Em bé khóc nhiều và những mẹo dỗ bé hay

Tại sao em bé  khóc nhiều là nguyên do tại đâu ? Bắt bệnh bé khóc nhiều và các mẹo hay dỗ bé mà các bậc cha mẹ cần phải quan tâm và lưu ý đây


Nên làm gì khi trẻ khóc nhiều?

Một sô bà mẹ thường nghĩ rằng con khóc nhiều là vì mình ít sữa, con bú chưa đủ no. Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ khóc nhiều như vậy.

Cụ thể như sau:

- Trẻ bị bệnh: cần đưa trẻ đi khám.

- Trẻ tạm thời tăng trưởng nhanh, yêu cầu nhiều sữa hơn, điều này hay xảy ra lúc 2-3 tháng tuổi: cần thiết cho trẻ bú nhiều lần và mẹ cũng phải ăn nhiều hơn. Chỉ sau vài ngày, sữa mẹ sẽ tiết đủ nhu cầu của trẻ. Không nên cho trẻ bú bình vì như thế sẽ làm trẻ bú mẹ ít đi, dẫn đến sữa mẹ càng không đủ cho trẻ.

- Trẻ bị “colic”: đó là những cơn khóc không rõ nguyên nhân, trẻ chỉ khóc trong một thời gian nhất định thường là chập tối, kéo dài 1-2 giờ, sau đó tự nín. Khi nghĩ đến điều này phải loại trừ trẻ không bị bệnh, trẻ không bú bình, bú mẹ tốt và trẻ tăng cân bình thường. Khi chắc chắn trẻ khóc do “colic” thì bà mẹ yên tâm là không phải do mình thiếu sữa, cần tiếp tục cho trẻ bú mẹ bình thường. Bế trẻ lên lấy tay, áp sát bụng trẻ, có thể để ba bế trẻ lên và áp bụng trẻ vào vai mình. Một thời gian trẻ sẽ hết. Không nên cho bú bình.

- Có thể trẻ bị dị ứng sữa bò do mẹ uống. Nếu mẹ ngưng sữa bò mà trẻ nín thì mẹ nên cữ sữa bò. Còn nếu mẹ ngưng uống sữa bò mà trẻ vẫn khóc thì không phải nguyên nhân này, mẹ vẫn có thể uống sữa bò bình thường.

- Trẻ khóc nhiều có thể do “cá tính” của trẻ, thích được ẵm bồng, thích được nâng niu. Với trẻ này cần luyện tập một cách từ từ.

Như vậy trẻ khóc có nhiều nguyên nhân chứ không phải là mẹ thiếu sữa. Cần tìm nguyên nhân để có cách giải quyết đúng nhất. Không nên cho trẻ bú bình trước khi tìm nguyên nhân.

Làm gì khi bé khóc không rõ nguyên nhân?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé khóc như bé đói, tã bị ướt, bé buồn ngủ hay bé muốn được ôm… nhưng đôi khi bé nhà bạn vẫn cứ khóc nằng nặc cho dù bạn vừa cho bé ăn, tã của bé vẫn khô ráo… xử trí sao đây với tình huống này?

Tại sao bé khóc nhiều? Bé có những lý do của riêng mình. Thậm chí, cả khi bạn là những bậc cha mẹ yêu con và hiểu con thì đôi khi cũng khó có thể đọc được suy nghĩ của bé.

Vì vậy, khi bé khóc không rõ nguyên nhân, bạn có thể sử dụng một số gợi ý dưới đây để dỗ dành bé:

1. Cho bé ngậm núm vú giả

Ngậm núm vú giả có thể giúp bé bình tĩnh hơn, ổn định nhịp tim, thư giãn dạ dày… hoặc bạn cũng có thể cho bé cầm một đồ dùng nào đó.

2. Quấn lại tã và ôm con vào lòng

Bé sơ sinh sẽ cảm nhận được tình cảm của cha mẹ, cảm thấy ấm áp và an toàn khi được cha mẹ ôm ấp.  Rất nhiều trẻ ngưng khóc khi được cha mẹ bồng trên tay, đưa đi đưa lại nhẹ nhàng và nựng yêu.

‘Con gái tôi rất thích được ôm… ôm thật chặt. Ôm càng chặt thì con tôi càng tỏ ra thích thú. Bé cũng rất thích khi tôi quấn một chiếc chăn lông cừu quanh người bé’,  một bà mẹ chia sẻ.

