Bé lười bú vì sao?
Sang tháng thứ 3 bé biếng bú buổi sáng nhưng chiều bú bình thường. Em có cho bé đi khám thì được cho bổ sung kẽm. Em có hỏi tại sao bé biếng bú thì bác sĩ trả lời do bé mới biết lật nên khoảng 5-10 ngày là hết nhưng em theo dõi không được cải thiện.
Nay bé được 3 tháng 20 ngày mà vẫn biếng bú, 3 ngày mới đi đại tiện một lần. Có hôm phải dùng thuốc bơm. Em rất lo lắng về tình trạng sức khỏe của cháu và về vấn đề bú sữa bình, cũng như đại tiện, mong bác sĩ cho lời khuyên. (Dinh Luong)
Trả lời:
Em không nói cân nặng của bé hiện nay bao nhiêu nên không biết tình trạng dinh dưỡng của cháu thế nào? Bình thường bây giờ bé phải đạt 7 kg mới đủ.
Hiện nay bé đang bị táo bón nên cũng có thể là nguyên nhân làm bé biếng ăn. Em nên đổi loại sữa khác xem sao.
Ngoài ra để cải thiện tình trạng táo bón, em có thể cho bé uống thêm men vi sinh 2 gói hoặc 2 ống/ngày, có thể dùng thêm vitamin C giọt: 10 giọt/ngày, uống 2 gói chất xơ hòa tan, xoa bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ từ phải qua trái xung quanh rốn ngày xoa 3 - 4 lần mỗi lần 10-15 phút vào khoảng cách giữa 2 bữa ăn.
Hoang mang vì bé lười bú mẹ
Việc bé bỗng dưng chê ti mẹ khiến tôi cảm thấy rất lo lắng, xin tư vấn giúp tôi!
Hỏi: Tubô nhà tôi hiện được hơn 4 tháng rồi. Bình thường bé vẫn bú mẹ và ngủ tốt nhưng 2 tuần gần đây bé lười bú mẹ hẳn. Bé chỉ bú mẹ với một lượng rất ít và khoảng cách giữa các cữ bú khá thưa, ban ngày khoảng 4 tiếng bé mới bú 1 lần, ban đêm bé không bú cữ nào và ngủ suốt đêm. Tôi cảm thấy rất lo lắng, xin tư vấn giúp tôi!
Nguyễn Thu Thảo (Hải Dương)
Trả lời:
Việc bé bỗng dưng chê ti mẹ, lười bú là chuyện 'thường ngày ở huyện' và khiến rất nhiều mẹ lo lắng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bé lười bú mẹ:
- Bé đang trong giai đoạn mọc răng, lợi của bé bị sưng đau.
- Bầu ngực của mẹ có mùi vị lạ làm bé sợ như: việc mẹ dùng nước hoa, kem dưỡng da, kem giữ ẩm, kem thoa ngực…
- Mùi vị sữa bị thay đổi do chế độ dinh dưỡng từ mẹ.
- Mẹ bị stress kéo dài, làm xáo trộn lịch cho bé bú hàng ngày. Việc không phân biệt thời gian của mỗi cữ bú sẽ làm hệ tiêu hóa của bé hoạt động kém hiệu quả: Bé không phân biệt lúc nào mình đói hoặc cần sữa.
- Một số chứng bệnh khiến bé bị đau và không thoải mái khi bú bao gồm: bé mắc chứng bệnh về tai, mũi; bé có vết loét hoặc vết xước trong miệng; bé bị tưa lưỡi…
- Đầu ti của mẹ cứng hoặc tụt sâu khiến bé ngại bú
- Bé cắn ti mẹ và bị mẹ phản ứng bằng cách la lớn khiến bé bị tâm lý
- Một phần do bé quen với việc bú sữa bình có dòng sữa chảy mạnh, bé không chịu bú mẹ vì nguồn sữa thất thường.
