Đỡ đẻ thai ngôi mông (thai ngược)

1. Định nghĩa
Ngôi mông là ngôi dọc mà cực đầu ở đáy tử cung, cực mông trình diện trước eo trên của khung chậu người mẹ.


2. Phân loại
2.1. Ngôi mông hoàn toàn: Mông và hai chân trình diện trước eo trên.
2.2. Ngôi mông không hoàn toàn:
+ Kiểu mông.
+ Kiểu đầu gối: Thai nhi quỳ trong buồng tử cung.
+ Kiểu bàn chân.

3. Triệu chứng và chẩn đoán:
3.1. Triệu chứng.

3.1.1. Cơ năng: có thể đau tức hạ sườn.

3.1.2. Thực thể:
+ Nhìn: Tử cung hình trụ, hay tử cung lệch một bên.
+ Sờ: Cực dưới mềm, to, không liên tục, lưng là một diện phẳng, cực trên đầu là đầu tròn, đều rắn.
+ Nghe tim thai: nghe rõ trên rốn.
+ Thăm âm đạo: Nếu cổ tử cung mở có thể sờ được mông, đỉnh xương cùng, hậu môn, bộ phận sinh dục, chân thai (nếu mông hoàn toàn hay mông không hoàn toàn kiểu bàn chân).

3.1.3. Cận lâm sàng.
+ Siêu âm: Có giá trị chẩn đoán và đánh giá tiên lượng, hiện nay siêu âm được trang bị tới tuyến cơ sở, dễ sử dụng, không độc hại. Siêu âm có thể đánh giá đựơc vị trí đầu, mông, tình trạng thai, trọng lượng thai, rau, ối.
+ X- quang: Đánh giá đầu cúi hay ngửa, chỉ làm khi thật cần thiết.

3.2. Chẩn đoán thế, kiểu thế
- Lưng bên nào thế bên đó.
- Tìm mốc ngôi là đỉnh xương cùng để xác định kiểu thế. 
Có 4 kiểu thế:
- Cùng chậu trái trước - Cùng chậu phải trước.
- Cùng chậu trái sau - Cùng chậu phải sau.
Có 2 kiểu thế sổ: Cùng ngang trái, Cùng ngang phải.

3.3. Chẩn đoán phân biệt:
- Ngôi chỏm: Dễ nhầm với ngôi mông không hoàn toàn kiểu mông khi ối chưa vỡ nếu chỉ nắn ngoài. Cần xác định rõ ngôi chỏm các thóp và đường khớp khi thăm trong. Đặc biệt cần phân biệt rõ với ngôi chỏm sa chi.
- Ngôi mặt: Có thể nhầm với ngôi mông không hoàn toàn kiểu mông, khó khi bướu huyết thanh to không sờ thấy xương. Nhầm mồm với hậu môn, hai mông với hai gò má, mũi với xương cùng. Ngôi mặt có thể sờ thấy mũi to và mềm, hố mắt ở hai bên.
- Ngôi ngang: cần khám kỹ có thể nhầm với ngôi mông hoàn toàn do đó cần xác định rõ cực đầu. Phân biệt chân và tay thai nhi.

4. Hướng xử trí:
4.1 Trong thời kỳ có thai (3 tháng cuối).
- Quản lý thai nghén tốt.
- Đánh giá tình hình thai và mẹ, tìm các yếu tố không thuận lợi như con so lớn tuổi, thai to, sẹo tử cung, tiền sử sản khoa khó khăn.....
- Đối với trường hợp khó khăn cần theo dõi ở các cơ sở có đủ điều kiện trang thiết bị, chuyên môn tốt. có thể mổ lấy thai khi đủ tháng hay khi bắt đầu chuyển dạ.

4.2 Khi chuyển dạ:
4.2.1. Chỉ định mổ lấy thai ngôi mông.
Con so, ngôi mông, ước trọng lượng thai trên 3000g.
Con rạ, ngôi mông, ước trọng lượng thai trên 3200g hoặc khá to so với lần trước.
Tiền sử sinh khó ở những lần đẻ trước, tiền sử sản khoa khó khăn.
Con so, ngôi mông, mẹ lớn tuổi.
Ngôi mông, con quý, con hiếm.
Ngôi mông, sa dây rau.
Ngôi mông, suy thai trong chuyển dạ.
Ngôi mông, chuyển dạ kéo dài, chuyển dạ khó khăn...
Âm đạo, tầng sinh môn hẹp.
Mẹ khung chậu hẹp, khung chậu giới hạn.
Sẹo mổ cũ.
Mẹ không được phép rặn đẻ.
Ối vỡ sớm, ối giảm.
Đầu ngửa nguyên phát.

4.2.2. Đẻ đường âm đạo.
o Chuẩn bị đỡ đẻ: ngôi mông phải được đẻ ở trung tâm có khả năng phẫu thuật.
o Cho sản phụ:
Sản phụ nằm theo tư thế sản khoa.
Hướng dẫn cách rặn đẻ.
o Về nhân viên y tế:
Phải có đủ người (2 đến 3 người)
Các phương tiện hồi sức sơ sinh, oxytocin, dịch truyền.
Kỹ thuật đỡ đẻ ngôi mông.