3. Âm nhạc và giai điệu

Khoa học đã chứng minh, âm nhạc có tác động rất tích cực đến não bộ của bé. Khi bé khóc, bạn có thể cho bé nghe một bản nhạc hay một bài hát, ôm con và nhảy quanh phòng. Cho bé nghe nhiều loại nhạc khác nhau để xem bé có phản ứng thích loại nhạc nào nhất.

‘Chúng tôi phát hiện ra rằng cách tốt nhất để dỗ dành con là bật một bản nhạc và khiêu vũ cùng con. Chỉ cần hai bài hát, con tôi đã ngưng khóc và chìm vào giấc ngủ ngay sau đó. Dường như, giai điệu và sự chuyển động giúp con tôi cảm thấy thư thái hơn nhiều’.



4. Tiếng động nhẹ

Đôi khi chỉ cần một vài tiếng động nhẹ như tiếng máy hút bụi, tiếng nước chảy hay tiếng loạt xoạt của một vật gì đó… cũng có thể giúp trẻ ngưng khóc.

‘Mỗi khi bé nhà tôi khóc, chỉ cần cho bé nghe tiếng nước chảy là vài phút sau bé đã thiêm thiếp ngủ trong lòng tôi’.

5. Không khí trong lành

Đôi khi chỉ cần bạn mở cửa và bồng bé đi đi lại lại là bé ngưng khóc ngay lập tức. Thủ thỉ cùng con những gì đang diễn ra xung quanh cũng có tác động tích cực đến sự nhận thức của bé.

6. Massage cho bé

Hầu hết các bé đều thích được cha mẹ massage. Bạn đừng lo lắng ngay cả khi bạn không biết cách massage. Chỉ cần bạn nhẹ nhàng và ấm áp là bé đã cảm nhận được tình yêu mà bạn dành cho bé.

7. Cho bé xem tranh ảnh

Những hình ảnh vui nhộn, ngộ nghĩnh xem ra có tác dụng với nhiều bé. Rất nhiều bé tỏ ra phấn khích và ngưng khóc khi được cha mẹ cho xem tranh ảnh.


Bắt 'bệnh' của bé qua tiếng khóc

Mỗi kiểu khóc của bé có thể được "dịch" khác nhau. Hiểu được tiếng khóc của con là bạn có thể bớt căng thẳng hơn rất nhiều trong quá trình chăm sóc bé.

Ảnh minh họa: Inside.akronchildrens.org.

Babycenter sẽ mang tới cho bạn "chìa khóa" để hiểu được ý nghĩa của từng kiểu khóc ở trẻ sơ sinh.

1. Tiếng khóc của bé rất to, lăp đi lặp lại, và ngày càng to hơn, thậm chí là gào thét, gắt gỏng. Con muốn nói là:

a. Con đầy hơi
b. Con đói
c. Con buồn ngủ
d. Con muốn được bế

Câu trả lời đúng là b.

Tiếng khóc vì đói bụng thường lặp đi lặp lại và không dừng cho tới khi bé có được thứ mình muốn - được cho ăn.

Đôi khi, vì gào khóc thái quá khi đói, bé nuốt nhiều không khí, dẫn tới bị đầy hơi và điều này càng khiến bé khó chịu rồi khóc nhiều hơn. Vì thế, ngay khi nhận ra con đói, hãy cho bé ăn, trước khi con bị kích động.

Một số dấu hiệu khác giúp bạn nhận biết con đói là: miệng chóp chép, mút tay, dụi mặt vào ngực mẹ...

2. Ngay khi vừa ăn xong, bé khóc to, dữ dội. Con đang cố gắng cho bạn biết là:

a. Con muốn ngủ khi đã ăn no
b. Con vẫn đói
c. Con cần phải được ợ hơi
d. Con muốn được thay tã mới

Câu trả lời đúng là c

Kêu ầm lên ngay khi vừa được cho ăn thường là do đau bụng và bé sẽ khó chịu cho tới khi được ợ hơi. Hãy thử cho con ợ hơi bằng cách vỗ nhẹ lên lưng bé. Hãy lót một chiếc khăn sữa dưới cằm con, đề phòng bé trớ ra, và có thể chọn 1 trong 3 cách sau để giúp bé: Bế bé đứng thẳng và quay mặt vào ngực bạn, cằm tựa lên vai bạn. Giữ bé bằng một tay và đỡ lấy đầu, cổ con, tay kia nhẹ nhàng vỗ lưng bé. Cách 2 là đặt bé lên đầu gối, một tay đỡ ngực bé và nâng cằm, tay kia vỗ lưng nhẹ. Cách 3 là đặt bé nằm úp bụng lên lòng bạn, đầu ngẩng cao hơn ngực

Một số dấu hiệu khác cho thấy bé cần được ợ hơi là bé co đầu gối lên ngực. Hãy giúp con bằng cách đặt bé nằm ngửa, giữ chân con và di chuyển chân như động tác đạp xe.