Sau khi kiểm tra xem nguyên nhân bé "chê" ti mẹ, chị có thể bắt đầu cho bé bú lại. Việc kích thích nguồn sữa mẹ dựa trên nhiều phương pháp: Cho bé bú để kích thích tuyến sữa, xoa bóp ngực, ngủ nghỉ hợp lý (8 - 10 h / ngày), tránh căng thẳng, và kết hợp với chế độ ăn uống của mẹ cùng những lưu ý khi dùng thuốc men.
Để bé bú mẹ hiệu quả
- Chị cần tạo lại thói quen bú cho bé: Chia các cữ bú rõ ràng về mặt thời gian. Bắt đầu vào lúc bé đã hơi đói (tránh để bé gắt khóc vì quá đói).
- Đổi cách bế bé khi cho bú, hoặc cho bé bú ở nơi yên tĩnh, hơi tối một chút.
- Cố gắng xác định nguyên nhân bé không chịu bú. Nên đưa bé đi khám để xem bé có nhiễm khuẩn tai hoặc các bệnh khác hay không. Nên kiểm tra nguồn sữa, đặc biệt nếu bé bú thất thường hoặc ngày càng phụ thuộc vào việc bú bình.
- Duy trì việc gần gũi và tiếp xúc bé thường xuyên khi không cho bé bú. Cho bé bú mẹ mỗi khi bé buồn ngủ.
Nguyên nhân khiến trẻ bỏ bú - Khi nào nên cho trẻ ăn dặm và chế độ ăn dặm khoa học, hợp lý
Con trai tôi 5,5 tháng rất biếng ăn, không chịu bú, mỗi lần bú chỉ một tí rồi quay ra. Thấy con không chịu bú tôi đã cho con an thêm nước cháo và bột từ khi 4tháng, nhưng mỗi lần ăn cũng chỉ được non nửa bát ăn cơm thôi . Và cháu rất hay khóc đêm, giấc ngủ không sâu, hay giật mình.Vì thế nên cân nặng của cháu chỉ có 5.8kg.Biết là cháu thiếu cân nhưng tôi không biết làm cách nào để cải thiện sức khoẻ của cháu. có người mách tôi trộn B1 vào bột cho cháu ăn, để ăn nhiều và ngủ ngon hơn, tôi đang băn khoăn không biết có nên làm theo không. Xin các bác cho tôi một lời khuyên nhé. Tôi mới bắt đầu cho cháu ăn thêm cốm vi sinh VIABIOVIT được 2 bữa rồi. tôi đang rất hy vọng vào cách này.Đây là đứa con đầu lòng nên tôi rất hoang mang khi thấy con chậm lớn, và luôn luôn chăn trở vì điều này. Mong các quý Bác gần xa chia xẻ cùng tôi nhé.RẤT CẢM ƠN.
(thuy nga)Trả lời:
Chào bạn, câu hỏi của bạn cũng là sự băn khoan của nhiều bà mẹ. Chúng tôi xin trả lời các vấn đề mà bạn quan tâm như sau:
1. Em bé 5,5 tháng tuổi, lười bú.
Bạn cần tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ bỏ bú mẹ xem bé có bị một trong những nguyên nhân sau không:
- Trẻ bị bệnh, bị nghẹt mũi, bị nấm miệng.
- Trẻ quá nhỏ (dưới 1.800gr), không đủ sức mút vú mẹ.
- Trẻ xa mẹ, không được bú thường xuyên, không có sự tiếp xúc da kề da (hơi ấm) của mẹ (cần gần gũi ẵm bồng và nói chuyện với trẻ thường xuyên, khi cho bú cũng như lúc trẻ chơi. Nên để mẹ ngủ cùng con, cho trẻ bú nhiều lần bất cứ khi nào trẻ muốn).
- Trẻ bú bình (nếu cần thì cho trẻ uống sữa bằng muỗng hay ly).
