Những ngày rét kỷ lục, nhu cầu sử dụng bình nóng lạnh tăng đột biến. Tuy nhiên, cách sử dụng bình nóng lạnh sai lầm đã gây ra nhiều ca tử vong thương tâm.
Bình nóng lạnh ngày nay đã trở nên vô cùng phổ biến trong các gia đình, đặc biệt khi thời tiết bước vào mùa đông giá lạnh với nền nhiệt rất thấp. Nhiều gia đình thậm chí bật bình nóng lạnh 24/24 giờ để luôn có nước nóng sử dụng bất cứ lúc nào. Ai cũng nghĩ bình nước nóng rất an toàn, nhưng những sai lầm tai hại khi sử dụng có thể khiến bạn đánh đổi tính mạng, sức khỏe của mình và người thân bất cứ lúc nào. Dưới đây là những sai lầm nghiêm trọng mà nhiều người mắc nhất khi sử dụng bình nước nóng.
1. Không ngắt bình nóng lạnh trong khi tắm: Ngày nay, bình nóng lạnh đều được thiết kế hệ thống chống ngắt điện tự động khi nước đã đủ nhiệt, tuy nhiên điều này không ngăn được việc điện rò vào nước. Chưa kể bình nóng lạnh sau một thời gian sử dụng, các bộ phận, chi tiết bên trong đã cũ và không thể hoạt động hiệu quả như lúc mới. Hệ quả là điện có thể rò vào nước bất cứ lúc nào mà bạn không thể biết trước được. Nếu trong khi tắm bạn vẫn để điện bình nước nóng, thì có thể xảy ra tình trạng bị giật, khi điện rò vào nước. Lúc này nguy cơ tử vong là rất cao. Do đó, bạn nên bật bình nước nóng đến khi đủ nhiệt thì ngắt hẳn điện rồi mới tắm để đảm bảo an toàn.
2. Cắm điện bình nóng lạnh liên tục cả ngày: Bình nước nóng làm nóng nước theo nguyên lý giống như ấm đun nước bằng điện. Nghĩa là đốt nóng dây mayso để đun nóng nước. Mặc dù có thiết kế phức tạp và hiện đại hơn, nhưng nguy cơ gây giật của cả hai thiết bị này là như nhau. Bình nước nóng sẽ bị rò điện khi có sự thông mạch từ dây mayso đến môi trường bên ngoài. Điều này thường xảy ra khi lớp cách điện của dây mayso bị mòn sau một thời gian sử dụng lâu dài. Việc bạn cắm điện bình nước nóng liên tục 24/24 giờ chính là tác nhân hàng đầu bào mòn lớp cách điện, và khiến hệ thống ngắt điện hoạt động không còn hiệu quả, dễ dẫn đến rò điện gây chết người hết sức nguy hiểm. Để đảm bảo độ bền cũng như an toàn tính mạng, bình nước nóng chỉ nên cắm trước khi sử dụng 30 đến 45 phút. Khi sử dụng để tắm cần ngắt điện bình nước nóng để đảm bảo an toàn.
3. Không quan tâm đến cọc tiếp đất: Dây tiếp đất là bộ phận quan trọng giúp tránh rò rỉ điện từ bình nước nóng ra môi trường bên ngoài. Dây tiếp đất có vai trò triệt tiêu dòng điện và giảm thiếu tối đa nguy cơ giật điện từ các thiết bị điện trong gia đình. Thông thường một ngôi nhà được thiết kế an toàn sẽ có một chiếc cọc nối đất có vai trò như dây tiếp đất. Chiếc cọc này dài khoảng 2,5m, được chôn sâu dưới lòng đất từ 0,8 đến 1m. Các thiết bị điện cố định trong gia đình sẽ được nối với chiếc cọc này, để hạn chế tình trạng rò rỉ điện. Tuy nhiên, ở Việt Nam rất ít gia đình quan tâm tới thiết bị an toàn này.
4. Sử dụng bình nóng lạnh mà không chú ý bảo dưỡng: Rất ít người có thói quen bảo dưỡng bình nóng lạnh thường xuyên. Chính điều này khiến thiết bị gia dụng này trở thành đồ vật nguy hiểm trong căn nhà của bạn. Mọi loại đồ điện đều cần được kiểm tra và bảo dưỡng. Bởi sau một thời gian sử dụng, chúng sẽ bị bào mòn và xảy ra các vấn đề khi hoạt động. Nếu không thường xuyên kiểm tra và sửa chữa kịp thời, nguy cơ cháy nổ, rò điện là rất cao. Đối với bình nước nóng, bạn nên kiểm tra và bảo dưỡng tối thiểu 3 tháng một lần. Đặc biệt trong mùa đông sử dụng nhiều, bạn nên kiểm tra mỗi tháng 1 lần để đảm bảo an toàn tình mạng cho cả gia đình.
Những lưu ý quan trọng để sử dụng bình nóng lạnh an toàn: Thường xuyên kiểm tra tình trạng rò điện của bình nước nóng bằng cách dùng bút thử điện quẹt thử vào ống nước hoặc trực tiếp vào nước. Nếu phát hiện có điện rò trong nước phải ngắt điện bình nước nóng ngay lập tức để kiểm tra.
Tiến hành bảo dưỡng bình nước nóng thường xuyên tối thiểu 3 tháng 1 lần, nếu sử dụng thường xuyên thì nên kiểm tra mỗi tháng 1 lần. Với bình nước nóng đời cũ nên lắp đặt thêm thiết bị chống giật. Không bật bình nước nóng 24/24 giờ. Nếu nhà có trẻ nhỏ, cần lắp bình nước nóng ngoài tâm với của trẻ.
Theo Lamsao