3. Tiếng khóc của bé có vẻ cáu kỉnh và có thể đan xen giữa tiếng cười và tiếng khóc, thậm chí con gào lên. Bé muốn nói:

a. Con bắt đầu thấy đói
b. Con cần được ợ hơi
c. Con cần được thay tã mới
d. Con bị kích thích quá mức

Câu trả lời đúng là d.

Bé đang nhận được quá nhiều kích thích - ánh sáng, âm thanh hay được truyền tay qua hết người này tới người khác. Bé có thể thích như vậy, nhưng khi nó quá nhiều, con sẽ khó chịu.

Một số dấu hiệu nữa là: Bé quay đầu khỏi nơi có quá nhiều kích thích. Nhiều trẻ sơ sinh thích được bảo vệ bằng cách quấn chặt trong tã khi xung quanh quá ồn ào. Nếu bé đã lớn, không thể quấn tã hay không thích điều này, bạn hãy thử bế con tới nơi yên tĩnh hơn để làm dịu bé.

4. Bé khóc ê a, khóc rồi lại nín. Bạn dỗ thì con nín nhưng sau đó lại khóc và cứ đều đều kêu mãi. Bé muốn nói gì?

a. Con thực sự mệt và cần đi ngủ
b. Con thấy buồn chán và muốn làm điều gì đó khác
c. Con bị đau bụng
d. Con gặp vấn đề về tiêu hóa

Câu trả lời đúng là a.

Bố mẹ thường bỏ qua tiếng khóc buồn ngủ của con, nhất là khi nó rơi vào thời gian họ không mong đợi. Có những ngày bé lúc nào cũng buồn ngủ, có thể do giai đoạn phát triển hay đơn giản là con mệt. Thậm chí nếu con bạn vừa có một giấc ngủ ngắn một giờ trước, mà bé vẫn ê a khóc thì có thể là con vẫn chưa ngủ đủ và cần ngủ tiếp.

Dấu hiệu khác: Bé dụi mắt, khóc trong khi mắt nhắm và ngáp.

5. Âm thanh con khóc có vẻ lạ, khác hẳn mọi lần bạn từng nghe. Bé muốn nói với mẹ là:

a. Con mọc răng
b. Con thấy mệt
c. Con bị ốm
d. Con muốn được bế và âu yếm

Câu trả lời đúng là c.

Tiếng khóc của một em bé bị ốm khác hẳn tiếng khóc do đói hay buồn chán. Nếu bạn thấy tiếng khóc của con có vẻ khác lạ, hay bé không thể ngưng khóc suốt vài giờ, hãy tin vào bản năng của bạn và gọi cho bác sĩ.

Dấu hiệu khác là: Bé sốt, bé không muốn ăn, bé ngủ li bì hay khó ngủ, lượng nước tiểu ít hay có những hành vi khác thường ngày.

6. Bạn đã cố gắng vận dụng tất cả các cách nhưng vẫn không thể dỗ được tiếng khóc to, liên tục của con. Và điều này không xảy ra một lần. Con khóc như thế hằng ngày và kéo dài nhiều giờ. Con muốn nói với mẹ là:

a. Con mắc hội chứng Colic - khóc dạ đề
b. Con cần được chơi đùa nhiều hơn
c. Con đói
d. Con quá mệt

Câu trả lời đúng là a.

Colic - Hội chứng quấy khóc kéo dài là một thuật ngữ được dùng để mô tả việc một em bé khỏe mạnh khóc quá nhiều. Nếu con bạn dưới 5 tháng tuổi và khóc nhiều hơn 3 giờ một ngày, hơn 3 ngày trong một tuần, hơn 3 tuần trong một đợt, thì có lẽ bé bị Colic. Đây không phải là một bệnh và không gây hại về sức khỏe lâu dài cho bé nhưng làm cả bé và bạn đều mệt.