- Tư thế bú sai, khiến trẻ không ngậm bắt vú tốt (cần bế trẻ đúng tư thế, đầu và thân thẳng hàng, bụng áp sát bụng mẹ, đỡ vai mông trẻ, mũi trẻ phải đối diện vú mẹ)…
Khắc phục:
- Nếu bé lười bú do bệnh tật... thì biếng ăn là chuyện đương nhiên, tốt nhất nên đưa trẻ đi khám bệnh và điều trị bệnh, phải kiên trì dỗ dành cho trẻ ăn ít một, chia thành nhiều bữa trong ngày, khi khỏi bệnh trẻ sẽ thèm ăn trở lại. Lúc này cần phải cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường.
- Cho trẻ bú nhiều lần theo nhu cầu, nếu trẻ lười bú người mẹ cần vắt sữa vào cốc rồi dùng thìa cho trẻ uống. Tuổi từ 2 tháng trở lên bắt đầu trẻ thích quan sát và hóng chuyện, giờ bú hai mẹ con phải vào buồng riêng không có người khác, không có tiếng tivi... để trẻ tập trung bú.
2. Nên cho trẻ ăn đúng theo độ tuổi, chỉ cho ăn bột khi 6 tháng tuổi trở lên và ăn cháo từ một tuổi trở lên.
- Thức ăn đầu đời của bé thường là bột sữa hoặc bột mặn (bột thịt, cá...); trái cây chín mềm (chuối, đu đủ, xoài, hồng...) nạo mịn bằng thìa, khoai tây, bí đỏ, đậu phụ tán nhuyễn trộn sữa... Khi tập ăn dặm, nên cho bé nếm 1-2 thìa loãng rồi cho bú. Nếu bé chịu ăn, không ói ọc, không sình bụng, không bị tiêu chảy, có thể tăng dần. Trường hợp bé có biểu hiện khác lạ, nên tạm ngưng 1-2 tuần rồi mới tập ăn trở lại với lượng thức ăn ít và loãng hơn. Mỗi khi cho bé ăn một loại thức ăn mới, cần theo dõi khả năng hấp thu của bé trong 5-7 ngày, sau đó tăng dần độ đặc và lượng thức ăn và tiếp tục tập thêm một loại thức ăn mới.
- Từ tháng thứ 6, bạn nên cho bé ăn thêm dần các loại rau củ khác nhau. Từ đây bạn bắt đầu cho bé ăn thêm các loại thịt trắng như thịt gà, lợn, bê. Bạn cho tất cả rau củ cùng vài lát thịt thái mỏng vào nấu nhừ và xay nhiễn như bột cho bé ăn, không nên chỉ ninh lấy nước nấu bột. Đặc biệt không cho bé ăn nước xương ninh hàng ngày, xương chỉ cho nhiều chất mỡ, béo, rất khó tiêu, trong khi bé lại cần chất đạm từ thịt.
- Từ tháng thứ bẩy hoặc tháng thứ 8 bạn có thể cho thêm dần các loại ngũ cốc vào bữa ăn của bé như gạo hoặc những thực phẩm làm từ bột mì. Bạn chỉ việc cho cùng ngũ cốc vào nấu cũng các nguyên liệu trên rồi xay như vẫn làm. Bạn cũng cho thêm dần ít muối, thật ít thôi, và chút dầu ăn. Bạn vẫn cho bé ăn khẩu phần sữa buổi trưa nhưng bạn cũng sẽ để ý thấy bé ăn tăng dần số lượng bữa ăn trưa và bỏ dần bữa sữa, điều này là bình thường và nếu bé không còn muốn uống sữa sau khi ăn thì bạn đừng ép, có thể cắt bữa sữa của buổi trưa.
Bữa ăn thêm buổi chiều của bé, ngoài hoa quả nghiền, bạn có thể cho bé ăn thêm một hộp sữa chua, như của Vinamilk là được, vẫn cho bé uống sữa sau đó.
Hoa quả cho bé ăn nguội, sữa chua lấy ra khỏi tủ lạnh 15' cho bớt lạnh trước khi khi cho bé ăn. Nếu bạn thấy bé muốn nhấm nháp một chiếc bánh qui thì cũng cho bé ăn, chọn loại bánh qui bơ, dễ tan, ít đường.
