Thịt gà, nhất là gà mái tơ có giá trị dinh dưỡng cao, còn tam thất là một vị thuốc bổ được dân gian quý như sâm (gọi là "sâm tam thất"). Để bồi dưỡng cho phụ nữ sau sinh và người mới khỏi bệnh, dân gian đã kết hợp hai thứ trên trong món gà hầm tam thất. Thịt gà rất giàu đạm, năng lượng, nhiều chất khoáng như canxi, sắt, đặc biệt là photpho. Củ tam thất thuộc họ nhân sâm, vị đắng, hơi ngọt, có tác dụng tán ứ, cầm máu, giảm đau, tiêu viêm, được dùng trị chấn thương, chảy máu, thổ huyết, tê bại, phong thấp. Liều dùng mỗi ngày 4-8g rễ tán bột, hầm với thịt gà ăn hoặc ngâm rượu uống.
Cách chế biến món gà hầm tam thất:
- Nguyên liệu: Gà mái tơ một con khoảng 600-700 g, tam thất thái lát mỏng 12 g, kỷ tử 10 g, long nhãn 10 g, táo tầu 10 quả, gừng, rượu, mắm, muối đủ dùng.
- Cách làm: Làm thịt gà theo cách mổ moi; chặt bỏ mỏ, móng chân, xoa nước gừng, rượu, muối vào bụng và da gà để 10-20 phút cho ngấm và tẩy hết mùi tanh. Sau đó nhồi tam thất, kỷ tử, long nhãn, táo tầu vào bụng gà; bẻ quặt chân đút vào trong bụng gà, để ngửa vào bát to đem hấp cách thủy 2-3 giờ, gà chín mềm là được.
Gà hầm với tam thất có màu vàng, nước gà màu hồng sẫm, thơm mùi thuốc bắc, vị ngon ngọt dễ ăn. |