Dấu hiệu khác: Ở hội chứng Colic, hầu hết các bé sơ sinh đều khóc không lý do rõ ràng, đặc biệt là vào đầu buổi tối.

Khi khóc, trẻ với hội chứng này thường quấy gắt, ôm chặt bụng, đạp chân, khóc thét lên khiến nhiều bố mẹ dễ nhầm là con bị đau bụng.

Nếu bạn quá mệt và chán nản vì con khóc quá nhiều, sẽ không có vấn đề gì khi bạn đặt con xuống một nơi an toàn và đi bộ vài phút để hít thở.

Tin tốt là, điều này sẽ không kéo dài mãi, thường kết thúc sau khoảng 6 đến 8 tuần và giảm dần trong vòng 3-4 tháng.



7 lý do trẻ khóc và cách dỗ

Khi mới chào đời, bé yêu thường hay khóc khiến nhiều bậc cha mẹ cảm thấy phiền toái. Vài thông tin hữu ích sau sẽ giảm căng thẳng cho cha mẹ rất nhiều. Việc đầu tiên khi bé khóc là bạn nên kiểm tra xem bé có bị đói hay không. Thức ăn không làm bé nín ngay lập tức nhưng cứ cho bé ăn, bé sẽ nín khi cái bụng đã no tròn.

Con cần thay tã mới

Một vài em bé sẽ cho bạn biết ngay lập tức khi chúng muốn được thay tã mới. Nhưng một số khác lại không cần điều này vì các bé thấy thoải mái với “cảm giác ấm áp” của một chiếc tã lót đã bị ướt. Dù sao thì đây cũng là một cách dễ dàng để kiểm tra và khắc phục thật đơn giản.

Bé quá nóng hay quá lạnh 

Trẻ sơ sinh luôn muốn được cuộn lại trong những tấm mền ấm áp. Khi thấy lạnh bé sẽ khóc để thể hiện sự khó chịu của mình. Bạn nên thay tã cho bé thật nhanh và cuốn bé lại trong một tấm mền ấm. Nhưng nhớ là không mặc cho bé quá nhiều quần áo vì bé sẽ khó chịu.

Bé muốn được bế

Bé luôn muốn được âu yếm vỗ về. Bé thích nhìn những gương mặt, nghe giọng nói của cha mẹ và thậm chí bé có thể phân biệt được mùi hương đặc trưng của họ. Sau khi được ăn, được vỗ về và được thay tã mới, nhiều em bé muốn được âu yếm nữa. 

Bạn sẽ băn khoăn liệu mình có làm “hư” bé vì luôn bế bé suốt ngày, nhưng trong những tháng đầu đời, điều này là không thể. Các bé khác nhau có nhu cầu được bế ẵm cũng khác nhau. Có bé luôn muốn có được nhiều sự quan tâm nhưng cũng có bé khác lại có thể chơi một mình cả ngày. Nếu con bạn thích có nhiều sự quan tâm, hãy bế trẻ hay ít nhất đặt bé ở gần bạn.

Bé thấy mệt

Trẻ sẽ không thoải mái khi phải nhận quá nhiều sự kích thích như ánh sáng, âm thanh, bị truyền từ tay người này sang tay người khác hay tham gia vào nhiều hoạt động. Bé khóc là để nói rằng “Con thấy mệt rồi”. Lúc này, bạn hãy bế trẻ ra một nơi khác yên tĩnh hơn và thử ru bé ngủ.

Bé thấy không thoải mái

Nếu bạn đã cho bé ăn no và kiểm tra mọi thứ xung quanh nhưng bé vẫn khóc. Hãy kiểm tra nhiệt độ cơ thể để chắc rằng bé không bị ốm. Một em bé bị ốm sẽ khóc rất khác như bình thường và bé cần được khám bác sỹ.

Lý do khác

Đôi khi bạn không thể nhận ra đâu là lý do khiến con khóc. Nhiều trẻ sơ sinh có những giai đoạn bất ổn mà không thể dỗ dành bé một cách dễ dàng. 

Hãy thử những mẹo nhỏ sau đây:

- Cuộn bé lại và ôm ấp bé: Trẻ sơ sinh luôn thích cảm giác ấm áp và an toàn như khi bé vẫn ở trong lòng mẹ, vì thế hãy quấn bé trong tấm chăn ấm, bế ẵm bé vào lòng. Nhưng cũng có các bé khác lại không thích kiểu bế này và thích được âu yếm theo kiểu khác như là được bế và rung rung, hay được cho ngậm vú giả.