Ngoài ra, bữa ăn tối (ở tháng thứ 8 ), nếu bé bú sữa mẹ thì bạn có thể cho bé ăn thêm bữa ăn dặm, không muộn quá, chọn thực đơn dễ tiêu, tránh các loại rau có ga làm đầy bụng như cải bắp, su hào... Sau đó là khẩu phần sữa buổi tối. Nếu bé ăn sữa bột, không bú mẹ, mà bạn thấy bé chưa cần phải ăn dặm bữa tối thì có thể cho ít bột ngũ cốc nêu có, hoặc nước cháo đặc vào bình sữa bột của bé.
- Từ tháng thứ 9 trở đi hãy cho bé ăn tất cả mọi thứ, bé có quyền ẩm thực như chúng ta, bạn chỉ không cho cay, hoặc không nấu quá mặn, không dùng đường mà thôi.Từ tháng này, bạn cho bé ăn thêm cá tươi, trứng gà nữa. Trứng gà chỉ nên ăn một lần trên tuần, bạn đem luộc chín, tách lấy lòng đỏ, ban đầu chỉ cho ăn một nửa là đủ. Sở dĩ không cho bé ăn lòng trắng là vì lòng trắng vừa khó tiêu lại vừa dễ gây dị ứng ở trẻ.
Nếu bé có biểu hiện thích ăn cháo, bạn vẫn nấu bữa ăn như trên, khi được, bạn vớt lấy phần rau củ, thịt hoặc cá, đem xay nhiễn, để một bên đĩa, phần cháo để một bên, để bé phân biệt mùi vị khác nhau của thức ăn, cháo không bị xay nát, bé rất thích. Vẫn cho bé ăn bữa sữa buổi tối.
Trẻ từ 9 tháng tuổi trở ra sẽ tăng cân chậm, vì vậy bạn đừng sốt ruột. Khi bé được một tuổi hoặc một tuổi rưỡi, bạn có thể chuyển thẳng từ sữa bột sang sữa tươi. Sữa tươi nguyên chất đủ tiêu chuẩn là loại sữa có hàm lượng chất béo là 3,8 %. Ban đầu bạn đem hoà thêm 1/4 nước lọc vào khẩu phần sữa tươi của bé. Nước cam vắt bạn cũng làm tương tự như vậy.Nhớ đừng cho bé uống nước cam vào buổi tối, vitamin C giữ cho bé tỉnh táo và hiếu động hơn.
Nếu ở độ tuổi ăn dặm mà trẻ biếng ăn, cũng cần phải tìm hiểu rõ các nguyên nhân gây biếng ăn của trẻ:
- Tình trạng nhiễm trùng sốt cao trên 39 độ C (dẫn tới ức chế các men tiêu hóa) hay gặp trong viêm đường hô hấp, viêm tai giữa... hoặc trẻ suy dinh dưỡng: những trường hợp này nên bổ sung đa vitamin, vi lượng, yếu tố điện giải (ORS) và men tiêu hóa trong 5 - 7 ngày sẽ giúp giảm triệu chứng biếng ăn.
- Các bệnh toàn thân: Thiếu máu, còi xương lâu ngày... trong trường hợp này cần điều trị bệnh để cải thiện triệu chứng biếng ăn.
- Các biểu hiện viêm loét tại chỗ niêm mạc lưỡi, miệng, họng, răng gây đau cần điều trị đúng nguyên nhân.
- Do chất lượng khẩu phần ăn chưa hợp lý
Trong một thời gian dài nếu ăn không đa dạng thực phẩm mà quá thiên về một loại nào đó có thể gây thiếu các vitamin (đặc biệt vitamin nhóm B nếu ăn gạo xay xát quá kỹ, ít ăn đạm động vật, thiếu vitamin C nếu ít ăn hoa quả tươi...), thiếu các vitamin tan trong dầu như A, D... (do ăn thiếu các thành phần này hoặc do không cho trẻ ăn dầu mỡ trong bữa ăn dặm), thiếu các yếu tố vi lượng (như kẽm nếu ăn ít thức ăn nguồn gốc hải sản, sắt, magiê...), hoặc thiếu lysin (axit amin có tác dụng kích thích khẩu vị tốt trong những trường hợp ăn ít đạm động vật...) dẫn đến thiếu các thành phần quan trọng trong chức năng chuyển hóa, tiêu hóa của cơ thể.
