá, rong biển), đậu nành, các loại rau quả họ đậu.
Phụ nữ tuổi mãn kinh cần thường xuyên tập thể dục thể thao để duy trì sự dẻo dai của hệ cơ xương và giúp máu lưu thông khắp cơ thể, duy trì vóc dáng gọn gàng, tinh thần minh mẫn, lạc quan. Nên lựa chọn các bài tập thể dục phù hợp với tuổi tác và tình trạng sức khỏe của cơ thể. Khi quan hệ tình dục, có thể dùng các chất bôi trơn để làm giảm cảm giác đau vì sự khô teo của âm đạo. Nên đi khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng để được phát hiện và xử trí sớm các bệnh phụ khoa, trong đó có ung thư.
Dinh dưỡng cho phụ nữ tiền mãn kinh:
Theo khảo sát, hai loại vi chất quan trọng nhất trong thời điểm này thường bị các chị em lãng quên đó là sắt và canxi.
Sắt, canxi, chất xơ... là những loại dưỡng chất không nên “vắng mặt” trong chế độ ăn uống thường ngày của bạn:
Canxi
Canxi là loại vi chất quan trọng hàng đầu với bạn, vì vào thời điểm tiền mãn kinh do có sự thay đổi về hàm lượng hoormon trong cơ thể nên bạn sẽ dễ có nguy cơ bị loãng xương. Chính vì thế, việc bổ sung đủ hàm lượng canxi sẽ giúp bạn giảm được đáng kể nguy cơ gãy và loãng xương.
Các chuyên gia khuyên bạn nên kết hợp cả ăn và uống các loại thực phẩm giàu canxi, sao cho đảm bảo mỗi ngày cơ thể bạn được nạp từ 1000 – 1500 mg canxi.
Canxi được tập trung chủ yếu trong các loại sản phẩm được chế biến từ bơ, sữa, cá hồi, cá ngừ, bông cải xanh…
Thiếu sắt chính là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu máu, dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt.
Mỗi ngày cơ thể bạn cần tối thiểu là 3 phần thức ăn có giàu chất sắt tương đương với khoảng 8 miligram sắt mỗi ngày.
Sắt là loại vi chất có trong thị đỏ, thịt gia cầm, cá, trứng, các loại rau có lá màu xanh sẫm, các sản phẩm từ ngũ cốc.
Chất xơ
Chất xơ cũng rất cần thiết đối với phụ nữ tiền mãn kinh. Bởi nó không chỉ giúp chị em loại trừ nguy cơ táo bón mà còn có tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư - một trong số những căn bệnh nguy hiểm thường “viếng thăm” bạn vaò giai đoạn tiền mãn kinh.
Mỗi ngày cơ thể bạn cần 20 gram chất xơ. Chất xơ có thể dễ dàng được tìm thấy trong bánh mỳ, ngũ cốc, trái cây tươi, rau xanh. Mỗi ngày bạn đừng quên bổ sung chất xơ cho cơ thể bằng cách ăn từ 2 – 4 phần trái cây và 3 – 5 phần rau xanh.
Tuy nhiên lượng nước trung bình cơ thể cần nói chung là 8 cốc mỗi ngày.
Hạn chế nêm muối vào thực phẩm
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh nếu trong chế độ ăn uống của họ có chứa một lượng lớn muối thì sẽ tăng nguy cơ bị “thất thoát” hàm lượng khoáng chất trong xương so với những chị em phụ nữ khác cùng độ tuổi.
Chính vì thế, các chuyên gia thuộc Viện Lão Khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng mỗi ngày bạn chỉ nên thu nạp không quá 2.300 gam muối, nhưng điều này cũng không có nghĩa là bạn nên “kiêng” hẳn việc ăn muối, mà hãy ăn muối một cách hạn chế.
Muốn cắt giảm lượng muối thu nạp vào cơ thể bạn cần chú ý:
- Nên cho gia vị vào giai đoạn cuối của quá trình nấu ăn.
- Hạn chế dùng muối, thay vào đó hãy dùng các gia vị khác như hạt tiêu, hành, tỏi, gừng.
- Nếu ăn mì tôm không nên dùng hết gói gia vị.
- Đừng nên cho muối vào khi rán cá.
Bổ sung vitamin D
Để giúp cho bộ xương luôn chắc khỏe, giảm nguy cơ bị loãng xương thì trong chế độ ăn uống thường ngoài việc quan tâm chú trọng tới việc bổ sung hàm lượng canxi bạn còn cần lưu ý đến việc tăng cường vitamin D. Vì Vitamin D được xem như một chất “xúc tác” giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ canxi.
- Những người ở độ tuổi 50 cần 200 đơn vị IU vitamin D
- Những người ở độ tuổi 51– 70 cần 400 đơn vị IU vitamin D.
- Những người trên 70 tuổi cần 600 đơn vị IU vitamin D.
Cũng theo các chuyên gia nguồn Vitamin D dồi dào mà bạn có thể dễ dàng tìm kiếm được đó chính là từ ánh nắng mặt trời buổi sáng sớm, sữa tươi, lòng đỏ trứng gà, gan
Protein
Loại protein gây hại cho xương là loại protein có nguồn gốc từ động vật. Loại protein này không những không đem lại tác dụng cho xương mà còn gây ra những tác động không mong muốn.
Tuy nhiên, trong thành phần cấu tạo của bộ xương lại có tới 50% là protein, nên theo ý kiến của các chuyên gia, bạn vẫn nên bổ sung hàm lượng protein nhưng có chừng mực theo tiêu chí như sau:
Đối với nam và nữ trên 19 tuổi nên thu nạp 0,8gram protein tính theo 1 kg trọng lượng cơ thể. Điều này đồng nghĩa rằng nếu phụ nữ nặng khoảng 68kg thì cần 55 gram protein và khoảng 64 gram cho nam giới có trọng lượng cơ thể 77 kg.
Các loại thực phẩm tập trung nhiều protein như cá ngừ (85gram cá ngừ có chứa 22 gram protein), cá hồi (85 gram cá hồi chứa 19 gram protein), sữa chua không béo (trong 226 gram sữa chua có 13 gram protein). Trung bình trong một quả trứng có 6 gram protein.
Lưu ý: Để phòng tránh chứng bệnh loãng xương một cách hiệu quả thì bên cạnh việc áp dụng một chế độ ăn uống khoa học, bạn nên duy trì thói quen luyện tập thường xuyên.
(ST)