- Cho bé nghe nhạc điệu: Bạn có thể thử bật nhạc nhẹ nhàng, hát ru.

- Cho bé quen với những chuyển động: Đôi khi chỉ bằng việc bế bé và đi lại bạn trong phòng cũng là cách đã dỗ dành bé. Đu đưa bé nhẹ nhàng trong một chiếc ghế, đặt bé trên một chiếc ghế lò xo sẽ có tác dụng hiệu quả. Bạn cũng có thể đẩy bé đi dạo trên xe nôi hay cho bé đi chơi một vòng.

- Massage cho bé: Hầu hết các em bé đều thích được vỗ về, massage cũng là cách dỗ dành trẻ. Đừng lo lắng nếu bạn không biết chính xác những động tác, xoa nhẹ nhàng và chậm dãi vào lưng, bụng của bé, những động tác này sẽ khiến bé thoải mái. 

- Cho bé hút một thứ gì đó: Nhiều khi vì muốn cầm cái gì đó mà bé khóc toáng lên. Bạn hãy cho trẻ cầm một món đồ chơi chẳng hạn như thế bé sẽ thấy tốt hơn. 

Bé khóc sẽ làm cho cha mẹ căng thẳng và mệt mỏi nhiều lúc cảm giác mình không đủ thời gian và nghị lực để nuôi con. Nếu bạn đã làm thỏa mãn mọi nhu cầu nhưng bé vẫn khóc, lúc này hãy quan tâm chăm sóc chính bản thân mình để tránh tình trạng quá bực tức. 

- Đặt bé xuống một nơi an toàn và cho bé khóc một lát.

- Gọi một người bạn hay một người họ hàng đến xin lời khuyên.

- Tự thưởng cho bản thân vài phút thư giãn và nhờ ai đó trông bé một lát.

- Bật một bản nhạc nhẹ nhàng để thư giãn.

- Hãy thở thật sâu.

- Tự nhắc bản thân mình rằng không có gì xấu xảy ra với bé cả, khóc một chút cũng không có ảnh hưởng gì đến bé. 

- Luôn lặp lại với bản thân rằng “Bé sẽ lớn và sẽ không còn thói quen này nữa”.
- Cho dù bạn làm gì đi nữa, đừng bao giờ thể hiện sự bực dọc bằng việc phát vào mông bé. Luôn ghi nhớ rằng khi bé yêu của bạn được từ 8 đến 12 tuần tuổi thì bé sẽ ngoan hơn rất nhiều và những trận khóc lóc sẽ không còn nữa.



Trẻ khóc nhiều dễ bị tổn thương não


Trẻ khóc lâu và khóc nhiều có thể bị giảm khả năng học hỏi do tổn thương não, nữ tiến sĩ người Anh Leach khẳng định như vậy trong nghiên cứu mới đây.

Bà Leach cho hay, việc bé khóc lâu sẽ làm tăng lượng hormone gây stress đến mức độ có thể làm tổn thương đến não trẻ. Điều này đối lập với lời khuyên phổ biến để giúp hình thành thói quen ngủ cho trẻ, rằng cứ để trẻ khóc thoải mái đến 20 phút, hoặc để trẻ khóc cho đến khi chúng buồn ngủ. Như vậy sau này bé sẽ tự ngủ mà không cần có người lớn nựng nịu, dỗ dành.

Tuy nhiên, tiến sĩ Leach lập luận rằng, các em bé chưa phát triển đầy đủ về mặt tinh thần để có thể “học” cách đi ngủ đúng giờ. Và khi bị bỏ mặc cho khóc, bé sẽ tự nín sau một khoảng thời gian nào đó nhưng không phải do đã nhận thức được vấn đề, mà vì lúc đó bé đã quá mệt và không còn hy vọng được giúp đỡ nữa. Điều này ảnh hưởng xấu đến não trẻ.

Bà Leach cho biết thêm, điều đó không có nghĩa rằng em bé không nên khóc, hay cha mẹ phải lo lắng quá mức khi thấy con khóc, bởi tất cả các em bé đều khóc, chỉ là ít hay nhiều mà thôi: "Việc trẻ khóc không phải là xấu, vấn đề là trẻ khóc mà không có phản hồi hay đáp ứng nào từ phía người lớn”.