Trong những trường hợp này cần đưa bé đi khám tại các cơ sở chuyên khoa về dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn hợp lý và bổ sung các yếu tố thiếu hụt.
Bạn tuyệt đối không nên nghe lời khuyên trộn B1 vào thức ăn cho bé, nên bổ sung vitamin nhóm B từ các loại cốm vi sinh.
3. Việc sử dụng cốm vi sinh cho trẻ:
Các loại cốm vi sinh cũng có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa nhưng chỉ có tác dụng giúp thức ăn dễ tiêu hơn chứ không làm bé ăn ngon hơn. Trẻ biếng ăn nếu có nguyên nhân rõ ràng như bị bệnh lý, rối loạn tiêu hóa,... thì cần điều trị nguyên nhân. Trong đa số trường hợp, chỉ cần thay đổi cách chăm sóc bé, áp dụng chế độ dinh dưỡng phù họp với tuổi là bé có thể ăn uống bình thường. Các loại thuốc được cho là để điều trị biếng ăn nói chung chỉ hỗ trợ rất ít vào chuyện làm cho bé ăn ngon hơn và chỉ nên dùng nếu được thầy thuốc ghi toa.
Bổ sung dinh dưỡng cho bé lười bú
Ảnh minh hoạ
Một tháng nữa tôi phải đi làm rồi nên thấy con như vậy tôi rất lo lắng không biết phải làm thế nào. Báo Bé và Mẹ có thể tư vấn cho tôi cách cho con ăn tốt nhất ở giai đoạn này. Tôi nên cho cháu ăn những loại thực phẩm gì? Và làm thế nào để cháu có thể bớt biếng ăn? Tôi xin cảm ơn. (Vân Nhi - Hà Nội)
Trả lời:
Chị Vân Nhi thân mến,
Chị không nên quá lo lắng vì căng thẳng có thể gây mất sữa ở mẹ và tình hình sẽ trầm trọng thêm. Chị nên theo dõi quá trình tăng trưởng của cháu để đánh giá sự hấp thụ dinh dưỡng và phát triển cơ thể của bé. Có thể theo chị bé bú ít nhưng quan trọng là lượng sữa bé bú có đáp ứng được nhu cầu của bé không?
Các dấu hiệu cho thấy bé bú đã đủ
- Bé chơi ngoan, nhanh nhẹn, vui vẻ. Bé ngủ ngon giấc, không quấy khóc, không dậy thường xuyên vì bị đói. Bé hơn 3 tháng tuổi có thể ngủ suốt đêm, chỉ thức dậy để bú 1 - 2 lần.
- Bé thải ra ít nhất 6 tã ướt một ngày.
- Bé lên cân đều đặn hàng tháng. Bé ăn nhiều hay ít phụ thuộc vào các giai đoạn phát triển, các bà mẹ thường than rằng con mình ăn quá ít. Đừng quá lo lắng, quan trọng là bé hấp thu được và lên cân, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn.