11 điều về tiếng khóc trẻ sơ sinh các mẹ nên biết

Tiếng khóc của bé báo hiệu những “vấn đề” mà bậc phụ huynh cần tìm hiểu và dỗ dành.


 
Ai cũng muốn thiên thần của mình ngoan ngoãn, tự lập, vui vẻ, không bao giờ quấy khóc… Nhưng đã là trẻ con thì chẳng có bé nào là không khóc, quan trọng là khóc ít hay khóc nhiều mà thôi.

Tiếng khóc của bé báo hiệu những “vấn đề” mà bậc phụ huynh cần tìm hiểu và dỗ dành.

"Con đói, mẹ ơi!"

Những dấu hiệu ngoài khóc thét, bé còn liếm mép, miệng nhóp nhép, liếm liếm, “mừng húm” khi có một vật gì đó “bay” qua miệng. Tiếng khóc đòi ăn của bé chiếm phần lớn. Chỉ cần có “ti mẹ” hoặc một bình sữa ấm áp, bé sẽ dịu giọng và ngoan ngoãn ngay.

Bé khóc vì tã “nặng trĩu”

Chị Thúy Ngọc (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Thằng Tũn nhà mình thích ‘sạch’ lắm. Chẳng biết bé khác thế nào nhưng khi con tè hay đi ị xong là khóc đòi bố mẹ thay ngay”.

Vì thế “trộm vía” Tũn tuy mới có 2 tuần tuổi nhưng ngủ một mạch tới sáng không đòi ăn, thi thoảng “nhấp nhổm” khóc đòi thay tã thôi.

Các chuyên gia cho rằng một số bé không thể chịu được khi tã của chúng bị bẩn, bị ẩm ướt, nhớp nháp. Thêm vào đó, làn da mỏng manh, nhạy cảm của trẻ sơ sinh đặc biệt mẫn cảm và dễ bị tổn thương bởi chất bẩn. Tự bảo vệ mình trước mọi rắc rối, trẻ “mách” luôn bố mẹ bằng tiếng khóc của mình. Chỉ khi nào tã bỉm khô thoáng, thơm tho sạch sẽ bé mới ngoan.

“Con muốn ị mẹ ơi”

Mẹ ít sữa, cho bé “chiến” sữa ngoài, điều này khiến bé dễ bị táo bón. Những lúc khó ị, bé “rặn” đỏ bừng mặt nhưng không ăn thua. Bé đầu hàng bằng tiếng khóc dấm dứt. Việc cần làm của mẹ đó là nên cho con uống thật nhiều nước và bổ sung thêm nước ép hoa quả.

Lạnh quá hoặc nóng quá

Các bé mới sinh thường được ủ trong nhiều lớp quần áo, tã, khăn hơn bình thường. Các bà mẹ cứ nghĩ bé sẽ lạnh, không đủ ấm vì “không khí bên ngoài sẽ lạnh hơn so với khi bé ở trong bụng, cách tốt nhất là nhồi thật nhiều quần áo”. Đó là một suy nghĩ sai lầm.

Việc bé bị ủ ấm quá mức dù trong thời tiết nóng hay lạnh đều không ổn, điều này khiến bé ra nhiều mồ hôi, gây ốm. Chưa nói đến ốm nhưng nhiệt độ cơ thể, rồi mồ hôi sẽ khiến bé khó chịu, bức bối. Đây là lý do khiến con khóc nhè.

"Con muốn được ôm ấp vỗ về"

Sau khi no bụng, bạn vẫn thắc mắc vô cùng không hiểu tại sao con lại khóc. Đơn giản, bạn chỉ cần gần gũi, âu yếm con, cưng nựng bé một vài phút, bé sẽ dần dần đi vào giấc ngủ trên bàn tay mềm mại của mẹ.

Khi còn nhỏ, trẻ nhỏ luôn có nhu cầu được gần gũi với cha mẹ, được nghe âm thanh quen thuộc của bố mẹ. Do đó, bé gọi người thân bằng... tiếng khóc. Bậc phụ huynh an tâm rằng không phải cứ “bế nhiều là con hư” đâu, mà bạn chỉ cần yêu thương, dịu dàng với bé, cái ôm ấm áp này sẽ khiến bé được trấn an. Bố mẹ hãy yên tâm vì thói quen thơ bé này sẽ thay đổi theo thời gian bé lớn.

“Khách không mời” ký sinh lên người bé

Có thể là một mẩu giấy, một sợi chỉ dính lên người bé, thậm chí là bố mẹ đeo tất chật quá cho con, ngứa da do mặc áo len có lông xù… tất cả điều này đều có thể là nguyên nhân khiến bé khó chịu, tiếng khóc báo hiệu cho bạn điều đó.

Bé hoảng sợ

Bé mới ra đời rất hay bị giật mình, đơn giản chỉ bởi môi trường xung quanh còn lạ lẫm, khó hiểu quá. Tiếng hắt xì hơi quá to của ông, tiếng chú chó kêu gào ngoài xóm hay tiếng bô xe máy rít phì phì ngoài đường cũng khiến bé giật nảy mình thảng thốt và khóc váng nhà.

Chắc chắn, lúc đó bé đang hoảng sợ. Lúc này bố mẹ nên ôm chặt con, thủ thỉ, âu yếm con bằng những câu vỗ về, an ủi, để bé chắn chắn rằng “con không chỉ có một mình, con không cô đơn”.

Sự vỗ về kịp thời này sẽ khiến con ý thức được chuyện gì đang xảy ra xung quanh. Sự hoảng sợ trong bé sẽ dần thay đổi bằng sự tìm hiểu “tại sao lại thế”.

Con muốn ngủ

Con đã no bụng, bỉm thông thoáng, sạch sẽ, phòng yên ắng, mắp bé nhắm tịt lại, chân tay khua khoắng và miệng bé… tru tréo. Đơn giản bé đang muốn được bố mẹ “ầu ơ” để dần dần đi vào giấc ngủ được sâu hơn thôi.

Bé mệt mỏi

Sau một ngày cho bé đến nhà ông bà chơi, bé khóc nhiều hơn, bạn lo lắng con bị sốt, bé không thích nghi khi đến nhà người khác. Thật ra, các bé sơ sinh thường rất khó thích nghi với tất cả những kích thích bên ngoài như ánh sáng, tiếng ồn hay việc di chuyển đi chơi... Và tiếng khóc có thể là cách để bé nói “con muốn được đi ngủ, con mệt lắm rồi”.

Bạn hãy âu yếm con, dành cho con một không gian thoáng và kín gió, ấm áp đặc biệt trong những ngày lạnh như thế này, chắc chắn sau khi bé tỉnh dậy, bé lại vui tươi như bình thường.

Bên cạnh đó, nếu không phải như vậy, bạn có thể kiểm tra con bằng cặp nhiệt độ. Có thể sau một ngày đi chơi mệt nghỉ, con bị ốm.

Bé khóc vì bụng bỗng dưng đau

Nhiều bà mẹ “bó tay” vì không hiểu bé khóc do lý do gì khi bé đã no, sau một giấc ngủ ngon, sâu, sạch sẽ… đau bụng có lẽ là điều bạn nên nghĩ đến vào lúc này. Bạn có thể sờ và kiểm tra xem bụng con thế nào, cứng hay mềm… Nếu âu yếm, xoa bụng mà bé vẫn khóc, bạn không nên chần chừ đưa con tới ngay bệnh viện.

Bé khóc vì mọc răng

Khi thấy bé hay khóc kèm theo những triệu chứng thích gặm cắn đồ vật, cáu kỉnh, chảy dãi, khóc nhè, ngủ không sâu… con không hề ốm nhưng lúc nào tâm trạng cũng khó chịu, bạn hãy kiểm tra lợi và răng của bé.

Nếu bé “lười ăn” những thức ăn quen thuộc, đừng ép bé. Hãy cho bé ăn những món khác, ăn lạnh, ví dụ như rau quả nghiền nhuyễn làm mát từ tủ lạnh, sữa chua, mứt... Cho bé gặm cà rốt, táo, dưa chuột mát khiến cơn "nhức răng" trong bé thuyên giảm.
 



Trẻ hay quấy khóc về đêm phải làm thế nào hả các mẹ?

Trẻ hay quấy khóc về đêm và top 16 nguyên nhân thường gặp

Trẻ hay khóc đêm, làm sao?

Trẻ hay khóc đêm, làm sao?

Bé hay khóc đêm

Chữa bệnh trẻ em khóc đêm


(St)