Cách ăn tốt nhất
Phần lớn các bé bú mẹ hoàn toàn từ lúc sinh rất khó chấp nhận sữa công thức vì bé đã quen với mùi thơm của sữa mẹ và sự mềm mại của vú mẹ. Vì vậy, nếu muốn bổ sung sữa công thức cho cháu, chị nên nhờ một người khác (như bà nội, bà ngoại, chị em gái...) giúp chị cho cháu ăn thêm vào lúc cháu đói, bắt đầu 1 lần/ngày. Bởi nếu chị cho cháu ăn, cháu sẽ ngửi thấy mùi sữa mẹ quen thuộc và từ chối bú sữa ngoài. Chỉ nên bổ sung sữa công thức nếu sữa của chị quá ít. Chị nên tham khảo bài viết sau để kích thích tăng sữa mẹ và cách cho bú bình
Ăn dặm chỉ nên bắt đầu khi bé tròn 4 tháng. Bắt đầu bằng bột gạo dinh dưỡng, rồi đến các loại rau củ quả nấu chín, xay nhuyễn, trộn với sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Từ 6 tháng, bé có thể ăn thức ăn ninh nhừ, hầm nhừ, nghiền nhỏ, quả tươi. Từ 7 tháng, bé làm quen với thịt, bắt đầu bằng thịt gà, cá thịt trắng, lòng đỏ trứng. Tháng thứ 8, bé có thể làm quen với thịt đỏ (bò, lợn, cừu).
Ngoài ra, chị có thể tham khảo thêm trong mục Dinh dưỡng, Nhũ nhi và Tư vấn để có thêm thông tin.
Một số lưu ý khi chuẩn bị đồ ăn cho bé:
- Nước cơm và nước cháo không đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho bé. Gạo là loại thực phẩm nghèo năng lượng và protein. Nếu không bổ sung thêm rau xanh, trứng, mỡ, đạm động vật, bé sẽ không hấp thu được vitamin và khoáng chất cần thiết dẫn đến bị suy dinh dưỡng.
- Nước xương không có nhiều canxi, mà chủ yếu là chất béo từ tuỷ xương. Nếu cứ tiếp tục ninh xương lấy nước nấu cháo, nấu bột, bé sẽ béo mà lại còi xương. Nguồn canxi nhiều nhất là ở các sản phẩm từ sữa (sữa tươi, phomai, bơ, sữa chua...); các loại quả khô (mơ, mận); bông cải xanh... Ngoài ra, việc tắm nắng giúp tổng hợp vitamin D cũng chống còi xương bên cạnh việc bổ sung canxi từ thực phẩm.
- Bé từ 4 tháng tuổi có thể bắt đầu ăn dặm các loại quả nhưng cần phải được nấu chín (trừ chuối, bơ, đu đủ) và xay nhuyễn. Bởi axit trong các loại quả này mạnh so với dạ dày còn non nớt của bé. Các loại quả như cam quít phải đến tháng thứ 8 bé mới được làm quen.
- Bé dưới 12 tháng tuổi không nên ăn đường và muối. Vị giác của bé chưa từng làm quen với các loại thức ăn mới lạ nên bé dễ chấp nhận đồ ăn nhạt. Các bà mẹ không nên vì sợ con biếng ăn mà cho thêm muối, đường vào món ăn cho bé. Muối làm cho thận của bé quá tải, còn đường sẽ khiến cho bé thèm ăn đồ ngọt dễ dẫn đến béo phì, sâu răng.
- Bé từ 4 - 6 tháng mới tập ăn dặm và tiếp xúc với những loại thực phẩm mới. Để phát hiện nguy cơ dị ứng, bé cần ăn từng loại thức ăn riêng biệt trong từ 3 - 5 ngày. Khi bé đã ăn quen và không bị dị ứng, lúc đó mới đổi món thường xuyên cho bé hoặc trộn lẫn các loại với nhau giúp bé ăn ngon miệng.
Để bé bớt biếng ăn
Có thể tình trạng này kéo dài vài ngày và tối đa là 2 tuần, nên chị cần xác định:
Nguyên nhân:
Có thể bé bị cảm lạnh, nhiễm khuẩn ở tai, bị nổi mụn trong miệng (đẹn) hoặc do mùi vị của sữa mẹ thay đổi.
Do nguồn sữa mẹ thất thường. Đôi khi có thể người mẹ và bé cách xa quá lâu, hoặc sau khi bé cắn vú mẹ và bị mẹ phản ứng bằng cách la lớn.
Có khi do bé quen với việc bú sữa bình có dòng sữa chảy mạnh;
Chị nên kiểm tra xem mình thuộc nguyên nhân nào trên đây để có biện pháp cải thiện.